Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2018

Chuyện về một người con nuôi của nhà thơ Xuân Diệu


Toàn bộ tư liệu vừa được công bố trên lưới toàn cầu, dịp cuối năm 2018 này. Có một văn bản viết tay có chữ kí của ông Huy Cận, cho biết Xuân Diệu sinh năm 1916 và mất năm 1985. Tức là Xuân Diệu mất năm 70 tuổi (theo cách tính truyền thống).
Đại khái, nội dung các tư liệu chỉ nhắm đến mọi sự thừa kế sau khi Xuân Diệu mất mà thôi. Không có văn bản nào mang tính tư liệu khả dĩ xuất hiện trước năm 1985.  

Đọc Trần Đăng Khoa những lần thăm Xuân Diệu, hình như không thấy bác Khoa nhắc đến sự hiện diện rõ ràng của một người con nuôi nào (sẽ kiểm tra lại sau, bây giờ tạm ghi ở đây là "hình như").

Con nuôi mà không mang họ của bố nuôi. Con nuôi mà mà vẫn gọi "bố nuôi" là "bác", mà không gọi là "bố". Nhờ bác nào thạo về luật dân sự, hãy cho biết rõ hơn về luật nhận con nuôi của Việt Nam từ sau năm 1945 (và sau 1954).


Đại khái thế.

Dưới là toàn văn văn bản bà Nguyễn Thị Dương Hà vừa đưa lên.

---








.




Bởi AdminTD

29/12/2018

LS Nguyễn Thị Dương Hà

29-12-2018
Trong bài “Chính quyền Hà Nội vs gia đình ông Cù Huy Hà Vũ” đăng trên Tiếng Dân ngày 25/12/2018, tôi tố cáo chính quyền Hà Nội vào ngày 23/10/2014 đã cưỡng đoạt một phần nhà đất của gia đình chúng tôi – gia đình cố Nhà thơ Xuân Diệu tại 24 Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội – và hiện nay chính quyền này đang nhăm nhe cưỡng đoạt nốt nhà đất của gia đình chúng tôi.
Cụ thể là ngày 13/12 vừa qua, chính quyền Hà Nội lập biên bản về việc vợ chồng tôi “đang xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng” tại 24 Điện Biên Phủ. Đây là một sự bịa đặt trắng trợn và lố lăng của chính quyền Hà Nội vì vợ chồng chúng tôi chưa về lại Việt Nam sau khi sang Hoa Kỳ vào ngày 06/4/2014 theo thỏa thuận giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Hoa Kỳ. Lẽ dĩ nhiên mục tiêu của sự bịa đặt trên của chính quyền Hà Nội là đập phá nhằm tiến tới cưỡng đoạt nốt nhà và đất ở của gia đình chúng tôi. Bất luận thế nào, không loại trừ biên bản này của chính quyền Hà Nội sẽ nằm trong các sự kiện kì quái nhất Việt Nam xảy ra trong năm 2018!
Chắc chắn rằng những hành vi cưỡng đoạt và mưu toan cưỡng đoạt nhà đất của gia đình chúng tôi từ phía chính quyền Hà Nội là một sự đàn áp tiếp tục của chính quyền đối với Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ sau khi đã bỏ tù ông về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Một ngày sau khi đăng bài viết của tôi, ngày 26/12/2018, Tiếng Dân đăng bài “Về biệt thự 24 Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội – Đâu là sự thật?!” của Trần Quang Thành. Điều vô lý đập vào mắt trong bài viết này là Trần Quang Thành không hề dẫn bài viết nói trên của tôi nhưng lại đòi hỏi tôi làm rõ quyền sở hữu nhà và đất ở của gia đình chúng tôi tại 24 Điện Biên Phủ! Tóm lại, bài viết này sặc mùi khiêu khích.
Mặc dầu vậy, để rộng đường dư luận, tôi viết bài này nhằm phản bác một số thông tin cũng như đáp lại những câu hỏi mà Trần Quang Thành nêu ra.
A- Trần Quang Thành viết: “Nhiều năm nay, biệt thự 24 Điên Biên Phủ được giao về chính quyền Hà Nội quản lý, mà trực tiếp là Công ty Kinh doanh và Quản lý nhà ở quận Ba Đình. Hàng tháng họ thu tiền thuê nhà của những hộ ký hợp đồng thuê nhà như hộ nhà thơ Huy Cận. Sau này tách ra 2 hộ là hộ con trai Cù Huy Hà Vũ và hộ vợ kế của cố nhà thơ Huy Cận”.
Ý kiến của tôi như sau:
Các thông tin nêu trên của Trần Quang Thành là hoàn toàn bịa đặt như chứng minh sau đây.
1/ Nhà số 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội được Phủ Thủ tướng giao cho ông Cù Huy Cận và ông Ngô Xuân Diệu (tức Nhà thơ Xuân Diệu) để ở, không phải là nhà Nhà nước cho thuê.
Từ tháng 10/1954, ngay sau khi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản Hà Nội, Phủ Thủ tướng đã giao để ở nhà 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội cho ông Cù Huy Cận, lúc đó là Tổng thư ký Hội đồng chính phủ và ông Ngô Xuân Diệu, tức Nhà thơ Xuân Diệu, ủy viên Ban chấp hành Hội Văn Nghệ Việt Nam. Do đó, nhà 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội không phải là nhà Nhà nước cho thuê và vì vậy không có chuyện hộ gia đình ông Cù Huy Cận và hộ gia đình Nhà thơ Xuân Diệu ký hợp đồng thuê nhà. Sau này, có một cán bộ Bộ Văn hóa là Vũ Quang Triệu đến ở ghép tại nhà này và ông này cũng chưa bao giờ ký hợp đồng thuê nhà.
2/ Không có việc tách hộ gia đình ông Cù Huy Cận thành hai hộ là hộ ông Cù Huy Hà Vũ và hộ bà Trần Lệ Thu.
Hộ gia đình ông Cù Huy Cận gồm ông Cận, vợ kế ông Cận là Trần Lệ Thu, Cù Huy Hà Vũ (con ông Cận và bà Ngô Thị Xuân Như, em ruột Nhà thơ Xuân Diệu), Cù Lệ Duyên và Cù Thu Anh (con ông Cận và bà Trần Lệ Thu). Cho đến nay, ông Cù Huy Hà Vũ vẫn thuộc hộ gia đình ông Cù Huy Cận.
Cũng cần nói thêm rằng, hộ gia đình liên quan đến quyền sở hữu quyền sử dụng nhà và đất ở. Khi ông Cận còn sống, ông Cận là người sở hữu quyền sử dụng nhà và đất ở mà Chính phủ giao. Do ông Cận qua đời mà không để lại di chúc nên theo qui định về thừa kế trong Bộ luật dân sự, quyền sở hữu quyền sử dụng nhà và đất ở của ông Cận cũng như các tài sản khác của ông Cận trở thành di sản để chia cho vợ con của ông Cận gồm Trần Lệ Thu (vợ), Cù Huy Hà Vũ (con), Cù Thị Xuân Bích (con), Cù Lệ Duyên (con) và Cù Thu Anh (con). Do đó, cần phải có sự thỏa thuận giữa năm người thừa kế nói trên của ông Cận về phân chia quyền sở hữu quyền sử dụng nhà và đất ở của ông Cận thì mới có thể chia tách hộ gia đình của ông Cận. Thế nhưng cho đến nay, việc mở thừa kế di sản của ông Cận chưa được thực hiện và cũng không có bất cứ thỏa thuận nào giữa năm người thừa kế của ông Cận về phân chia quyền sở hữu quyền sử dụng nhà và đất ở của ông Cận.
Việc Trần Quang Thành bịa đặt những thông tin nói trên rõ ràng là một sự toa rập với chính quyền Hà Nội trong việc cưỡng đoạt nhà và đất ở tại 24 Điện Biên Phủ của ông Cù Huy Hà Vũ không chỉ với với tư cách người thừa kế của Nhà thơ Xuân Diệu (như chứng minh sau đây) mà còn là người thừa kế của ông Cù Huy Cận!
B- Trần Quang Thành viết: “Là người am hiểu luật pháp, mong LS Dương Hà làm rõ những từ ngữ trong đoạn văn LS đã viết dưới đây: “Sau khi chính quyền Hà Nội đã cưỡng đoạt một phần nhà đất của gia đình cố Nhà thơ Xuân Diệu mà Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là người thừa kế tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội vào ngày 23/10/2014, chính quyền này đang nhăm nhe cưỡng đoạt nốt nhà đất của gia đình chúng tôi”. Tôi hiểu từ “cưỡng đọat” và “thừa kế” trong đoạn viết của LS Dương Hà chỉ có giá trị pháp lý khi LS có văn bản minh chứng diện tích đất và nhà gia đình LS Cù Huy Hà Vũ có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà mang tên Cù Huy Hà Vũ – Nguyễn Thị Dương Hà. Cũng tương tự phần diện tích nhà và đất do cố nhà thơ Xuân Diệu sử dụng có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà mang tên Xuân Diệu không? Và có chứng cứ nào thể hiện LS Cù Huy Hà Vũ đương nhiên được hưởng quyền thừa kế với danh nghĩa là con nuôi cố nhà thơ Xuân Diệu?”.
Ý kiến của tôi như sau.
1- Nhà thơ Xuân Diệu qua đời trước khi có quy định pháp luật về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Như trên đã đề cập, nhà 24 Điện Biên Phủ được Phủ Thủ tướng giao cho ông Cù Huy Cận và Nhà thơ Xuân Diệu để ở từ tháng 10 năm 1954. Do đó, cũng như ông Cù Huy Cận, Nhà thơ Xuân Diệu có quyền sở hữu quyền sử dụng nhà và đất ở tại đây. Hộ gia đình Nhà thơ Xuân Diệu gồm Nhà thơ Xuân Diệu, Nguyễn Thị Dương Hà (vợ ông Vũ), Cù Huy Xuân Đức (con trai ông Vũ với bà Hà), Cù Huy Xuân Hiếu (con trai ông Vũ với bà Hà) và Nguyễn Bá Phụng (bố vợ ông Vũ).
Căn cứ Khoản 1 Điều 105 Bộ Luật dân sự 2015 (Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản) và Điều 115 Bộ Luật dân sự 2015 (Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác), quyền sở hữu quyền sử dụng nhà và đất ở của Nhà thơ Xuân Diệu tại 24 Điện Biên Phủ là tài sản của Nhà thơ Xuân Diệu.
Do Nhà thơ Xuân Diệu qua đời vào ngày 18/12/1985 trước khi có Luật đất đai 1987 và Luật nhà ở 2005 nên ông đã không có cơ hội làm thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như hai Luật này quy định. Mặc dầu vậy, quyền sở hữu quyền sử dụng nhà và đất ở của Nhà thơ Xuân Diệu vẫn tồn tại dưới dạng di sản thừa kế. Người thừa kế Nhà thơ Xuân Diệu, Cù Huy Hà Vũ (như chứng minh sau đây) sẽ làm thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Tóm lại, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chỉ là bản đăng ký chính thức tài sản chứ không thay thế bản thân tài sản. Không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì quyền sở hữu quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất không vì thể mà mất đi. Thực tế cho thấy không một cơ quan Nhà nước nào, văn bản pháp luật nào của Việt Nam tuyên bố rằng chỉ đến khi có Luật đất đai 1987 và Luật nhà ở 2005 thì những người sống ở Việt Nam mới có quyền sở hữu quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà. Do đó, quan điểm của Trần Quang Thành theo đó phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà thì mới có quyền sở hữu quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà là bất chấp thực tế và pháp luật!
2- Ông Cù Huy Hà Vũ thừa kế di sản của Nhà thơ Xuân Diệu với tư cách con nuôi
Nghị quyết số 01 ngày 20/11/1988 của Hội đồng thẩm phán – Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình quy định tại Điểm a, Điều 6: “Nếu việc nuôi con nuôi trước đây chưa được ghi vào sổ hộ tịch nhưng việc nuôi con nuôi đã được mọi người công nhận và cha mẹ nuôi đã thực hiện nghĩa vụ với con nuôi thì việc nuôi con nuôi vẫn có những hậu quả pháp lý do luật định”.
Nhà thơ Xuân Diệu (tức ông Ngô Xuân Diệu) là bác ruột ông Cù Huy Hà Vũ (Nhà thơ Xuân Diệu là anh ruột bà Ngô Thị Xuân Như, mẹ đẻ ông Cù Huy Hà Vũ), mất ngày 18/12/1985. Sinh thời, Nhà thơ Xuân Diệu không có con đẻ, đã nhận và nuôi ông Cù Huy Hà Vũ làm con từ khi ông Vũ mới ra đời (02/12/1957) với sự đồng ý của bố mẹ đẻ của ông Vũ là ông Cù Huy Cận và bà Ngô Thị Xuân Như.
Trong “Giấy xác nhận về việc nhận và nuôi con nuôi” lập ngày 8/4/1998 trướccông chứng của ông Cù Huy Cận và bà Ngô Thị Xuân Như có ghi rõ: “Ông Ngô Xuân Diệu, tức nhà thơ Xuân Diệu, sinh ngày 2 tháng 2 năm 1916, đã nhận anh Cù Huy Hà Vũ là cháu gọi ông Diệu bằng bác ruột làm con nuôi với sự nhất trí hoàn toàn của hai chúng tôi kể từ khi anh Vũ mới ra đời. Việc ông Diệu nhận anh Vũ làm con nuôi hoàn toàn không ảnh hưởng đến quan hệ bố mẹ đẻ với con đẻ giữa chúng tôi và anh Vũ cũng như hoàn toàn không ảnh hưởng đến mọi quyền lợi của anh Vũ phát sinh từ quan hệ này. Cho đến ngày ông Diệu qua đời (18-12-1985), ông Diệu đã thương yêu, nuôi dưỡng anh Vũ và sống hàng ngày với anh Vũ ngay tại nhà ông Diệu tại 24 Điện Biên Phủ – Hà Nội. Về phần mình, anh Vũ cũng đã làm tròn bổn phận của người con đối với ông Diệu” (Tài liệu đính kèm).
Ngoài ra, trong giấy “Công nhận người thừa kế di sản theo pháp luật của ông Ngô Xuân Diệu (tức Nhà thơ Xuân Diệu) lập ngày 10/01/1997 trước công chứng của bà Ngô Thị Xuân Như và ông Ngô Xuân Huy là hai người em ruột của Nhà thơ Xuân Diệu có ghi rõ: “Công nhận anh Cù Huy Hà Vũ, là cháu gọi ông Ngô Xuân Diệu bằng bác ruột, là người thừa kế duy nhất di sản của ông Ngô Xuân Diệu trên cơ sở thực tế sau. Ông Diệu mất đột ngột vào ngày 18 tháng 12 năm 1985. Khi mất, ông Diệu không có vợ và không có con. Nhưng khi còn sống, ông Diệu đã thương yêu, nuôi nấng và sống với anh Vũ, cháu gọi ông Diệu bằng bác ruột (là con bà Ngô Thị Xuân Như) ngay tại nhà ông Diệu ở 24 Điện Biên Phủ – Hà Nội từ khi anh Vũ mới ra đời cho đến khi ông Diệu qua đời và đã coi anh Vũ như con trai mình. Về phần mình, anh Vũ cũng đã làm tròn bổn phận của người con đối với ông Diệu. Vì vậy, trên thực tế, quan hệ giữa ông Diệu và anh Vũ kéo dài 28 năm là quan hệ cha – con” (Tài liệu đính kèm).
Bản thân ông Cù Huy Hà Vũ luôn khẳng định quan hệ giữa Nhà thơ Xuân Diệu và ông là quan hệ cha con, như ông viết trong bài “Nhớ về một người cha – Xuân Diệu” đăng trên Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA tiếng Việt) ngày 17/12/2015, và bài “Trăm năm Xuân Diệu”, đăng trên Bauxite Việt Nam ngày 07/02/2016.
Như vậy, ông Cù Huy Hà Vũ là con nuôi của Nhà thơ Xuân Diệu theo quy định của pháp luật, cụ thể là theo Nghị quyết số 01 ngày 20/11/1988 của Hội đồng thẩm phán – Tòa án nhân dân tối cao.
Điểm a, Khoản 1 Điều 651 Bộ Luật dân sự quy định: “Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”. Khi Nhà thơ Xuân Diệu qua đời, cha đẻ, mẹ đẻ của ông đã qua đời và ông không có cha nuôi, mẹ nuôi. Vì vậy, với tư cách là con nuôi của Nhà thơ Xuân Diệu, ông Cù Huy Hà Vũ là người thừa kế duy nhất của Nhà thơ Xuân Diệu.
Ngày 13/2/1995, Cơ quan bảo hộ quyền tác giả Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa-Thông tin đã cấp cho ông Cù Huy Hà Vũ 04 Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác phẩm của tác giả Xuân Diệu trong đó ghi rõ Cù Huy Hà Vũ là người thừa kế của tác giả Xuân Diệu (Tài liệu đính kèm).
Cũng với tư cách người thừa kế của Nhà thơ Xuân Diệu, ông Cù Huy Hà Vũ được hưởng các di sản khác của Nhà thơ Xuân Diệu trong đó có quyền sở hữu quyền sử dụng nhà và đất ở tại 24 Điện Biên Phủ, Hà NộiDo đó, mọi hành vi chấm dứt một cách trái pháp luật quyền sở hữu này của ông Cù Huy Hà Vũ là hành vi cưỡng đoạt tài sản của ông Vũ. Những cá nhân thực hiện hành vi cưỡng đoạt này sẽ phải bị truy tố theo “Tội cưỡng đoạt tài sản” quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự 2015.
C- Trần Quang Thành viết: “Sau khi nhà thơ Xuân Diệu qua đời, theo đề nghị của Bộ Văn hóa và Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đồng ý để nơi cố nhà thơ Xuân Diệu đã ở, làm địa điểm lưu niệm cố nhà thơ Xuân Diệu. Những văn bản do Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thư ký Hội đồng Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Khánh, ký về việc này, vẫn còn lưu trữ ở Bộ Văn hóa và các đơn vị có liên quan”.
Ý kiến của tôi như sau.
Sau khi nhà thơ Xuân Diệu qua đời, theo đề nghị của Bộ Văn hóa và Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, Thủ tướng Phan Văn Khải đã có quyết định thành lập “Phòng lưu niệm Nhà thơ Xuân Diệu” trên cơ sở căn phòng mà Nhà thơ Xuân Diệu đã sống ở đó. Tuy nhiên, Quyết định này của Thủ tướng là trái pháp luật, như chứng minh sau đây.
1- Trái Hiến pháp và Bộ Luật dân sự về quyền sở hữu tài sản và quyền thừa kế tài sản
a.- Căn cứ Khoản 2 Điều 32 Hiến pháp (Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ. 3. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường Điều 163 Bộ luật dân sự – Bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản (1. Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. 2. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường), việc làm “Phòng lưu niệm Nhà thơ Xuân Diệu” tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội là tước đoạt quyền thừa kế của ông Cù Huy Hà Vũ đối với quyền sở hữu quyền sử dụng nhà và đất ở của Nhà thơ Xuân Diệu tại đây.
b.- Căn cứ Khoản 2 Điều 25 Bộ Luật dân sự – Quyền nhân thân (Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết phải được sự đồng ý của vợ, chồng hoặc con thành niên của người đóvà Khoản 1 Điều 615 – Bộ Luật dân sự – Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại (Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác), việc sử dụng họ, tên của Nhà thơ Xuân Diệu dể làm “Phòng lưu niệm Nhà thơ Xuân Diệu” mà không được ông Cù Huy Hà Vũ với tư cách con nuôi của Nhà thơ Xuân Diệu đồng ý là xâm phạm quyền nhân thân của Nhà thơ Xuân Diệu cũng như xâm phạm quyền thừa kế của ông Cù Huy Hà Vũ đối với di sản của Nhà thơ Xuân Diệu.
2- Trái Luật Di sản văn hóa
a) Luật Di sản văn hóa không có qui định nào về “Phòng lưu niệm”.
b) Điều 73 Luật Di sản văn hóa qui định: “Luật này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2002. Những quy định trước đây trái với Luật này đều bãi bỏ”.
c) Do đó, mọi văn bản của chính quyền, kể cả quyết định của Thủ tướng Chính phủ, về việc làm “Phòng lưu niệm Nhà thơ Xuân Diệu” được ban hành trước hay sau khi có Luật Di sản văn hóa đều phải bị bãi bỏ.
3- Trái Quyết định số 474/TTg ngày 16 tháng 7 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ
Căn cứ Điều 2 Quyết định số 474/TTg ngày 16 tháng 7 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ (Ba hộ gia đình hiện đang ở ngôi nhà này (ông Cù Huy Cận, Cố Nhà thơ Xuân Diệu và ông Vũ Quang Triệu) vẫn được ở nguyên trạng), làm Phòng lưu niệm Xuân Diệu là xâm phạm qui định “được ở nguyên trạng” của hộ gia đình Nhà thơ Xuân Diệu tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội.
Tóm lại, mọi hành vi làm “Phòng lưu niệm Nhà thơ Xuân Diệu” tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội từ phía các cơ quan Nhà nước, bất luận cấp trung ương hay địa phương, dứt khoát là hành vi cưỡng đoạt tài sản của cố Nhà thơ Xuân Diệu mà ông Cù Huy Hà Vũ là người thừa kế. Những cá nhân thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản này của ông Vũ này sẽ phải bị truy tố theo “Tội cưỡng đoạt tài sản” quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự 2015.
Kết luận lại, cách tốt nhất để làm rõ sự thật trong các đơn khởi kiện hành chính, khiếu nại và tố cáo của gia đình chúng tôi – gia đình cố Nhà thơ Xuân Diệu tại 24 Điện Biên Phủ – về việc chính quyền Hà Nội hủy hoại, cưỡng đoạt nhà và đất ở của gia đình chúng tôi, những người quan tâm và đấu tranh cho công lý, sự thật và Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hãy yêu cầu chính quyền Hà Nội nói riêng, Tòa án và chính quyền Việt Nam nói chung:
1- Chấm dứt ngay lập tức các hành vi và mưu toan cưỡng đoạt nhà đất và các tài sản khác của gia đình chúng tôi;
2- Giải quyết tất cả các khiếu nại, tố cáo của gia đình chúng tôi theo Luật khiếu nại và Luật tố cáo; và
3- Trừng trị những kẻ cưỡng đoạt nhà đất và các tài sản khác của gia đình chúng tôi theo “Tội cưỡng đoạt tài sản” quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự 2015.
_____
Tài liệu đính kèm:
– Giấy xác nhận về việc nhận và nuôi con nuôi” lập ngày 8/4/1998 trước công chứng của ông Cù Huy Cận và bà Ngô Thị Xuân Như;
– Giấy “Công nhận người thừa kế di sản theo pháp luật của ông Ngô Xuân Diệu (tức Nhà thơ Xuân Diệu) lập ngày 10/01/1997 trước công chứng của bà Ngô Thị Xuân Như và ông Ngô Xuân Huy;
– 04 Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác phẩm của tác giả Xuân Diệu cấp cho ông Cù Huy Hà Vũ với tư cách người thừa kế của tác giả Xuân Diệu.
https://baotiengdan.com/2018/12/29/quyen-so-huu-nha-dat-cua-ong-cu-huy-ha-vu-tai-24-dien-bien-phu-ha-noi/
.

---



BỔ SUNG



1.

Nhớ về một người cha - Xuân Diệu
17/12/2015

TS Luật Cù Huy Hà Vũ

Xuân Diệu và Cù Huy Hà Vũ tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội, 1979.

Cách đây tròn 30 năm, ngày 18 tháng 12 năm 1985, Xuân Diệu đã “vẫy chào cõi thực để vào hư”, như chính ông dự báo trong bài thơ “Vô đề”, ở tuổi 69.
Với tất cả mọi người, Xuân Diệu là “Hoàng tử của Thi ca”.
Không hiếm người thuộc cả “Thơ Thơ” lẫn “Gửi hương cho gió” của Xuân Diệu, hai tập thơ “toàn bích” đã góp phần ấn định chiến thắng huy hoàng của cuộc cách mạng trong thi ca Việt Nam - “Thơ Mới”. Tỷ như:
Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn
Lá hồng rơi lặng ngõ thuôn
Sương trinh rơi kín từ nguồn yêu thương
Phất phơ hồn của bông hường
Trong hơi phiêu bạt còn vương má hồng
Nghe chừng gió ý qua sông
E bên lau lách thuyền không vắng bờ
Không gian như có dây tơ
Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu
Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều
Lòng không sao cả, hiu hiu khẽ buồn.
(Chiều)
“Chiều” đã được một Phạm Duy tài hoa chuyển thành nhạc phẩm “Mộ khúc”.
Còn những câu thơ này của Xuân Diệu như được chân lý viết ra ai mà chẳng nằm lòng:
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm
(Giục giã)
Hay
Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu
(Yêu)
….
Với nhiều người, Xuân Diệu là một nhà cách mạng.
Còn nhớ, tháng 2-1937, Xuân Diệu đã nổi lên như một thủ lĩnh học sinh yêu nước khi cầm đầu ba lớp tú tài Trường Quốc Học - Huế tập trung ở sân trường để đi đón Justin Godart, đại diện Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp chủ trương cải thiện đời sống kinh tế, chính trị cho "các dân tộc hải ngoại", tức các thuộc địa của Pháp, khi ông này đến Huế. Khi chính quyền thực dân ép giải tán cuộc tụ tập thì một số học sinh sợ hãi, muốn bỏ về. Huy Cận nhớ lại: “Khi ấy anh Diệu thét lớn: Bớ anh em, hãy khóa cổng lại! Không để những kẻ hèn nhát rút lui về!’”. Khi biết rằng cụ Tú Kép Ngô Xuân Thọ - còn gọi là cụ Hàn Thọ - thân sinh Xuân Diệu, cũng tức là ông ngoại tôi, cứ mỗi lần dẫn học sinh từ Qui Nhơn ra Huế lại xuống thuyền “Ông già Bến Ngự” để đàm đạo thế sự với Phan Bội Châu đang bị thực dân Pháp an trí ở đó thì hẳn mọi người sẽ không ngạc nhiên vì sao trong Xuân Diệu có cái bừng bừng tranh đấu ấy. Cũng chính điều này lý giải vì sao sau này Xuân Diệu cùng với người bạn đời Huy Cận đã tham gia Việt Minh, tích cực hoạt động bí mật chống thực dân Pháp và khi cách mạng thắng lợi cả hai ông được bầu làm đại biểu Quốc Hội đầu tiên của Việt Nam độc lập vào tháng 1/1946…
Với tôi, Xuân Diệu còn là một người cha.
Từ khi sinh ra, tôi đã ở 24 Cột Cờ, nay là Điện Biên Phủ, Hà Nội. Đó là một căn biệt thự hai tầng vốn thuộc một quan Năm tình báo Pháp, được Chính phủ giao cho Huy Cận bố tôi và Xuân Diệu bác tôi từ tháng 10/1954, bố và mẹ tôi ở tầng trên, bác Diệu tôi ở tầng dưới. Tôi ở tầng dưới với bác Diệu tôi bởi đơn giản là tôi được ông nuôi làm con vì ông không có gia đình riêng. Chị Lê Chiều, con o Trà, em ruột bố tôi, ở cùng nhà giai đoạn đó kể lại: “Vũ mới mấy tháng tuổi, đường ruột kém nên Bác Diệu luôn dặn mọi người giữ lại bình sữa để xem Vũ uống hết đến đâu và giữ lại phân để Bác Diệu về tự tay kiểm tra”. Thật khó có người cha nào thương con hơn thế!
Lớn được vài tuổi thì tôi biến cái nhà của Xuân Diệu thành giang sơn riêng của tôi. Với tâm thế người cha, Xuân Diệu đã tả lại cái thế giới vi mô đó của tôi trong một bài thơ ông viết từ một cánh rừng cách Hà Nội chừng 300 cây số.
Bác đi xa cháu nhớ ghê
Bác đi xa cháu, nhớ ghê

Thằng cu Vũ, bác chưa về được thăm.
Bây giờ cháu đã lên năm,
Từ khi nhỏ xíu cháu nằm trên tay,
Bác rất yêu cái thằng này,
Tưởng như có cháu là hay trên đời.
Bác xem là một con người
Còn non, đang bú tay, vòi đó thôi;
Có khi bác đứng bên nôi
Muốn đưa cho cháu cõi đời đẹp hơn.
Bây giờ cháu đã biết khôn
Bác ngồi làm việc, cháu luôn chạy vào
Bày trò chơi nhởi lao xao,
Đang chơi dở cuộc, lại ào chạy ra;
Lấy chăn phủ ghế chui qua,
Ngăn bàn thích lục, tranh gà thích xem:
Xếp rồi, cháu lại đảo lên,
Có ngày bác phải mười phen dọn nhà:
Khi gần, bác giận bác la,
Đi xa, bác lại nhớ mà rất thương.
***
Chiêm bao thấy cháu đêm trường
Bác hôn mặt Vũ như gương sáng bừng.
Hôm về bác cháu ta mừng,
Bác cho trăm thứ trong rừng Quì Châu.
(Quì Châu, 20 – 5 - 1963).
Thế nhưng “trăm thứ trong rừng Quì Châu” mà tôi thấy được, sờ được chỉ là những trái thông khô cùng vài chiếc lá có hình thù kỳ dị. Còn lại là những câu chuyện về những cánh rừng trong trẻo cùng những người thợ rừng trong trắng tâm hồn dù vất vả lao lung. Không nghi ngờ gì nữa, chính những món quà mà bác Diệu tôi đã đem về từ cánh rừng Quì Châu ấy đã ươm trong tôi cả đại ngàn tình yêu đất nước và con người xứ sở.
Năm 1965, chiến tranh bằng không quân của Mỹ lan ra miền Bắc Việt Nam, “chú cu Vũ” khi đó 7 tuổi phải xa gia đình, đến sống tại Chùa Thầy, tỉnh Sơn Tây, nơi có nhiều núi đá vôi để tránh bom. Còn nhớ mỗi lần đi thăm tôi nơi “sơ tán” ấy, Xuân Diệu lại bình thơ cho những người hâm mộ tới tận khuya. Khi cuộc bình thơ kết thúc thì cũng là lúc tôi đã ngủ thiếp. Sau này mọi người kể lại rằng Xuân Diệu đã ôm vác tôi nặng cả mấy chục cân mà đi bộ suốt quãng đường về căn nhà ông nghỉ, quyết không nhường ai làm cái việc “khuân vác” phải nói là khá nhọc đó khi những người hâm mộ tỏ ý giúp, bởi đối với ông đơn giản đó là “hạnh phúc”.
Khi tôi đã ở cái tuổi hiểu được căn bản lẽ đời, Xuân Diệu bày tỏ tình “phụ - tử” với tôi một cách trực tiếp qua hàng chục lá thư viết tay cho tôi.
"Bác đi, nhớ nhất Vũ. Vũ là con của bác, là người con lớn trong nhà....Vũ ơi, "khôn con hơn khôn của", Vũ càng trưởng thành bác càng mừng...Nhà có con lớn trong nhà, bác thấy có Vũ là ấm cả nhà, Vũ là sinh khí chính trong nhà ta....Qua Vũ mà bác có con trai, con lớn với đời...Tình bác cháu cũng như cha con...Vũ cố gắng học thật giỏi, coi sóc nhà cửa kẻo mất" (Thư ngày 10/6/1972).
“Chú Vũ thân quí của Bác. Bác dùng chữ thân quí, và cùng với thân yêu, Bác rất quí mến Vũ. Bác quí Vũ vì Vũ là đứa con duy nhất của bác Diệu….Bác Diệu hàng ngày ở với Vũ, Bác rất nhận thấy những ưu điểm về bản chất của Vũ. Vũ là đứa con duy nhất của Bác” (Thư ngày 12/12/1976).
“Có Vũ trong cái nhà của ta, Bác rất tự hào có con trai lớn trưởng thành, sẽ thay thế cho Bố và Bác” (Thư ngày 6/2/1979).
….
Cái tình “cha – con” mà Xuân Diệu dành cho tôi đó không chỉ là cảm tính mà nó còn xuất phát từ một sự “cho – nhận” giữa các bậc sinh thành ra tôi với Xuân Diệu, điều này được thể hiện không gì rõ hơn trong thư ngày 10/11/1972 ông viết cho Huy Cận: "Ôi, phần lớn bù đắp của Diệu là dồn cho Vũ; nếu Cận thương Vũ thì Cận sẽ thương cái tình, sự chăm sóc của Diệu đối với đứa con chung. Diệu đi, vẫn lo nó ăn kém, tim nó đập không đều... Diệu cảm ơn Cận đã cho Diệu đứa con chứ Cận không phải cảm ơn Diệu". Cũng cần lý giải vì sao trong thư này Xuân Diệu gọi tôi là “đứa con chung”. Là vì tuy đã cho Xuân Diệu nuôi làm con nhưng chưa bao giờ bố mẹ tôi từ bỏ quyền làm cha làm mẹ đối với tôi. Thực tế pháp lý này đã được bố và mẹ tôi khẳng định bằng “Giấy xác nhận về việc nhận và nuôi con nuôi” lập ngày 8/4/1998 có công chứng trong đó ghi rõ: “Ông Ngô Xuân Diệu, tức nhà thơ Xuân Diệu, sinh ngày 2 tháng 2 năm 1916, đã nhận anh Cù Huy Hà Vũ là cháu gọi ông Diệu bằng bác ruột làm con nuôi với sự nhất trí hoàn toàn của hai chúng tôi kể từ khi anh Vũ mới ra đời. Việc ông Diệu nhận anh Vũ làm con nuôi hoàn toàn không ảnh hưởng đến quan hệ bố mẹ đẻ với con đẻ giữa chúng tôi và anh Vũ cũng như hoàn toàn không ảnh hưởng đến mọi quyền lợi của anh Vũ phát sinh từ quan hệ này. Cho đến ngày ông Diệu qua đời (18-12-1985), ông Diệu đã thương yêu, nuôi dưỡng anh Vũ và sống hàng ngày với anh Vũ ngay tại nhà ông Diệu tại 24 Điện Biên Phủ - Hà Nội. Về phần mình, anh Vũ cũng đã làm tròn bổn phận của người con đối với ông Diệu”.
Cũng như vậy, tại giấy “Công nhận người thừa kế di sản theo pháp luật của ông Ngô Xuân Diệu (tức nhà thơ Xuân Diệu)” lập ngày 10/1/1997, mẹ tôi và cậu ruột tôi là Ngô Xuân Huy với tư cách là em ruột Xuân Diệu, tức hàng thừa kế thứ hai của ông, ghi rõ: “Công nhận anh Cù Huy Hà Vũ, là cháu gọi ông Ngô Xuân Diệu bằng bác ruột, là người thừa kế duy nhất di sản của ông Ngô Xuân Diệu trên cơ sở thực tế sau. Ông Diệu mất đột ngột vào ngày 18 tháng 12 năm 1985. Khi mất, ông Diệu không có vợ và không có con. Nhưng khi còn sống, ông Diệu đã thương yêu, nuôi nấng và sống với anh Vũ, cháu gọi ông Diệu bằng bác ruột (là con bà Ngô Thị Xuân Như) ngay tại nhà ông Diệu ở 24 Điện Biên Phủ - Hà Nội từ khi anh Vũ mới ra đời cho đến khi ông Diệu qua đời và đã coi anh Vũ như con trai mình. Về phần mình, anh Vũ cũng đã làm tròn bổn phận của người con đối với ông Diệu. Vì vậy, trên thực tế, quan hệ giữa ông Diệu và anh Vũ kéo dài 28 năm là quan hệ cha – con.”
Xuân Diệu đã thương yêu, đã xử sự với tôi như một người cha thực thụ thì đương nhiên cái gia đình nhỏ tương lai của tôi là thuộc về ông. Nhiệt tình vun xới cho tình cảm giữa tôi và Nguyễn Thị Dương Hà bạn thuở đại học, Xuân Diệu đã đứng ra đăng ký Dương Hà vào hộ khẩu gia đình mà ông là chủ hộ ngay từ 1980, những ba năm trước khi chúng tôi thành hôn. Đến cuối năm 1983 thì con trai đầu lòng của chúng tôi là Cù Huy Xuân Đức ra đời. Xuân Diệu mừng lắm không chỉ vì từ đây ngoài tình cha – con đối với vợ chồng tôi ông sắp có thêm tình ông - cháu mà nhất là vì đã thấy sự nghiệp văn chương của ông được bảo hiểm thêm một tầng nữa. Tuy vậy ông đã biết kìm niềm vui của mình để tiết chế hạnh phúc vô bờ ấy của tôi nhằm bảo vệ tính mạng của chính tôi. Ông không ngớt dặn: “Vũ đừng vui quá mà lái xe không an toàn”. Và như một lẽ tự nhiên, Xuân Diệu đứng ra đăng ký tiếp Xuân Đức là thành viên của hộ gia đình ông.
Như thể để bảo đảm công bằng giữa tình cha – con và tình ông – cháu, Xuân Diệu lại làm thơ về thành viên mới trong gia đình nhỏ của ông, như cách đó 20 năm ông đã làm thơ về cha nó.
Cu Đức
Thằng Đức từ đâu đến với ông
Trên tay âu yếm mẹ mi bồng
Biết gì đâu có, hiền như đất
Em ngủ như là một đóa bông.

Tuổi mới năm ngày bé tý hon
Chao ôi nhỏ xíu nắm tay tròn
Ngủ thôi bất kể trời hay đất
Hai cái tai dày, cái mũi con.

Ấy thế mà trông rất hẳn hoi
Hoàn toàn số phận một con người
Là mày, là nó, không ai khác
Thương bé người đây, chính nó thôi.

Từ lúc nâng niu bố Vũ mày
Đang còn ẵm ngửa, bú bằng tay
Đến nay lại đến thương con Vũ
Ôi! Cuộc đời, hoa, chim, bướm, cây.

Cuối năm 1984, tôi sang Pháp học khi đang là công chức Bộ Ngoại giao. Thế là Xuân Diệu thay cả phần tôi mà cưng chiều Xuân Đức. Trong thư ngày 5/3/1985 gửi Huy Cận, ông viết: "Diệu đọc thư Vũ. xem ảnh Vũ, rất mừng Vũ tiến bộ và đang phát huy để thay thế Diệu vì gia đình Diệu chỉ có vợ chồng Hà Vũ và cháu Đức, Đức nó rất dễ thương, Diệu đi xa chỉ nhớ nó".
Ngày 18/9/1985, đúng 3 tháng trước khi ông mất, Xuân Diệu dường như linh tính sắp phải đối diện với cái hữu hạn của đời người nên đã viết cho tôi những con chữ tựa như “di chúc”: “Nhà ta Vũ sẽ chuyển sang văn học càng hợp và sẽ thay thế Bố và Bác trông coi các tác phẩm của Huy Cận, Xuân Diệu; tiếp theo sau, thì cu Đức lớn lên, nó sẽ bảo quản các ‘sự nghiệp của hai ông’”.
Dẫu ở vị trí nào – Thi nhân, nhà cách mạng, người bạn hay người cha, người ông trong gia đình – Xuân Diệu cũng đã thực hiện đầy đặn bổn phận của mình và tôi tin rằng đó chính là cái cách ông “cảm tạ cuộc đời” như ông từng mong muốn khi đặt tên “Tôi cảm tạ cuộc đời” cho hồi ký mới chỉ bắt đầu.
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    TS Luật Cù Huy Hà Vũ

    Tác giả là một nhà bất đồng chính kiến và tù nhân chính trị Việt Nam, đã ba lần khởi kiện Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng về các quyết định trái Hiến pháp và pháp luật, hiện là học giả tại Đại học Northwestern, Hoa Kỳ.

https://www.voatiengviet.com/a/nho-ve-mot-nguoi-cha-xuan-dieu/3105780.html
..

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: