Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 28 tháng 1, 2018

Tư liệu cụ HCM:

Hàn Vĩnh Diệp
28-1-2018
Thông thường, cứ đến hạn quy định (5 năm, 10 năm …) cấp trên lại kêu gọi học tập, kiểm điểm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm ngoái, đúng dịp kỷ niệm 45 năm, cấp trên lại phát động một phong trào rộng rãi toàn Dân, toàn Đảng học tập kiểm điểm, làm theo Di chúc!
Chúng tôi cứ nghĩ lẩn thẩn không biết học tập, kiểm điểm làm theo cái Di chúc nào? Tài liệu chính thức được phát hành khắp nơi là quyển “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” gồm Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, lời kêu gọi và điếu văn của Ban chấp hành TWĐ do BCH TWĐ xuất bản. Năm 1988, BCH TWĐ lại cho xuất bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bản này có: Thông báo của Bộ chính trị BCH TW về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của chủ tịch Hồ Chí Minh; bản Di chúc của cụ Hồ viết năm 1965 và các bản bổ sung 1966,1967,1968,1969; bản Di chúc công bố năm 1969 (bản được xem như chính thức) của BCH Trung ương Đảng. Chưa nói đến các luồng thông tin khác vì chưa được kiểm chứng một cách khách quan, khoa học, chỉ căn cứ vào hai bản do BCH TW Đảng ban hành, đã thấy có nhiều khác biệt, xin dẫn một số điểm cụ thể như sau:
1. Trước hết cần thống nhất về nhận thức là Di chúc của cụ Hồ là toàn bộ các bản thảo của Cụ đã viết từ năm 1965 đến năm 1969. Lẽ ra, khi công bố Di chúc của Cụ, BCH TW phải tập hợp nguyên văn các bản thảo (trừ các câu, chữ trùng lắp). Nhưng không được làm như vậy, cho nên giữa hai bản có độ vênh lớn.
2. Bản Di chúc năm 1965 – Trang 2 cụ viết: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể kéo dài mấy năm nữa (Trong bản thảo viết tay, Cụ viết “cuộc kháng chiến chống Mỹ đến năm 1975 sẽ thắng lợi”. Bản thảo đánh máy cụ viết lại như trên (*)
3. Bản Di chúc của BCH TW đã bỏ hẳn 7 trang bản thảo viết tay của cụ Hồ đã viết về những việc cần thiết phải làm ngay sau ngày thắng lợi, cụ thể là: Chỉnh đốn lại Đảng; công việc đối với con người (cán bộ, binh sĩ, dân quân – du kích, TNXP, gia đình thương binh – liệt sĩ, phụ nữ, thanh niên, nông dân, nạn nhân chế độ xã hội cũ); việc xây dựng lại thành phố, làng mạc; phát triển kinh tế, giáo dục; củng cố quốc phòng; chuẩn bị thống nhất Tổ quốc …
(*) Khoảng năm 1983, chúng tôi được nghe một đ/c lãnh đạo Tỉnh ủy nói: “Ở bảo tàng thành phố HCM – Hà Nội trưng bày bản thảo Di chúc viết tay, cụ viết: “năm 1975 …. sẽ thắng lợi”. Năm sau, ra Hà Nội, chúng tôi vào bảo tàng xem, đúng như lời đ/c lãnh đạo tỉnh nói. Chữ năm 1975 cụ viết bằng mực đỏ. Mấy năm sau, chúng tôi đến bảo tàng cùng một người cháu thì bản thảo trưng bày trước đây đã đổi bằng bản đánh máy, hỏi cô thuyết minh, cô xác nhận lúc đầu trưng bày là bản viết tay ấy. Sau lãnh đạo viện đã đổi thành bản này.
4. Trong các bản thảo, cụ viết: “… chỉ nói vắn tắt vài việc thôi (…) không đi sâu vào chi tiết”. Nhưng về phần việc riêng, cụ lại viết khá chi tiết. Bản năm 1965, cụ viết: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân, tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách hỏa táng sẽ dần được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất. Bao giờ ta có nhiều điện thì sẽ “điện táng” càng tốt hơn.
Tro xương thì tìm một quả đồi để chôn. Gần Tam đảo và Ba vì hình như có nhiều quả đồi tốt. Trên mộ nên xây một cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi.
Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp.
Nếu tôi qua đời trước ngày nước ta thống nhất thì nên giữ một ít tro xương cho đồng bào miền Nam. (*)
Bản năm 1968 cụ viết lại: “… Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” sau này sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có nhiều điện thì “điện táng” càng tốt hơn.
Tro thì chia thành ba phần bỏ vào ba cái hộp sành. Một hộp cho miền Bắc. Một hộp cho miền Trung. Một hộp cho miền Nam. Đồng bào mỗi miền nên chọn một quả đồi để chôn tro đó. Trên mỗi mả không nên có bia đá tượng đồng mà nên xây một ngôi nhà đơn giản, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi.
Nên có kế hoạch trồng cây trên và xung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Việc săn sóc nên giao cho các cụ phụ lão”.
(*) Theo hồi ký của ông Hoàng Đạo Thúy – Thủ lĩnh hướng đạo sinh Đông Dương – nguyên Cục trưởng cục thông tin – Bộ Tổng tham mưu QĐ NDVN, khoảng năm 1957, cụ Hồ gặp ông Thúy hỏi: “Ông là hướng đạo sinh, đi nhiều nơi, ông có biết quanh vùng Hà Nội có nơi nào đất tốt, phong cảnh đẹp, kín đáo … mách cho tôi một chỗ! Tôi có biết hình như vùng Tam đảo, Ba vì có nơi khá tốt!” Ông Thúy đáp: “tôi có biết khắp vùng đồng bằng – trung du quanh Hà Nội có nhiều nơi tốt, nhưng Tam Đảo – Ba Vì là nơi đắc địa, Ba Vì trội hơn.” Sau đó, cụ nhờ ông đưa lên vùng Đá Chông – Ba Vì thăm. Năm 1958 Cụ quyết định xây dựng cơ sở II của TWĐ và chính phủ ở đây. Có lẽ trong khu vực này cụ Hồ đã chọn một nơi để an táng cho mình sau khi qua đời.
5. Di chúc là thiêng liêng, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, trên thế giới và nước ta không hề có chuyện viết lại, cắt xén, sửa chữa … Di chúc của người đã quá cố, chỉ có những kẻ bất trung, bất hiếu, bất nghĩa mới làm chuyện đó. Trong trang sử nước ta chẳng đã ghi lại chuyện Di chiếu (Di chúc của nhà vua) của vua Lý Nhân Tông, một ông vua anh hùng. Nhà vua căn dặn “… việc tang lễ chỉ ba ngày là bỏ áo trở, thôi thương khóc, không xây lăng mộ riêng, nên kiệm ước …” Khi vua băng hà, Di chiếu được công bố, nhiều trọng thần trong triều đình cho rằng: Di chiếu của nhà vua không hợp với quy chế tang lễ, phải theo quy chế mà thực hiện để giữ gìn kỷ cương phép nước (!). Nhưng sau khi trao đi đổi lại trong triều, mọi người đã tuân theo Di chiếu của vua Lý Nhân Tông. Hưng Đạo Đại Vương – Linh hồn của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông, bảo vệ toàn vẹn nền độc lập của đất nước ta thế kỷ thứ 13 đã ghi trong Di chúc của mình: “Khi mất, an táng trong rừng Kiếp Bạc, không đắp mộ, xây lăng …” Vua Trần Anh Tông và triều thần nhà Trần đã làm đúng như Di chúc của Người.
Bởi do ý thức và cách làm không đúng đắn mà bản Di chúc công bố năm 1969 được gọi là chính thức và buộc toàn Dân, toàn Đảng thực hiện mãi đến hôm nay chỉ còn là những câu chữ chung chung, công thức, sáo rỗng làm mất đi những ý nghĩa anh linh, thâm thúy thể hiện trong các bản thảo của cụ Hồ. Ví như:
– Trong bản thảo cụ viết: “cuộc kháng chiến chống Mỹ đến năm 1975 sẽ thắng lợi” hoặc “có thể kéo dài vài năm nữa,” sửa lại thành “có thể còn kéo dài”. Ý sửa lại quá bình thường, ai cũng nói được. Cho nên việc sửa chữa đã làm mất hết ý nghĩa lời tiên tri thần tình mà không một ai có thể đoán định được ngoài cụ Hồ. Chắc chắn người sửa chữa cũng biết được sự đoán định thiên tài này của cụ Hồ, cho nên đã cố ý xóa đi, với lý do là sợ nhân dân ta chủ quan, khinh địch, gây nhiều hậu quả cho cuộc kháng chiến …! Quả là sự đánh giá quá thấp, nếu không nói coi thường, trí tuệ, ý chí của nhân dân ta. Lời tiên tri của cụ Hồ không chỉ có một lần này mà đã được công bố hơn 6 lần: Năm 1941 về thời điểm VN độc lập hoàn toàn; năm 1947 về cuộc kháng chiến chống Pháp và giải phóng thủ đô; Năm 1953 về thắng lợi Điện Biên Phủ; Năm 1954 về cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà; năm 1960 và 1965 về ngày thống nhất đất nước; năm 1967 về trận Điện Biên Phủ trên không và Mỹ phải ký hiệp định hòa bình, đơn phương rút quân. Những lời tiên đoán ấy đâu có làm cho dân ta chủ quan, khinh địch “há miệng chờ sung?”
– Những điều cụ Hồ “thấy cần phải viết thêm” cho chúng ta thấy đó là những định hướng cơ bản và cần thiết để Đảng, Nhà nước xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách xây dựng đất nước sau ngày thống nhất. Họ đã bỏ qua lời khuyên đúng đắn, thiết thực của cụ Hồ, xây dựng đường lối, chủ trương ảo tưởng, tả khuynh … (Đại hội 4) khiến đất nước lâm vào tình trạng khủng hoảng triền miên … cụ Hồ viết: “… chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi …” chẳng phải là khuyên Đảng, Nhà nước đổi mới về lãnh đạo và quản lý đất nước? Nhưng tư tưởng bảo thủ, tự cao tự đại đã trấn ngự trong họ, đến khi quá nguy cấp mới vội vàng đổi mới hầu như không theo một chủ thuyết gì mới mà chỉ giáo điều, bảo thủ “kiên định …” cho nên nhiều chính sách “có đổi mà không mới”, “mở ra rồi bóp lại …”
– Về việc riêng có lẽ cụ Hồ đã đoán trước được: hậu sinh sẽ xử lý như thế nào với thi hài của Cụ để có lợi cho họ, cho nên đã căn dặn mấy lần (không phải là viết lặp, trùng) hết sức cặn kẽ, dứt khoát. Theo yêu cầu của Cụ, chúng tôi nghĩ, việc xử lý như Di chúc, không chỉ là chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân (bản thảo năm 1967) một cách đơn giản, hình thức mà còn rất phù hợp với truyền thống, tín ngưỡng thiêng liêng của dân tộc và có lẽ cũng của nhiều dân tộc khác.
Thi hài dù chôn cất dưới hình thức nào (địa táng, hỏa táng, điểu táng, không táng, thủy táng …) phải được toàn vẹn (trừ những trường hợp đặc biệt, bất khả thi) và cuối cùng trở về đất mẹ. Có như vậy, người mất mới được siêu thoát. Đằng này, Di chúc của BCH TW lại bỏ hẳn cách xử lý thi hài theo yêu cầu có tính chỉ thị của Cụ, mà thực hiện hoàn toàn trái ngược: xây lăng tẩm nguy nga đồ sộ hơn cả lăng mộ của các vị vua chúa nổi tiếng thời cổ – trung đại, lăng mộ Lê Nin, Đi Mi Tờrốp, Mao Trạch Đông v.v…, ướp xác nhưng không chôn như người xưa – thân xác đặt lơ lửng trong làng Ba Đình còn nội tạng giữ trên Ba Vì; việc xây lăng tẩm, bảo quản thi hài, cơ sở thờ tự … hết sức tốn kém tiền của nhân dân.
Người ta giải thích lý do của việc làm trái Di chúc của cụ Hồ là: “Thể theo nguyện vọng của nhân dân cho nên phải ướp xác xây lăng để đồng bào cả nước nhất là miền Nam và bạn bè quốc tế có điều kiện đến viếng Bác, thể hiện tình cảm sâu đậm đối với Bác…” (?) Các bậc đại anh hùng dân tộc như Trưng Trắc – Trưng Nhị, Ngô Quyền, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn, Trần Thái Tông, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Hoàng Diệu, Nguyễn Thái Học v.v… thi hài của các bậc ấy có lưu giữ đâu; lăng mộ bình dị, khiêm nhường, thậm chí có người không có mộ như Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Hoàng Diệu v.v… mà vẫn được dân tộc ta trăm ngàn đời ngưỡng mộ, kính trọng, tình cảm vẫn hết sức sâu đậm!
Theo hồi ký của Trần Quỳnh – thư ký riêng của Lê Duẩn, cựu ủy viên BCH TWĐ – Phó thủ tướng Chính phủ, thì công lao quyết định việc giữ thi thể cụ Hồ là của ông Lê Duẩn. Bởi, lúc bấy giờ, các chuyên gia Liên Xô không chịu làm vì không đủ điều kiện về y học, phương tiện … Ông Lê Duẩn đã yêu cầu ông Cô – Xư – Gin Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, buộc các chuyên gia Liên Xô phải thực hiện. Về điều này cũng có một điểm tương đồng đáng chú ý: trước khi mất, Lê Nin có Di chúc an táng cạnh mộ cha mẹ ở Pê – Trô – Grát. Nhưng Stalin không tuân thủ mà quyết định ướp xác – xây lăng … Bà Crup – Cai – A, vợ Lê Nin và các em Lê Nin phản đối quyết định sai trái này. Stalin là người kế tục sự nghiệp của Lê Nin, khi qua đời, thi hài cũng được ướp và đặt cạnh Lê Nin trong lăng. Người tự nhận và tay chân tán tụng là linh hồn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoàn thành sự nghiệp vĩ đại giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; người đặt nền tảng về lý luận và thực tiễn cho sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam và các nước thế giới thứ III; Người kế tục và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê Nin trong thời đại mới v.v… lẽ đương nhiên khi mất phải được đặt ngang hàng với Cụ trong lăng!!?
6. Nhà văn Sơn Tùng đã kể lời ông Vũ Kỳ – người thư ký gần gũi, tin cậy của cụ Hồ: Tối ngày 01 tháng 9 năm 1969, các ông Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Lê Văn Lương có mặt bên giường bịnh của Cụ. Ông Lê Duẩn gọi ông Vũ Kỳ ra vườn, hỏi: “Bác có viết gì để lại không?” Ông Vũ Kỳ đáp: “Có ạ! Ngoài các bản thảo Di chúc còn có một số tài liệu khác. Tất cả đều để trong một chiếc tráp, niêm phong cẩn thận.” Ông Vũ Kỳ thành thật đáp nhưng lại thầm nghĩ: “Bác Hồ dặn: chỉ sau khi Bác mất mới giao cho Bộ chính trị – BCH TW. Nếu lúc này ông Lê Duẩn đòi xem, thì giải quyết thế nào?” Rất may, ông Lê Duẩn chỉ im lặng nặng nề, một lúc rồi nói “Hãy biết vậy”.
Ngày 2 tháng 9 trong giờ phút lâm chung của Người, có mặt các ông Phạm văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương. Khi Người tắt thở, các bác sỹ yêu cầu mọi người ra phòng ngoài. Ông Vũ Kỳ báo cáo lại với ông Phạm Văn Đồng và các ông có mặt: “Bác có để lại chiếc tráp đựng bản Di chúc và nhiều tài liệu, thư, Bác viết, trên các bản ấy Bác đều ghi “Tuyệt đối bí mật”. Bác dặn chỉ sau khi Bác mất mới giao cho BCH TW. Bây giờ có các anh ở đây, anh Tô (Phạm Văn Đồng) có chức vụ cao nhất. Tôi xin giao lại cho anh, có các anh ở đây chứng kiến. Ông Phạm Văn Đồng đáp: Không được! Sáng mai, BCH TW họp, tôi với anh đưa tráp tư liệu của Bác đến giao cho TW”.
Sáng 3 tháng 9, ông Vũ Kỳ ôm chiếc tráp đi sau ông Phạm Văn đồng cùng đội bảo vệ đến phòng họp. Ông Lê Duẩn đón nhận chiếc tráp, đặt lên bàn chủ tọa. Một thủ tục đầu tiên hết sức cơ bản, cực kỳ quan trọng và đúng pháp lý bị bỏ qua là BCH TW không tiến hành lập biên bản tiếp nhận các tài liệu của cụ Hồ được bảo quản trong tráp ấy trước mặt người có trách nhiệm lưu giữ – bàn giao và sự chứng kiến của mọi người và bước thứ hai cũng rất thông thường, hợp thủ tục pháp lý là BCH TW – Bộ Chính trị không yêu cầu mở niêm phong – công bố công khai các tài liệu, thư của Cụ có trong tráp.
Về phần ông Vũ Kỳ, vì quá tin vào sự trong sáng, trung thực của những người học trò, chiến hữu thân thiết nhất của Người, cho nên không yêu cầu BCH TW thực hiện các thủ tục trên. Khi tiếp nhận bản Di chúc công bố trong lễ truy điệu, ông Vũ Kỳ rất băn khoăn, thắc mắc về độ chân thực so với các bản Di chúc của Cụ. Ông đã dò hỏi một số ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên BCH TW thân thiết và đáng tin cậy với ông về các tài liệu của cụ Hồ để lại. Họ đều bảo không biết gì, chỉ được thông qua bản Di chúc, lời kêu gọi và điếu văn của BCH TW do ông Lê Duẩn trình bày. Ông đã trực tiếp hỏi ông Lê Duẩn về bản Di chúc và các tài liệu (theo ông, đó cũng là những Di chúc của Cụ đối với nội bộ lãnh đạo Đảng); Ông Lê Duẩn bảo: Hỏi ông Trần Quốc Hoàn – ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an. Ông Vũ Kỳ gặp ông Hoàn. Ông Hoàn đưa chiếc tráp ra, trong đó chỉ có bản Di chúc đánh máy và các bản viết tay. Ông Hoàn bảo: “Tôi nhận chỉ có vậy!”
Như vậy, ngoài các bản Di chúc sau này được công bố, còn tất cả những ý kiến, dặn dò của cụ Hồ đã đi vào tuyệt đối bí mật (!?) Ông Vũ Kỳ trao đổi với các bạn tâm giao và được họ giúp đỡ đăng các suy nghĩ, hiểu biết của ông về các việc trên ở báo Nhân Dân. Trước sức ép của công luận, ngày 19/8/1989, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã ký thông báo số 151-TB/TW của Bộ Chính trị BCH TW Đảng CSVN về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản thông báo giải thích lý do của việc sửa chữa, cắt bỏ, thêm bớt … các bản Di chúc của cụ Hồ thành bản Di chúc của BCH TW. Những lời giải thích của thông báo lẩn quẩn, không thấu tình đạt lý. Nhưng vẫn khẳng định bản Di chúc của BCH TW là bản chính thức và chỉ thị toàn Dân, toàn Đảng, toàn Quân: “… Kiểm tra lại những việc chúng ta đang làm (…) làm tốt những điều Bác Hồ đã căn dặn để thỏa lòng mong ước của Bác và xứng đáng với Bác” và vẫn khăng khăng không chịu thực hiện mong ước về việc riêng của Cụ – đồng thời cũng rất phù hợp với tín ngưỡng dân gian, tâm linh thiêng liêng của các dân tộc Việt Nam (*)
Nhân đây cũng xin được nói thêm suy nghĩ: những điều cụ Hồ dặn dò trong các bản Di chúc là cho toàn Dân, toàn đảng; nhưng trước hết và chủ yếu cho các thành viên Bộ Chính trị – BCH TW các khóa, cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang các cấp. Thời gian qua, chúng tôi thấy hình như cấp trên chỉ kêu gọi, chỉ thị cho người dân, cán bộ, đảng viên thường học tập, kiểm điểm, còn phần đông các yếu nhân trong Bộ chính trị, BCH TW, Nhà nước, Cấp ủy và chính quyền lực lượng vũ trang các cấp không hoặc làm qua loa, cho nên nhiều năm qua, kêu gọi tha thiết, nghiêm khắc thì quá nhiều nhưng tình trạng tham nhũng lãng phí, mất đoàn kết, chia bè kết cánh, tha hóa sa đọa về phẩm chất đạo đức … càng ngày càng nảy nở sinh sôi, từ vài ba con sâu thành cả bầy sâu!
Nói đến di chúc thì xưa nay, đông tây không thể có di chúc chính thức hay di chúc tham khảo. Di chúc của cụ Hồ, dứt khoát phải là bản do tự tay Cụ viết ra (dù có cơ quan pháp lý chúng kiến, xác nhận hay không).

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: