Trịnh Công Sơn ưa sầu não bằng những suy niệm triết học, bằng lời Phật hay bằng tên Phật nhưng càng nghe càng thấy nhạt, thấy bóng Phật bé lại. Bùi Giáng thì khác. Chỉ những lời vu vơ thông tục nhưng càng đọc càng thấm, càng thấy bóng Phật đậm ra.
Như “Lẫn Lộn Lung Tung”, một trong những bài thơ được xem là “điên” nhất của Bùi Giáng, bài thơ mà chúng ta có thể cảm nhận theo nhiều hướng khác nhau và, nếu đầu óc chỉ thoáng nghĩ đến lời Phật thôi thì, giữa những chữ nghĩa “lẫn lộn” đó, bóng Phật sẽ hiện ra, lồng lộng:
Tôi gọi Mỹ Tho là Mỹ Thỏ
Mỹ Thọ muôn đời là Lục Tỉnh hôm nay
Tôi gọi Sóc Trăng là Sóc Trắng
Gọi người sương phụ gái thơ ngây
Tôi sẽ ra đi bỏ lại đời
Mỹ Tho, Mỹ Thọ, Sóc Trăng ơi!
Mỹ Thỏ muôn đời là Sóc Trắng
Gái mặc quần ra đứng ngó trời
“Mỹ Tho” mà gọi là “Mỹ Thỏ” thì quả là “lẫn lộn” nhưng đến “Mỹ Thọ muôn đời là Lục Tỉnh hôm nay” thì tứ thơ đã khác. Chữ nghĩa không còn “lung tung” nữa mà ngưng đọng lại, đặc quánh theo độ nén của không gian và thời gian.
Cơ hồ, mối quan hệ lịch sử - địa lý trên một vùng đất với bề dày trên 150 năm kể từ thời vua Minh Mạng đã cô đọng lại trong vỏn vẹn một câu thơ. Nếu lịch sử thể hiện ý nghĩa thời gian của đất thì địa lý là mối quan hệ không gian giữa những sông, núi, vùng, miền. Nếu “Lục Tỉnh” là tên gọi của vùng đất phương Nam khi quyền lực chính trị tập trung tại Huế, thì “Mỹ Thọ” lại có thể là cách phát âm khi những người con xứ Huế đọc chữ… Mỹ Thỏ![1]
Chữ “Mỹ Tho” là biến thể Việt hóa từ phương ngữ Khmer “xứ của mỹ nhân” và, như một địa phận hành chánh mà chúng ta hiểu hôm nay, lúc đó Mỹ Tho vẫn chưa ra đời. Mỹ Tho, như một tỉnh, phải đợi đến đầu thế kỷ 20, khi Minh Mạng không còn nữa mà con cháu nối ngôi cũng bị tước hết chủ quyền. Và Mỹ Tho, như một thị xã tỉnh lỵ, thì phải chờ đến sau cuộc đổi đời khác, vào năm 1976.[2]
Nhà thơ “lẫn lộn” bởi tên của một vùng đất có thể thay đổi “lung tung” theo những thăng trầm lịch sử, theo cách phát âm của từng toạ độ địa lý. Nhưng nhà thơ lại cố tình “lẫn lộn - lung tung” với Sóc Trăng - Sóc Trắng chỉ để tái điệp ý tưởng trên về sự biến dịch: “gái ngây thơ” rồi sẽ là “sương phụ”, sau một khoảng cách thời gian; và từ “gái ngây thơ” đến “sương phụ” lại là những bể dâu thân xác, theo từng giai đoạn đời người.
Ai dựng thôn quê thành phố xá
Vì đâu bãi cát hóa lâu đài…
Chúng ta có lịch sử chung cho đất nước và có những “lịch sử” riêng cho từng phần số. Chúng ta có cảnh dâu bể trên từng cuộc đất quê hương và những bể dâu nhục thể của từng cá nhân khi những miền cong phơi phới sức phồn thực đã rệu rã sự sống, rạn vỡ những vết chân chim tuổi tác.
Đó, toàn bộ những điều như thế, chính là… đời. Đời với những thay đổi, những biến dịch và những dâu bể riêng, chung. Đời với những cái tên, những ý nghĩa biểu đạt tùy tiện khoác lên sự vật và thiên nhiên, những danh phận và những bổn phận luân lý áp đặt lên phận người.
Và đời còn là dấu chấm hết, cuối cùng, sau khi đi trọn những biến dịch và bể dâu ấy, chúng ta sẽ ra đi, bỏ lại.
Bỏ lại hết, bỏ lại những Mỹ Tho, Mỹ Thọ, bỏ lại “Mỹ Thỏ muôn đời là Sóc Trắng”, bỏ lại những danh phận “ngây thơ” hay “sương phụ” nhưng để đi về đâu?
Gái mặc quần ra đứng ngó trời
Trời là trời đất, là thiên nhiên, vũ trụ. Bóc trần lớp vải vóc che đậy da thịt ấy là một tiểu thiên nhiên “dày dày đúc sẵn”. Mà bóc trần lớp vỏ bọc bằng ngôn ngữ hằng che đậy cái hơn-là-thân-xác lại là những tiểu thế giới của cái tôi!
Mỗi cái tôi là một thế giới riêng, hiểu là “tiểu ngã”. Mà từng cá nhân như thế lại là một phần cực kỳ nhỏ bé của thiên nhiên vũ trụ, như một thế giới rộng lớn bao trùm, hiểu là “đại ngã”. Từ tiểu ngã, Bùi Giáng đã hướng về đại ngã và, qua những câu thơ “lẫn lộn lung tung”, bóng Phật đã hiện ra, lồng lộng!
Trịnh Công Sơn thì ngược lại, như trong ca khúc “Này Em Có Nhớ”:
Chúa đã bỏ loài người
Phật đã bỏ loài người
Này em xin cứ phụ người.
Này em xin cứ phụ tôi,
Đời sống quanh đây có vạn lời mời,
Đời sống quanh đây tiếng người mừng gọi em vào.
Đời đã quen với những kiếp xa nhau.
Chúa đã bỏ loài người
Phật đã bỏ loài người
Này em xin cứu một người.
Này em hãy đến tìm tôi
Vì những con sông đã cạn nguồn rồi,
Vì gió đêm nay hát lời tù tội quanh đời
Về cùng tôi đứng bên âu lo này.
Chúa đã bỏ loài người
Phật đã bỏ loài người,
Này em có nhớ cuộc đời.
Này em có biết loài người.
Này em có nhớ gì tôi
“Cái đồ sộ, chế ngự được, thành ra cái cao cả” (André Maurois)[3] và, dù tác giả vận dụng những hình tượng thật đồ sộ và cao cả, thì cái thứ tình yêu thể hiện trong những lời rên rỉ “Này em xin cứu một người” - “Này em có nhớ gì tôi” ấy khó mà nói là một tình yêu thực sự trưởng thành, chứ đừng nói là… đồ sộ, cao cả! Đau đớn vì tình, một đứa trẻ mới lớn có thể thấy cả thế giới sụp đổ dưới trái tim tan vỡ của mình, thấy không còn gì để bám víu kể cả niềm tin tôn giáo, và đó là điều dễ hiểu nhưng, trong những nỗi đau đớn lớn lao và cao cả mà nhân loại hằng trăn trở, đâu có vị trí tươm tất nào cho cái nỗi đau… dễ hiểu đó? Phật đâu hề từ bỏ ngai vàng để tìm đường giải thoát cho đám trẻ mới lớn thất tình? Và Chúa cũng đâu hề chịu đóng đinh để cứu rỗi cho những kẻ vấp ngã khi chập chững bài vỡ lòng yêu?
Trịnh Công Sơn, như thế, đã hoàn toàn khác với Bùi Giáng. Bùi Giáng hồn nhiên đùa giỡn nhưng đưa chúng ta vượt qua cái tiểu ngã tầm thường để hướng đến những tầm vóc đồ sộ và cao cả. Trịnh Công Sơn thì ồn ào và xôm tụ với cái đại ngã đồ sộ ban đầu chỉ để co rút lại trong cái tiểu ngã nhỏ nhoi bé mọn nên, vô hình trung, hình Chúa và dáng Phật mượn hơi cũng phải nhỏ nhoi theo.
Bài hát trên, cũng như một số bài hát khác của Trịnh Công Sơn, bộc lộ khát vọng triết lý hóa những ý tưởng nhân sinh hay biểu lộ cảm xúc, nhưng đâu phải cứ dẫn tên Phật hay lời Phật thì nghiễm nhiên mang Phật tính, đâu phải cứ dẫn ra dăm câu sực nức mùi triết lý là toát lên tinh thần triết học?
Trong khuôn khổ của một ca khúc hay một bài thơ, chẳng ai có thể đào bới đến tận cùng những ý nghĩa triết học qua một hình tượng nghệ thuật, một ý tưởng nhân sinh hay một biểu lộ cảm xúc nhưng, ít ra, tinh thần triết học đó phải thể hiện khi người nghệ sĩ tái điệp những hình tượng, ý tưởng hay biểu lộ đó. Hoặc, mở rộng ra về kích thước, hướng tới một tầm vóc đồ sộ và cao cả hơn: từ tình yêu của cá nhân hướng đến tình người, tình nhân loại... Hoặc, đào sâu vào thế giới vi mô, từ sợi tóc nhỏ chẻ ra làm tư, làm tám, làm mười sáu, ba mươi hai: từ nỗi đau hay niềm hoan lạc của việc chung đụng da thịt mà đi tới những ngóc ngách mẫn cảm trong từng tế bào, từng hạt hồng cầu v.v…
Trên khía cạnh này thì Phạm Duy đã làm được khi thể hiện khuynh hướng với đến những tầm vóc vĩ mô trong khi Trịnh Công Sơn, phần lớn, chỉ loay hoay quanh quẩn, chỉ sàn sàn sau trước đều đều!
Thí dụ như “Tình Sầu”, của Trịnh Công Sơn:
Tình yêu như trái phá
Con tim mù lòa
Một mai thức dậy
Chợt hồn như ngất ngây
Chợt buồn trong mắt nai
Rồi tình vui trong mắt
Rồi tình mềm trong tay.
Tình yêu như vết cháy
Trên da thịt người
Tình xa như trời
Tình gần như khói mây
Tình trầm như bóng cây
Tình reo vui như nắng
Tình buồn làm cơn say
Trước sau chỉ vậy, chỉ là những so sánh, những liên tưởng thi vị nhưng đều đều, đều đều, và đến lúc kết lại “Tình cho nhau môi ấm / Một lần là trăm năm” cũng chỉ “đều đều”một hình tượng sáo mòn để tình yêu ấy, qua diễn tả của tác giả, vẫn tiếp tục là… tình yêu ấy. Mở đầu, Trịnh Công Sơn ném ra một trái banh quần vợt. Kết thúc ca khúc, người nghe vẫn nhìn thấy tình yêu ở vóc dáng của trái banh quần vợt ấy.
Phạm Duy thì cố gắng bơm và đẩy để trái banh ấy có thể bay lên cao hơn, càng lên cao càng lớn, thoạt đầu là trái bóng cho 22 người lăn xả tranh giành, rồi là quả khí cầu bay lẫn vào mây, lên cao nữa là mặt trăng, quả đất, mặt trời, v.v...
Như trong “Lời chào bình yên”, viết vào thập niên 70 của thế kỷ 20:
Mang giầy vớ tốt, mang khăn áo lành
Tôi chào đất nước tôi nay thái bình
Tôi cúi lưng xin chào anh
Tôi đứng lên, tôi chào em
Tôi vói lên cao, chào Ðức Tin
Tác giả liên miên chào. Chào “những bác nông dân ít lời”, chào “chiến sĩ đang ôm súng ngồi”, chào từ “vũng nước trong xanh, tháng hè” đến “đứa bé sơ sinh khóc oà”, đến “đám cưới đi ngang trước nhà” v.v… và hướng tầm mắt ra khỏi biên giới quốc gia:
Tôi chào trái đất xinh xinh giữa trời
Tôi chào thế giới chung nhau giống người
Chia với nhau dăm biển to
Dăm núi cao băng lạnh co
Hay mấy khu sa mạc nắng khô
Để rồi quay lại với đất nước tang thương của mình,trong giấc mơ hòa bình:
Tôi chào ý nghĩ chia vui chúng mình
Chia buồn, sẽ sống chung nhau thái bình
Chia nước ngon, chia hột cơm
Chia áo khăn, chia mảnh tôn
Ta bắt tay nhau chào tiếng hân hoan.
Lời... lời chào bình yên
Think globally, act locally, những thế hệ “công dân toàn cầu” hôm nay vẫn hằng nhắc nhau gìn giữ sự bình yên của trái đất như thế, cái phương châm hành động nở rộ khi nhân loại chuyển mình với những khái niệm global village, globalizaton hình thành từ thập niên 90 của thế kỷ 20. Thế nhưng trước đó, từ tận thập niên 70, Phạm Duy đã từ quê hương khói lửa của mình nhìn ra thế giới rộng lớn bên ngoài để rồi quay trở về với mảnh tôn lợp trên lớp cột kèo sém màu than lửa giữa những làng quê xơ xác vì chiến cuộc.
Hay trong một ca khúc khác, “Tìm nhau”, Phạm Duy cũng đã thể hiện được cái nhìn “bao la phơi phới” như thế:
Tìm nhau trong hoa nở
Tìm nhau trong cơn gió
Tìm nhau trong đêm khô hay mưa lũ
Tìm nhau khi nắng đổ
Tìm nhau khi trăng tỏ
Tìm nhau như chim mộng tìm người mơ
Tác giả mải mê tìm, tìm “trong câu thơ cổ”, tìm “qua tranh Tố Nữ”, tìm “trên môi đương ca câu thương nhớ”, tìm “sâu trong muôn thuở”, để rồi “Gặp nhau trong hơi thở của cuộc đời” và:
Gặp nhau trong Nhân Tình đầy Bác Ái, ơi người
Gặp nhau trong kinh cầu một hồi chuông.
Nhưng vẫn chưa đủ, phải tiếp tục tìm, tìm “trong bom lửa”, tìm “trên kinh đô xây trong xương máu” v.v… và:
Tìm xem trong kinh sử
Tìm tương lai sáng tỏ
Tìm nhau khi nhân loại được trùng tu
“Trùng tu” nhân loại là giấc mơ bao đời của con người, của những nhà sáng lập tôn giáo và hành trình “đi tìm” của nhạc sĩ luôn mở rộng về tầm vóc để khi gặp nhau cũng thế, vĩ đại, cao cả mà gần gũi:
Gặp nhau trong vinh dự của đời người, người ơi
Gặp nhau dưới Đức Tin bao la phơi phới
Gặp nhau trong cơ khổ của thế giới, ơi người
Gặp nhau, đôi tâm hồn được nghỉ ngơi
Lúc “tâm hồn được nghỉ ngơi” cũng là lúc chúng ta đạt tới cõi vô ưu, cứu cánh của mọi tôn giáo.
Phạm Duy đâu hề nêu tên Chúa hay tên Phật, nhưng tại sao từng tín đồ của Chúa vẫn có thể nhìn thấy bóng dáng Chúa của mình, từng Phật tử cũng có thể nhìn thấy dáng người Thầy vĩ đại của mình? Tại sao Bùi Giáng chỉ bông lơn đùa bỡn mà chúng ta có thể cảm nhận được thân phận bé mọn và tạm bợ của mình trước cõi vũ trụ vĩnh hằng?
Tính triết lý của một bài thơ hay bài hát sẽ bàng bạc hay thâm thúy trầm lắng trong cách tác giả tái điệp những hình tượng nghệ thuật, những ý tưởng nhân sinh hay biểu lộ cảm xúc của mình.
Nó không nằm ở những phát ngôn xanh rờn của những tên tuổi xanh rờn mà tác giả nấp bóng.
Đó chỉ là trò kiểu cọ, làm dáng...
10.7.2018
_________________________
[1]Đây là cải cách hành chính của Vua Minh Mạng năm 1832 , theo đó Gia Định Thành bị bãi bỏ, 5 trấn của Gia Định Thành được đổi thành “Lục Tỉnh” gồm Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên.Mỹ Tho thuộc về địa phận của tỉnh Định Tường. Hai năm sau (1834), vùng Lục Tỉnh được gọi chung là Nam Kỳ và từ đó danh xưng “Nam Kỳ Lục Tỉnh” hình thành. Cơ cấu hành chánh này tồn tại đến tới năm 1862 khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông, sau đó, năm 1867, Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây.
[2]Nhiều tài liệu cho rằng Mỹ Tho là do người Việt phát âm dựa theo từ Mê Sor của người Khmer, có nghĩa là “xứ có con gái trắng đẹp”. Nếu là một tỉnh thì Mỹ Tho ra đời vào ngày 1 tháng 1 năm 1900, trên phần lớn đất đai của tỉnh Định Tường. Đến tháng Hai năm 1976 danh xưng tỉnh Mỹ Tho bị xóa, Mỹ Tho chỉ còn tên thị xã tỉnh lỵ, trung tâm của tỉnh Tiền Giang. Hiện Mỹ Tho là “đô thị lọai I’ với danh hiệu “thành phố Mỹ Tho”.
[3]“L’énorme, dompté, devient le sublime”: lời của André Maurois, Võ Phiến trích dẫn trong “Tác phẩm lớn, tác phẩm nhỏ”, in trong Võ Phiến Tuyển tập (nxb Người Việt, California, 2006).
---------------
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét