Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017

Phá Cách (thơ) & chuyện "sỹ phu ngoảnh mặt"


Trần Hồng Phong giới thiệu

Sáng nay thứ Bảy (ngày 18/11/2017), qua mạng xã hội facebook, tôi được đọc một bài thơ vừa sáng tác nóng hổi của luật sư Nguyễn Minh Tâm, một luật sư thuộc nhóm đàn anh, lứa đầu tiên của lớp luật sư dưới thời nước CHXHCN Việt Nam (nghề luật sư được chính thức hoạt động trở lại tại VN từ khoảng năm 1987). Bài thơ thể hiện nỗi buồn và sự bất lực, buông xuôi của một trí thức. Tôi đọc và cảm thấy xốn xang trong lòng. Buồn.

Cô đơn (ảnh minh hoạ, nguồn: internet)


Gần đây, tôi có gặp lại nhóm bạn thân thiết cùng học đại học thời sinh viên. Khi nói về chuyện đất nước, thật bất ngờ khi hầu như tất cả đều nói rằng từ lâu đã chọn "im lặng", vì "có nói cũng chẳng ai nghe, chẳng được gì" mà không khéo mang vạ vào thân. Không ít người bạn của tôi đã chọn con đường cho con cái đi du học ở các nước tư bổn "giãy chết", đầu tư ra nước ngoài dưới nhiều hình thức. Dù vậy, chúng tôi cùng có một đánh giá chung là: trong 50 năm đã sống trong cuộc đời của mình, chưa bao giờ xã hội lại xuống cấp về văn hoá, đạo đức như hiện nay. Đi đâu cũng thấy sự giả dối, đạo đức giả lộng hành, người với người đối xử với nhau sao tàn ác quá.

Tôi luôn hiểu rằng mỗi người đều có và có quyền chọn cách sống và hướng đi khác nhau, quan niệm, quan điểm khác nhau. Nhưng quả thật nếu những người thuộc nhóm "hiểu biết" mà không muốn nói nữa, không muốn hay không thể bày tỏ cảm xúc, quan điểm cá nhân nữa thì rõ ràng là một sự bất bình thường trong xã hội.

Về "im lặng", tôi từng nghe một vài người thuộc hàng "uyên thâm" cho rằng đây thực ra mới là hình thức phản kháng "đỉnh cao". Thử hỏi trong một gia đình, khi mà không ai thèm nói chuyện với ai, ai làm gì mặc ai, hỏi chẳng thèm trả lời, cho quà chẳng thèm lấy. Nói chung là chả thèm quan tâm đến nhau nữa - thì điều gì sẽ xảy ra? Đó có phải là một gia đình biết thương yêu nhau hay không? Thậm chí có còn bản năng của con người nữa hay không? Và có khi nào người quan trọng trong gia đình ấy (giả sử là ông bố) biết tự hỏi "vì sao nhà ta lại đến nông nỗi này"? Hay là lão ta cứ tiếp tục ăn uống no say, ngồi ghế gia trưởng cho đến khi đã bán sạch mọi thứ của cải trong nhà, và khi chết đi để lại một gánh nợ cho vợ, con?

Tôi lại nhớ đến "5 nguy cơ mất nước" do nhà bác học Lê Quý Đôn đưa ra, trong đó có lý do "sỹ phu ngoảnh mặt".

Vì sao ngày càng nhiều trí thức chọn sự im lặng? Phải chăng đó là lý do mà chỉ vài ngày trước, ông Bộ trưởng Bộ giáo dục kêu gọi ngân sách đầu tư thêm 12.000 tỷ đồng để đào tạo thêm 9.000 ông tiến sỹ, đáp ứng nhu cầu của xã hội chăng?

Mời quý vị cùng chiêm nghiệm bài thơ dưới đây.

......



PHÁ CÁCH

(Sáng thứ Bẩy thử phá cách chơi)

Ừ, thôi nhé, ừ thôi, thế nhé
Thế thôi mà còn mới mẻ gì đâu
Thì đã vậy, cũng đành chịu vậy
Bận lòng chi cho bạc thêm đầu

Ừ, thế đấy, thế cũng là cố đấy
Ta gồng mình cũng chỉ đến thế thôi
Ai không thích thì tai đâu, bịt lại
Lời ta bay cho gió cuốn lên giời

Ừ, thế đấy, thế cũng là xong đấy
Ta thở phào buông thõng cả hai tay
Đầu ta có vấn đề ư, mặc kệ
Ta vẫn còn một tấm lòng chay...

Ừ, thế đấy, thế cũng là... thôi nhé
Nói làm chi, có nói cũng thế mà
Có những việc tầy đình còn bỏ ngỏ
Nhắm mắt rồi, tất cả sẽ trôi qua...
Nguyễn Minh Tâm

....

Bài liên quan:


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: