Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2018

Lạ gì mà lạ !

Mạnh Kim - 



Việc Trung Quốc rải mìn và cài ngư lôi khắp Biển Đông đã diễn ra từ nhiều năm nay. Trong ấn bản Naval War College Review (Spring 2012, Vol. 65, No. 2), chuyên gia quân sự Mỹ Scott C. Truver đã cảnh báo điều này. 

Truver đã nhắc lại trong một phiên điều trần trước Ủy ban xem xét an ninh-kinh tế Mỹ-Trung, rằng: “Gần đây chúng tôi đã hoàn tất cuộc nghiên cứu sau khi đọc hơn 1.000 bài viết bằng tiếng Hoa trong hai năm liên quan hải chiến thủy lôi. Ba điều quan trọng nhất mà chúng tôi rút ra là: 1/ Trung Quốc có một kho thủy lôi khổng lồ…; 2/ Trung Quốc sẽ dựa chủ yếu vào mìn sát thương, đối với bất kỳ tình huống nào liên quan “bối cảnh Đài Loan”; 3/ Nếu Trung Quốc có khả năng sử dụng mìn (và chúng tôi nghĩ họ hoàn toàn có thể), điều đó sẽ gây cản trở nghiêm trọng đối với các chiến dịch (của Mỹ)…”. 

Phòng tình báo Hải quân Hoa Kỳ cũng đưa ra một số chi tiết cụ thể. Hải quân Trung Quốc có 40 tàu rải mìn. Tàu ngầm lớp Tống và lớp Nguyên chạy bằng diesel-điện cùng tàu ngầm lớp Thương chạy hạt nhân được thiết kế có thể mang theo tên lửa hành trình YJ-82 lẫn khả năng rải mìn. Trực thăng Z-8 (sản xuất theo mẫu bản quyền chiếc SA-321 Super Frelon của Pháp) ngoài việc vận chuyển quân binh còn có thể phục vụ công tác rải mìn. Chỉ riêng chiếc Wolei 3.100 tấn đã có thể - theo tình báo Hải quân Mỹ - mang theo 300 quả mìn. 

Khoảng 150 máy bay tuần tra lẫn oanh tạc cơ cũng có thể rải mìn. Cụ thể, chiếc hải phi cơ Harbin SH-5 có thể mang theo sáu thủy lôi loại tương tự phiên bản ADM-500 của Nga. Bốn chiếc khu trục hạm lớp Sovremenny có thể rải 40 quả thủy lôi và 10 chiếc lớpLuda có thể chở theo 38 quả mìn. 25 chiếc khinh hạm lớp Jianghu I/V và ba chiếc lớp Jianghu (III và IV) có thể chứa 60 quả…

15 năm qua, hải quân Trung Quốc đã đi từ việc sở hữu kho mìn gỉ sét từ thời trước Thế chiến thứ hai đến việc có thể sản xuất những loại mìn hiện đại trong đó có mìn neo, mìn đáy, mìn trôi, mìn bắn bằng hỏa tiễn, mìn thông minh (cài bộ vi xử lý để tăng khả năng dò tìm mục tiêu, cùng bộ cảm ứng tích hợp giúp chống máy rà). Loại mìn điều khiển từ xa của Trung Quốc, chẳng hạn EM-53, có thể được tắt bằng mã âm (acoustic code) trong điều kiện bình thường và được kích hoạt trong tình huống chiến đấu. 

Có thể Trung Quốc hiện cũng sở hữu mìn di động phóng-cài từ tàu ngầm (SLMM). Tương tự loại Mark 67 của Mỹ, SLMM Trung Quốc được tin là một phiên bản khác của ngư lôi loại Yu. SLMM Trung Quốc có thể di chuyển với lộ trình và thời gian định sẵn. Khi đến địa điểm ấn định, nó sẽ tự tắt động cơ và bất động phục kích chờ… mồi. Cần biết, loại thủy lôi như EM-53 hoặc EM-52 với đầu đạn 140kg, nằm giấu mình ở độ sâu ít nhất 200m, có thể đạt vận tốc 80m/giây. Điều đó có nghĩa nó chỉ cần vỏn vẹn ba giây để phóng lên và làm nổ tung mục tiêu. 

Có thể nói Trung Quốc đầu tư rất kỹ vào hải chiến thủy lôi. Họ có hẳn một trường chuyên về thủy chiến mìn tại Đại Liên, chưa kể Viện nghiên cứu thủy lôi tại Nghi Xương (Hồ Bắc). Ngoài ra, còn có các bãi thử thủy lôi tại Hồ Lô Đảo (Liêu Ninh), Lữ Thuận Khẩu (Đại Liên, Liêu Ninh), đảo Chu Sơn (Chiết Giang), Trường Đảo (Sơn Đông)… 

Có thể nói việc Trung Quốc rải mìn khắp Biển Đông không phải là chuyện lạ. Điều đáng “lạ” ở đây là những thông tin như vậy chỉ có thể tìm thấy ở báo chí và chuyên san quân sự nước ngoài. Tờ Quân Đội Nhân Dân suốt ngày ra rả “nguy cơ suy thoái” lẫn “cảnh giác”  “đề phòng” “bọn phản động”, trong khi bọn ngoại bang đánh cướp chủ quyền biển đảo thì tịt mồm thin thít. 

Cho đến nay, gần như tất cả thông tin về tình hình lấn chiếm Biển Đông cũng như các chiến lược quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc vẫn chỉ được biết từ báo chí nước ngoài chứ không phải trong nước. Báo chí trong nước, cùng lắm, là lược dịch đăng lại, chứ chẳng bao giờ có bài viết độc lập nào của riêng mình. Dĩ nhiên lỗi không phải của báo chí. Nếu (báo chí) được phép, tôi tin không ít tờ báo trong nước sẵn sàng đưa phóng viên ra Biển Đông để tường thuật chính xác những gì đang xảy ra. 

Điều “lạ” ở đây là tại sao cái sự hèn nó kéo dài đến vậy, bất luận duyên hải quốc gia bị đe dọa ngày càng nghiêm trọng và ngày càng rõ rệt như thế nào. Điều “lạ”, chưa tìm được lời giải thích, là cái sự khiếp nhược này nó được “ra lệnh” bởi ai? Tôi vẫn còn chưa quên hồi năm 2012, khi đặt mua một lô sách về Trung Quốc từ Amazon, tôi đã bị cơ quan kiểm duyệt tịch thu toàn bộ. Hèn lắm. Hèn "ngoại hạng". Hèn lâu đến mức nó thành "quán tính hèn" mất rồi!

MẠNH KIM 20.12.2018

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: