Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 22 tháng 11, 2017

Đọc mệt..nghỉ!

Tập Cận Bình tặng quà gì cho tổng bí thư Việt Nam ?



Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Tập Cận Bình thăm Việt Nam ngày 12/11/2017.

(Tân Kinh báoLeCourrier International 22/11/2017) Tập Cận Bình thăm chính thức cấp nhà nước Việt Nam vào tháng 11. Trong dịp này, một tờ báo Bắc Kinh cho biết chi tiết về các món quà tặng của các lãnh đạo Trung Quốc, được Le Courrier International dịch lại.


Sáng 13/11/2017, tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Hà Nội đã đến ngôi nhà cũ của Hồ Chí Minh (1890-1969) cùng với tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Trước căn nhà sàn của người khai sinh ra nước Việt Nam hiện đại, Tập Cận Bình đã tặng cho người đồng nhiệm 19 tờ Nhân dân Nhật báo, như một món quà ngoại giao.


Mười sáu tờ trong số đó, đã vàng úa đi với thời gian, nói về chuyến thăm Trung Quốc của chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1955. Trong ba tờ còn lại, người ta có thể đọc được các bài viết về chuyến thăm Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng hồi tháng Giêng năm nay.

Nhưng ngoài những tờ báo, ông Tập Cận Bình đã tặng những món quà gì trong các chuyến công du những năm gần đây ?

Lụa, hàng thêu, đồ sứ, tranh và những vật phẩm nghệ thuật đặc sắc Trung Quốc từ lâu đã là những món quà ngoại giao dành cho các nguyên thủ nước ngoài.

Tranh chiến mã cho Jacob Zuma tuổi Ngọ

Tháng 3/2013, khi thăm chính thức Nam Phi, ông Tập Cận Bình đã tặng tổng thống Jacob Zuma một bức tranh vẽ những con ngựa đang phi nước đại. Đó là vì tổng thống Nam Phi tuổi Ngọ, với mong muốn ông Zuma và đất nước ông sẽ tiến lên như những con chiến mã ấy. Cùng trong tháng đó, trước khi khai mạc năm du lịch Trung Quốc ở Nga, Tập Cận Bình tặng cho ông Vladimir Putin một bức tranh thêu chân dung tổng thống Nga, theo kỹ thuật thêu truyền thống được coi là di sản văn hóa Trung Quốc.

Tháng Sáu cùng năm, ông Tập cùng với phu nhân Bành Lệ Viện đã tiếp tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye ở Điếu Ngư Đài. Hai nguyên thủ đã trao đổi quà tặng. Tập Cận Bình tặng bà Park một DVD các bài hát của bà Bành Lệ Viện, một vật trang trí bằng thủy tinh mang hình dạng hoa dâm bụt (quốc hoa Hàn Quốc), và một bức thư pháp về Triệu Tử Long, nhân vật trong Tam Quốc diễn nghĩa mà bà Park Geun Hye yêu chuộng, theo như tự truyện của bà.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Tập Cận Bình với chiếc chìa khóa Trung tâm Văn hóa Trung Quốc ở Hà Nội, 12/11/2017.
Luận ngữ của Khổng Tử

Các nguyên thủ ngoại quốc cũng rất thích các tác phẩm văn chương Trung Quốc, và các lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là Tập Cận Bình, thường dành tặng cho họ.

Từ năm 2010, lúc còn là phó chủ tịch nước, ông Tập đã tặng một phiên bản « Luận ngữ » khắc gỗ của Khổng Tử cho Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc (CIW) của trường đại học quốc gia Úc (ANU), trong chuyến công du nước Úc. Tháng 6/2015, khi tiếp quốc vương Philippe của Bỉ ở Trung Nam Hải, Tập Cận Bình tặng cuốn tiểu thuyết đã được dựng thành loạt phim truyền hình « Một phụ nữ Trung Hoa dưới nòng súng Gestapo » (câu chuyện một nữ sinh viên y khoa người Hoa trở thành y tá trong quân đội Bỉ hồi Đệ nhị Thế chiến).

Bởi vì ngoài các « quốc lễ » truyền thống, những lễ vật khác còn có các DVD phim truyền hình nhiều tập Trung Quốc, điện thoại nhãn hiệu Trung Quốc hoặc những quả banh bóng rổ. Tháng 7/2014, trong chuyến thăm chính thức châu Mỹ la-tinh của Tập Cận Bình, trong danh sách các món quà có những hộp DVD phim truyền hình giả tưởng Trung Quốc được ưa chuộng như bộ phim nhiều tập « Bắc Kinh thanh niên »,  « Lão hữu sở y » (Tình yêu người cao tuổi), « Thất luyến tam thập tam liên »(Tình yêu không mù quáng).

Tháng 6/2013, nhân cuộc gặp với tổng thống Mỹ tại trang trại Annenberg ở California, ông Barack Obama được tặng món quà đặc biệt : một trái banh bóng rổ do chính tay ông Tập Cận Bình ký tên. Tháng 9/2014, trong hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (OCS), các điện thoại thông minh made in China được ông Tập Cận Bình phân phát như « quốc lễ ».


(Tựa gốc : « Lụa, điện thoại thông minh và banh bóng rổ : Các món quà ngoại giao của chủ tịch »)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: