Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 1 tháng 1, 2018

Nông dân chế robot được thế giới săn đón, PGS đề xuất cải cách vô bổ



QUANG ĐẠI 

LĐO - Năm 2017, chứng kiến nghịch lý trong sáng tạo, nghiên cứu khoa học. Một vị PGS.TS đề xuất cải cách chữ viết bị phản ứng, tẩy chay, trong khi một nông dân chỉ học lớp 7 chế tạo thành công robot được nhiều nước đặt hàng.

Chuyện PGS.TS Bùi Hiền đề xuất cải cách chữ viết tiếng Việt, có thể nói là sự kiện gây ồn ào nhất năm 2017. Đến nay, giới chuyên môn cũng như cộng đồng đều nói “không” với đề xuất nói trên. Bởi đó là đề xuất phi khoa học, không phù hợp với các nguyên tắc ngôn ngữ và văn hóa học; nếu áp dụng sẽ gây rối loạn và những hệ lụy khôn lường, cho dù theo ông Bùi Hiền, đề tài này ông đã đeo đuổi mấy chục năm.

Dư luận ngạc nhiên, bởi vì một người có học hàm, học vị cao, lẽ ra phải chuyên tâm nghiên cứu những đề tài có giá trị khoa học và thực tiễn, giúp giải quyết những vấn đề bức thiết của cuộc sống. Trong khi đó, ông Bùi Hiền lại dành công sức bao nhiêu năm để cho ra một kết quả chỉ làm “trò chơi”.

Nghịch lý là, trong khi các nhà khoa học, hoặc không có phát minh nổi trội, hoặc “phát minh” vô bổ, thì một người nông dân ở Hải Dương đã chế tạo thành công robot tra hạt được nhiều quốc gia tiên tiến săn đón, đặt hàng.

Mới học hết lớp 7, nhưng ông Phạm Văn Hát (45 tuổi, thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ, Tứ Kỳ, Hải Dương) đã sáng chế thành công hàng chục máy nông nghiệp, như máy đánh luống, máy thu hoạch rau húng, máy rạch hàng, máy cày hai lưỡi. Trong đó, robot gieo hạt tự động là sản phẩm được nhiều nước quan tâm.

Mỗi năm ông Hát bán vài chục chiếc với giá 35 triệu đồng cho người Việt và 3.500 USD khi xuất sang Đức hoặc Mỹ. Riêng robot gieo hạt đã được bán đi 14 nước.

Đây quả là một kỳ tích, được tạo nên bằng sự nỗ lực phi thường của một nông dân chưa được học cấp 3.

Thành công của nông dân Phạm Văn Hát không chỉ gây chấn động trong nước, mà còn làm giới khoa học, sáng chế quốc tế kinh ngạc. Để sáng chế, sản phẩm được công nhận, ứng dụng rộng rãi tại các cường quốc về khoa học công nghệ, phải đạt đến một trình độ, đẳng cấp rất cao.

Không chỉ ông Hát, mà có hàng chục, hàng trăm sáng chế khác về trong nông nghiệp, môi trường… có giá trị ứng dụng, thương mại cao của các tác giả là… nông dân.

Trong khi nước ta có hàng chục ngàn giáo sư, tiến sĩ, nhưng số lượng bằng sáng chế hết sức khiêm tốn. Thành công của nông dân Phạm Văn Hát làm chúng ta phải nhìn nhận lại, đánh giá đúng thực trạng để tìm giải pháp đưa khoa học Việt Nam phát triển; không thể chấp nhận tình trạng bê bết như hiện nay.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: