Tác giả: Hồ Bạch Thảo
Dự án Đại Sự Ký Biển Đông, ngày 28 tháng 1 năm 2018
Tải bản PDF toàn văn nghiên cứu kèm phụ lục ở Hồ Bạch Thảo (2018) Xét về chủ quyền quần đảo Tây Sa do chính phủ Trung Hoa Dân Quốc nêu lên trong sách Nam Hải chư đảo địa lý chí lược – SCSCI
Tháng 11 năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 36 [1947] bộ nội chính Trung Hoa Dân Quốc cho xuất bản quyển sách nhan đề Nam Hải chư đảo địa lý chí lược, do Trịnh Tư Ước biên soạn[1]. Đây là sách đầu tiên nhắm đành chủ quyền trên Biển Đông và Hoa đông; cụ thể các quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc gọi là Tây Sa; Trường Sa, Trung Quốc gọi là Nam Sa; và Đông Sa. Sách này tại chương 7 với mục Sử chi hồi cố [史之回顧]; tác giả nêu lên chủ quyền quần đảo Tây Sa [từ trang 73-đến trang 76], xin dịch ra như sau:
“ Quần đảo Tây Sa từ xưa đến nay thuộc nước ta, càng có những căn cứ xác thực:
1. Sách Tống sử ký sự bản mạt [宋史記事本末] quyển 108, tiêu đề “Lập hai Vương” chép “ Tướng Nguyên, Lưu Thâm đánh quân nhà vua tại vũng biển cạn, Trương Thế Kiệt chống bất lợi lui quân từ Tú Sơn đến Tĩnh Áo[2]. Trần Nghi Trung trốn sang Chiêm Thành không trở về. Ngày Bính Tý tháng 12 [16/1/1278] vua đến Tĩnh Áo, bão lớn nỗi lên, thuyền hư gần chìm; vua kinh sợ thành bệnh. Hơn 10 ngày sau, quân lính tụ tập được ít, chết hơn một nữa. Lưu Thâm lại đánh Tĩnh Áo, vua chạy đến hẽm núi Tạ An[3] rồi ra biển, đến Thất Châu Dương; muốn sang Chiêm Thành nhưng không thực hiện được.”
2.Vào thời Minh Thành Tổ Vĩnh Lạc [1403-1424], Tuyên Đức [1426-1435] Tam Bảo Thái giám [Trịnh Hoà] 7 lần xuống các nước Tây Dương[4] vào khoảng thời gian 1404-1433; từng đi qua các đảo, dùng vũ lực lấy quần đảo Tây Sa. Lúc bấy giờ đồng hành có 2 người là Phí Tín và Mã Hoan; lúc trở về họ Mã soạn sách Doanh nhai thắng lãm, Phí soạn Tinh tra thắng lãm để ghi sự việc. Hoàng Tĩnh Tăng[5] bèn căn cứ vào 2 sách nầy, soạn cuốn Tây Dương triều cống điển lục [西洋朝貢典錄]. Trong sách này viết về Chiêm Thành như sau:
“Từ Nam Áo thuyền đi 40 canh (nguyên chú 1 canh tương đương 60 lý) đến Độc Trư Sơn, lại 10 canh thấy đảo Thông Thảo, nơi này nhắm đến núi Ngoại La, lại đi qua 7 canh đến đảo Mục Dương. Đông bắc nước này 100 lý có cửa biển lớn đó là cảng Tân Châu, cảng có tháp đá bên bờ làm mục tiêu; trại gọi là Thiết Tỷ [Thị?] Nại, do 2 di trông coi, có hơn 5,6 chục căn hộ. Cảng tây nam đi bộ khoảng 100 lý, là kinh đô của Vương Chiêm Thành, luỹ xây bằng đá, bốn phía có cửa, cửa được phòng vệ.”
Xét vị trí Nam Áo là giao giới bờ biển Phúc Kiến, Quảng Đông hiện nay; từ đảo Nam Áo theo hướng tây nam 2.400 lý đến núi Độc Trư, ước tính hơn 600 hải lý [1 hải lý= 1.852 mét], chính đúng vào đảo Vĩnh Hưng thuộc quần đảo Tây Sa. Rồi đi xuống phương nam 600 lý gặp đảo Thông Thảo, ước tính khoảng 160 hải lý, đáng là đảo nhỏ phía bắc núi Ngoại La; cái gọi là Ngoại La tức đảo Cù Lao Ray [Ré]. Lại phía nam 420 lý đến đảo Mục Dương, ước tính 110 lý, cứ khảo xét đáng là đảo Pous Canbier. Còn địa danh gọi là cảng Tân Châu tức Qui Nhơn ngày nay; vào thế kỷ thứ 15 là quốc đô Chiêm Thành, đáng tại Bình Định, Việt Nam.
3. Ông Mã Đình Anh vào năm1937 từng có bài viết rằng “ Khảo cứu về niên đại cần cho san hô phát triển” bảo rằng tại đảo Tây Sa dưới lớp san hô cao 5 xích [5 feet], phát hiện đồng tiền thời Vĩnh Lạc. Điều này chứng tỏ thời Minh đã có người đến quần đảo Tây Sa; những người này hoặc là dân đánh cá người Trung Quốc, hoặc tuỳ viên của Trịnh Hoà; chứng minh rằng quần đảo này sớm do Trung Quốc chiếm lãnh, thì không còn nghi ngờ gì nữa.
4. Đời Thanh, chí, thư ghi chép càng nhiều; một số sách cho Tây Sa quần đảo là Thiên Lý Thạch Đường. Sách Hải quốc văn kiến lục ghi: “ Phàm thuyền Nam Dương đều do núi Lão Vạn[6] ra khơi, theo hướng tây nam qua biển Thất Châu, có 7 châu [bãi] nỗi trên biển nên có tên như vậy. Lại qua Lăng Thuỷ, thuận theo gió đông bắc 4,5 ngày đến Thuận Hoá nước Việt Nam, Thuận Hoá là nơi Vương Việt Nam đóng đô.” Lại kể: “Thất Châu Dương tại đông nam huyện Vạn, đảo Hải Nam, tỉnh Quảng Đông, phàm đi xuống Nam Dương phải đi qua. Đông bắc đảo này có đảo đá ngầm Trường Sa Thạch Đường, thuyền đi phải cẩn thận. Tương truyền trên biển có tiễn điểu, thấy thuyền trên đại dương, bèn bay lại dẫn đường.” Lại kể rằng: “Cửu Tinh Dương, có thuyết bảo Cửu Châu Dương, lại bảo là Thất Châu Dương; ở phía đông nam huyện Hương Sơn, tỉnh Quảng Đông. Độc sử phương dư kỷ yếu[讀史方輿記要] chép rằng huyện Văn xương, phủ Quỳnh Châu, tỉnh Quảng Đông có Thất Lý Sơn; còn bảo rằng: “Thất Lý Sơn có 7 đỉnh liên tiếp nhau, có tên khác là Thất Châu Dương Sơn, cây cối rậm rạp, dưới núi có suối nước ngọt; dân hàng hải lấy nước ở đó.” Độc Sử Phương Dư Kỷ Yếu lại chép về Nhai Châu như sau: “Vào năm Tống Thiên Hy thứ 2 [1019] sứ Chiêm thành tâu người nước này trên đường đến Quảng Châu, thuyền gặp gió bão phiêu dạt tới Thạch Đường, nên mấy năm không đến, Thạch Đường cách biển Nhai Châu đến 700 lý.” Trên đề cập các sách xưa gọi “Thất Châu Dương”, “Thất Lý Dương”, “Thất Lý Sơn”, Thất Châu Dương Sơn”, “Cửu Châu Dương”, “Cửu Tinh Dương”, cùng “Trường Sa Thạch Đường”, “Thạch Đường”,…phàm các danh xưng như vậy, đều chỉ quần đảo quần đảo Tây Sa. Đảo Thất Châu thì chỉ 7 đảo phía đông tại Tây Sa; tức các đảo Triệu Thuật, Tây Sa, Trung Đảo, Nam Đảo, Bắc Đảo vậy.
Vào năm Quang Tự thứ 33 [1907], người Nhật tên là Đông Trạch chiếm quần đảo Đông Sa[7]; sự việc xãy ra Tổng đốc Quảng Đông Trương Nhân Tuấn can thiệp với Lãnh sự [Nhật]; đồng thời nghe tin vùng biển Hải Nam lại có quần đảo Tây Sa, nếu như không chú ý đến nơi, lại sợ lại xãy ra tình trạng giống như Đông Sa, nên đặc phái Phó tướng Ngô Kinh Vinh đến tra khám. Vào tháng 4 năm Tuyên Thống thứ nhất [1909] Ngô điều một đội quân hơn 170 người hàng hải bởi 3 chiếc tàu Phục Ba, Sâm Hàng, Quảng Kim, dùng Thủy sư đề đốc Lý Chuẩn chỉ huy đến tra khám các đảo; lúc trở về bắt đầu đề ra kế hoạch gồm 8 hạng mục; nhưng không lâu sau đó Tổng đốc Trương từ chức, người kế nhiệm quản lý không tốt, nên cuối cùng đi đến chỗ đình đốn.
Lời bàn:
Những lời khẳng định chủ quyền Trung Quốc về quần đảo Tây Sa [ Paracel, Hoàng Sa] do nhà nghiên cứu Trịnh Tư Ước nêu lên trong Nam Hải chư đảo địa lý chí lược được trích dẫn ở phần trên, hoàn toàn sai trái; xin lần lượt nêu lên từng điểm sau đây:
– Mục 1, tác giả nêu sách Tống sử ký sự bản mạt chép việc vua Tống bị quân Nguyên đánh đuổi đến Thất Châu dương, rồi cho rằng Thất Châu dương tức quần đảo Tây Sa [Hoàng Sa, Paracel]. Đây là điều sai lầm cố ý; sách Đông tây dương khảo [東西洋考] của Trương Tiếp đời Minh, tại quyển 9 mục Châu sư khảo khẳng định vị trí biển Thất Châu tại phía đông huyện Văn Xương, đảo Hải Nam 100 lý [1 lý = 0.58km]:
“Núi Thất Châu, biển Thất Châu: Quỳnh Châu Chí [瓊州志] chép biển Thất Châu tại phía đông huyện Văn Xương 100 lý; trên biển có 7 ngọn núi nhô lên liên tiếp, trong có nước suối ngọt có thể uống được. Thời nhà Nguyên, Lưu Thâm truy kích Tống Đoan Tông, bắt thân thuộc là Du Ðình Khuê tại nơi này.”
Theo bản đồ Google quần đảo Thất Châu tại phía đông bắc Văn Xương thị, tỉnh Quảng Đông hiện nay, tại tọa độ 19.957873, 111.254373, nhìn lên bản đồ thấy hàng chữ Qizhou Liedao tức Thất Châu Liệt Đảo, cách quần đảo Paracel [Hoàng Sa, Tây Sa] trên 200 km.
– Mục 2, tác giả căn cứ vào cuốn Tây Dương triều cống điển lục của Hoàng Tĩnh Tăng chép về chuyến đi của phái đoàn Trịnh Hòa đến Chiêm Thành. Đoàn tàu thuyền khởi hành từ Nam Áo tức giao giới vùng biển 2 tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông, qua Độc Trư Sơn, đến núi Ngoại La tức đảo Lý Sơn; rồi đến Tân Châu hay Thị Nại, Qui Nhơn. Tác giả bảo rằng Độc Trư Sơn tức đảo Tây Sa; điều này trái với sử sách cổ. Sách Đông Tây Dương khảo của Trương Tiếp dựa vàoQuỳnh Châu Chí khẳng định Độc Trư Sơn tức Độc Châu Sơn, vị trí tại phía đông nam châu Vạn, đảo Hải Nam:
“ĐộcChâu sơn: tên tục là Ðộc Trư sơn; Quỳnh Châu Chí chép Ðộc Châu sơn [獨州山] còn có tên là Ðộc Châu sơn [獨珠山], tại phía đông nam châu Vạn. Ðỉnh núi cao trên biển, chu vi 5,6 chục lý; các nước phương Nam đến cống, thủy trình lấy núi này làm chuẩn, biển này gọi là Ðộc Châu dương; người đi thuyền nói trên núi có miếu Linh Bá, khách vãng lai thường tế hiến.”[8]
– Mục 3, tác giả căn cứ lời tuyên bố của một cá nhân tên Mã Đình Anh bảo rằng dưới rặng san hô tại đảo Tây Sa [Paracel] tìm thấy đồng tiền thời Vĩnh Lạc triều Minh. Hiển nhiên đây là lời nói của một kẻ không có thẩm quyền; nhưng giả dụ đây là lời nói đúng thì cũng không phải là yếu tố hợp pháp được công pháp quốc tế chấp nhận, để có thể giúp Trung Quốc dành chủ quyền.
– Mục 4 tác giả Trịnh Tư Ước viết như sau: “Trên đề cập các sách xưa gọi “Thất Châu Dương”, “Thất Lý Dương”, “Thất Lý Sơn”, Thất Châu Dương Sơn”, “Cửu Châu Dương”, “Cửu Tinh Dương”, cùng “Trường Sa Thạch Đường”, “Thạch Đường”,…phàm các danh xưng như vậy, đều chỉ quần đảo quần đảo Tây Sa”.
Cũng căn cứ vào mục 4, tác giả xác nhận sách Hải quốc văn kiến lục [海國聞見錄] ghi “Cửu Tinh Dương, có thuyết bảo Cửu Châu Dương, lại bảo là Thất Châu Dương; ở phía đông nam huyện Hương Sơn, tỉnh Quảng Đông. Độc sử phương dư kỷ yếu [讀史方輿記要] chép rằng huyện Văn xương, phủ Quỳnh Châu, tỉnh Quảng Đông có Thất Lý Sơn; còn bảo rằng: “Thất Lý Sơn có 7 đỉnh liên tiếp nhau, có tên khác là Thất Châu Dương Sơn…”. Như vậy 2 sách vừa nêu đã dùng các tên đất Thất Lý Dương, Thất Lý Sơn, Thất Châu Dương Sơn, Cửu Châu Dương, Cửu Tinh Sơn để chỉ Thất Châu Dương. Vị trí Thất Châu dương gần đảo Hải Nam, vốn cách xa đảo Paracel [nay Trung Quốc gọi là Tây Sa]; trên bản đồ Google hiện nay ghi như sau: Qizhou Liedao tức Thất Châu Liệt Đảo, tọa độ 19.957873, 111.254373.
Riêng các đảo xưa có tên Trường Sa Thạch Đường, Thạch Đường, tuy vị trí tại quần đảo Paracel hiện nay; nhưng các sử chí quan phương Trung Quốc nhưMinh Sử, Đại Thanh Nhất Thống Chí, Thanh sử cảo đều không xác định các đảo này thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Đặc biệt sách Hải Ngữ [海語] do Hoàng Trung [黃衷] đời Minh soạn, đã dành riêng quyển cuối với nhan đề Uý Đồ [畏途] tức Con Đường Đáng Sợ, trong đó chép Trường Sa Thạch Đường, là nơi nguy hiểm không ai dám đến, với lời cảnh cáo nặng nề như sau:
“Vạn Lý Thạch Ðường tại phía đông biển Ô Trư và Thạch Trư. Tại đó tuy trời nắng nhưng vẫn âm u, không giống như trong cõi trần; thổ sản nhiều xà cừ. Chim có nhiều loại quỉ xa, có thứ 9 đầu, có thứ 3,4 đầu, rải rác khắp biển; tiếng kêu gào ầm ĩ đến mấy dặm; tuy kẻ ngu và loại hung hãn không ai là không thất sắc, mồ hôi toát ra. Châu sư[9] hàng hải trên thuyền lỡ tay lái thất thế, đâm vào đá tảng, thì hàng trăm mạng biến thành quỉ!
[萬里 石塘在鳥瀦二洋之東陰風晦景不類人世其產多𤥭璖其鳥多鬼車九首者四三首者漫散海際悲號之音聒聒聞數里雖愚夫悍卒靡不慘顏沾襟者舵師脫小失勢誤落石𣿭數 百軀皆鬼録矣]
Nguyên Giới, một vị quan từng trấn nhậm tại đảo Hải Nam dưới thời Minh, soạn sách Hải Tra Dư Lục [海槎餘錄] nghiên cứu về địa lý phong tục vùng này. Trong sách này ông xác nhận Thiên Lý Thạch Đường ngoài biển châu Nhai 700 lý, là nơi đầy nguy hiểm, chỉ có thuyền dân Phiên tức người tại các nước như Việt Nam, Chiêm Thành, từng quen tại đó mới biết cách tránh:
Thiên Lý Thạch Ðường tại ngoài biển Nhai Châu 700 lý. Truyền rằng đá tại biển này dưới mức nước biển 8, 9 thước [1thước=1/3 mét]; thuyền đi qua tránh xa mà đi, một lần đâm vào thì không thể ra được. Vạn Lý Trường Ðê ở phía nam, sóng nước chảy gấp, thuyền vào trong đó không thể thoát được. Thuyền dân Phiên đã quen nơi này, biết cách tránh, tuy gặp gió bão cũng không lo.
[千里石塘在崖州海面之七百里外,相传此石比海水特下八九尺,海舶必远避而行,一堕既不能出矣。万里长堤出其南,波流甚急,舟入回溜中,未有能脱者。番舶久惯,自能避,虽风汛亦无虞]
Thực vậy, Việt Nam và Chiêm Thành vốn từ lâu từng lui tới Trường Sa Thạch Đường; dưới thời Lê trong sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, triều Nguyễn tại Đại Nam Thực Lục vv…[10] các quần đảo này được sáp nhập vào lãnh thổ, đặt tên là Hoàng Sa, Trường Sa; sự kiện được ghi trong chính sử.
Riêng tại Trung Quốc vào buổi tàn cuộc của triều Thanh, nhờ ngọn gió Tây phương thổi đến, giúp họ hiểu rõ vị trí đặc thù và tài nguyên phong phú của biển, bèn tự tiện đặt tên cho Trường Sa Thạch Đường là Tây Sa. Một người tỏ ra bén nhạy với thời cuộc là viên Thuỷ sư đề đốc Lý Chuẩn, dưới sự chỉ đạo của Tổng đốc Quảng Đông Trương Nhân Tuấn; lợi dụng tình trạng Việt Nam trong vòng đô hộ Pháp lúc bấy giờ không có quân đóng tại Hoàng Sa, bèn vào năm Quang Tự thứ 33 [1907] mang các tàu như Phục Ba, Sâm Hàng đến đảo Hoàng Sa để dành chủ quyền. Điều kẹt cho Lý Chuẩn, quần đảo này chưa hề nằm trong lãnh thổ Trung Quốc nên các đảo không có tên; bởi vậy Lý Chuẩn bèn tuỳ tiện lấy tên hai tàu “Phục Ba”, “Sâm Hàng” đặt tên cho 2 đảo, lấy tên nguyên quán tại huyện “Lãnh Thuỷ” tỉnh Tứ Xuyên đặt tên cho một đảo khác, rồi nhân có giếng nước ngọt trên một đảo, bèn đặt tên đảo này là “Cam Tuyền”. Nhắm khua chiêng gióng trống cho mọi người biết, Lý Chuẩn cho bắn đại bác, treo cờ; khắc bia trên hòn đảo được đặt tên là Phục Ba, với hàng chữ như sau:
“Đại Thanh Quang Tự năm thứ 33, Thuỷ sư Quảng Đông Đề đốc Lý Chuẩn tuần thị đến nơi này.”[11]
[大清光绪三十三年广东水师提督李准巡视至此]
Bấy giờ thời gian gần kề cách mệnh Tân Hợi, các tỉnh tại Trung Quốc tự tiện điều hành như những sứ quân, việc làm của Lý Chuẩn chỉ thừa lệnh viên Tổng đốc Quảng Đông, riêng triều đình Thanh không hay biết. Bởi vậy phần Bản Kỷvề năm Quang Tự thứ 33, hoặc phần Chí trong Thanh Sử Cảo không đề cập đến đảo Tây Sa [Paracel].
Chú thích
[1] Chử Đình Phúc, “Khảo Sát Tư Liệu của Đài Loan liên quan đến Chủ Quyền trên Biển Đông,” Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 14 tháng 12 năm 2017. Truy cập online tại https://daisukybiendong.wordpress.com/2017/12/14/khao-sat-tu-lieu-cua-dai-loan-lien-quan-den-chu-quyen-tren-bien-dong/
[2] Tĩnh Áo: thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Quảng Đông.
[3] Hẽm núi Tạ An: tại đảo Hoành Cầm, Châu Hải thị, tỉnh Quảng Đông.
[4] Tây Dương: Nói chung các nước tại Đông Nam Á
[5] Hoàng Tĩnh Tăng người huyện Ngô, đậu Cử nhân năm Tân Mão. Soạn sách Tây Dương triều cống điển lục, 3 quyển; được Tuần phủ Giang Tô chọn dâng lên triều đình.
[6] Núi Lão Vạn: đảo núi gần Hương Cảng.
[7] Đảo Đông Sa: Tức Paratas Island, tại phía đông nam Hồng Kông 340 Km
[8] Đông Tây Dương Khảo, quyển 9, mục Châu sư khảo.
[9] Châu sư: Thuyền trưởng
[10] Đọc thêm: Hồ Bạch Thảo (2016) “Tư liệu xưa liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa” đăng trên trang Diendan.org (xem phụ lục đính kèm) – Chú thích của BTV.
[11] Nguyên văn trong bài 大清光绪李准1909年巡视至此 [Đại Thanh Quang Tự Lý Chuẩn 1909 niên tuần thị chí thử].
Tải bản PDF toàn văn và phụ lục tại Hồ Bạch Thảo (2018) Xét về chủ quyền quần đảo Tây Sa do chính phủ Trung Hoa Dân Quốc nêu lên trong sách Nam Hải chư đảo địa lý chí lược – SCSCI
———
Nhà nghiên cứu Hồ Bạch Thảo là một nhà nghiên cứu độc lập chuyên nghiên cứu về lịch sử. Ông là tác giả và dịch giả của một số cuốn sách như “Những nét đặc trưng về lịch sử Việt Nam” xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2002, “Việt Sử: Tư liệu và lời bàn” xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2009, “Bản dịch Thực Lục” xuất bản tại Hà Nội năm 2007 và tái bản năm 2010, “Bản dịch Minh Thực Lục” xuất bản năm 2010 tại Hà Nội. Một số khảo cứu của ông về chủ quyền Biển Đông đăng trên Dự án Đại Sự Ký Biển Đông tại:https://daisukybiendong.wordpress.com/tag/ho-bach-thao/.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét