Chính thức kết nối mạng toàn cầu từ ngày 19/11/1997, sau 20 năm phát triển,Internet Việt Nam được cung cấp phổ cập cho người dùng cả nước. Không chỉ phục vụ nhu cầu kết nối, tìm kiếm, chia sẻ thông tin, Internet đã len lỏi vào mọi mặt của đời sống xã hội, trở thành nền tảng kết nối mọi thứ.
Cũng trước thềm kỷ niệm 20 năm cuộc cách mạng internet, nhiều băn khoăn, lo lắng liên quan đến internet, được đặt lên nghị trường, trong đó khả năng liệu Google, Facebook, YouTube, Gmail, Skype, Viber…có chia tay Việt Nam?
Internet vào Việt Nam, nhưng đến năm 2000, mới gửi được cái thư điện tử đầu tiên.Đến giờ phút này, nhiều khi vẫn tiếc nuối, giá như có internet sớm hơn, thế hệ chúng tôi sẽ khác. Đất nước sẽ phát triển hơn nhiều.
Nhiều lúc ngắm nhìn hai đứa con 5 và 6 tuổi cầm điện thoại nhoay nhoáy, làm chủ với không gian mạng rất sành điệu, mới cảm nhận được hạnh phúc của giới trẻ ngày nay. Chúng sẽ là những công dân toàn cầu.
Nếu bạn từng đi nước ngoài nhiều, nhất là phải gửi thông tin, hình ảnh nhiều, sẽ có chút gì đó vui vui khi tốc độ internet của Việt Nam là rất ổn. Cụ thể, chúng ta đang đứng ở vị trí thứ 58 trên thế giới, theo báo cáo mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường Akamai. Tiếp cận internet ở Việt Nam cũng rất tiện lợi.
Nhưng, để đưa được internet vào Việt Nam và phát triển mạnh mẽ là cả một quá trình gian khổ về tư tư duy và quản trị. Phải sau Chỉ thị 58-CT/TW của Bộ Chính trị năm 2000 về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, thị trường internet mới được “cởi trói”, phát triển với tốc độ chóng mặt.
Thi thoảng, nhiều anh em báo chí hay nhớ về thời hoàng kim của báo giấy. Internet xuất hiện đã đẩy nhiều tờ báo đến miệng vực.
Hiện có tới gần 50 triệu người sử dụng Internet, đạt tỷ lệ trên 53% dân số. Mỗi công dân là một “người viết báo”, một nhóm người có thể là “một tòa soạn” cơ năng, nên phóng viên không thể muốn viết gì là viết, tòa soạn muốn biểu đạt quan điểm cũng không đơn giản. Trong thời đại “kỷ nguyên số”, các tờ báo cũng phải tìm hướng đi mới, rõ nhất là phải thi nhau ra báo điện tử.
Bên cạnh điều kỳ diệu, những mặt trái của internet là có, thậm chí nhiều, từ chuyện quốc gia đại sự đến việc quản lý… mấy đứa trẻ nhà bạn. Nhưng về cơ bản, ai cũng đủ nhận thức vấn đề, không internet, (hoặc giả dụGoogle, Facebook rút lui) mỗi cá nhân sẽ dần dần biến thành một ốc đảo.
Chính vì thế, ngày 13/11 vừa qua, Quốc hội thảo luận ở tổ,các đại biểu rất quan tâm về dự án Luật An ninh mạng. Có nhiều ý kiến cũng đặt thẳng vấn đề: liệu Facebook hay Google có rút khỏi Việt Nam hay không?
Chúng ta cùng lắng nghe ý kiến của đại biểu Vũ Trọng Kim chia sẻ: “Chưa bao giờ tôi tham gia góp ý vào dự luật nào thấy hoang mang như vậy”. Theo ông Kim, với cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, việc cấm cán bộ công chức sử dụng mạng xã hội chỉ khiến “xã hội bế tắc thêm”.
Thượng tướng Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ được phân công chủ trì soạn thảo dự luật này, khẳng định rõ: “Nếu vì đảm bảo an ninh mạng mà chúng ta không sử dụng mạng, không ứng dụng tiến bộ của mạng thì rõ ràng rất lạc hậu, không thể chơi được với ai, không thể hội nhập với thế giới”. Ông cũng so sánh, đảm bảo an ninh an toàn mạng nghĩa là làm sao để hệ thống tuần hoàn của cơ thể không bị nghẽn mạch, cơ thể không bị đột quỵ. “Muốn vậy, dòng máu đó làm sao phải nhiều ô xy, nhiều chất dinh dưỡng thì mới nuôi được cơ thể, chứ máu đỏ thì ít, máu đen thì nhiều, ô xy ít, cacbonic nhiều thì rất nhiều vấn đề, hệ thần kinh bị ảnh hưởng ngay, cơ thể sinh bệnh ngay. Nôm na là đảm bảo an ninh mạng là làm sao chúng ta giữ được hệ tuần hoàn thông suốt” – Thượng tướng Tô Lâm nói.
Ngày 23/11 tới, sau 3 ngày kỷ niệm 20 năm internet vào Việt Nam, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật An ninh mạng. Hy vọng, sẽ cho ra những kết quả đáp ứng được nguyện vọng nhân dân cũng như văn minh nhân loại.
Hữu Quý
—
Bình luận thêm của PGS,TS Đàm Đức Vượng
Dư luận xã hội rất đồng tình với ý kiến của GS,TS Tô Lâm là nếu vì bảo đảm an ninh mạng mà chúng ta không sử dụng mạng, không ứng dụng tiến bộ của mạng, thì rõ ràng chúng ta rất lạc hậu và thiệt thòi, ta sẽ bị cô lập với thế giới bên ngoài. Điều đó chứng tỏ GS,TS Tô Lâm có tầm nhìn xa trông rộng về internet.
Thực tế cho thấy cái lợi trong việc sử dụng mạng có ích cho chúng ta đến 90%, còn 10% là do những người thiếu văn hóa gây nên, trở thành thứ rác rưởi trên mạng. Tôi tin rằng, dần dần nó sẽ mất đi, còn lại trên mạng là sân chơi văn hóa lành mạnh, sáng tạo. Chúng ta có nhiều tin tức, biết đến thế giới bên ngoài là do có mạng cung cấp. Vì vậy, cần phải bảo vệ, phát triển và mở rộng nó. Không có lý do gì mà cấm nó cả. An ninh mạng bao giờ cũng đi đôi với phát triển mạng.
Trang Website của cá nhân tôi: damducvuong.com và damducvuong.com.vn đã, đang và sẽ góp phần tích cực, lành mạnh vào việc xây dựng mái nhà chung internet thân yêu của chúng ta, góp phần cung cấp những thông tin bổ ích tới bạn đọc, khi cần…
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét