Bích Diệp
(Dân trí) - Một đề xuất vừa được đại biểu Phạm Văn Hòa, ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đưa ra mới đây đã thu hút đông đảo quan tâm của dư luận.
Theo đó, ông Hòa cho rằng có thể sáp nhập một số tỉnh có số dân thấp (từ 800.000 người trở xuống) để từ đó giảm bớt ít nhất 10 tỉnh rồi tiến tới sáp nhập giảm 3-4 bộ.
Với 22 bộ, cơ quan ngang bộ và 63 tỉnh, thành như hiện nay, không phải đến bây giờ mới có những ý kiến về việc phải tinh gọn lại bộ máy hành chính. Bởi nhược điểm dễ thấy nhất liên quan đến cơ cấu bộ máy hành chính mà bất cứ ai cũng có thể nhận ra đó chính là biên chế.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy, mặc dù đã nỗ lực và có quyết tâm rất lớn trong việc tinh giản nhưng thực tế vẫn có tới 11 địa phương sử dụng vượt 7.951 biên chế so với số biên chế công chức được Bộ Nội vụ giao. Ngoài ra, còn 19.900 người là lao động hợp đồng cho 18 bộ, ngành, 46 địa phương sử dụng.
Thực ra, cũng sẽ chẳng có gì để bàn nếu như bộ máy hiện nay hoạt động hiệu quả và phát huy hết năng suất. Thế nhưng, trong bối cảnh nguồn cân đối ngân sách hạn hẹp thì bộ máy hành chính lại cho thấy những bất cập về sự chồng lấn nhiệm vụ, dư thừa biên chế, 30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.
Đến nỗi, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) trong phiên thảo luận Quốc hội ngày 30/10 đã phải thốt lên: “Cái bánh ngân sách dù có nở như nồi cơm Thạch Sanh cũng khó bao bọc nổi nền hành chính cồng kềnh hiện nay”.
Còn đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cũng tỏ ra lo lắng, một đất nước hơn 90 triệu dân mà có tới 11 triệu người hưởng lương từ ngân sách thì lấy đâu ra nguồn để có được tiền lương đảm bảo.
Chưa nói về nguồn tiền lương hạn hẹp để đáp ứng “nuôi sống” bộ máy cồng kềnh mà “chất lượng tiền lương” cũng sẽ gặp hạn chế. Dù hàng năm, lương cơ sở thường xuyên được điều chỉnh nhưng phải thừa nhận rằng, tiền lương công chức nước ta vẫn rất khiêm tốn. Với mức lươnghiện nay, nhiều gia đình công chức sẽ khó mà trang trải nổi cuộc sống nếu đơn thuần chỉ sống dựa vào lương. Và liệu rằng, đây chính là một trong những căn nguyên của tham nhũng?
Ngoài ra, xung đột lợi ích cục bộ, xung đột lợi ích nhóm cũng rất dễ có điều kiện xảy ra. Đơn cử như tại lĩnh vực kinh tế, chuyên gia Trần Đình Thiên có lần ví von đại loại là đang có 63 nền kinh tế “tỉnh ta” đua tranh với nhau, gây tổn thất đến nền kinh tế chung của cả nước.
Như vậy, cần thiết phải có “cải cách” như thế, nhưng rõ ràng, câu chuyện không hề đơn giản. Bản thân người đề xuất là đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đã phải thừa nhận thực tế: Vấn đề muôn thuở vẫn là “con người”, sẽ có một số cán bộ, công chức không vui, không hài lòng vì mất một số chức danh.“Con người ở đây chính là chức quyền, chức vụ”, đụng đến con người thì rất nhạy cảm, nhiều tâm tư”.
Nói là giảm bớt, tinh gọn bớt, nhưng ai sẽ từ bỏ chiếc ghế của mình? Chỉ dựa vào tự nguyện thì có lẽ không bao giờ giải quyết nổi.
Bằng chứng là, số lượng biên chế công chức được khẳng định là giảm 3.000 người trong giai đoạn từ 2011 đến hết 2016 nhưng biên chế viên chức tại các đơn vị sự nghiệp lại tăng thêm hơn 120.000 người. Nói như đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum): “Biên chế như hình cái phễu, đầu vào thì to, đầu ra thì nhỏ. Ở Trung ương cố giảm, ở dưới lại tăng, nghĩa là bóp trên phình dưới”.
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, hiện tại, Nghị quyết Trung ương 6 chỉ đề cập đến các cơ quan chồng lấn, có chức năng nhiệm vụ tương đồng thì rà soát lại. Trong nghị quyết Trung ương 6 chưa nói đến vấn đề sáp nhập tỉnh. Còn về sáp nhập các bộ, chủ trương này thuộc đối tượng thứ 3 là “tiếp tục nghiên cứu”.
Mặc dù vậy, với tư cách là một cử tri, bản thân người viết vẫn rất chờ đợi vào quyết tâm của trung ương, t rước mắt là những giải pháp về tinh giản biên chế: Giảm được khâu nào hay khâu đấy, song phải giảm đúng chỗ, đúng nơi. Vấn đề là dù có giảm thì vẫn phải trên nguyên tắc, giữ lại người tài, cắt giảm biên chế thừa, không đủ năng lực. Có như vậy, mới giữ đúng tinh thần và ý nghĩa của sự tinh gọn.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét