Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 6 tháng 1, 2018

Bia đá chữ Chăm trên cao nguyên xứ Thượng (bài Nguyễn Quang Tuệ)

Giao blog

Bài đã được đưa lên mạng năm 2011.

Cả ảnh và văn là của anh Nguyễn Quang Tuệ - một nhà nghiên cứu gốc xứ Thanh đã sống và lăn lội điền dã ở Tây Nguyên mấy chục năm nay. Một vài lần đã cùng anh đi xe máy cả trăm cây tới những bản làng ở tít xa.

Chép nguyên từ trang của nhóm NQT.

---
















alt
























NQT, PK, sáng 2/6/2010. Tôi đang loay hoay đánh vật với sự học hành muộn màng cuối đời của một kẻ vô tích sự thì chuông điện thoại tỉ ti. Một đứa em ở huyện xa. Hắn hổn hển báo cho thằng anh ham chơi một chuyện li kì chưa từng có: Gần nơi y đang sống bỗng trồi lên một tảng đá bự vuông vức, hai mặt khắc đầy những dòng chữ đều và đẹp nhưng… không ai đọc được. Nghe phát ham, tôi cáo ngay với người có trách nhiệm rằng bản thân có việc cần kíp lắm lắm, không nghỉ không được. Và, vù đến đó…




Tìm vàng trong đá 

Nắng như đổ lửa. Nhưng sự chờ đợi của một nhóm anh em nơi đây còn nóng hơn lửa đổ. Có thể là do năm 2006, tôi và các cộng sự đã tìm ra một cái tháp Chăm ở Krông Pa và bây giờ người ta sẽ khai quật nó, có thể là do đứa em kia thấy mình hay loạng quạng nơi làng xã mà quảng cáo cho anh hơi quá một tẹo? Cho nên hình như, bà con đã vui nghĩ là tôi có thể sẽ đọc được những dòng chữ bí ẩn ấy. Và biết đâu đấy, dưới cái hòn đá lừng lững kia là một… kho vàng. Khi đó, mọi người ắt sẽ giàu có, tất sẽ mua ô tô mà chạy cho mát, chứ nhất định là không phải bán mặt cho đất bán lưng cho trời bất luận nắng mưa như xưa nay nữa. Muôn đời ước mơ vẫn chỉ là mơ ước thôi, chẳng nói ra nhưng không hiểu sao tôi lại tự bỉ mình như vậy…

Rồi thì nhóm anh em chúng tôi cũng đến được nơi cần. Đó là một vạt rẫy khô cằn, cỏ khô lạo xạo dưới chân người. Ở đó, nơi râm mát nhất cũng là nơi có nhiều cành cây gai góc nhất. Và giữa những gai góc rậm rạp ấy là cái hòn đá đứng với những kí tự lạ lùng mà sự háo hức càng khiến tôi thấy nó lạ lùng hơn nữa. Không dám nói mình dốt (dốt phải giấu chứ) nhưng nhìn vào đám chữ đều đẹp và bí ẩn kia, tôi chỉ còn muốn chui xuống đất cho xong. Chữ Chăm! Tôi buột thốt lên rồi lặng im… mắc cỡ. Tôi không có chuyên môn về lĩnh vực này. Tôi đã làm mọi người xung quanh thất vọng, khi tình thật: Cái này thì em xin chịu! Không đọc được chữ, cũng chẳng còn ai màng đến… vàng, dù chỉ là nói đùa cho quên bớt nắng, mọi người nhao đi bứt lá xanh về chà lên đôi mặt của tảng đá kia để những dòng chữ bí ẩn nọ nét hơn khi tôi chụp hình.

















Toàn cảnh khu vực có bia đá. Tấm bia này cao hơn hai mét, chu vi cũng có kích thước tương tự. Hình khối hiện tại của nó cho thấy sự tham gia tạo tác có ý thức của con người. Cả hai mặt bia đều có chữ. Mặt trước có khoảng 8 dòng và mặt sau là 3 dòng chữ khắc chìm trên đá. Các ký tự đã bị mờ đi khá nhiều và bị rêu phủ nhưng nếu sử dụng phương pháp khoa học chắc chắn sẽ cho hiệu quả cao hơn trong xác định nội dung, ý nghĩa của văn bản. Tấm bia này đã thực sự thách thức thời gian nhiều trăm năm và nay thì các kí tự bí ẩn ấy đang chờ đợi sự giải mã của con người hiện đại.

Đang nói câu chuyện lạ lùng chưa từng thấy, lại gặp thêm một chuyện lạ hơn thế nữa. Hóa ra, tấm bia này – nếu có thể gọi như vậy – đã được người đàn ông đang đi chăn bò, 72 tuổi đây biết từ… 1962! Choáng quá! Hóa ra, hồi còn trai tráng, chính cụ Nguyễn Xuân Thành đã cùng cụ Nguyễn Phi (đều ngụ tại thôn Tư Lương, xã Tân An, huyện Đak Pơ, Gia Lai) bạo gan mang dao cuốc đến chỗ này phát phát, đào đào những mong đổi đời. Không thấy gì cả, mấy chục năm sau này có thêm nhiều người thăm và săm soi nữa nhưng cũng không thấy gì, cụ nói. Nay thì ông Nguyễn Phi đã mất, đám rẫy có tấm bia đá nọ đang thuộc quyền khai thác của người con trai ông – anh Nguyễn Thuận. Còn cụ Thành thì vẫn nón lá trên đầu, roi tre trên tay đi chăn bò qua đây mỗi ngày.

alt
Nhân chứng từ 1962 – cụ Nguyễn Xuân Thành
alt
alt
alt
Mặt sau của bia
alt
Từ trái qua: Em Nhật, bạn Nguyễn Hữu Tốn, cụ Nguyễn Xuân Thành, các anh Đỗ Phú Tài và Võ Xuân Thành.





















































































































Bí ẩn hé mở?

Ngay sau khi trở về từ thực địa, tôi đã cố gắng liên lạc với những người bạn Chăm làm nghề nghiên cứu văn hóa. Sự bận bịu của mỗi người đã khiến thông tin phản hồi có bị chậm trễ chút ít. Nhưng cho đến mờ sáng hôm nay, tôi đã nhận được những dòng email đáng yêu nhất, đáng trông đợi nhất. Qua các hình ảnh do tôi gửi nhờ xác minh, bước đầu, một nhà nghiên cứu văn hóa Chăm cho biết: Đây chính là một bia đá sử dụng ngôn ngữ Phạn – Chăm. Niên đại của nó tạm được xác định là vào khoảng thế kỉ 11-12. Anh cũng cho hay, kiểu bia và chữ viết loại này giống với bia đá tại tháp Po Klaong Garai (Pô Klaung Girai) và bia đá Batau Blah (bia Đá Chẻ) cùng ở Ninh Thuận. Do chữ bị mờ nên nội dung văn bia chưa rõ ràng song nhà nghiên cứu cũng cho biết thêm, theo nguyên tắc thì bia Chăm thường ghi lại năm lên ngôi của vua, các sự kiện lịch sử, cuộc dâng cúng của tín đồ, thậm chí có bia còn ghi cả tên nô lệ và số ruộng đất của đền tháp… Và như vậy, bí ẩn về những ký tự cổ trên đá chắc chắn sẽ được tìm hiểu trong một ngày gần đây. Mong rằng thông tin từ bài viết nhỏ này sẽ trở nên hữu ích đối với những ai quan tâm đến vấn đề đang đề cập.

alt
Kiểu bia, chữ viết của bia đá vừa được phát hiện giống với bia đá tại tháp Po Klaong Garai, Ninh Thuận. Ảnh do nhà nghiên cứu văn hóa Chăm cung cấp.


























Đêm nay, tôi thức trắng. Đã suýt nữa định tếu táo vui khi nghĩ mình có chút… công lao. Bỗng nhớ về tấm bia đá trầm mặc giữa núi rừng. Nó đã ở đó cả mấy trăm năm rồi. Mưa nắng. Vui buồn. Trong cô quạnh. Mà đời người chớp mắt. Những dòng chữ kia nói gì? Ngày mai, ngày mai, tôi vẫn phải tin vào những điều bí ẩn…





Nguyễn Quang Tuệ
Theo: pleikucafe


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: