Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2019

Văn hóa tù binh văn minh Nội Chiến


BM

Cách đây vài hôm một người bạn gởi cho xem một bức hình xưa, phía dưới có hàng chữ ghi chú như sau:

“28/7/1962 VIETNAM: Một du kích Việt Cộng bị thương được chăm sóc sau một cuộc hành quân trong chiến dịch Dân Tiến tại tỉnh Kiến Tường, phía Tây Sài Gòn. Tù binh được quân đội VNCH đối xử một cách nhân đạo. Trong nhiều trường hợp, một số binh sĩ bị Hà Nội ép đưa vào chiến trường miền Nam đã được thả ra cho trở về với gia đình. UPI”

Bức hình này không thể nào là ảnh ghép hoặc dàn dựng để tuyên truyền; UPI là một trong những Thông tấn xã lớn trên thế giới. Mà thật ra đây cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.

BM
  
Những chuyện như vầy xảy ra khá thường xuyên ở miền Nam Việt Nam vào thời chiến; nó nói lên phần nào cách nhìn của người dân miền Nam đối với tù binh cộng sản: dù gì chăng nữa họ vẫn là đồng bào. Một khi họ ngã ngựa ta nên đối xử với họ như con người. Có rất nhiều cảnh lính miền Nam đút cơm cho Việt Cộng bị bắt, bị trói. Thậm chí còn cho uống cà phê, hút thuốc lá. Xin mượn một từ thường bị nhà cầm quyền hiện nay lạm dụng (và lợi dụng) để chỉ việc này, đó là “văn hoá”. Dù đang trong cơn dầu sôi lửa bỏng, dân quân miền Nam vẫn giữ được lối suy nghĩ có văn hoá và tấm lòng bao dung.

Nếu như tháng Năm ở VN người ta “ăn mừng chiến thắng”, thì tháng Năm ở Mỹ có lễ Memorial Day để tưởng niệm chiến sĩ trận vong. Lễ này bắt nguồn từ Nội Chiến 1861-1865, cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Giới sử gia ước lượng con số tử vong trong Nội Chiến là khoảng từ 620,000 đến 750,000 người, tức hơn cả số lính Mỹ chết trong tất cả các cuộc chiến tranh ở nước ngoài cộng lại. Ngoài các người tử trận, số binh sĩ chết trong các trại tù của hai miền Bắc Nam gần bằng tổng số lính Mỹ tử trận tại Việt Nam. Nhưng số tử vong trong tù của Mỹ cao đến như vậy là do tình trạng thuốc men và thực phẩm bị thiếu thốn, chứ không do bị ngược đãi hay lao động cải tạo.

BM
TT Lincoln (thứ 3 từ trái) và Nội Các tuyên bố “Giải Phóng Người Nô Lệ”.

Thời Nội Chiến các tướng Mỹ của cả hai bên đối xử với tù binh dựa trên những quy tắc đến từ Âu Châu đã có sẵn. Trong thời gian đầu, khi miền Bắc chưa công nhận miền Nam là một chính thể độc lập, hai bên không có thoả thuận chính thức nào về việc trao đổi tù binh. Tuy nhiên các vị tướng vẫn tự trao đổi tù binh với nhau theo một quy luật bất thành văn là một-đổi-một. Lính trơn đổi với lính trơn. Sĩ quan đổi với sĩ quan (cùng cấp). Một sĩ quan bằng 15 binh sĩ v.v.

Ngoài ra, hai bên còn đồng ý sử dụng một quy chế gọi là “parole”, tạm dịch là tù treo. Người bị tù treo chỉ bị tạm giam một thời gian ngắn, lấy lý lịch, rồi được thả với điều kiện họ không cầm súng hay phục vụ cho quân đội mình trong bất cứ tư cách gì, đến khi nào có một tù binh tương đương được trả về phía bên kia theo diện tù treo. Nhờ quy chế parole số nhà tù cũng như số lượng tù nhân trong những năm đầu cuộc chiến khá thấp.

Sau một thời gian, hai miền Nam Bắc ký một văn bản để chính thức hoá việc giam giữ và trao đổi tù binh. Nhưng không được bao lâu thì gặp trục trặc. Ðầu năm 1863, trong một nghị quyết táo bạo mang tên Emancipation Proclamation (tạm dịch “Tuyên Ngôn Giải Phóng”), Tổng thống Lincoln dùng quyền Hành Pháp tối cao để tuyên bố “tất cả những người nô lệ da đen trong các tiểu bang phản nghịch [tức miền Nam] từ giờ trở đi được làm người tự do”, và “những người nào đủ điều kiện sức khoẻ có thể tham gia quân đội chính phủ [Union]”… 

 BM
Nghĩa Dũng Đài tại Nghĩa Trang Quân Đội VNCH sau 1975.

Tuyên ngôn này của Lincoln là một độc chiêu chính trị và quân sự nhằm đánh vào thực lực của phe miền Nam (lúc đó đang bắt người nô lệ phải làm tạp dịch trong quân đội) đồng thời nó cũng giúp tăng cường lực lượng cho quân đội miền Bắc. Ðược bất thần “trả tự do”, nhiều người da đen trốn ra miền Bắc; quân lực miền Nam vốn đã ít ỏi hơn, giờ lại càng thiếu thốn nhân sự.

Trong khi đó thì số người da đen nhập ngũ quân đội Union tăng vọt; nhiều đến nỗi cả một sư đoàn Lính Da Màu được thành lập và tạo nhiều thành tích vẻ vang trên chiến trường.

Việc này tất nhiên dẫn đến tình trạng có một số lính da đen bị bắt làm tù binh sau các trận đụng độ. Nhưng vì đầu óc người Mỹ ở miền Nam thuở ấy còn quen kỳ thị, cho rằng người nô lệ da đen không thể nào bằng người da trắng, nên họ không chấp nhận chế độ “một đổi một” như trước. Hai bên thương thuyết không thành, tù binh chiến tranh bị kẹt giữa hai lằn đạn. Kết quả là số lượng tù binh tăng, số nhà tù tăng, số người chết trong tù cũng tăng. 

 BM

Thống kê sau chiến tranh cho thấy trong tổng số khoảng 400,000 tù binh của cả hai bên, 30,000 lính Union đã chết trong các trại tù ở miền Nam (khoảng 15.5% số tù binh) so với 26,000 lính Confederate chết trong các trại tù miền Bắc (khoảng 12%). Trại tù khét tiếng Andersonville ở Georgia là một thí dụ. Nơi đây từng giam giữ chừng 40,000 tù binh Union, trong đó 13,000 người (28%) đã qua đời trong tù.

Văn hoá của người Mỹ còn được thể hiện rất rõ tại các nghĩa trang quân đội của họ. Ði đâu ta cũng thấy các khu mộ dành cho binh sĩ của bên thắng cuộc và thua cuộc được chăm sóc đàng hoàng tử tế. Nhiều nơi lính của hai phe còn được chôn cạnh nhau. Người Mỹ tuy không tự hào có bốn ngàn năm văn hiến, không có chữ “đồng bào” theo ý nghĩa “một mẹ trăm con, cùng một bầu mà ra” như người Việt ta, nhưng xem ra họ lại văn minh hơn ta trong việc hòa hợp hòa giải sau Nội Chiến.


Lan Bùi

BM

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: