An Hòa (dịch và t/h)
Năng lực và thái độ của một người, điều gì quan trọng hơn? Yếu tố nào mới là nền tảng quan trọng tạo nên sức mạnh của một cá nhân, một doanh nghiệp hay lớn hơn là một xã hội, một quốc gia?
Trong một lần chia sẻ, một người thuộc thế hệ đi trước đã nói, mỗi một việc bạn làm đều không phải là làm không công. Có một số việc bạn làm, nhìn qua thì giống như là không có giá trị, nhưng nó lại hiển lộ ra thái độ của bạn. Thái độ của một người là vô cùng giá trị, là thiên kim không gì đánh đổi được.
Từ xưa đến nay, rất nhiều người đều nguyện ý hợp tác với người dụng tâm làm việc mà không phải một người thông minh làm việc hời hợt. Thời gian càng lâu, người ta càng phát hiện ra rằng, “dụng tâm làm việc” mới là “nhãn hiệu vàng” chứ không phải năng lực làm việc cao.
Thái độ quan trọng hơn năng lực
Câu chuyện Rùa và Thỏ thi chạy, ngay từ nhỏ đã rất nhiều người được nghe. Con Thỏ kiêu ngạo bởi vì mải ngủ mà bị bại bởi con Rùa chậm chạp. Trong công tác, có hai kiểu người giống con Thỏ và con Rùa có lẽ làm cho ông chủ phải đau đầu. Con Thỏ đại biểu cho những nhân viên thông minh, có năng lực nhưng làm việc một cách hời hợt, gian trá và luôn dùng mánh lới, thủ đoạn. Trong khi đó, con Rùa đại biểu cho những nhân viên có năng lực không cao, nhưng luôn nghiêm túc và chăm chỉ cố gắng, thái độ đặc biệt tốt. Cần người có năng lực hay cần người có thái độ luôn là hai sự lựa chọn khó khăn.
Có một câu chuyện được đăng tải trên một trang mạng nước ngoài, kể rằng: Trước đây, trong cuộc sống và công tác, tôi luôn muốn được hợp tác cùng với những đồng nghiệp có năng lực. Đặc biệt là ở nơi làm việc của tôi, cường độ làm việc và áp lực rất lớn. Mỗi người đều luôn bận rộn, vội vàng để theo kịp tiến độ công việc. Bởi vậy, tôi luôn cho rằng thông minh tháo vát là một ưu thế “được trời ưu ái” và vô cùng ngưỡng mộ những người này.
Về sau, tôi gặp được một nhân viên tốt nghiệp một trường đại học nổi danh đã cải biến ý nghĩ của tôi. Cậu thanh niên này có năng lực làm việc vượt trội, tốc độ làm việc rất nhanh. Cùng một công việc, có người làm hai, ba ngày mới xong nhưng anh ta chỉ cần một ngày làm việc là có thể hoàn thành. Tuy nhiên, trong thời gian còn lại, nhìn thấy các bạn đồng sự thức đêm làm tăng ca thêm giờ, anh ta vẫn an vị ngồi chơi điện thoại. Anh ta chưa từng có nguyện ý giúp đỡ hay phối hợp cùng đồng sự của mình. Ngay cả khi nếu có đồng sự nào nhờ cậu ấy hỗ trợ, cậu ấy sẽ hoặc là miễn cưỡng hỗ trợ hoặc tìm cách chối từ.
Người đồng sự này cứ như vậy làm việc trong mấy năm liền, nhưng trong danh sách thăng chức thì từ đầu tới cuối đều không có tên. Sau mấy năm như vậy, anh ta tỏ ra bất bình. Một lần, không thể nhẫn chịu mãi, anh ta bất bình tranh biện với vị lãnh đạo: “Tại sao, tôi tốt nghiệp loại giỏi, năng lực làm việc hơn người mà không được thăng chức như những người khác?”
Vị lãnh đạo từ tốn nói: “Với năng lực của cậu đúng là phải được làm chức trưởng phòng. Nhưng thái độ của cậu thì lại chỉ phù hợp làm một nhân viên thôi!”
Một người có năng lực làm việc lớn cũng không thể bù đắp được cho sự khiếm khuyết về thái độ. Bởi vì thành tựu của một người thông thường được quyết định bởi việc người ấy nguyện ý, sẵn lòng nhiều hay ít chứ không phải là làm việc nhiều hay ít. Thái độ quyết định hành động, hành động quyết định vận mệnh.
Từ trước đến nay, chúng ta không khó để chứng kiến có rất nhiều người thông minh nhưng lại làm ra những chuyện ngốc nghếch. Trái lại, có rất nhiều người luôn được đánh giá là kém thông minh nhưng lại làm những việc rất thông minh.
Thái độ và phẩm chất mới là “mối quan hệ mạnh nhất”
Con gái một người bạn của tôi tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Hàn Quốc và học thêm cả chuyên ngành thương mại quốc tế ở một trường đại học không phải là có danh tiếng. Khi phỏng vấn xin việc, vào đến vòng cuối cùng, có ba người đồng hành, một người tốt nghiệp đại học nổi danh, đã từng sang Hàn Quốc du học 6 tháng, còn một người tốt nghiệp đại học chuyên ngành tiếng Hàn. Tại buổi phỏng vấn, cô bé không ngừng giúp đỡ hai người kia một cách chân tình, không hề có sự ganh đua, đố kỵ.
Cuối cùng đến lượt cô bé, người phỏng vấn hỏi: “Bạn chẳng lẽ không biết rằng hai người kia đều là đối thủ của mình hay sao? Nếu một trong hai người họ trúng tuyển thì bạn sẽ là người bị loại.”
Cô bé cười và nói: “Tôi biết rõ điều đó, nhưng tôi cảm thấy rằng vị trí này thích hợp cho họ hơn là cho tôi.”
Người phỏng vấn hỏi: “Bạn nói sao?”
“Bởi vì trong hai người họ, một người có kinh nghiệm hơn tôi còn người kia có năng lực hơn tôi, đó chẳng phải là những nhân tài mà các vị đang cần sao?”
Tuy nhiên người phỏng vấn lại nói với cô bé rằng: “Đúng, chúng tôi cần một nhân tài như vậy, nhưng còn cần người có thái độ và nhân phẩm như bạn hơn, bạn đã trúng tuyển!”
Sau một thời gian công tác, bởi vì cô bé có khẩu ngữ tốt, lại học qua ngành thương mại quốc tế, nên rất nhanh chóng được chuyển sang bộ phận nhân sự. Cô con gái này của bạn tôi không chỉ có dung mạo bình thường mà còn có vóc dáng thấp bé, cho nên đã có người hỏi cô bé rằng: “Bạn có bằng cấp như vậy, vóc dáng như vậy mà lại được chuyển tới bộ phận nhân sự nhanh như thế, chắc hẳn phải có nhiều mối quan hệ mạnh lắm?” Cô bé chỉ cười mà không nói gì.
Có một thực tế rằng, ở những nơi cần nhân tài thực sự thì mối quan hệ mạnh cũng không qua được thái độ, phẩm chất tốt, hết thảy những thành công đều là thành công của đối nhân xử thế. Cho nên, vô luận làm gì, hay ở nơi đâu, mỗi người đều cần phải căn cứ lương tâm làm người, coi trọng đức và hiểu lễ nghĩa, tích cực tiến tới. Như vậy, nếu chúng ta không thể làm thành một sự nghiệp lớn thì chúng ta cũng có thể làm được việc “không hổ thẹn với trời đất, không hổ thẹn với lương tâm!”
Có đôi khi, chúng ta thật sự hồ đồ. Rất nhiều người sẵn sàng dùng nhiều tiền để nâng cao chỉ số thông minh của mình, cũng lao tâm khổ tứ để làm quen với những người có quyền cao chức trọng, nhưng lại thường quên mất một đạo lý đơn giản: “Thái độ là sức mạnh trung tâm của một người.”
Có câu nói đặc biệt có đạo lý rằng: “Thái độ hiện tại của bạn, sẽ quyết định con người bạn mười năm sau. Năng lực là đại biểu cho hiện tại, thái độ là đại biểu cho tương lai. Sự khác biệt giữa tiến lên hay lùi lại được quyết định bởi thái độ của một người.”
Một người không có thái độ tốt, tích cực thì năng lực sẽ càng ngày càng bị giảm sút hoặc biến chất. Nhưng nếu một người có thái độ tích cực thì, dù sớm hay muộn, cho dù là năng lực kém cũng sẽ được cải tiến hơn lên.
“Đem thực lực lưu ở bên mình, đem thái độ ứng xử với xã hội, với thế giới” mới là trí tuệ cao!
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét