Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2017

Tâm nào diện ấy thui mờ!

Sự "béo" của Quan dưới bút pháp Nguyễn Công Hoan
Nhân chuyện ông Hoàng Trung Hải có ý định Cấp sổ đỏ cho ông bà Trịnh Văn Bô, mình nghĩ tới sự "béo" của ông và các quan thời nay, rồi tới cách nhà văn Nguyễn Công Hoan mô tả sự "béo" của các quan thời trước. Tiếp đây là trích luận văn của Nguyễn Thị Thành: Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Công Hoan tả bọn quan lại, bọn tư sản, địa chủ, cường hào... đều nhất loạt to béo, béo đến chảy mỡ, đến phát phì ra như vậy. Theo Nguyễn Công Hoan “béo” là do “ăn bẩn” nghĩa là ăn cắp, ăn cướp, ăn hiếp, đục khoét của dân, hút máu, hút mủ của dân. Hàng loạt truyện ngắn và một số tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan đều xoay quanh các mánh khoé, thủ đoạn “ăn bẩn” của bọn quan lại, cường hào, địa chủ.
Kết quả hình ảnh cho Giàng seo phử



Nguyễn Công Hoan là một trong số không nhiều nhà văn đã có thể in rõ dấu ấn bản sắc riêng của mình lên bối cảnh văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt văn học 1930 - 1945. Ông viết khá nhiều sáng tác văn xuôi thuộc mọi thể loại nhưng trong đó truyện ngắn là phần đặc sắc hơn cả. 


Tuy nhiên, nếu chỉ xét riêng về truyện ngắn thì có thể sẽ không có được một cái nhìn toàn bộ về nhà văn - một cây bút hiện thực sắc sảo về nhiều mặt xấu xa của xã hội cũ... Ưu điểm này thể hiện rõ trong hệ thống truyện ngắn và một số tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan trước cách mạng. Sau cách mạng tháng Tám - 1945 Nguyễn Công Hoan vẫn tiếp tục sáng tác song vì nhiều lý do các tác phẩm của ông không được phát huy trong nền văn học mới.

Hầu hết truyện ngắn và tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan đều xoay quanh sự đối chọi giữa kẻ giàu và người nghèo, kẻ giàu là bọn có thế lực, địa vị, bọn thực dân, bọn quan lại, cả quan ông lẫn quan bà, bọn tư sản, địa chủ, cường hao, lính tráng.thủ phạm gây ra những chuyện xấu xa nhơ nhuốc trong xã hội. Người nghèo là lớp dân nghèo thành thị, phu xe, kép hát, người ở, ăn mày, gái điếm, lưu manh, mở rộng ra ông đi vào đời sống nông dân, công nhân.

Ta hãy xem một loạt bức chân dung nhân vật quan được Nguyễn Công Hoan vẽ theo nguyên tắc "vật hoá":

"Chà! Chà! Béo ơi là béo! Béo đến nỗi giá có thằng dân nào vô ý, buột mồm ra nói một câu sáo rằng: "Nhờ bóng quan lớn", là ông tưởng ngay nó nói xỏ ông. Tức thì, mặt bàn là một, mặt nó là hai, bị vả đôm đốp... Trên mép ông, ông đã bao công trình mới cấy được từng ấy râu. Ông để râu, cho khác hẳn với tụi huyện trẻ nhãi. Nguyên cái da mặt ông nhỏ, mà có lẽ vì ông béo quá, nên lỗ chân lông căng ra, căng thẳng quá, đến nỗi râu không có chỗ nào lách ra ngoài được. Đến nỗi năm bốn mươi tuổi, mà mặt ông nó cứ nhẵn thín như thường. Ông bực mình, bèn ra lệnh cấm thợ cạo lia lưỡi dao lên môi ông một dao, để ông nuôi râu. Thì sau hết, những lông tơ nó cũng dài ra, và trông rõ hơn. Và đến bây giờ, đứng ở hai bên miệng ông, nó thành hai cái dấu chua nghĩa (...). 
(trích từ truyện ngắn: Đồng hào có ma)

Kết quả hình ảnh

Đây là hình ảnh quan Nghị Trinh qua ngòi bút của nhà văn:
"...một người mặt mũi phương phi, cổ rụt, bụng phệ môi trề mà không râu, mặc quần áo lụa, phe phấy cái quạt, ra vườn chơi. Bác đoán là ông Nghị, bèn đánh tiếng. Thì quả là ông Nghị thực. Vì nghe giọng nói hách dịch lắm...
(Hai thằng khốn nạn).

Và đây là chân dung quan phụ mẫu trong tiểu thuyết Bước đường cùng.
"Quan phụ mẫu là một người có nhiều cái đặc biệt. Đứng trước ngài, ta có cảm tưởng hỗn xược như ta lại phải ăn một mâm cỗ đầy ắp những thịt mỡ khi ta đã no nê. Nghĩa là ta phát ngấy về sự phì nộn của ngài. Ngài cúi mặt xuống, cả tấm thịt trên quai hàm bị cổ áo cứng nó đùn lên, nó vẽ nên một nét răn, chia má ra làm hai khu đều nhau, khu nào cũng phính và nung núc những thịt. Cái tấm má ấy đầy đặn đến nỗi giá chỉ một mũi ghim nhỏ lỡ đụng vào, là chỗ đó có thể chảy ra hàng lít nước nhờn nhờn mà ta quen gọi là mỡ. Lông mi ngài rậm mà vòng lên, đối với đôi mắt ngài hùm hụp cong xuống. Từ thái dương, đến má, đến xương quanh miệng ngài, người ta tưởng mặt ngài làm bằng sắt, vì nó đen đen. Nhưng không, màu ấy chỉ là di tích bộ râu quai nón mà sáng nay ngài quên chưa cạo".

Đúng là thuần tuý một khuôn mặt thịt, không tâm hồn, vô cảm. Không chỉ một loạt các quan ông được mô tả nhất loạt đều béo, mà quan bà cũng vậy.

"Vậy thì bà nằm đó. Nhưng thoạt trông đố ai dám bảo là một người. Nếu người ta chưa nom rõ cái mặt phị, cái cổ rụt, cái thân nung núc, và bốn chân tay ngắn chùn chùn, thì phải bảo là một đống hai ba cái chăn bông cuộn lại với nhau, sắp đem cất đi".
(Phành phạch)

Ta thấy Nguyễn Công Hoan tả người mà không còn ra người với cách sử dụng các chi tiết "mặt phệ", cổ rụt" “thân nung núc và bốn tay chân ngằn chùn chùn" như cái chăn bông cuộn lại. Hình ảnh bà chủ trên qua ngòi bút của Nguyễn Công Hoan đã biến thành hình ảnh một con vật.

"Anh xe nhấc càng lên, nặng nề rạp người xuống, bước vài bước thực dài để lấy đà, rồi mới đưa ngược khuỷu tay, cúi đầu mà chạy.
Trên nệm lò xo rung rinh, thấy đặt một thứ cây quý giá tuy hơi cổ thụ, nhưng chưa có vẻ gì cằn cỗi. Ngọn cây còn xanh tốt, lại có điểm một bông hoa đỏ thắm. Vỏ cây đã có chỗ nhăn nheo, song người ta khôn khéo, lấy một lần bột gạo thơm che lấp đi. Toàn thân phủ nhiễu trắng, thứ nhiễu tây mềm nhũn và má trợi.
Cây đó là một cây thịt.
Cây thịt đó là bà Phán Tuyên. 
(Cho tròn bổn phận)...

Cách miêu tả người bị vật hoá của Nguyễn Công Hoan làm nổi bật sự kệch cỡm, lố bịch ở cái vẻ bề ngoài hào nhoáng nhưng thật thô thiển. Và một bức chân dung khác béo đến phát sợ:

"Nguyên là bà ấy béo quá - Gớm! Béo đâu có béo lạ béo lùng thế! - Béo đến nỗi hai má chảy ra, cổ rụt lại. Béo đến nỗi bụng sệ xuống. Béo đến nỗi trông phát ngấy lên! 
(Hai cái bụng)

Tả người Nguyễn Công Hoan thường đặc biệt chú ý tới khuôn mặt mà theo Bônđơle "Bộ mặt xấu là bộ mặt thiếu sự hài hoà, bệnh hoạn, thiếu hưng phấn sáng sủa, thiếu sự phong phú nội tâm". Nhận xét trên rất đúng với nhân vật phản diện của Nguyễn Công Hoan. Hãy xem nhà văn tả cái mặt của bà lớn:

"Hình như trời đã đặt một cái khuôn riêng để đúc nặn các người làm bà lớn. Nên chăng mấy chốc, bà phủ đã được đúng kiểu mẫu, chỉ riêng bộ mặt cũng đã long trọng. Người ta tương chiếc bánh dầy đám cưới, ở giữa đặt một quả chuối ngự, và ngay đầu quả chuối, nằm dài hai múi cà chua" 
(Đàn bà là giống yếu).

Có thể nói rằng trước Nguyễn Công Hoan chưa có nhà văn nào miêu tả bộ mặt con người thảm hại như ông, phải có lòng căm phẫn cao độ, trí tưởng tượng phong phú, khiếu hài hước, có biệt tài riêng thì mới có thể tạo nên những ẩn dụ đầy ngộ nghĩnh đến vậy.

Những hạng người giàu có, ta thấy Nguyễn Công Hoan không chỉ miêu tả ngoại hình xấu xí mà đều nhất loạt béo, cái béo của nhân vật làm cho người đọc có cảm giác như đang tả một đồ vật, con vật, được chăm bẵm quá mức. Nó đối lập hoàn toàn với những hình nhân nghèo khổ kia.

Xét về mặt ý nghĩa xã hội cách miêu tả ngoại hình chân dung nhân vật như vậy biểu hiện sự phân hoá giai cấp tầng lớp sâu sắc.

Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Công Hoan tả bọn quan lại, bọn tư sản, địa chủ, cường hào... đều nhất loạt to béo, béo đến chảy mỡ, đến phát phì ra như vậy. Đây là cách giải thích của Nguyễn Công Hoan về lý do béo của chúng:

“Tôi cực lực công kích sách vệ sinh đã dạy ta ăn uống phải sạch sẽ, nếu ta muốn được khoẻ mạnh, béo tốt. Thuyết ấy sai! Trăm lần sai! Nghìn lần sai! Vì tôi thấy sự thực ở đời này bao nhiêu những anh béo khoẻ đều là những anh thích ăn bẩn cả” 
(Đồng hào có ma).

Theo Nguyễn Công Hoan “béo” là do “ăn bẩn” nghĩa là ăn cắp, ăn cướp, ăn hiếp, đục khoét của dân, hút máu, hút mủ của dân. Hàng loạt truyện ngắn và một số tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan đều xoay quanh các mánh khoé, thủ đoạn “ăn bẩn” của bọn quan lại, cường hào, địa chủ.

Có những cách ăn thật oái oăm, kỳ lạ và hết sức đê tiện.

“Tiếng khóc của người mẹ trước thi hài con chết đuối đã trương làm ai cũng phải cảm động. Nhưng trái lại, nó không làm chuyển nét mặt của quan tư pháp. Đến đây, ông là đại biểu cho pháp luật, ông đã từ người bằng xương, bằng thịt biến thành pho tượng bằng sắt đá lạnh lùng”.

Vậy đã là sắt đá không thể cảm nhận được những tiếng khóc ẻo lả của người mẹ mất con hoặc những tiếng kêu nài mềm yếu của người cha oan uổng. Cảm được sắt đá duy chỉ có một vật. Vật ấy cố nhiên phải rắn hơn đá. Mà vật rắn ấy nhà ông Cửu không thiếu. Nó làm bằng loại bạc.
Và lời kết chuyện:
“Và một giờ sau, lũ ruồi, lũ nhặng, lũ cá, lũ quạ, tiếc ngẩn ngơ.
Chúng có biết đâu rằng quan huyện tư pháp đã tranh mất món mồi ngon của chúng” (Thịt người chết).

Bằng sự so sánh đồng nhất quan huyện tư pháp với lũ ruồi, lũ nhặng, lũ cá, lũ quạ cùng nhau tranh mồi là các thây ma cho ta thấy sự đê tiện đáng kinh tởm của một viên quan “ăn bẩn”.

Nghĩ lại, thấy người dân đen ngày trước thật cực khổ vô cùng, khổ vì nghèo đói đã đành, đến con chết cũng không được chôn, mẹ chết cũng không được ra đồng 
(Người thứ ba).

“Cái miệng, trước khi để khóc mẹ, hãy phải dùng để trình nhà chức trách biên vào sổ tử cho, thì mới đúng là trong nhà có người chết. Nếu không, thành ra mình khóc lậu à? Mà trình nhà chức trách, đố ai làm nổi việc ấy bằng lời nói suông. Cho nên, vừa bị kéo tới thềm nhà, chị cu đã lạy van cụ thư ký bằng một món tiền (...).
Tiếng phèng rè nổi lên như run, như khóc. Chiếc nhà táng vừa nâng cao, chị cu thương tâm quá, đứng không vững, ngã khuỵu xuống đất.
Nhưng mà:
- Này! Hãy dậy đã.
Chị mở mắt ra, nhìn.
Ông quản cố cầm roi mây, phì hơi rượu vào mặt chị, nói:
- Mày dậy đã, không có phép thế.
Chị cu vừa khóc, vừa rên rỉ:
- Phép thế nào, ông ơi.
Ông quản lộ cau mặt, gõ đầu roi vào nhà táng:
- Nghĩa là nó là phép thế. Đường là đường làng. Làng cắt tôi ra trông nom. Chị có tư cách gì mà dám đưa ma bà cụ lại không nói với tôi một tiếng? Bốn người này khiêng áo quan vào trong nhà giả chị ấy!
(...) Chị không khóc nữa, lấy vạt áo chùi đôi mắt đỏ hoe, rồi từ từ cởi nút giải yếm.
Liếc mắt thấy phát tài đến nơi, ông quản dịu mặt:
- Tôi vẫn biết chỗ người làng người nước, làm ra sinh mất lòng mất bề nhau, nhưng nghĩa là việc quan anh cứ phép công anh làm, ai oán thì oán.
Nói đoạn, ông lại liếc mắt lượt nữa, thấy chị cu đã nắm cái gì ở trong tay. Ông biết rằng không phải nói thêm gì. Ông đứng yên, để nhường lời cho chị. Mặt ông, lúc đó, tuy trơ trẽn, nhưng tươi lắm.
Chị nhờ người vào nhà lấy cái đĩa, rồi để đánh cạch hai mươi trinh vào, dịu dàng thưa:
- Gọi là thế, có cơi giầu biếu ông, thôi thì ông cho các bác ấy khênh bà cháu ra đồng.
Ông quản để năm đầu ngón tay vào lòng đĩa, vét một cái rất anh hùng, rồi gật đầu, hất roi:
- Thôi được!
(Người thứ ba)

Ở tầng lớp quan lại, tư sản, địa chủ, cường hào mà Nguyễn Công Hoan gọi chung là bọn nhà giàu ấy không chỉ diễn trò “ăn bẩn” mà còn diễn trò “ăn cắp”, “ăn cướp”. Đó cũng là đề tài trở đi, trở lại trong những truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan. Có lẽ xoay quanh những vụ trộm cắp, nhà văn dễ tìm ra những tình tiết ly kỳ và có dịp vạch trần bản chất đểu cáng, giả dối của chúng.

Song có cả những nhân vật vì nghèo khổ, gầy, đói quá do không có gì mà ăn nên cũng phải diễn trò ăn cắp, ăn xin.
Trong sự đối lập kẻ giàu, người nghèo ấy cùng diễn ra trò, dĩ nhiên nhà văn đứng về phía người nghèo, bênh vực họ. 

Ví dụ: Ở những truyện ngắn: Thằng ăn cướp, Bữa no... đòn, Thế cho nó chừa...
Vì đói quá phải ăn quỵt hai xu bún riêu, bốc trộm củ khoai, một tấm bánh. Nguyên nhân thì nhỏ nhưng kết quả là những trận đòn bán sống, bán chết và rồi bị nhốt trong nhà lao. Đó là giá trị con người dưới thời thuộc Pháp. Nguyễn Công Hoan đã giáng một đòn chí mạng vào chế độ xã hội coi mạng người như cỏ rác. 

Ngược lại với thủ phạm là bọn nhà giàu: với tài dựng truyện Nguyễn Công Hoan dẫn dắt độc giả bằng những tình tiết lôi cuốn để bắt quả tang những vụ trộm bất ngờ. Ví dụ: Cái ví ấy của ai là truyện mấy ông huyện, ông đốc, bà tham, bà cử nào đó rất chi là sang trọng, lịch sự, đang khiêu vũ với nhau, nói toàn tiếng Tây, tưởng đâu chỉ có say vì nhạc, mê vì tình. Ấy thế mà xoay ra lần ví của nhau. Để rồi thằng xe phải một trận đòn oan thừa sống, thiếu chết. Truyện Thằng Quýt tố cáo một ông Phán ăn cắp mười đồng tiền công của đầy tớ một cách đểu rả, độc ác.

Cụ Chánh Bá mất giầy cũng là một kiểu ăn cắp không hơn, không kém: cụ Chánh Bá dựng đứng lên chuyện mất cắp đôi giày của mình. Đôi giày của cụ:

“...chẳng biết cụ mua từ Khải Định mấy niên, đến bây giờ, đóng lại đế là lần thứ bốn, mà nó vẫn hoàn không đế. Mũi thì nứt rạn và vá nhiều nơi. Cái cá đã đóng thêm lượt nữa, nhưng nó vẫn thủng. Lượt da thì ải và bật dây gần hết. Bọn thợ khâu giày phải trốn như chạch, vì lỡ ra không nhẹ tay mà chọc mạnh cái dùi vào, là nó toạc ra - vì tất nó toạc ra - thì oan gia.

(...) Lúc chập tối, trong khi có hai thầy trò cụ chánh Bá ở nhà trên, thì cụ khẽ gật tên đầy tớ, và liếc mắt một cái. Anh này hiểu ý, ra hiên đứng nhìn, rồi đến cạnh cụ, cúi xuống nhặt... Rồi thu thu vào trong bọc. Rồi len lén ra ngoài ao. Rồi giơ thẳng cánh tay, ném xuống nước. Tõm!...”Cụ Chánh được không một đôi giày mới. Thật là đểu cáng, lừa lọc hết mức. Đê tiện và bất ngờ nhất có lẽ là vụ trong truyện Đồng hào có ma. 

Bà Nuôi, một nông dân nghèo bị mất trộm sạch của cải tìm lên huyện để trình quan. Theo lệ quan bà phải khấu một đồng bạc, quan mới nhận đơn. Vậy là tính quan thích “ăn lễ, ăn tiền”. Nhưng ăn lễ, ăn tiền, ăn đút, là cách ăn bẩn hàng ngày của quan lại. Ở quan huyện Hinh oai vệ, béo tốt hơn người ấy có cách ăn bẩn thượng hạng hơn. Ông ăn cắp một đồng hào đánh rơi của con mẹ Nuôi mà mặt cứ tỉnh như không, đúng là ăn cắp chính tông.

“Ông huyện Hinh cứ ngồi yên sau bàn giấy để nhìn theo con mẹ khốn nạn. Rồi khi thấy nó đã đi khuất, ông mới đưa mắt xuống chân, dịch chiếc giầy ra một tý. Và vẫn tự nhiên như không, ông cúi xuống thò tay, nhặt đồng hào đôi sáng loáng, thổi những hạt cát nhỏ ở đế giầy bám vào, rồi bỏ tọt vào túi”.

Ông huyện Hinh đã ăn không, ăn cắp, ăn cướp đồng hào đôi của bà Nuôi nghèo khổ đang cơn hoạn nạn. Một cách “ăn bẩn” thượng hạng của thó vật, sự béo khoẻ đặc biệt của ông là điều dễ hiểu.
Từ “ăn bẩn” dùng cho các ông huyện, lũ quan... ở đây không hiểu theo nghĩa đen chỉ áp dụng cho động vật, loài chó, lũ lợn thích ăn những cái dơ bẩn. Từ được dùng theo nghĩa ẩn dụ, so sánh với cách kiếm chác, ti tiện, đê tiện, bần tiện của bọn quan lại sâu mọt .

Thế là trong cái xã hội của truyện ngắn Nguyễn Công Hoan, bọn thống trị chỉ là một lũ ăn cắp, ăn cướp, luật pháp của chúng bày ra chỉ là để đè đầu người dân xuống mà ăn cắp, ăn cướp. Nguyễn Công Hoan đã phản ánh được chính xác một khía cạnh bản chất hiện thực bằng tài đả kích tuyệt vời, chứng cứ rõ ràng. Ông đã đưa bọn thống trị lên sân khấu, cho chúng tự lột mặt nạ trước người đọc. Đó cũng là sở trường của Nguyễn Công Hoan, sở trường tố cáo vạch mặt bọn thống trị .

Chúng ta thấy rõ Nguyễn Công Hoan là nhà văn có tài xây dựng nhân vật phản diện. Việc xây dựng nhân vật phản diện cho phép nhà văn được tô đậm, phóng đại những nét tiêu biểu của nhân vật.

Thế giới nhân vật của ông không chỉ quẩn quanh với những lớp dân nghèo thành thị (phu xe, kép hát, người ở, ăn mày...). Ông đã mở rộng thế giới nhân vật của mình đi vào đời sống công nhân, nông dân, không chỉ mô tả họ như những nạn nhân tiêu cực mà còn phát hiện ra bản chất ngoan cường, bất khuất. Đó là hình ảnh chị công nhân Sáng trong truyện Sáng... chị phu mỏ, hình ảnh anh Pha trong tiểu thuyết Bước đường cùng (nói sau).

Khi xây dựng nhân vật chính diện mặc dù chưa có gì sâu sắc lắm những biểu hiện một cái nhìn đúng đắn, một thái độ trung hậu, thông cảm của tác giả. Không phải không có lý do khi Nguyễn Công Hoan viết trong Đời viết văn của tôi.

“Nhân vật quen thuộc của tôi đều là những nhân vật xấu trong xã hội thuộc Pháp. Họ là bọn nhà giàu, cậy quyền thế mà áp bức bóc lột người nghèo. Họ là quan lại, địa chủ, là tư sản, tiểu tư sản líp trên. Vẽ họ tôi tìm đủ các nét nhơ bẩn về vật chất cũng như về tinh thần. Còn nhân vật chính diện thì tôi thường chỉ tả họ qua ngôn ngữ, cử chỉ để thấy được con người của họ”.Thông qua thế giới nhân vật trong những sáng tác trước cách mạng của Nguyễn Công Hoan, ta thấy hầu hết các tầng lớp trong xã hội phong kiến đều có mặt, từ các giai cấp bị áp bức bóc lột, các giai cấp thống trị và các tầng lớp trung gian cho đến những người ở dưới đáy của một xã hội hết sức phức tạp. Tất cả đều có vai trong tấn bi hài kịch đồ sộ với bao nhiêu màn, lớp. 

Trên sân khấu ấy đã diễn ra hầu như đủ mọi tấn trò đời, bao nhiêu tác phẩm là bấy nhiêu cảnh sống của các xã hội cũ thối nát.
Bằng một năng khiếu trào phúng dường như bẩm sinh, một vốn sống phong phú về trường đời và một trí tuệ sắc sảo, nhà văn Nguyễn Công Hoan đã phơi bày “thế giới bị lộn trái” ấy đậm chất hài hước. Ông cười con người tha hoá chính là để cười sự tha hoá của cả xã hội. “Quan niệm con người này làm cho tác phẩm có được chiều sâu phổ quát hơn một chủ đề tố cáo bọn thống trị hoặc nói đúng hơn tố cáo trạng thái phi nhân tính của đời sống” (Trần Đình Sử: Một số vấn đề thi pháp học hiện đại - BGĐ và ĐT 1993 trang 39).

Tố cáo trạng thái phi nhân tính để đòi một trạng thái có nhân tính. Đó là giá trị nhân bản trong những sáng tác tiêu biểu của Nguyễn Công Hoan trước cách mạng.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: