Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2018

Văn học là nhân học


Khi còn là học sinh phổ thông tôi được dạy như vậy, tuy nhiên khi ấy tôi cũng chưa rõ “nhân học” là gì? Ngày nay, càng ngày tôi càng hiểu ra “Quả đúng là văn học là nhân học!”. Văn học nói lên tư chất và nhận thức,… nó nói lên tất cả về bản thân người viết nói lên bối cảnh xã hội, về nội dung muốn truyền đạt, đối tượng người cần truyền đạt…
Tóm lại nói về hết tất cả mọi thứ. Vậy nhưng chúng ta không quan tâm, hay nói đúng hơn mấy cái bộ Thông Tin Truyền Thông, mấy cái hội Nhà Văn, mấy cái bộ Giáo Dục,.. các trường phổ thông , đại học từ thấp đến cao… đều không đả động đến việc nghiên cứu và dạy văn.
Những bạn không tin điều trên thì hãy tự đặt câu hỏi cho mình:
– Thế nào là một đoạn văn? Thế nào là nội dung truyền đạt, tức một ý?
– “Dùng dấu “,” (dấu phảy) thế nào? “; dùng các loại dấu câu thế nào?
– Hành văn là gì? Giá trị “nhân học” trong việc phân tích một câu văn, một tác phẩm bao gồm những gì?
– Thế nào là ngữ pháp, thế nào là chức năng của từ?
Chúng ta thử bắt đầu bằng đoạn văn là gì? Tôi cũng đang phải sử dụng công cụ ngôn ngữ để truyền đạt, vậy các bạn tự theo dõi cách tôi sử dụng các dấu câu, cách tôi phân đoạn văn, để phản bác lại ngay thứ mà tôi đang viết ra.
Rất nhiều sinh viên khi được hỏi về đoạn văn là gì thì trả lời “đoạn văn là xuống dòng, hết một ý”. Vậy khi hỏi ý là gì thì thường là không thể trả lời được. Các vị đang đọc tút này cũng thế thôi, chắc chắn các vị tự cho rằng mình biết tiếng Việt. Chả nhẽ không biết đến đoạn văn là gì mà “nói liên tục suốt ngày, viết lăng nhăng hết dự án này đến dự án kia … Đọc hết tút này, các bạn có thể tự tiến hành kiểm tra và hiểu ra rằng rất nhiều người chưa bao giờ đặt vấn đề hiểu rõ công cụ ngôn ngữ thế nào trước khi sử dụng!”. Hãy tạm chỉ nói về thế nào là một đoạn văn!
Hẳn ai từng học toán, chắc còn nhớ toán thì có các chứng minh. Chứng minh toán học là để khẳng định sự đúng sai, dựa trên việc công nhận một số thứ đã được cho là đúng. Văn thì cũng như vậy, nó thuyết phục người đọc tin và làm theo trên những điều đã được cho là đúng. Như vậy văn học là thứ khoa học bao trùm mà toán học chỉ là một phần. Mỗi một thuyết phục, được coi là một đoạn văn và chúng được phân tách bởi dấu xuống dòng. Cấu trúc của mỗi đoạn văn bao gồm các yếu tố cần để thuyết phục “A”, quy tắc thuyết phục “A=>B” và điều cần thuyết phục “B”.
Có thể phải nhắc lại một ít về từ loại, tức chức năng của nó trong câu. Nếu chúng ta vì một cái gì đó để viết ra thì cái đó là chủ ngữ. Chủ ngữ có thể là danh từ như “Đinh La Thăng” và nếu có thể đoán ra được thì danh từ có thể được thay thế bằng đại từ như “anh, tôi, ông ấy, nó….” . Các thay thế này chỉ có tác dụng trong đoạn văn mà nó được sinh ra mà thôi. Văn học cũng chính xác như toán học, mỗi đoạn văn là một khẳng định độc lập. Ở đoạn văn mới các đại từ ngầm định phải được tái gán nội dung.
Thuyết phục một người tức là chuyển trạng thái tâm sinh lý của họ từ trang thái này sang trang thái khác. Như thế một bài viết na ná như một thang thuốc bắc, mà các đoạn văn là các vị thuốc. Trong thang thuốc đó có vị là chủ đạo, có vị bổ trợ, vị dẫn thuốc… Như thế các đoạn văn được phân vai, có đoạn để minh chứng cho yếu tố nào đó cần cho suy diễn là đúng, có đoạn thuyết phục nên sử dụng quy tắc suy diễn nào là đúng.. có đoạn đóng vai trò trạng để nói lên thời gian địa điểm hay nguyên nhân, cứ như thế mà hình thành ra bài viết.
Thường thì các đoạn văn thành phần xuất hiện một cách liên tục, đoạn nọ sau đoạn kia theo trình tự thời gian hoặc không gian. Trình tự này phản ảnh kết nối hệ lụy giữa các sự kiện. Giữa các đoạn có thể có một câu dẫn dắt thể hiện sự liên kế nghĩa nào đó để người đọc không bị bất ngờ. Cũng có thể xuất hiện sự liên kết đoạn mới không theo trình tự thời gian hay không gian mà theo trình tự thuyết phục. Khi đó tính liên tục của thời gian và không gian bị phá vỡ. Hình thức này được gọi là lập thể. Picaso là người đầu tiên đưa lập thể vào hội họa và vào năm 1925 Эйзенштейн đưa khái niệm về tính lập thể vào điện ảnh trong bộ phim Chiến Hạm Pochomkin.
Nếu bài viết quá lớn người ta phân ra chương hồi, mỗi chương hồi có một tác dụng na ná như đoạn văn, nhưng phức tạp hơn.
Một đoạn văn là một quá trình lập luận để thuyết phục người đọc dựa trên các quy tắc suy diễn. Các quy tắc suy diễn đôi khi là ngầm định đã được mọi người chấp nhận. Ví dụ như “con mèo thì tất nhiên là bắt con chuột”; “chuồn chồn bay thấp thì mưa”, “cho cả lớp tát một học sinh phổ thông 200 cái thì là tội ác”…. Những quy tắc suy diễn ngầm định ấy không cần chúng ta phải viết ra mà người đọc tự hiểu. Tập hợp tất cả các ngầm định tự hiểu được ra đó được gọi là văn hóa. Vậy chúng ta chỉ có thể hiểu tốt một tác phẩm văn học, hay thậm chí chỉ là một câu nói — nếu chúng ta có cùng văn hóa với người viết. Nói một cách khác chúng ta chỉ có thể viết ra một tác phẩm văn học nếu chúng ta hiểu được văn hóa của người đọc. Điều này hàm ý chúng ta phải xác định đối tượng người đọc trước khi viết. Và trước đó chúng ta cần phải hiểu văn hóa là gì? Khi tôi đang viết cho các vị đọc đây, tôi hình dung các vị đang bị choáng vì chợt nhận ra nhiều thứ quá quan trọng mà mình hầu như không để ý. Nếu tôi bảo các vị là một lũ “vô văn hóa” thì thật là bất tiện (tôi đành phải sử dụng dấu nháy — dấu nháy, viết nghiêng, là các thủ thuật được dùng khi muốn nói ý khác với ngầm định ngữ nghĩa, hay khác với ngầm định ngữ pháp).
Rất có thể ai đó trong số các bạn mong muốn tôi giải thích văn hóa là gì? Chúng ta sẽ nói về việc này sau, nó cũng hơi dài. Vậy chúng ta sẽ chỉ nói về một góc cạnh nhỏ của khái niệm văn hóa đủ để hiểu những gì tôi trình bày ở trên. Văn hóa là các quy tắc định hướng suy diễn. Có 3 quy tắc chính. Quy tắc mà chúng ta hay dùng và hay gây ra các chuyện kinh thiên động địa khi bị ai đó đưa ra nhận xét “vô văn hóa” là thứ văn hóa hàm ý “hệ thống các ngầm định không giống với đa số những người xung quanh”. Những bạn ở quê thì biết ông bà thường nhắc nhở “chó đẻ thì đừng nghịch con của nó, mùi khác đi là chó mẹ nó cắn chết con”. Con chó con bị cắn chết là bởi mùi của nó khác với các con còn lại — đó là không cùng chung văn hóa. Nếu một cô gái “trần như nhộng” đi dạo Hồ Gươm thì sẽ bị coi và vô văn hóa, và sẽ bị bắt nhốt (có bị đánh hay không còn tùy thuộc văn hóa của các quan Phụ Mẫu!). Chân củ lạc muốn che dấu bằng áo quần, cô gái cân đối xinh đẹp muốn phô ra. Đơn giản là, cô gái không “giống” như mọi người. Văn hóa là thứ để cộng đồng tự bảo vệ mình, nó sẽ đào thải các mầm mống văn hóa khác lạ. Chó thuộc loại mù màu đừng giải thích cho chó. Người thuộc văn hóa này sẽ khó có thể hiểu được văn hóa khác. Vì vậy để tránh các cuộc chiến tương tàn, chúng ta cần phải học văn học, cần phải giao lưu, để hiểu các hình thái văn hóa khác nhau. Hiểu được cách suy diễn của nhau.
Viết bởi Nhà toán học Nguyễn Lê Anh,

Không có nhận xét nào: