Sau khi các thành viên Hội đồng Thơ phản ứng về hai tập thơ bị loại ở sơ khảo nhưng vẫn được Hội nhà văn TPHCM trao Tặng thưởng năm 2017, trên các diễn đàn mạng đã có nhiều cuộc tranh luận sôi nổi. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin phép được giới thiệu ba ý kiến của nhà thơ Từ Kế Tường, nhà thơ Vương Trọng và Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Dân. Phải chăng, biến Hội đồng Thơ thành một “Hội đồng Mù”, thì Ban chấp hành Hội nhà văn TPHCM cảm thấy thoả mãn khao khát được phô diễn thứ quyền lực nhất thời đầy ngạo mạn một cách ngớ ngẩn? Phải chăng bất cứ kẻ nào, dù năng lực thi ca hạn chế đến đâu, nhưng chỉ cần ngồi vào Hội đồng chung khảo thì cũng có thể vận dụng quy chế để lập tức biến thành thi bá hoặc thi thánh?
Nhà thơ Từ Kế Tường
Với một Hội đồng Thơ gồm những nhà thơ có tài năng và uy tín như thế, tôi tin họ đã đã đánh giá đúng và lá phiếu bầu chọn của các anh, các chị là nghiêm túc, có trách nhiệm. Tôi không hiểu có quy chế đặc cách nào mà Ban chung khảo lại gạt bỏ lá phiếu của Hội đồng Thơ để lấy những tác phẩm dở trao giải. Tôi nghĩ, cần phải làm rõ vấn đề này, chứ không thể nói chúng tôi có quyền, và có quy chế để làm bùa phép, đổi đen thành trắng, đổi trắng thành đen là xong. Tôi không biết giải thưởng là bao nhiêu, nhưng cho dù là 1 xu thì đó cũng là tiền ngân sách cấp cho Hội, mà tiền ngân sách là tiền đóng thuế của dân. Không thể lấy tiền của dân trao giải cho những tác phẩm không xứng đáng. Làm như thế thì các anh có tội, mang tội lãng phí, chẳng khác nào tham nhũng.
Nhà thơ Vương Trọng
Tôi là người ngoài, nhưng thấy thành viên Ban chung khảo có quyền đề cử tác phẩm không cần ban Sơ khảo là điều không hợp lý, vì vô hiệu hoá vai trò của Sơ khảo. Chỉ ý kiến một thành viên chung khảo mà vượt lên quyết định đồng thuận của ban Sơ khảo là vô lý, hơn nữa, ngay sau đó thì chính các thành viên chung khảo lại cho kết quả cuối cùng, vậy nên thực tế ý kiến của một thành viên chung khảo quan trọng hơn quyết định của cả ban Sơ khảo.
Nếu các thành viên chung khảo có giới thiệu tác phẩm nào đó, thì cũng nên chờ xem ý kiến ban Sơ khảo có đồng thuận hay không, rồi mới đưa lên ban Chung khảo xét duyệt...thì có thể chấp nhận được.
Nếu các thành viên chung khảo có giới thiệu tác phẩm nào đó, thì cũng nên chờ xem ý kiến ban Sơ khảo có đồng thuận hay không, rồi mới đưa lên ban Chung khảo xét duyệt...thì có thể chấp nhận được.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Dân
Ở Hội Nhà văn VN, Uỷ viên Hội đồng Chung khảo chỉ được phép đề cử thêm những tác phẩm KHÔNG NẰM trong số tác phẩm đã được Hội đồng Sơ khảo thông qua. Thế mới gọi là "phát hiện", chứ nếu lại xét lại tác phẩm mà Hội đồng Sơ khảo đã xét mà không thông qua thì phải đề nghị Hội đồng Sơ khảo chấm lại tác phẩm đó. Nếu không thì có nghĩa là Hội đồng chung khảo không tin Hội đồng sơ khảo, và như vậy thì không cần phải có Hội đồng sơ khảo nữa. Quy chế là do con người đặt ra, nhưng quy định phải hợp lý chứ không được mâu thuẫn và vô nghĩa. Nếu nói Hội đồng chung khảo có quyền đề cử riêng khác với Hội đồng sơ khảo thì chẳng cần Hội đồng sơ khảo nữa làm gì.
Nhà thơ Phạm Sĩ Sáu ( Phó Chủ tịch Hội nhà văn TPHCM) nói: "Theo Quy chế Giải thưởng Hội được ban hành năm 2015, các thành viên Hội đồng chung khảo được quyền đề cử tác phẩm tham gia giải thưởng nếu tác phẩm đó không qua các Hội đồng chuyên môn." Nhưng thế nào là "không qua"? Theo tôi, tác phẩm "Không qua các hội đồng chuyên môn" tức là tác phẩm chưa được đề cử cho hội đồng chuyên môn xem xét chứ không phải là hội đồng chuyên môn đã xét nhưng không thông qua. Còn nếu một tác phẩm nào đó đã được hội đồng chuyên môn xét nhưng không được thông qua thì hội đồng chung khảo có thể đề nghị hội đồng chuyên môn xét lại nếu thấy cần thiết, chứ hội đồng chung khảo không nên tự mình xét lại. Đó cũng là cách làm của Hội Nhà văn VN gần đây. Có lẽ Hội nhà văn TPHCM nên làm rõ 2 chữ "không qua" này. Nếu hiểu "không qua" theo nghĩa thứ hai thì không cần tồn tại hội đồng chuyên môn nữa.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét