Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 25 tháng 1, 2018

Cuộc sống bắt chước nghệ thuật


VTNH

 Có một mẩu tin tôi đọc từ cuối 2015, nhưng cứ nhớ mãi.
Tin các báo:
Trong phần chất vấn dành cho Thủ tướng phiên sáng ngày 17/11/15 tại Quốc hội, một đại biểu từ Tp HCM, ông Trương Trọng Nghĩa, nêu ra một nhận xét và đề nghị người đứng đầu chính phủ "giải thích thêm cho cử tri về việc này".

Nhận xét của đại biểu đó như sau :“Tham nhũng không giảm như các nghị quyết đã đề ra. Tham nhũng ngày càng tinh vi và có hiện tượng chi phối luật pháp và khi đó người tham nhũng xử lý người chống tham nhũng chứ không phải là ngược lại”.
Cái hiện tượng nêu ra ở đây khiến tôi nhớ tới một tình huống trong cuốn “Alice ở nước diệu kỳ” của nhà văn Anh L. Carrol (1832-1868).
Nguyên đây là câu chuyện về cô bé Alice chui vào lỗ thỏ để rồi lạc vào xứ sở trong mơ của Thỏ Trắng, uống chai nước và ăn chiếc bánh kỳ lạ, tìm cách mở những cánh cửa bí mật khóa kín, đối đầu với các bà hoàng hậu, và những lá bài ma thuật.

MỘT PHIÊN TÒA
Sau một hồi phiêu lưu trong thế giới giả tưởng, tới đoạn cuối cùng miêu tả trong truyện này, Alice ngẫu nhiên dự một phiên tòa trong cung vua: tòa xử một vụ ăn cắp bánh của hoàng hậu.
Ngẫu nhiên khi vua ra lệnh cho gọi nhân chứng thì chú thỏ trắng lại gọi ngay Alice.
Alice từ chối:
- Tôi đâu biết về vụ ăn cắp mà làm chứng.
- Đó mới là điều quan trọng.
Ý ngầm mà thỏ trắng không nói: chính là vì ngươi không biết ta mới cần ngươi.
Khi hoàng hậu nêu một lý do vớ vẩn để bảo Alice không được làm nhân chứng, vua quát hãy rời khỏi đây.
Alice nằn nì xin ở lại thì lại được chứng kiến một cảnh xử án không có nơi đâu.
- Vua: Hãy tiếp tục luận tội.
- Hoàng hậu: Tuyên án trước rồi sẽ luận tội.
- Alice: Ai lại tuyên án trước luận tội sau bây giờ, thật phi lý!
- Hoàng hậu: đem con nhỏ này ra chặt đầu ngay.
Khi bị tuyên bố chặt đầu, Alice mới như tỉnh cơn mê. Với câu nói cuối cùng “tất cả bọn ngươi chỉ là một bộ bài không hơn không kém”, giấc mơ của Alice cũng chấm dứt.


HIỆN TƯỢNG & XU HƯỚNG
Quay trở lại phần nhập đề bài này.
Cái tình thế xã hội mà ông Trương Trọng Nghĩa vừa miêu tả “người tham nhũng xử lý người chống tham nhũng” cũng chỉ là một phần của tình trạng thế giới đảo ngược mà người ta quan sat thấy ở nhiều xã hội thời nay, kể cả ở ta.
Riêng ở ta thì nhiều người thuộc lứa tuổi tôi thường khái quát : nay là lúc xã hội loạn ly,
cái hiện tượng “người lớn sợ trẻ con, thầy giáo sợ học trò, người tốt sợ người xấu, người ưu tú sợ kẻ bất tài” ngày một phổ biến cái nọ chuyển hóa vào địa vị của cái kia.
Người ta không biết giải thích làm sao . Người ta chỉ đành kêu trời.
Nhưng nói như Nam Cao, trời ở rất xa.
Người chống tham nhũng thì ngày càng ít đi mà người tham nhũng thì ngày một nhiều hơn. Từ đây tới khi xảy ra tình trạng người tham nhũng nhiều xử kẻ tham nhũng ít, hoặc người tham nhũng có quyền lực xử kẻ tham nhũng mất quyền lực -- thời gian chắc chẳng bao xa
Đằng nào thì cũng là những chuyện mà trong thế giới cổ điển nó hiếm hoi hãn hữu, nay lại phổ biến.
Điều đáng mừng là trong việc này nghệ thuật lại có vai trò tiên tri với nghĩa nghệ thuật đã dự báo trước.
Đó chính là nội dung của cái câu “Không phải nghệ thuật bắt chước cuộc sống mà chính ra là cuộc sống bắt chước nghệ thuật” người nói là Oscar Wilde (1854-1900).
Dù là cái thiên chức này của nghệ thuật còn đang là chuyện xa lạ ở VN, thì người ta vẫn mừng là nó đã có và nếu chịu khó đọc, chúng ta sẽ bình tĩnh hơn khi nhìn nhận hiện tượng trước mắt.


VĂN HỌC PHÁP ĐÌNH
Một mô-típ phổ biến của văn học nhiều nước , là cái tình tiết “con người phạm tội, họ phải ra tòa và công lý đã phải khó khăn ra sao để giải quyết”.
Từ những câu chuyện về Bao Thanh Thiên ở Trung quốc tới trường hợp cuốn "Tội ác và trường phạt" của Dostoievski, biết bao là cách xa diệu vợi.
Nhưng cả hai đều thuộc về một mảng văn học mà chúng tôi tạm gọi là văn học pháp đình.
Ở ta tuy ít nhưng không phải là không có
Ai đọc truyện cười VN, hẳn nhiều còn nhớ truyện “Nhưng nó phải bằng hai mày!”
Làng kia có một tên lí trưởng nổi tiếng xử kiện giỏi.
Một hôm nọ, Cải với Ngô đánh nhau, rồi mang nhau đi kiện. Cải sợ kém thế, lót trước cho thầy lí năm đồng. Ngô biện chè lá những mười đồng. Khi xử kiện, thầy lí nói:
- Thằng Cải đánh thằng Ngô đau hơn, phạt một chục roi.
Cải vội xoè năm ngon tay, ngẩng mặt nhìn thầy lí khẽ bẩm:
- Xin xét lại, lẽ phải về con mà!
Thầy lí cũng xoè năm ngón tay trái úp lên năm ngón tay mặt, nói:
- Tao biết mày phải... nhưng nó lại phải... bằng hai mày!
Trong văn học hiện đại, tôi chỉ nhớ tới cuốn phóng sự “Trước vành móng ngựa “ của Hoàng Đạo. Còn từ sau 1945, thì lục mãi không nhớ, vậy nhờ các bạn tìm hộ.
Nhưng tôi vẫn tin chắc là ở ta hiện nay thứ văn học pháp đình này đâu có nằm trong sự quan tâm của các nhà văn nên dự đoán là ít chắc chẳng sai. Vì ở ta hôm nay đến báo chí nói về các vụ kiện ở các tòa án ở cái mức và cái tình trạng mà ta vẫn thấy ở nhiều nước -- thứ báo chí đó cũng làm gì có!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: