Tổng thống Mỹ và phu nhân lên Air Force One, 03/11/2017. |
(LesEchos 03/11/2017) Rút khỏi TPP, vấn đề Bắc Triều Tiên và chính sách Mỹ đối với khu vực : nhiều chủ đề đang chờ đợi tổng thống Trump.
Trong vòng một năm, ông Donald Trump chủ yếu lo phá hủy những gì người tiền nhiệm đã lập nên, hơn là đưa ra những chính sách mới. Nay ông không chỉ phải giải thích các bước đi mà nhất là còn phải cho biết chi tiết về chính sách của Hoa Kỳ trong khu vực. Trong số đó có ba chủ đề quan trọng nhất.
· Thương mại
Quyết định được đưa ra ngay sau hôm ông Donald Trump nhậm chức là rút Hoa Kỳ khỏi TPP, gây sững sờ cho các thành viên hiệp định này, đặc biệt là Nhật Bản. Được thỏa thuận vào năm 2015 giữa 12 nước chiếm đến 40% kinh tế thế giới, TPP được lập ra để làm đối trọng với sức mạnh đang lên của Trung Quốc.
Sự kiện Mỹ rút lui không chỉ dội một gáo nước lạnh vào các quốc gia đã ký kết, mà còn mở ra cả một đại lộ cho Trung Quốc, từ nay tha hồ lấp đầy khoảng trống mà Hoa Kỳ để lại, và xúc tiến dự án hợp tác kinh tế riêng của mình. Bắc Kinh đưa ra RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership) tập hợp 16 nước châu Á-Thái Bình Dương với 3 tỉ dân. Trước sự tấn công của Trung Quốc, 11 thành viên còn lại của TPP vẫn chưa đầu hàng. Cho dù không có Hoa Kỳ, họ vẫn cố làm sống lại TPP. Việc Mỹ làm rõ quan điểm về vấn đề này là hết sức quan trọng.
· Bắc Triều Tiên
Cuộc đấu khẩu mỗi lần diễn ra lại cho người ta cảm tưởng điều tệ hại nhất sẽ đến : giải pháp quân sự. Từ khi lên nắm quyền, Donald Trump luôn có những lời lẽ cứng rắn, lên án chương trình nguyên tử Bắc Triều Tiên. Chế độ Bình Nhưỡng cũng trả đũa bằng những ngôn từ thô lỗ cố tình. Các tuyên bố hiếu chiến, bắn hỏa tiễn bay qua không phận Nhật Bản, rơi xuống không xa đảo Guam…vùng này luôn căng thẳng mà không chắc thoát được một cuộc xung đột.
· Địa chính trị khu vực
Các chiến hạm Mỹ tuy thỉnh thoảng vẫn tuần tra Biển Đông, nhưng người ta không cảm thấy rằng Donald Trump quan tâm đến việc khẳng định quyền lợi tại vùng biển mà Bắc Kinh coi như ao nhà của mình. Trong bối cảnh đó, việc các tàu chiến của Hải quân Mỹ du hành tại Biển Đông - nơi mà Trung Quốc cho rằng đã trở thành vùng biển thuộc sở hữu của mình, với những hòn đảo nhỏ bị Bắc Kinh yêu sách – chẳng có ý nghĩa nào khác hơn là một sự đe dọa với mục đích không rõ ràng. Nhìn chung, Donald Trump đã phá hoại chính sách xoay trục sang châu Á mà Barack Obama đã xây dựng nên, tuy nhiên lại chẳng đề nghị được gì để thay thế.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét