Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

Người đàn ông làm một bài thơ gây phiền lụy cho hai người đàn bà mê thơ


Tác giả Nguyễn Vĩnh hào hứng đọc thuộc vanh vách bài "Người đàn bà thơ" rồi kể lại đại ý: bài thơ này được ông sáng tác khoảng năm 2008. Trước đó một thời gian, tình cờ ông nhận được điện gọi, thư nhắn, cùng những lời thăm hỏi mong kết bạn sáng tác của cô Thy Minh từ Lâm Đồng gửi ra. Chị Thy Minh có gửi lời mời ông: Nếu vào Nam hay đi Tây Nguyên thì gặp nhau kết tình thi hữu. Người chưa gặp, nhưng gặp qua thơ đã nhiều, nhất là qua tập thơ Dấu thời gian của Thy Minh gửi tặng. Trong hồn Nguyễn Vĩnh đã rất cảm kích. Một ngày đẹp trời, tình thơ bật ra ngọn bút, ông làm một hơi bài thơ “Người đàn bà thơ” và gửi tặng Thy Minh. Theo thời gian, vì những lý do riêng của hai người, sau khi người tặng thơ - người nhận thơ, họ đã dần thưa liên lạc và ngừng hẳn. Cũng ứng với thời gian đó (khoảng năm 2010 - 2011), qua các phương tiện truyền thông và các “Kênh Câu lạc bộ Thơ”, tác giả thơ Nguyễn Thị Thanh Long ở Sài Gòn bỗng một ngày liên lạc với Nguyễn Vĩnh...


NGƯỜI ĐÀN ÔNG LÀM MỘT BÀI THƠ GÂY PHIỀN LỤY CHO HAI NGƯỜI ĐÀN BÀ MÊ THƠ

NGÔ KIM ĐỈNH

Thời gian qua dư luận trên báo chí và mạng xã hội của những người yêu thơ bàn tán nhiều về bài thơ “Người đàn bà thơ”. Sự bình luận ở đây không nhằm vào giá trị nội dung hoặc nghệ thuật của bài thơ, mà có vấn đề liên quan chủ yếu đến hai người đàn bà cũng yêu thơ, làm thơ và một chút về “người thật” sáng tác ra bài thơ ấy. 
Chuyện ban đầu đơn giản là: bài thơ “Người đàn bà thơ” không có mặt trong tập thơ mới Những ký âm ngân của tác giả Nguyễn Thị Thanh Long, nhưng ở tập thơ mới ấy của chị (đã được xét trao tặng thưởng giải hằng năm của Hội Nhà văn TP.HCM) lại có một bài khác nằm trong “nghi án đạo thơ”. Lập tức, trên mạng xuất hiện ý kiến phản đối tập thơ này vào cơ cấu giải thưởng, cho dù sau đó Hội Nhà văn TP.HCM kết luận chị không đạo thơ mà chỉ chịu ảnh hưởng từ một bài thơ của tác giả khác, đồng thời chị cũng đã xin rút khỏi giải thưởng. Ngoài ra, dư luận cũng phê phán bài thơ “Người đàn bà thơ” là đạo văn - không phải của Nguyễn Thị Thanh Long khi chị đăng trên mạng xã hội cách đây mấy năm. Chị Thy Minh nhận bài “Người đàn bà thơ” là của mình. Sau đấy, lại xuất hiện bút tích và vật chứng, chứng minh bài thơ “Người đàn bà thơ” là của tác giả - nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Vĩnh (Hội viên Hội VHNT tỉnh Phú Thọ). Vậy, thực hư nghi án văn chương này thế nào?.

Sáng thứ 7 ngày 20.01.2018, khoảng 8h30’ tôi gọi cổng nhà thi sỹ Nguyễn Vĩnh ở trung tâm thị xã Phú Thọ. Ra mở cổng là một “Người trai” đứng tuổi, tóc muối tiêu mượt mà, xoã lưa thưa bồng bềnh trên “khuôn trăng” phúc hậu thật nghệ sỹ. Nhà thơ Nguyễn Vĩnh đấy. Một giáo viên từng dạy chuyên toán có uy tín và là người làm thơ quen thuộc của Phú Thọ. 

                                             
Nguyễn Vĩnh và Ngô Kim Đỉnh



Thời tiết sáng nay đã ấm hơn, nên ở nhà, Nguyễn Vĩnh ăn mặc nhẹ nhàng, quần bò áo thun. Trông ông nhanh nhẹn lắm, so với cái tuổi 74. Đợi làm đôi chén trà nóng, hỏi thăm vài câu xoay quanh chuyện nhà, chuyện tập thơ mới ra của ông. Tôi đặt vấn đề: Ông hãy kể lại việc “ra lò” bài thơ và việc tặng thơ cho hai người đàn bà ra sao?.

Tác giả Nguyễn Vĩnh hào hứng đọc thuộc vanh vách bài "Người đàn bà thơ" rồi kể lại đại ý: bài thơ này được ông sáng tác khoảng năm 2008. Trước đó một thời gian, tình cờ ông nhận được điện gọi, thư nhắn, cùng những lời thăm hỏi mong kết bạn sáng tác của cô Thy Minh từ Lâm Đồng gửi ra. Chị Thy Minh có gửi lời mời ông: Nếu vào Nam hay đi Tây Nguyên thì gặp nhau kết tình thi hữu. Người chưa gặp, nhưng gặp qua thơ đã nhiều, nhất là qua tập thơ Dấu thời gian của Thy Minh gửi tặng. Trong hồn Nguyễn Vĩnh đã rất cảm kích. Một ngày đẹp trời, tình thơ bật ra ngọn bút, ông làm một hơi bài thơ “Người đàn bà thơ” và gửi tặng Thy Minh. Theo thời gian, vì những lý do riêng của hai người, sau khi người tặng thơ - người nhận thơ, họ đã dần thưa liên lạc và ngừng hẳn. 

Cũng ứng với thời gian đó (khoảng năm 2010 - 2011), qua các phương tiện truyền thông và các “Kênh Câu lạc bộ Thơ”, tác giả thơ Nguyễn Thị Thanh Long ở Sài Gòn bỗng một ngày liên lạc với Nguyễn Vĩnh. Hoá ra chị Thanh Long có quê gốc chính là thị xã Phú Thọ - nơi mà thi sỹ đa tình Nguyễn Vĩnh đang sinh sống và sáng tác. Thế là bạn thơ thêm lý do để giao lưu và gửi gắm tình thơ. Lại cảm kích trước tình cảm và tâm hồn thơ đồng điệu và diệu vợi... thế nào, Nguyễn Vĩnh lại chép tặng người bạn thơ mới bài thơ cũ “Người đàn bà thơ”. Ông còn gửi kèm theo lời nhắn: Em toàn quyền sử dụng. Rồi thời gian cứ trôi, lại thời gian thử thách đây, tác giả Nguyễn Vĩnh cũng ít liên lạc với chị Thanh Long. Và đến một hôm gần đây, Nguyễn Vĩnh chợt biết chuyện buồn do bài thơ gây ra với hai người... 

Ra về, xuôi theo đê sông Thao mùa gió lạnh, lòng tôi cũng gờn gợn buồn theo những nông nỗi ngẫu nhiêu, thậm chí đến trái khoáy ở cuộc sống này. Làm thơ, yêu thơ, yêu mến - đồng cảm với bạn thơ là lẽ đẹp ở đời. Phải có và đã có rất nhiều tình bạn văn chương đẹp trong làng văn nghệ Việt Nam. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi yếu tố “ngoại biên - tình ngay lý gian”, mà mọi người quan tâm phải chia sẻ, nhường nhịn và biết đủ - biết dừng. Quan tâm đến thơ đến văn chương đã đẹp, quan tâm đến Con Người còn đẹp hơn, giàu có ý nghĩa hơn. Nếu cần phản đối chuyện “đạo văn”, thì chúng ta kiên quyết phản đối hành vi “ăn trộm” văn của người khác “biến” thành của mình, đã và đang diễn ra đây đó trong làng văn, làng báo Việt Nam - chứ không phải ở trường hợp này.



Nguồn: Trang web Hội nhà văn TPHCM

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: