Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 3 tháng 1, 2018

- Cửa đào thoát cho Vũ nhôm đang rộng mở

Phạm Lê Vương Các 


Trước thông tin của tất cả các bên liên quan cung cấp cho báo chí trong vụ án Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm"), có cơ sở để nhận định rằng, cửa đào thoát cho Vũ "nhôm" là đang được rộng mở.

Thông tin việc Vũ "nhôm" đang bị tạm giữ ở Singapore, và bị ra tòa trong ngày hôm nay 3/1, chỉ nhằm xem xét cho cáo buộc ông Vũ có vi phạm Luật Di trú của Singapore hay không, khi phía Singapore nhận được thông báo hộ chiếu của ông bị giới chức Việt Nam hủy bỏ.

Hai kịch bản có thể dự đoán được từ phiên tòa. Thứ nhất, nếu ông Vũ được tuyên không vi phạm, thì ông có thể ở lại Sing trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh nếu dùng hộ chiếu phổ thông. Và thứ hai, nếu bị tòa tuyên là có vi phạm Luật Di trú thì hình phạt có thể được áp dụng chỉ là "trục xuất" ông Vũ ra khỏi Singapore.

Dù tòa án có tuyên ông Vũ có vi phạm hay không, thì Vũ vẫn ung dung chủ động rời khỏi Singapore - nếu phía Việt Nam không còn một lý do chính đáng, hợp pháp nào khác, đủ sức thuyết phục giới chức Singapore tiếp tục giữ chân ông ta bằng các tội danh khác.

Theo nguyên tắc áp dụng chung cho hình phạt trục xuất, thì người bị trục xuất được "tự nguyện" rời khỏi quốc gia ấy trong thời hạn do tòa án ấn định. Trong trường hợp người bị trục xuất không tự nguyện rời khỏi quốc gia này theo lệnh của tòa, thì người bị trục xuất mới bị cưỡng chế ra đi, và thường bị trả về nơi người ấy xuất phát hoặc nơi người ấy mang quốc tịch.

Điều này có nghĩa, khi cả khi Vũ "nhôm" bị tòa án Singapore "trục xuất", thì ông ta cũng được chủ động để rời khỏi Singapore một cách tự nguyện, và có thể đến một quốc gia khác hợp pháp, không bắt buộc phải có nghĩa vụ quay về Việt Nam.

Điều này có thể giải thích vì sao luật sư của ông Vũ tiến hành song song hai hoạt động khá độc lập với nhau: vừa bảo vệ ông ta ở tòa án, nhưng lại lo tập trung tiến hành xin thị thực cho ông ta nhập cảnh vào Liên bang Đức.

Vì nếu có thị thực vào Đức, dù phán quyết của Tòa án Singapore đưa ra là ông Vũ có vi phạm Luật Di trú và hình phạt tương ứng của nó là "trục xuất", thì Vũ vẫn ung dung kéo vali, lên máy bay và đến Đức với thị thực đang có.

Phía Đức nếu muốn đưa Vũ đến Đức cũng chẳng cần có động thái can thiệp hay áp lực ngoại giao với giới chức Singapore, mà họ chỉ cần làm một công việc rất đỗi bình thường là "cấp thị thực" cho ông Vũ vào Đức.

Quả thật luật sư của ông Vũ rất khôn ngoan khi không chọn hướng đi bằng đường "xin tị nạn chính trị ở Đức", mà là "xin thị thực vào Đức" với lý do ông Vũ sẽ hợp tác để "bảo vệ lợi ích chính trị của Đức". Hướng đi này đặt chính giới Đức vào thế rất dễ xử lý, giải quyết nhanh gọn, tránh các xung đột ngoại giao. 

Không biết ông Vũ nắm được bao nhiêu bí mật của "ngành" và bao nhiêu thông tin có giá trị về vụ án Trịnh Xuân Thanh để bảo vệ lợi ích cho Liên bang Đức, nhưng việc đưa ra một đề xuất "hợp tác" như vậy, để cho phía Đức có cơ sở, có được lý do chính đáng và sự hợp lý để xem xét cấp thị thực cho ông Vũ được nhập cảnh vào Đức.

Theo phán đoán của tôi, nhiều khả năng Đức sẽ cấp thị thực cho ông Vũ nhập cảnh vào Đức. Chưa hẳn vì Liên bang Đức cần thông tin từ phía ông Vũ, mà đôi khi chỉ là để "trả đũa" trong quan hệ ngoại giao: "Anh bắt đi một người, thì tôi sẵn sàng tiếp nhận một người khác".

Nếu giới chức Việt Nam không có một chiến lược pháp lý truy bắt Vũ "nhôm" rõ ràng và thống nhất trong việc định tội danh cho Vũ ngay lúc này để nhận được sự hỗ trợ của Singapore trong hoạt động điều tra và truy tố theo Hiệp định Tương trợ Tư pháp Hình sự ASEAN, thì khi Vũ đã đặt chân đến Đức thì đừng ảo tưởng tiếp tục có thêm "Trịnh Xuân Thanh thứ hai".

Thông tin thêm:
"Trục xuất" khác với "dẫn độ". So sánh dễ hiểu nhất, "trục xuất" là bị đuổi đi, muốn đi đâu thì tùy người bị trục xuất, miễn sao người bị trục xuất phải ra khỏi quốc gia đó và được nhập cảnh được vào quốc gia khác. Còn "dẫn độ" là bị bắt giữ và dẫn giải về cho quốc gia được yêu cầu. Người bị trục xuất còn có sự lựa chọn nơi đến, người bị dẫn độ không có lựa chọn này.

Theo Hiệp định Tương trợ Tư pháp Hình sự ASEAN, mà cả Việt Nam và Singapore đều tham gia phê chuẩn, tại điểm a khoản 1 điều 2 Hiệp định nêu rõ: "Không áp dụng bắt hoặc giam giữ một người nhằm mục đích dẫn độ người đó." Hiệp định này chỉ nhằm mục đích hỗ trợ nhau trong việc điều tra và truy tố theo thủ tục tố tụng.

FB PHẠM LÊ VƯƠNG CÁC 03.01.2018

Báo Tiền Phong : Singapore sẽ trục xuất ông Phan Van Anh Vu

Như tin đã đưa, ngày 2/1, Cơ quan Xuất nhập cảnh Singapore (ICA) xác nhận đã tạm giữ người mang tên 'Phan Van Anh Vu' từ ngày 28/12 vì “vi phạm quy định Luật Xuất nhập cảnh”.

Trước đó, báo Straits Times của Singapore đã đăng tin 'Phan Van Anh Vu' bị chặn lại tại cửa khẩu Tuas của Singapore hôm 28/12. Bài báo đăng hình ảnh ông Phan Van Anh Vu trùng với hình ảnh ông Phan Văn Anh Vũ, người đang bị Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an Việt Nam truy nã.
Trong khi đó, Bộ Công an Việt Nam cho biết vẫn chưa nhận được thông tin chính thức về việc ông Phan Văn Anh Vũ bị bắt giữ tại Singapore.

Ông Phan Văn Anh Vũ biệt danh là Vũ "nhôm" (SN 1975, trú tại TP Đà Nẵng), Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nova Bắc Nam 79 - nay là Công ty CP đầu tư và phát triển Chấn Phong.

Ngày 22/12, Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với Phan Văn Anh Vũ vì hành vi“Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước”. Sau khi công bố lệnh bắt, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) cũng công bố quyết định truy nã ông Vũ sau khi xác định bị can không có mặt tại nơi cư trú (số 82 Trần Quốc Toản, TP Đà Nẵng) và không biết đang ở đâu.
Trao đổi với Tiền Phong, luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Cty TNHH luật Trường Lộc cho biết: Hiện tại Việt Nam và Singapore chưa ký kết điều ước về dẫn độ tội phạm. Trường hợp ông Phan Văn Anh Vũ bị bắt tại Singapore, quốc gia này sẽ trục xuất ông Vũ về nước sở tại.
Theo luật sư Tuấn, ngày 29/11/2004, tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia 8 nước Asean gồm: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam đã ký Hiệp định về tương trợ tư pháp.
Mục đích của Hiệp định là tạo ra một công cụ pháp lý chung cho các nước ASEAN trong việc phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong khu vực Ðông Nam Á.
Hiệp định gồm 32 điều, quy định những vấn đề liên quan tương trợ tư pháp về hình sự như: lĩnh vực và hình thức tương trợ, hợp tác trong vấn đề thu thập chứng cứ, tống đạt giấy tờ, thủ tục xác minh, phong tỏa, thu giữ tài sản do phạm tội mà có...

Điều đáng nói tại Hiệp định này, không áp dụng đối với vấn đề dẫn độ tội phạm, chuyển giao người bị kết án, chuyển giao bản án hình sự, công nhận và cho thi hành bản án hình sự.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: