Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 26 tháng 12, 2018

Nếu Việt Nam không bừng tỉnh


25/12/2018 - Nước ta giống Tàu nhiều hơn là giống Tây, nhất là về văn hoá, hủ tục. Mà có giống Tàu thì theo tôi cũng chỉ giống được Tàu xưa, không giống được Trung Quốc với nền khoa học và sản xuất công nghiệp phát triển thời nay. Thực sự, để phát triển mạnh, Việt Nam rất cần một sự bừng tỉnh, cần một phong trào Tây học giống cuộc duy tân 150 năm trước đây của Nhật Bản. Theo tôi, có thể bắt đầu từ việc quy định tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc ở mọi cấp học từ phổ thông đến đại học, bởi tiếng Anh mà kém thì khó lòng “Tây học” cho tốt được.


Năm 1853, ở Nhật Bản thời Mạc Phủ, 4 tàu chiến Mỹ của Đô đốc Perry lù lù tiến vào cửa biển Uraga mà không hề báo trước. Họ bắn một loạt đại bác lên trời thị uy, rồi đòi gặp chính quyền. Yêu sách của họ là Nhật Bản phải mở cảng biển cho tàu Mỹ đến giao thương. Trong lịch sử Nhật Bản, sự kiện này là điểm khởi đầu của công cuộc duy tân tự cường theo chủ trương “thoát Á”, “Tây học” để hiện đại hoá nước Nhật.

4 chiếc tàu chiến Mỹ và loạt đại bác của chúng đã làm cho người Nhật bừng tỉnh, ngỡ ngàng trước mức độ phát triển của phương Tây và sự lạc hậu, hèn kém của nước Nhật sau 250 năm bài ngoại, gần như chỉ giao thương với người Trung Quốc. Sự ngỡ ngàng của người Nhật trước những thành tựu phát triển của Mỹ và châu Âu còn kéo dài hàng chục năm sau sự kiện đó.

Năm 25 tuổi, ở cảng Yakohama, nhà khai sáng Fukuzawa Yukichi lúc bấy giờ nhìn thấy những con tàu biển của Tây đồ sộ, chạy bằng máy hơi nước. Ông ngợp. Tiếp xúc với Tây, Fukuzawa thất vọng, vì: “Họ không hiểu. Nghe họ nói, tôi cũng không hiểu. Nhìn vào hàng chữ trên các bảng quảng cáo, các tờ cáo thị, tôi không đọc được”.

Không chịu được, người Nhật quyết Tây học. Trong cuốn sách “Nhật Bản duy tân 30 năm” xuất bản năm 1936 tại Sài Gòn, cụ Đào Trinh Nhất mô tả cuộc duy tân của người Nhật: “Từ nhỏ đến lớn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, nào là chính trị, giáo dục, nào là văn hoá, võ bị, nào là công thương, lý tài [ngân hàng], nào là cơ khí, nghệ thuật, cho đến những chuyện y phục tầm thường, tập quán lặt vặt, chẳng sót một vấn đề nào hay phương diện nào mà không hoá xưa theo nay, đổi cũ ra mới”.

Người Nhật duy tân theo Tây mà rầm rộ cứ như đi trẩy hội, quyết xoá bỏ những thói hư tật xấu, văn hoá hủ bại có nguồn gốc nghìn năm mà không thèm tiếc nuối. Chỉ với 30 năm duy tân thời Minh Trị, Nhật Bản trở thành cường quốc, đuổi kịp, thậm chí còn vượt nhiều nước châu Âu và Mỹ trên một số lĩnh vực công nghiệp.

Rồi cụ Đào Trinh Nhất than: “Người [Việt] mình học theo đạo Nho chữ Hán, chỉ trừ ra đọc âm là khác một chút thôi, còn thì bao nhiêu chế độ văn vật của Tàu bày đặt thế nào, mình đều rước lấy và phỏng theo giống y như thế ấy. Từ áo mão phép tắc chốn triều đình, lễ nghĩa luật lệ giữa dân gian, cho đến mọi việc từ chương, khoa cử, tang lễ, phẩm hàm… nhất thiết chuyện gì mình cũng in khuôn, ráp kiểu của Tàu, không sai một mảy. Trải mấy ngàn năm, hễ Tàu vẽ vời thay đổi cái gì, ta đều bắt chước đúng y cái đó, làm như theo đuôi dính gót người Tàu, không khác gì hình với bóng. Khổ nhất là cúi đầu nhắm mắt mà bắt chước cả cái học vấn luân lý của bọn Tống Nho và rước lấy cái độc hại mê mộng khoa cử, khiến cho dân khí hèn yếu, quốc vận suy vi, rồi thì thầy sao trò vậy, dính chùm với nhau một lũ hư hèn chìm đắm như ngày nay. Cao Ly [Triều Tiên] cũng thế, vì họ cũng bắt chước Tàu một cách “chụp hình” như ta”. Cụ Đào kêu trời với các thói phong thuỷ, vàng mã, bói toán, cúng sao và các kiểu mê tín dị đoan của người Tàu du nhập vào Việt Nam, mà người Nhật quyết không theo.

Sự phát triển vượt trội của châu Âu và Mỹ là ở các lĩnh vực khoa học – kỹ thuật, thể hiện qua phát minh, sáng chế, sản xuất công nghiệp, khai khoáng và chế biến. “Tây học” của Nhật Bản thành công rực rỡ ở tất cả những lĩnh vực này.

Việt Nam cũng từng có nhiều cơ hội “Tây học” với người Pháp, người Mỹ, người Nga, nhưng không thu được nhiều kết quả. Đến hiện nay, tất cả những lĩnh vực vừa kể của Việt Nam đều rất yếu, chủ yếu mới ở trình độ lắp ráp, vận hành, sửa chữa máy móc của thiên hạ, chưa phát minh, chế tạo được mặt hàng công nghiệp gì đáng kể, trong khi Nhật Bản đã làm chủ công nghệ vũ khí, máy bay, tàu biển, máy móc công nghiệp và giao thông từ đầu thế kỷ 20, chỉ sau có mấy chục năm Tây học. 

Việt Nam chưa từng có cuộc duy tân Tây học nào đáng kể và cho đến tận bây giờ, xét trên nhiều phương diện, nước ta giống Tàu nhiều hơn là giống Tây, nhất là về văn hoá, hủ tục. Mà có giống Tàu thì theo tôi cũng chỉ giống được Tàu xưa, không giống được Trung Quốc với nền khoa học và sản xuất công nghiệp phát triển thời nay. Bởi vì sau khi Nhật Bản, Hàn Quốc Tây học thành công, chính Trung Quốc cũng đã Tây học mạnh mẽ và gặt được nhiều thành tựu. Người ta chú trọng nghệ tinh, thực nghiệp, còn Việt Nam thì vẫn nặng nề tư tưởng học để làm quan, “mê mộng khoa cử độc hại”.

Thực sự, để phát triển mạnh, Việt Nam rất cần một sự bừng tỉnh, cần một phong trào Tây học giống cuộc duy tân 150 năm trước đây của Nhật Bản. Theo tôi, có thể bắt đầu từ việc quy định tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc ở mọi cấp học từ phổ thông đến đại học, bởi tiếng Anh mà kém thì khó lòng “Tây học” cho tốt được.

Theo LƯƠNG HOÀI NAM / VNEXPRESS
http://redsvn.net/neu-viet-nam-khong-bung-tinh/?fbclid=IwAR11OKV4t8osrOImUquj8LY6x5i2x23a0xqxB6Y1OAbUThftfq1rapDqY4E

nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: