Ba bị cáo nắm lấy tay nhau trước khi tòa tuyên án. |
Chiều nay, 3-1, đầu năm dương lịch 2018, Tòa án Nhân dân tỉnh Đắc Nông đã tuyên tử hình đối với bị cáo Hiến, người đã nổ súng vào đoàn cưỡng chế bất hợp pháp của công ty Long Sơn, khi đoàn người này tổ chức phá rẫy điều có hàng chục năm tuổi của nhà Hiến.
Sau khi nổ súng làm chết người, Hiến đã đã bỏ trốn, nhưng sau đó, Hiến liên hệ với nhà báo và luật sư để đề nghị được đưa ra đầu thú với Bộ Công an, vì Hiến không tin vào công an địa phương.
Hôm nay, tòa tuyên án Hiến mức tử hình.
Tôi muốn nói đến những cái chết, trong vụ án này.
Đó là cái chết của những nạn nhân, là công nhân của công ty Long Sơn. Trong đó, có những em chưa đủ 18 tuổi, được công ty thuê làm công nhân, được công ty trang bị gậy, khiên, mũ…để tấn công vào những người dân đã sinh sống yên ổn trên mảnh đất mà họ khai hoang.
Tôi khẳng định rằng đất đó do người dân khai hoang trước khi được giao cho công ty Long Sơn, bởi, những cây điều trên đất ấy, có độ tuổi nhiều hơn thời gian mà công ty Long Sơn được giao đất.
Cậy mình có quyết định giao đất, công ty cho nhân công, dùng công cụ hỗ trợ, và cả lợi dụng những người dân ít hiểu biết pháp luật, thậm chí, còn chưa đủ tuổi vị thành niên tham gia cưỡng chế, cướp rẫy của người dân. Đẩy họ vào cảnh khốn cùng.
Và những nạn nhân trong vụ án này, cũng là những người khốn cùng, vì miếng cơm manh áo mà phải đi làm thuê, nghe lời ông chủ, bất chấp sai đúng, tấn công người khác để mục đích cuối cùng là cướp được rẫy cho ông chủ. Cái chết của các em thật oan ức!
Trước khi xả súng vào đoàn công nhân của công ty Long Sơn, Hiến đã nổ súng chỉ thiên cảnh cáo, nhưng đoàn người vẫn xông lên với máy móc rầm rộ tiến vào phá rẫy. Bức xúc, Hiến xả súng.
Hậu quả, 3 người chết.
Hôm nay, tòa tuyên Hiến tử hình, nghĩa là sẽ chết.
Nhưng diễn biến phiên tòa cho thấy, Hiến, cũng giống như nhiều người dân di cư từ Bắc, hoặc miền Trung vào khu vực Tây Nguyên cũng đã bị đẩy vào cảnh khốn cùng. Nếu không ngăn lại sự trắng trợn của công ty Long Sơn thì Hiến và gia đình mình, cũng như nhiều người dân khác, không biết sẽ đi đâu, về đâu, khi cả tuổi thanh xuân, cả cuộc đời, cả gia đình Hiến đã dành cho miếng rẫy ấy.
Không ai muốn chết cả. Cả ba nạn nhân trong vụ án, lẫn Hiến.
Họ, ở khía cạnh nào đó, đều là nạn nhân của sự cưỡng bức tập thể của doanh nghiệp, nạn nhân của những kẻ cướp rẫy không coi pháp luật và quyền tài sản của người khác ra gì. Họ là những người khốn cùng.
Ba nạn nhân kia là những người khốn cùng, làm việc sai trái dưới sự chỉ đạo của Long Sơn.
Hiến, trở thành kẻ khốn cùng bị tuyên án chết bởi pháp luật.
Vậy, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã xem xét đến bối cảnh phạm tội của Hiến chưa? Nguyên nhân nào dẫn đến thảm cảnh ấy chưa? Đã xét đến quyền tài sản, quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe và sự bất khả xâm phạm đến tư gia của mình chưa? Tôi nghĩ là chưa!
Tại sao tòa lại không thấu đáo đến thế? Khi nghe tuyên án, tôi nghe giọng chủ tọa là người Bắc, ông, hẳn cũng là dân ngụ cư, mới vào Đắc Nông để sống, vẫn còn giữ được nguyên chất giọng, cũng như Hiến và nhiều người dân khác.
Thực ra, vụ án này, có thể xử Hiến ở tội khác cũng được, tội giết người trong trạng thái bị kích động mạnh cũng được. Hoặc mức án thấp hơn mức tử hình nhiều, vì Hiến có đến 3 tình tiết giảm nhẹ, và người bị hại, là người có lỗi.
Vậy sao HĐXX vẫn phải tuyên một bản án? Họ có thấy những điều tôi nêu không? Có chứ. Nhưng sao vẫn tuyên? Tôi hiểu rằng, bản án ấy tuyên để “dằn mặt” những người dân hiền lành nhiều hơn là căn cứ pháp lý?
Trong bối cảnh chống tham nhũng khắp nơi như hiện nay, thì người cầm cân nảy mực, sợ nhất là thiếu sự công minh! Bởi, nay không công minh cho người khác, thì mốt, sẽ không công minh cho chính họ! Thế thôi!
Tôi hy vọng và trông chờ vào phiên phúc thẩm của tòa cấp cao tại TP.HCM!
FB HOÀNG ĐIỆP 03.01.2017
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét