- Người dân xã Đồng Tâm lại một lần nữa gửi thư ngỏ cầu cứu đến Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội. Trong thư ngỏ mới nhất đề ngày 20/01/2018 vừa qua, họ khẩn cầu: “Mười nghìn người dân xã Đồng Tâm tha thiết thỉnh cầu đến các Ông bà Đảng và Nhà nước cử những người có tâm huyết, có chuẩn mực đạo đức, biết thương dân về xã chúng tôi để nghe tâm tư nguyện vọng, nghe tiếng kêu cứu, nức nở, ai oán, u sầu… của người dân! Đừng để người dân thấp cổ bé họng chúng tôi kêu không thấu tới trời thì oan ức quá!”.
Trong thư ngỏ này, người dân xã Đồng Tâm thể hiện mong muốn là vụ việc và nỗi oan ức, bất công của họ được giải quyết sao cho thấu tình, trọn nghĩa! Một động thái chính trị rất khôn ngoan, mở đầu bức Thư ngỏ này, thêm một lần họ tái khẳng định: “Nhân dân xã Đồng Tâm chúng tôi xin khẳng định rằng chúng tôi không chống lại Đảng, không lật đổ chính quyền! Chúng tôi chỉ căm thù và chống lại bọn tham nhũng vì chúng là giặc nội xâm; bọn chúng đã lợi dụng quyền lực để cướp đất của người dân hun đúc lợi ích khùng để hình thành những nhóm lợi ích!”.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954), do lập được nhiều chiến công, xã Đồng Tâm đã được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lương vũ trang”. Trong kháng chiến đã vậy, từ sau hòa bình (1954) đến nay, tổng số tài nguyên đất đai mà nhân dân Đồng Tâm đã cống hiến cho Nhà nước để phục vụ cho mục đích xây dựng quốc phòng, bảo vệ an ninh quốc gia cũng như phát triển kinh tế địa phương là rất lớn. Có thể nói hiếm có địa phương nào đã hy sinh quyền lợi và tài sản cho đất nước nhiều và lớn như người dân xã Đồng Tâm! Theo thống kê, diện tích đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm có tổng cộng 800ha, trong hơn 60 năm qua dưới chính thể mới, người dân nơi đây đã bàn giao cho Nhà nước 400,25ha, bằng đúng 50% tổng diện tích đất nông nghiệp toàn xã. Trong đó, có 2 lần quan trọng nhất là:
+ Năm 1960, Nhà nước thu hồi 325ha giao cho Bộ Quốc phòng để xây dựng Trường bắn Quốc gia Miếu Môn. Lần thu hồi này, người dân không được bồi thường, hỗ trợ gì.
+ Năm 1981, tại Quyết định số 113/TTg ngày 14/4/1980, Nhà nước thu hồi 208 ha của 2 huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức, trong đó xã Đồng Tâm có 47,36ha để giao cho Bộ Quốc phòng làm Sân bay Miếu Môn. Người dân chỉ được đền bù hoa mầu, tổng cộng 150.312VNĐ (1981).
Trước và sau đấy (1960), người dân xã Đồng Tâm lẻ tẻ đã bàn giao trên 25ha đất nông nghiệp cho các cấp chính quyền để thực hiện các hạng mục công ích phục vụ quốc gia như xây dựng Xưởng A31 để sản xuất và sửa chữa tên lửa; làm kho gạo cho Cục Dự trữ quốc gia, v.v… Tổng cộng người Đồng Tâm đến nay đã bàn giao cho Nhà nước 400,25ha đất nông nghiệp, bằng đúng 50% diện tích đất canh tác của toàn xã. Hiện tại, với 10.000 nhân khẩu, người dân xã Đồng Tâm chỉ còn lại 400ha đất, tính ra bình quân cứ 25 nhân khẩu mới có 1ha đất nông nghiệp để sinh sống. Như vậy mỗi nhân khẩu hiện chỉ còn hơn 1 sào Bắc bộ để canh tác. Một tỷ lệ quá thấp so với tiêu chuẩn chung ở vùng đồng bằng Bắc bộ hiện nay!
Bởi thế, người dân nơi đây yêu quý đất nông nghiệp đến chừng nào! Họ coi số đất nông nghiệp ít ỏi còn lại đều là “bờ xôi, ruộng mật” nuôi sống bản thân, con cái và gia đình họ. Đấy là lý do vì sao họ đã đồng tình và kiên quyết đấu tranh giữ bằng được 59ha đất nông nghiệp trên cánh đồng Sênh. Theo quyết định 113/TTg nói trên của Chính phủ, người dân Đồng Tâm đã nghiêm túc chấp hành, năm 1981 đã bàn giao đầy đủ 47,36ha đất thuộc cánh đồng Cổng Đồn cho Bộ Quốc phòng. Còn lại 59ha đất cánh đồng Sênh liền kề, người dân vẫn tiếp tục canh tác từ sau đó đến nay, không hề có sự tranh chấp với bất kể ai.
Thế rồi bỗng nhiên từ giữa năm 2016, chính quyền huyện Mỹ Đức và Tp. Hà Nội tuyên bố toàn bộ diện tích đất nông nghiệp ở cánh đồng Sênh là “đất quốc phòng” sẽ giao cho Tập đoàn Viettel để làm cái gọi là “Dự án A1”, và nói đây là “công trình quân sự bí mật”. Trước đấy thì Thường trực Huyện ủy và UBND huyện Mỹ Đức lệnh cho tất cả đảng viên và cán bộ ở xã Đồng Tâm phải ký vào giấy xác nhận“Đất đồng Sênh là đất quốc phòng”!? Người dân kịch liệt phản đối và thề đấu tranh giữ bằng được mảnh đất 59ha này.
Đầu năm 2017, “cuộc chiến”, theo cách nói của người dân Đồng Tâm, “giữa một bên giữ đất và một bên cướp đất” bắt đầu, dẫn đến “Biến cố ngày 15/4/2017” mà gần như toàn thế giới đều biết. Bản “Cam kết 3 điểm” của Chủ tịch UBND Hà Nội còn đấy. Hà Nội buộc phải lập đoàn thanh tra nhưng lại đưa ra kết luận phi lý, đến mức KTS Trần Thanh Vân – người trí thức góp nhiều ý kiến phản biện đáng trân trọng cho công tác quy hoạch và xây dựng Thủ đô – phải thốt lên: “Đây là bản kết luận coi thường sự thật, thậm chí là lươn lẹo, dối trá!”. Kết luận của Thanh tra HN khẳng định: “Xã Đồng Tâm không có đất nông nghiệp trên cánh đồng Sênh. Toàn bộ diện tích đất ở đây là đất quốc phòng”. Kết luận như vậy nhưng chính bản thân Thanh tra HN cũng không viện dẫn được bất cứ một quyết định pháp lý nào về việc đã thu hồi 59ha đất nông nghiệp ở cánh đồng Sênh, đồng thời Tập đoàn Viettel cũng không trưng ra được văn bản pháp lý nào chứng minh đấy là “đất quốc phòng”. Thật là ngang ngược cùng cực, hết chỗ nói!
Người dân Đồng Tâm đã kịch liệt phản đối và cực lực bác bỏ bản kết luận thanh tra đầy gian dối và man trá này. Họ đã gửi đơn phản đối và khiếu nại lên Thanh tra Chính phủ. Đơn Khiếu nại đầu tiên đề ngày 22/8/2017. Đơn Khiếu nại lần 2 đề ngày 20/11/2017. Tất cả đều do đại diện người dân Đồng Tâm trực tiếp chuyển tận tay đến Phòng tiếp công dân của Thanh tra Chính phủ. Song không hiểu sao, đến nay Thanh tra Chính phủ không thụ lý và giải quyết 2 đơn Khiếu nại nói trên theo luật định?!
Quá thất vọng, người dân Đồng Tâm buộc phải gửi thư ngỏ kêu cứu đến Trung ương Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội CHXHCN Việt Nam với hy vọng “các Ông bà Đảng và Nhà nước” rủ lòng thương cử người về giải nỗi oan ức của họ! Xin quý độc giả cố gắng đọc bản scan đính kèm sau đây bức Thư ngỏ nói trên của bà con Đồng Tâm để chúng ta thấy được nỗi niềm ai oán, u sầu… của người dân mất đất, đang ngóng tìm công lý và chẳng biết đặt lòng tin vào ai khi đâu đâu người ta cũng nói “Nhà nước ta là của DÂN, do DÂN và vì DÂN”.
___
Thư ngỏ của người dân Đồng Tâm gửi Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, ngày 20/1/2018:
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét