Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

Mạng đã làm biến đổi nhiều mặt, không thể ngăn chặn vì bất kỳ lý do gì


Quốc Phong 

















MTG - Phát biểu vào chiều 13.11 tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra về dự thảo luật Bảo vệ bí mật nhà nước và dự luật An ninh mạng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết đây là 2 dự án luật rất quan trọng, là đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước và nhằm thực hiện Hiến pháp năm 2013, liên quan đến quyền tự do dân chủ của nhân dân. Đây cũng là vấn đề rất khó, không chỉ với Việt Nam mà với thế giới.

Khi chưa có luật

"Chúng tôi thường hay nói với nhau, đánh giá rất cao tác dụng của thông tin, của internet, mạng. Chúng ta có mạng đã làm biến đổi nhiều mặt quan hệ xã hội, tác động vào sản xuất, đời sống kinh tế văn hóa xã hội... Không thể ngăn chặn, cản trở được sự phát triển của thông tin điện tử, internet vì bất kể lý do gì", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho rằng vấn đề này phải để toàn xã hội đóng góp vào. Luật này ra đời là để huy động toàn xã hội hiểu được thế nào là an ninh mạng, hiểu được nguy cơ và thấy trách nhiệm của mình làm gì để đảm bảo được an ninh mạng.

Tại Việt Nam, văn hóa của người dùng internet đang gặp nhiều thách thức khi các vấn đề về spam, quảng cáo, ăn nói tục tĩu, tung tin đồn nhảm trên các diễn đàn, blog và mạng xã hội... Họ cũng tung ảnh nóng, phim sex hoặc phát tán hình ảnh cá nhân, xâm phạm đời tư người khác... Kèm theo còn có hiện tượng "ném đá hội đồng" không thương tiếc, thậm chí rất nhẫn tâm. Việc "ném đá hội đồng" nhiều khi bị đẩy lên đỉnh điểm và không loại trừ có sự trợ giúp của các thành viên hoặc người dùng quá khích nào đó. Họ làm nhục người khác rất thậm tệ. Họ có thể dùng những lời lẽ chợ búa, tục tĩu, lăng mạ nhau để chỉ trích những ý kiến nào đó chỉ do khác họ về một quan điểm, cách thức giải quyết vấn đề gì đấy. Họ có thể kích thích, kêu gọi đám đông hưởng ứng "ném đá" và có khi tạo thành phong trào rầm rộ kinh hoàng...

Tất cả đang là những vấn đề cần có giải pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, các nhà quản lý đôi khi vẫn có vẻ đang loay hoay khó xử hoặc nhiều khi xử nhưng lại không ổn để dư luận bức xúc .

Đó là chưa kể, cũng vì chưa có luật rạch ròi nên đôi khi các cơ quan quản lý nhà nước đã xử lý vi phạm rất chậm, thiếu thuyết phục vì rất thiếu cơ sở. Điều này khiến dư luận tỏ ra bất bình. Gần đây nhất là mấy vụ kiểu như phạt cô giáo "chê cái mặt" ông chủ tịch tỉnh ở An Giang; như chuyện bác sĩ ở huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế khuyên Bộ trưởng Y tế nên nghỉ vì quản lý yếu...

Ở một lĩnh vực khác, đó là kinh doanh qua mạng. Thuế má nhà nước rất khó kiểm soát và chắc chắn bị thất thu nếu biết rằng thị phần kinh doanh qua mạng của ngành quảng cáo hiện đang chiếm đến 19,1% (tương đương 2,1 tỉ USD). Điều này Tổng cục Thuế gần như bất lực. Ngân sách nhà nước rõ ràng bị thất thu rất lớn.

Cái khó là chúng ta chưa có luật để quản lý về nội dung thông tin mà chỉ mới có Nghị định 72/2013/NĐ-CP cho nên cơ quan quản lý nhà nước là Bộ TT-TT nhiều khi cũng khó thực thi tốt nhiệm vụ.

Đặt hay không đặt máy chủ?

Trả lời VnExpress bên lề họp báo Chính phủ chiều 3.11, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ  Mai Tiến Dũng cho biết việc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông nhưng lại đặt hệ thống máy chủ ở nước ngoài khiến công tác quản lý gặp khó khăn "khi các tổ chức, cá nhân lợi dụng các mạng để nói xấu chế độ, bôi nhọ xuyên tạc"."Chúng ta rất dân chủ công khai nhưng cũng cần đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia. Vì thế phải có cơ quan quản lý nhà nước là đầu mối chịu trách nhiệm về vấn đề này. Chứ nếu anh ở đâu đó nói xấu chế độ, xuyên tạc bôi nhọ, tạo ra ảnh hưởng không tốt tới tình hình an ninh đất nước thì cũng cần xem xét", Bộ trưởng Dũng nói.

Được biết, trước đó tại văn bản góp ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, cơ quan này cho rằng việc yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu tại Việt Nam là chưa hợp lý. Điều kiện này, theo VCCI, hiện trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Riêng với quy định "phải đặt máy chủ ở Việt Nam mới được kinh doanh", một chuyên gia cho rằng nếu quy định này được áp dụng thì các nhà cung cấp dịch vụ như Google, Facebook, Yahoo hay Viber... đều sẽ phải đầu tư hệ thống máy chủ khổng lồ tại Việt Nam...

Một đất nước với trên 90 triệu dân như chúng ta, lại đang nằm trong Top 20 quốc gia dẫn đầu về lượng người dùng internet, tôi nghĩ đó là nguồn thu lớn mà FB và GG mong muốn làm ăn.Tôi nghĩ việc nhà nước Việt Nam có tỏ thái độ, mong muốn cùng hợp tác ở lĩnh vực này với đối tác cũng là cần thiết. Song, nên chăng hãy cùng ngồi với nhau nhiều hơn nữa để tìm ra được tiếng nói chung. Đó mới là cái cần nhất lúc này. Phải để cho họ thấy chính sách của chúng ta đang có phần thiên lệch khi bảo vệ và tạo điệu kiện khá ưu ái cho các DN nước ngoài hơn cả DN trong nước. Cái khó của cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam là ở chỗ chúng ta có quá nửa dân số đã gắn bó với các nhà mạng Google, Facebook, Viber, Skype, Gmail... Nay nghe thấy có chuyện "xiết lại" này, làm sao họ không giật mình ngỡ ngàng.

Đại biểu QH Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, cũng tại phiên thảo luận về dự luật an ninh mạng nói trên lại cho rằng quy định đặt máy chủ ở các nước là bất hợp lý.Ông Đạt phân tích: Các máy chủ tỏa nhiệt rất lớn nên phải đặt ở vùng có nhiệt độ ôn hòa, tức là không đặt ở xứ nhiệt đới mà đặt ở nơi có khí hậu ôn đới, hàn đới.

"Các chuyên gia nói rằng không nhất thiết phải đặt máy chủ ở Việt Nam, quan trọng là cam kết cung cấp thông tin cần thiết để quản lý, không vi phạm thuần phong mỹ tục. Chứ họ đặt máy ở đây mà không hợp tác thì ta cũng chịu. Cần hết sức cân nhắc", đại biểu Huỳnh Thành Đạt nói.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: