Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2018

Cái gì mà: "nhà văn ĐÔNG LA"?


Trang của nhà thơ Trần Đăng Khoa có chia sẻ một bài viết dài lê thê, sai cả kiến thức (sâu 2m3)... của một kẻ tự xưng nhà văn, cố chui bằng được vào HNV là Đông La, kẻ mà tôi khinh bỉ và kinh tởm nhất trong số những người biết chữ. Trong 1 bài tường thuật chuyện tâm linh (như sau đây), mà gã vẫn không quên kể công bảo vệ chế độ, chống "phản động" của mình với công an... Thế đã đáng tởm chưa? Tôi cũng hiểu và tin vào thế giới tâm linh, nhưng không đến nỗi dốt nát và mù quáng như gã Đông La này. Cô Hòa (nhà tâm linh) có cả "lục thông" ư? Nói thế là cô ấy mắc tội ngã mạn lây đấy. Chỉ có Phật mới đủ lục thông mà thôi. Lại còn gọi cô ấy là "Phật Bà" nữa thì quá lắm rồi đấy. Chớ có vọng ngôn. Nếu cô Hòa tự nhận mình có thiên nhãn, thì tức là không phải thiên nhãn. Còn nếu cô tự nhận có cả lục thông, thì tức là đại vọng ngôn, tội ấy A Tỳ đã đợi sẵn cô đấy. Tôi đọc hết vụ tường thuật, thấy cô không phải có thiên nhãn, mà thực ra là thiên mục, nằm giữa 2 chặng lông mày. Thực chất chỉ là nhân mục, ai cũng có, có "duyên" thì mở được. Giáo lý của Lý Hồng Chí cũng dạy mở con mắt này. Chuyện con rắn, yểm bùa... là có thật, nhưng là do ma quỷ đánh lừa người phàm, cho nên là dị đoan, có hại, rất có hại cho cả người thực hiện lẫn người chứng kiến, tường thuật... kể cả người đọc và mù quáng tin vào câu chuyện. Người giải phóng được "ngũ căn" là có khả năng biến "ngũ thức" thành "trí", gọi là "thành sở tác trí", có thể tạo ra vô số đồ vật, con vật... Nhưng thường không bao giờ "thị hiện", bởi nếu thị hiện nhằm mục đích không phải vì chúng sinh thì sẽ mất khả năng ấy ngay. Người thường xuyên "thị hiện" mà không bị mất, tức là do ma quỷ nó "nhiếp" vào, chứ không phải tự làm được điều đó...
Tôi đã comment nội dung như trên dưới bài chia sẻ bên trang nhà thơ Trần Đăng Khoa. Và copy bài viết của gã Đông La về đây, nếu ai không ngại lê thê thì cố gắng mà đọc:
ĐÔNG LA
TRỌN ĐÊM GIÁ LẠNH TRÊN NÚI TAI VOI CHỨNG KIẾN VIỆC GỠ BÙA VÀ GIẢI THOÁT CÁC VỊ RẮN THẦN BỊ GIAM TRONG NHỮNG VỈA ĐÁ, NÉN CHẶT NHƯ BÊ TÔNG CỐT THÉP
Sáng ngày 12-12-2018, một vị ở Hà Nội đến chỗ cô Hoà báo cho tôi biết một tin:
-Hôm nay sẽ có một vị trong ban lãnh đạo ở Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, là bạn tôi, bây giờ đang trên đường đến thăm cô Hoà, và sẽ chứng kiến cô thị hiện khả năng đặc biệt, mà thực ra từ lâu cô cũng đã có ý mời những vị có trọng trách đến đây. Hôm trước có một cán bộ ở Viện, cũng là tiến sĩ đấy, nhưng là cán bộ bình thường thôi.
-Kế hoạch của cô theo đường tâm linh không biết thế nào nhưng những việc thế này mà thực hiện sớm hơn thì tốt biết mấy, cô đỡ khổ mà anh em mình cũng đỡ vất vả.
Vừa ngồi được một lát, Hường, từng là hàng xóm trên Yên Bái của cô, một thời từng sát cánh, phụ giúp tôi trong cuộc chiến pháp lý bảo vệ cô Vũ Thị Hoà, đã bưng thức ăn đến, dọn mâm “các cụ”. Đại tá Nhà báo Đào Văn Sử nói nhanh:
-Chưa, chưa đâu, em, em bưng vào để phòng trong đi, còn đợi một vị khách quan trọng.
Và rồi, vị khách quan trọng cũng đã đến, hai bên bắt tay, chào hỏi, an vị, chủ nhà mời nước và màn giới thiệu hai bên xong, chúng tôi ngồi nói chuyện một lát thì cũng đã trưa nên mấy người phục vụ dọn cơm ăn. Hai vợ chồng anh Thu và cô Hoà đến chào khách, trước khi ăn, cô Hoà hướng về vị khách quan trọng phát biểu:
-Hôm nay, em đại diện cho chồng em, xin cảm ơn anh không ngại đường xa đã đến thăm công ty chúng em. Giờ cũng đến giờ ăn, xin mời anh dùng bữa cơm thân mật cùng anh em ở đây. Sau đó đến chiều, rất mong anh bỏ chút thì giờ chứng kiến những chuyện em làm, không dám nói là siêu phàm đâu mà là người thực, việc thực, nhưng hoàn toàn không phải như những người xấu, vì các mục đích khác nhau, họ đã vu khống cho em và chồng em.
Vị khách cảm ơn lời mời của cô, tôi nói với vị khách:
-Xin được chân thành nói với anh, hôm nay anh có duyên được gặp một người đặc biệt có những khả năng mà trong toàn bộ lịch sử loài người chưa từng có ai như thế. Lúc như thế này tôi chỉ có thể nói gọn một câu như vậy mà thôi.
-Cái ông nhà văn Đông La này lại nói như vậy rồi.
-Em chân tình nói sự thật mà cô.
Theo lẽ thường của phép lịch sự, vị khách mời cô “dùng cơm”, cô nói:
-Xin mời anh cứ tự nhiên đi ạ, xin phép anh em không dùng vì em ăn chay.
Vị bạn của ông khách, nói:
-Xin nói cho anh biết, cô không ăn gì chứ không phải ăn chay. Suốt tám năm qua, lúc đầu thì cô chỉ uống nước dừa và như những người theo cô nói, cô sống bằng hương hoa huệ. Còn bây giờ, nước dừa cô cũng uống rất ít, mà thỉnh thoảng chỉ uống một chai lavie thôi.
Hướng về người vừa nói, cô Hoà nói:
-Hôm nay có vị khách và đông đủ mọi người đây, em cũng xin nói thẳng, chính cái nhà ông này mấy năm trước đã nhốt em vào một phòng, gắn máy quay theo dõi, chỉ để một thùng nước, tính chỉ để ba ngày xem sao, nhưng em đã ở đó gần hai chục ngày luôn, nước cũng không dùng luôn. Thế mới tin em là không ăn gì mà vẫn sống khoẻ mạnh bình thường đấy.
Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cô nói về chuyện này trước đông đủ mọi người. Còn thực ra tôi đã nghe nhiều người kể, “ông tướng” sau khi dám mạo phạm cô để thử xem, đã phải quỳ lạy: “Xin Bồ Tát tha tội, chúng con dám mạo phạm bề trên cũng chỉ vì công việc của đời phàm thôi, nhưng nó là việc trọng đại của đất nước”. Còn với tôi chính cô cũng đã nói với một giọng mà như cô giải thích, nhiều khi cô phải nói một cách dân giã, nói rất tục, để giải toả bớt căng thẳng của một người vừa mang hình hài và chịu những ràng buộc của đời phàm mà vẫn luôn phải nghiêm trang, đạo mạo, gánh vác sứ mệnh cứu nhân độ thế, cứu giúp chúng sinh, sống đúng đạo làm người, tránh sự quả báo nghiêm khắc của luật nhân quả của thế giới tâm linh: “Tính giam cô mấy ngày đấy, nhưng bà ở luôn đó gần hai chục ngày, ngồi yên một chỗ, đéo thèm uống nước nên cũng đéo cần đi đái luôn”.
Sau đó, cô xin phép đi, mình anh Thu ở lại, cho chủ, khách mọi người ăn uống tự nhiên. Tôi sau vài chén rượu bắt đầu thấy phấn khích, nhớ lại lời một ông chú của vợ tôi trong một buổi tiệc, “cứ cho thằng Hùng uống nhiều vào, bình thường cậy răng nó cũng không nói, rượu vào thì nó mới nói nhiều và nói hay”, tôi nói với ông ở Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao:
-Xin tự giới thiệu với anh, tôi là nhà văn Đông La, nếu anh đi hỏi những người ở Ban Tuyên giáo Trung Ương; tướng, tá ở Bộ Quốc phòng; tướng, tá ở Bộ Công an; ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà Văn VN, anh sẽ biết tôi là nhà văn số một trên mặt trận chữ nghĩa bảo vệ chế độ, chống bọn phản động, nên bọn chúng gọi tôi là văn nô của chế độ. Khi tôi viết về nỗi oan khuất của cô Vũ Thị Hoà và anh Thu đây, chúng nó bảo tôi chứng kiến một xã hội có những chuyện như vậy mà vẫn ngu sao không “trắng mắt ra”? Nhưng xin nói với anh, cô Vũ Thị Hoà và chồng cô là anh Chu Xuân Thu đây, đúng là đã phải chịu vô vàn oan khuất cả gần chục năm nay. Trong việc cô dùng khả năng đặc biệt giúp các cơ quan và thân nhân đi tìm hài cốt liệt sĩ bị thất lạc, cô đã bị Quân khu 7, rồi tướng tá ở Bộ Quốc phòng; bị cả Đài Truyền hình VN vu khống tội lừa đảo. Chính tôi đây đã giúp cô viết đơn kiện họ tội vu khống, tội xúc phạm nhân phẩm công dân. Đơn đã được gởi cơ quan điều tra, các cơ quan có trọng trách giám sát điều tra là Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc, gởi cho cả ông Vũ Đức Đam, người phụ trách tìm kiếm liệt sĩ của Chính phủ. Nhưng tất cả đều im lặng. Cũng may là những lá đơn cũng chặn được cái chương trình của con Thu Uyên trên VTV1 vu khống cô và giúp cô bình an cho đến hôm nay. Tất nhiên, xã hội mình không phải xấu tất như ý bọn phản động chúng nó nói, nhưng chúng ta phải công nhận rằng, nền pháp luật của ta còn nhiều yếu kém, nên còn để rất nhiều người dân bị oan sai, như trường hợp cô Hòa và anh Thu ở đây.
Mọi người nhao nhao ngăn tôi:
-Thôi anh Đông La ơi, anh ấy là khách mà.
Tôi cáu:
-Các ông buồn cười nhỉ, tôi có nói gì sai không. Ông này là khách nhưng cũng là người trong ban lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Hôm nay vì tình người ông ấy đến thăm cô Hoà thì tôi cũng chân tình nói cho ông ấy hiểu về cô. Các ông sau lưng thì chửi công an, chửi toà án tùm lum, lúc có dịp nói ra ba mặt một lời thì lại không nói.
Không khí có chút căng thẳng, ăn thêm một chút nữa, ông “Viện Kiểm sát” chào mọi người, xin đi uống nước trước ở chỗ nhà sàn.
Ăn xong, tôi cùng mọi người cũng ra uống nước chỗ nhà sàn. Tôi lại gặp lại ông “Viện Kiểm sát”, tôi nói:
-Hồi nãy, nếu tôi có thái độ gì sai thì xin lỗi ông. Nhưng tôi nói hoàn toàn là chân tình và là sự thật đấy. Chắc chắn anh mới biết rất ít về cô Hoà thôi. Chỉ nói mấy chuyện như thế này, cô có thể nhìn xuyên được cả đất, đá, bê tông; tôi ở Sài Gòn, làm gì sai là cô cảnh báo ngay; thằng con tôi có chuyện ở tận bên Mỹ, chính tôi còn chưa biết phải hỏi vợ thì cô ở ngoài Bắc đã biết và gọi điện thoại cho tôi. Nếu anh hiểu kinh Phật thì đó là thiên nhãn thông. Tất cả có lục thông cơ, cô Hoà có tất. Vậy thì cô phải là ai mới có khả năng như thế chứ? Nên tôi xin nói, anh cũng là người có phúc lớn đấy nên hôm nay mới được gặp cô.
-Tôi hiểu mà, nhà tôi cũng thờ Phật mà.
***
Buổi chiều, tất cả chủ khách chúng tôi lại tập trung để chứng kiến cô Vũ Thị Hoà thị hiện khả năng thiên nhãn thông cho một công việc không chỉ vì công ty cô mà còn vì cả nhân dân, cả đất nước. Thành phần chứng kiến vẫn có đầy đủ các cán bộ cao cấp, sĩ quan cao cấp, trí thức cao cấp, những nhà văn, nhà báo danh tiếng, vị quan chức từng làm ở chính phủ, và những người ở “Vườn Vải”, đại bản doanh của công ty cô Hoà. Khách chứng kiến ngoài vị trong ban lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao kể trên, còn có Hoàng Anh Sướng lần này cũng lại có mặt. Sướng rủ theo hai người bạn, một anh Mẫn, một nhân vật tích cực đi tìm mộ anh là liệt sĩ trong phóng sự của Sướng viết về chuyện tìm liệt sĩ ở Knak, Tây nguyên và một ông thợ cắt tóc danh tiếng ở Hà Nội, có ông nội từng cắt tóc cho vua Bảo Đại. Cô Hoà cũng bảo Phó Tư mời Công an Phúc Yên, Công an Vĩnh Phúc và cán bộ địa phương đến, và cô còn muốn cho họ tự tay đào luôn để xem cô có tự chôn rắn để lừa đảo hay không? Phó Tư bảo: “Con gọi rồi. Nhưng họ không đến đâu. Họ đến để chứng kiến sự thật thì khác gì họ tự thú mình vu khống cho cô à?”
Địa điểm lần này là trên đỉnh núi Tai Voi, phần đất của công ty cô, thuộc thôn Đồng Tâm, xã Ngọc Thanh, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Leo khá cao nên tôi thấy khá mệt:
Khi mọi người đầy đủ, an vị, cô nói công việc lần này cũng lấy lên những vật mà thầy Ba Tầu nó yểm và giải thoát cho sáu vị rắn bị giam trong khối đá đã trên 400 năm. Vật yểm là 4 cái bát sứ cổ và một cái kim cổ. Cô đều vẽ trước vào cuốn sổ, có hai bát vẽ hình hoàng hậu, công chúa gì đó, hai cái bát vẽ hình rồng. Cô bảo thầy tầu họ yểm bát như thế là để cho nước mình loạn, kiểu quan chức đố kỵ, ganh ghét, hại nhau, tranh giành quyền chức của nhau. Có khi người có đức có tài thì bị hại, còn người thất đức, bất tài thì lại lên cao. Chính vì vậy mà bây giờ quan chức lũ lượt bị bắt đi tù đó”. Còn rắn cô bảo lần này có tới sáu vị, ở hai chỗ gần nhau, bốn vị một chỗ còn hai vị một chỗ. Chỗ đó là một khoảng không nhỏ như cái nồi tròn, nằm giữa các tầng đá nén chặt như bê tông, không có một chút đất nào. Tôi nghĩ chỉ có rắn thần mới sống mà không có thức ăn và không khí như thế. Mà theo cô nói đúng là rắn thần thật vì một chỗ có hai vị rắn chính là mang linh hồn của hai trinh nữ, một trong bụng có một viên vàng và một viên ngọc, một vị có một viên ngọc; còn chỗ có 4 vị mang linh hồn của bốn chàng trai nhưng đã mất trinh rồi. Tất cả họ đã bị những ông thầy yểm cho ngậm một loại mà cô bảo: “Không phải sâm đâu. Rồi họ bị thiêu sống bằng nhựa trám để ông thầy lấy tro yểm cùng vật yểm. Linh hồn họ đã biến thành rắn cực độc như thế để giữ của, nếu có người nào xâm phạm là sẽ bị rắn cắn chết ngay. Bây giờ không chỉ người thường mà ngay cả mấy ông thầy được cho là cao tay đến đào bới chỗ yểm như thế này cũng sẽ bị chết ngay. Không phải ai cũng gỡ được loại bùa như thế này đâu. Còn bùa ở Sông Tô Lịch do Cao Biền yểm chỉ là loại thường thôi”. Cô bảo đào bới lần này sẽ cực khổ hơn hai lần mới làm, vì ở đó có đá nhưng còn lẫn đất, còn lần này toàn là đá thôi. Đó là những vỉa đá mầu nâu nhạt được nén kết rất chặt mà bộ đội ở miền Đông Nam Bộ chúng tôi gọi là đá gan gà. Tôi đã từng làm thơ về chuyện lần đầu đi chôn bạn hy sinh ở trên đồi đá sỏi như thế:
Tưởng như đất không muốn nhận về lòng mình
Người lính trẻ chưa đầy 19 tuổi
Lưỡi cuốc chúng tôi bật trên đá, sỏi
Đêm rừng sâu mưa rơi giọt ngậm ngùi
Cô bảo phải đào một hố sâu 2m3 rồi lại khoét vào 1m, mới lấy được vật yểm. Không đào thẳng xuống vì sau khi làm lễ, tiến hành công việc, chỉ một người được cô gia hộ được ngồi ở trên đó để hỗ trợ người đào đá còn tất cả mọi người không ai được ngồi ở phía trên đầu các vị rắn thần. Tôi cũng thấy cách đào bới như cô nói là rất khoa học, phải khoét ngang phía dưới rồi khoét lỗ để hứng những vật yểm là những bát sứ mỏng manh rơi xuống thì mới không bị vỡ, còn đào trực tiếp từ trên xuống, bị chấn động mạnh thì đồ sứ sao có thể còn nguyên lành được?
Rồi sau khi mọi người đọc kinh, công việc đào bới được bắt đầu tiến hành thì đồng hồ chỉ hai giờ chiều. Trên đồi gió lộng, trời trở rét đậm, lại thêm lất phất mưa, mọi người trải bạt và căng bạt che để làm chỗ ngồi quây quần bên nhau. Ngồi đợi trong trạng thái như thế cũng là một thử thách lớn.
Phải nhổ một gốc cây khô nên có củi, mấy người nhanh chóng kiếm thêm, đốt một đống lửa sưởi ấm.
Ngồi chơi tán dóc, thậm chí còn nhấm nháp ngô rang, sắn luộc mà còn thấy khổ sở thì những chàng trai đào bới vất vả đến nhường nào. Lần này toàn là những vỉa đá đã hàng nửa thế kỷ bị phong hoá, nén chặt như khối bê tông, chỉ có thể dùng khoan máy khoan từng mẩu nhỏ, còn xẻng cuốc chỉ dùng để hót đá đổ ra ngoài thôi. Dù vậy, mọi người vẫn nghĩ ở địa thế bằng phẳng, đào có khó hơn bữa trước nhưng cũng chỉ lâu hơn vài tiếng là cùng, chắc 8-9 giờ là xong, là sẽ lại được về đánh chén mừng chiến thắng. Không ngờ trời đã tối từ lúc nào tôi không để ý, cô cười bảo “sắp xong rồi”, nhưng rồi cô nói hàng trăm câu “sắp xong rồi” nữa mà vẫn chưa xong. Chợt tôi thấy Sướng đưa điện thoại cho tôi:
-Anh nói chuyện với anh Khoa một chút nhé.
Tôi nói với Trần Đăng Khoa:
-Ông Khoa hở, tôi và Sướng đang ở thực địa chứng kiến Phật Bà ra tay, cứu chúng sinh bị giam hãm cả nửa thế kỷ ở đây đấy, và gỡ bùa vì đất nước, vì nhân dân đấy.
-Hay quá, bài nào của ông viết về cô Hoà là tôi cũng đọc ngay. Kỳ diệu lắm, ông lại viết ngay nhé, tôi sẽ đợi.
-Ông Khoa ạ, tôi chân tình nói với ông, ông có duyên cùng ông Hiền chứng kiến khả năng siêu phàm của cô trước tôi. Còn nhớ hôm họp Hội nhà Văn ở Tam Đảo, tôi rủ ông sang đây thăm cô, ông đồng ý, tôi báo cho cô, cô mừng lắm, đợi ông, thế mà ông cuối cùng lại không sang. Hàng vạn người đang xếp hàng muốn được gặp cô mà còn chưa có duyên, ông có duyên với cô như thế mà không gặp, như thế về tâm linh là mất phúc lớn lắm đấy.
-Ông nói cô thông cảm, chứ tôi tối ngày hết họp lại hành. Tôi rất tin cô, muốn gặp cô, nhưng đúng là không nhúc nhích được ông ạ. Thôi chào ông nhá!
Một trong hai người bạn của Sướng, ông thợ cắt tóc danh tiếng, trước ánh lửa bập bùng, bất chợt hứng chí hát một bài về Tây Nguyên của Trần Tiến. Cô Hoà như được gãi đúng chỗ ngứa, vì hát hò, nói theo giọng các cụ là “máu của nàng” mà, cô đưa ra sáng kiến mọi người cùng biểu diễn văn nghệ, để giết thì giờ một cách thú vị nhất. Mọi người trổ tài. Không ngờ Hoàng Anh Sướng cũng là một giọng hát có hạng. Rồi hết khách đến chủ hát mỏi cả mồm mà công việc vẫn chưa xong. Tôi nhìn đồng hồ, đã 12 giờ đêm, nghĩa là đã 10 giờ trôi qua. Cô lại cười bảo “Sắp đến rồi” và lại đưa ra sáng kiến bảo mấy người luộc trứng và nấu cháo gà mang lên đồi ăn. Mọi người lại chia nhau ăn hết cả trứng, hết cả cháo nhưng công việc… cũng vẫn chưa xong. Thấy tôi có vẻ phong phanh, vì ở Sài Gòn, tôi không chú ý sắm đồ ấm, cô bảo tôi chắc lạnh lắm. Mà đúng là lạnh thật nhưng tôi thấy vẫn có thể chịu được vì tôi từng chịu đựng trọn một mùa đông bên Nga, có khi lạnh đến âm 25 độ. Không biết có phải do cô bảo không, tôi thấy một cháu đưa cho tôi một cái chăn, tôi buộc thành cái áo khoác, và thấy quả là ấm áp và dễ chịu hơn thật.
Khoảng hai giờ khuya, nhiều người bắt đầu gà gật, tôi cũng kiếm chỗ nằm cho đỡ mỏi lưng, thấy bên cạnh có cả ông và cả bà nào đó đang say sưa “kéo gỗ”, âm vang rung cả mặt đồi. Nếu không có niềm tin và niềm háo hức chờ đón những điều kỳ diệu của thế giới tâm linh, cả tôi và nhiều người không ai lại điên, bỏ nệm êm, chăn ấm mà tập trung ngủ vạ vật trên núi cao, gió lạnh, giữa đêm đông như thế bao giờ. Dù vậy ở chỗ hố đào, các cháu thanh niên vẫn luôn mải miết thay nhau khoan, đào, trên bờ luôn có một số người phụ đổ đá và tập trung ở đó như để hỗ trợ tinh thần người làm việc. Khi độ sâu của hố và hõm được khoét gần đạt yêu cầu, trông sâu thăm thẳm như đường xuống địa ngục:
Hai chuyên gia đào bới và đã được cô gia hộ về tâm linh, nhảy xuống hố hoàn thành nốt công việc. Mọi người thức dậy cả vì lại nghe cô nói “Sắp đến rồi”. Nhưng hai người cũng còn phải khoan, phải đào chán. Cuối cùng, khoảng 6 giờ, trời đã hửng sáng, một người dưới hố nói với cô:
-Đến rồi cô ạ, con đã khoan thấy một lỗ trống.
Cô bảo Hoàng Anh Sướng:
-Đó là chỗ ở của các vị rắn và để đồ yểm đấy, nó chỉ như một cái nồi đất tròn nhỏ thôi. Anh nhẩy xuống chụp đi.
Sướng nhảy xuống chụp xong, Cô bảo hai người ở dưới khoét cái lỗ rộng dần ra, cẩn thận tránh làm vỡ những cái bát sứ tối cổ. Một người nói với cô:
-Con trông thấy cái bát và các vị rồi.
Rồi lấy được nguyên vẹn cả bốn cái bát sứ đưa lên bờ.
Hai người lấy nốt vật yểm là một cái hình bát quái mà cô nói thực ra là một cái gương và một cái kim cổ.
Và rồi cuối cùng một vị rắn xuất hiện. Cô nói với vị rắn là mọi người mới giải thoát cho vị khỏi nơi giam cầm đã hơn 400 năm đó. Giờ vị hãy ngoan ngoãn để người ta bắt lên, rồi sẽ được thả vào rừng để được sống cuộc đời tự do. Những người ở hướng nhìn thấy, đều chứng kiến vị rắn ngóc đầu, chăm chú lắng nghe cô nói và ứa nước mắt, nhỏ thành từng giọt. Vị đã ngoan ngoãn để một người dùng dụng cụ là một thòng lọng tròng vào cổ, lôi lên cho vào lồng.
Cũng như vậy, vị rắn ở chỗ yểm thứ nhất được mang lên cho vào lồng. Rồi họ tiếp tục khoét chỗ yểm thứ hai mang lần lượt hết 4 vị còn lại, bỏ chung vào lồng.
Sau đó, cô dùng thiên nhãn xác định hai vị có viên vàng, ngọc để hai người mổ lấy ra, rồi dùng kim, chỉ khâu vết mổ lại, xong lại cho vào lồng. Tất cả các vật yểm và các viên vàng, ngọc được xếp lại cho những nhà báo, nhà văn chúng tôi được phép cô Hoà cho chụp ảnh:
Tất cả lại được so với những hình cô đã vẽ trước trong cuốn sách và tất cả lại giống hệt hoặc trùng khít:
Cuối cùng, các vị rắn được thả vào rừng; những vật yểm, riêng những bát sứ cổ rất có giá nhưng cũng là vật yểm nên rất độc, tất cả đều phải quẳng xuống Sông Hồng, trả lại cho thế giới tâm linh.
Thế là, sau khoảng 18 tiếng, qua trọn một đêm trên đồi mưa lạnh, gió lạnh, một lần nữa, một công việc kỳ lạ, kỳ bí, kỳ diệu và tuyệt diệu đã được hoàn thành, hoàn hảo, tuyệt hảo. Còn tôi, có lẽ vì được là người trong cái nhóm nếu so với toàn nhân loại thì vô cùng nhỏ bé nhưng lại có cái phúc lớn lao là được chứng kiến những điều siêu phàm, huyền diệu nhưng lại hiển hiện, có thể cầm nắm, sờ mó được của thế giới tâm linh nên qua một đêm như vậy mà không thấy đói, thấy mệt gì cả.
Vườn Vải Phúc yên
14-12-2018
ĐÔNG LA
GC: bài này ông Khoa đã gỡ!


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: