Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017

‘Làm sạch tận gốc’ Tập đoàn Dầu khí VN?


1 tháng 11 2017 - 14 cá nhân là ủy viên Hội đồng thành viên, tổng giám đốc của PetroVietnam (PVN) qua các thời kỳ từ 2006 đến 2015 đã bị xử lý kỷ luật. Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh thông báo như vậy cho Quốc hội trong báo cáo về xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp của ngành công thương. Ngoài ra, tất cả thành viên Hội đồng quản trị của tổng công ty Dệt May Việt Nam (Vinatex) qua các thời kỳ từ 2008 đến 2014 bị "phê bình nghiêm khắc và kiểm điểm rút kinh nghiệm".

Ông Đỗ Văn Hậu từng là Tổng Giám đốc PVN từ tháng 11/2011 - 10/2014, bị cách chức Phó Bí thư Đảng ủy Tập đoàn PVN nhiệm kỳ 2010-2015

Bộ Công Thương nhận định các nguyên lãnh đạo của PVN, Vinatex phải chịu trách nhiệm về những khuyết điểm, sai phạm liên quan đến các dự án thua lỗ.

Tại PVN, báo cáo cho biết có 1 người diện thuộc Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị xử lý về mặt kỷ luật Đảng theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương và 1 người đang bị tạm giam để điều tra nên chưa xem xét trách nhiệm về mặt hành chính.

2 người khác đã bị cảnh cáo và 10 người bị khiển trách.

Ông Hà Văn Thắm kháng cáo
Luật sư nói gì về 'mắt xích' PVN-OceanBank?

Ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN, bị Đảng cảnh cáo

Bộ Công Thương nhắc lại quyết định của Ủy ban Kiểm tra trung ương cách chức bí thư và phó bí thư Đảng ủy PVN nhiệm kỳ 2010-2015 đối với ông Phùng Đình Thực và ông Đỗ Văn Hậu.

Cơ quan kỷ luật Đảng cũng đã khai trừ Đảng đối với ông Nguyễn Xuân Sơn và cảnh cáo đối với ông Nguyễn Quốc Khánh - đều là nguyên bí thư Đảng ủy, chủ tịch tập đoàn PVN.

Trước đó, ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN, bị Đảng cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII.

Bộ Công Thương nói họ đang "khẩn trương" xem xét thi hành kỷ luật về mặt hành chính đối với các tập thể và cá nhân của tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).

Ban Bí thư Đảng Cộng sản, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hồi tháng Chín, đã cách tất cả các chức vụ trong Đảng của ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem.

Theo chính phủ Việt Nam, tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án bị điều tra là gần 43,7 nghìn tỷ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên hơn 63,6 nghìn tỷ đồng (tăng 45,65%).

Tổng số lỗ luỹ kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm hết 2016 là hơn 16,12 nghìn tỷ đồng.

Hồi tháng Sáu, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản đã họp để xem xét và cho ý kiến chỉ đạo về việc xử lý các dự án này.

12 dự án nghìn tỷ thua lỗ

Ông Nguyễn Xuân Sơn bị khai trừ Đảng

Cuối tháng 12/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thành lập Ban chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.

Từ 5 dự án ban đầu báo cáo ra Quốc hội, Ban này sau đó xác định 12 dự án/doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả.

(1) Nhóm 4 dự án đầu tư sản xuất phân bón: Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai

(2) Nhóm 3 dự án đầu tư sản xuất nhiên liệu sinh học: Nhà máy nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước.

(3) Nhóm 2 dự án đầu tư sản xuất thép: Nhà máy thép Việt Trung và dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên

(4) Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ (PVTex)

(5) Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS)

(6) Nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam.


http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41818693

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: