Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 14 tháng 11, 2017

HỢP TÁC XUẤT BẢN GIỮA “NXB SỰ THẬT” VỚI TRUNG QUỐC TRONG “TUYÊN BỐ CHUNG VIỆT-TRUNG ” LÀ TRÁI LUẬT XUẤT BẢN 2012?


Báo chí đã đưa tin về 10 thỏa thuận được ký trong Bản tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc nhân chuyến thăm Việt Nam của TBT Tập Cận Bình ngày 12-13/11/2017. Đọc kỹ bản tuyên bố chung này, xin được bàn tới thỏa thuận sau đây:
1/“Thỏa thuận khung hợp tác giữa Nhà xuất bản chính trị quốc gia Sự thật, Việt Nam và Cục Sự nghiệp xuất bản - phát hành Ngoại văn Trung Quốc giai đoạn 2017 - 2022, …; ( Thỏa thuận 9 )
Trong Bản Tuyên bố chung về sự hợp tác liên kết này không thấy nêu cụ thể những điểm gì ? Đế có cơ sở bày tỏ sự quan ngại của mình, người viết đã lục tìm các quy định của Luật Xuất bản 2012 đã được Quốc hội thông qua và Chủ tịch nước ký Lệnh ban hành. Về vấn đề liên doanh liên kết trong lĩnh vực xuất bản có yếu tố nước ngoài, Luật số: 19/2012/QH13 đã quy định tại các điều luật sau đây:
“Điều 8. Thành lập văn phòng đại điện tại Việt Nam của nhà xuất bản nước ngoài, của tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài
1. Nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài (bao gồm doanh nghiệp, tổ chức được thành lập tại nước ngoài hoạt động đa ngành nghề, đa lĩnh vực trong đó có xuất bản, phát hành xuất bản phẩm) được thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam sau khi được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép.
2. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện thành lập và nội dung hoạt động, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại, gia hạn giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của nhà xuất bản nước ngoài, tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài.
Điều 23. Liên kết trong hoạt động xuất bản
1. Nhà xuất bản được liên kết với tổ chức, cá nhân (gọi chung là đối tác liên kết) sau đây để xuất bản đối với từng xuất bản phẩm:
a) Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả;
b) Nhà xuất bản, cơ sở in xuất bản phẩm, cơ sở phát hành xuất bản phẩm;
c) Tổ chức khác có tư cách pháp nhân.
2. Hình thức liên kết của nhà xuất bản với đối tác liên kết bao gồm:
a) Khai thác bản thảo;
b) Biên tập sơ bộ bản thảo;
c) In xuất bản phẩm;
d) Phát hành xuất bản phẩm.
3. Việc liên kết chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm, tài liệu được liên kết xuất bản;
b) Có hợp đồng liên kết xuất bản giữa nhà xuất bản và đối tác liên kết. Hợp đồng liên kết phải có các nội dung cơ bản theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;
c) Trường hợp liên kết biên tập sơ bộ bản thảo, ngoài việc phải có đủ điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản này, đối tác liên kết phải có biên tập viên.
4. Đối với tác phẩm, tài liệu có nội dung về lý luận chính trị; lịch sử, tôn giáo, chủ quyền quốc gia, hồi ký thì nhà xuất bản không được liên kết biên tập sơ bộ bản thảo.
5. Trách nhiệm của tổng giám đốc (giám đốc) nhà xuất bản trong liên kết xuất bản:
a) Quyết định đối tác, hình thức liên kết và giao kết hợp đồng liên kết đối với từng xuất bản phẩm; trường hợp liên kết để xuất bản nhiều xuất bản phẩm với cùng một đối tác liên kết thì có thể giao kết trong một hợp đồng, trong đó thể hiện rõ hình thức liên kết đối với từng xuất bản phẩm;
Điều 39. Đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh
1. Việc nhập khẩu xuất bản phẩm để kinh doanh phải do cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm thực hiện.
2. Trước khi nhập khẩu, cơ sở nhập khẩu xuất bản phẩm phải lập hồ sơ đăng ký nhập khẩu gửi Bộ Thông tin và Truyền thông và nộp lệ phí theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết hồ sơ đăng ký nhập khẩu xuất bản phẩm.
Điều 41. Cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh
1. Việc nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam phải được cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản cấp giấy phép nhập khẩu, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này và phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.
Điều 42. Các trường hợp nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh không phải đề nghị cấp giấy phép
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh mà chỉ làm thủ tục theo quy định của pháp luật về hải quan trong trường hợp nhập khẩu các loại xuất bản phẩm sau đây:
a) Tài liệu phục vụ hội thảo, hội nghị quốc tế tại Việt Nam đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép tổ chức;
b) Xuất bản phẩm là tài sản của cơ quan tổ chức, gia đình, cá nhân để sử dụng riêng;
c) Xuất bản phẩm thuộc tiêu chuẩn hành lý mang theo người của người nhập cảnh để sử dụng cho nhu cầu cá nhân;
d) Xuất bản phẩm tặng cho cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi qua bưu điện, dịch vụ chuyển phát có giá trị không lớn hơn tiêu chuẩn miễn thuế theo quy định của pháp luật.”
Đọc kỹ các điều luật trên của Luật Xuất bản 2012 không thấy có điều luật nào cho phép: một nhà xuất bản của Việt Nam được liên doanh liên kết với một nhà xuất bản nào của nước ngoài để xuất bản và phát hành sách trên thị trường Việt Nam.
Luật chỉ cho phép các nhà xuất bản của nước ngoài xin phép Bộ Thông tin-Truyền thông mở cở sở đại diện để đưa sách vào phát hành đối với loại sách kinh doanh. Luật chỉ cho phép nhập khẩu loại sách khoogn kinh doanh, không phải xin phép đối với loại sách tài liệu phục vụ cho một số mục đích cụ thể không kinh doanh tại mục 1 của Điều 42…
Như vậy, thỏa thuận tại “điểm 9” của Bản Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc về việc hợp tác giữa “Nhà xuất bản chính trị quốc gia Sự thật, Việt Nam và Cục Sự nghiệp xuất bản - phát hành Ngoại văn Trung Quốc giai đoạn 2017 – 2022…” là một thỏa thuận không nằm trong khuôn khổ của Luật Xuất bản 2012…
Thỏa thuận này nếu được triển khai hoạt động hợp tác xuất bản với đối tác Trung Quốc, rất có thể Nhà Xuất bản chính trị quốc gia-Sự thật sẽ vi pham khoản 4 của Điều 23, vì loại sách của Nhà xuất bản chính trị quốc gia-Sự thật là loại sách bị điểu chỉnh bởi quy định này. Mục 4 Điều 23 đã quy định rất chặt chẽ “Đối với tác phẩm, tài liệu có nội dung về lý luận chính trị; lịch sử, tôn giáo, chủ quyền quốc gia, hồi ký thì nhà xuất bản không được liên kết biên tập sơ bộ bản thảo…”; ngay cả với các pháp nhân trong nước cũng không được phép liên doanh liên kết; đừng nói đến chuyện liên kết biên tập xuất bản với 1 đối tác nước ngoài.
Theo trang Website của NXB Chính trị Quốc gia, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với công tác xuất bản sách lý luận chính trị và pháp luật, ngày 3-4-2003, Bộ Chính trị ra Quyết định số 68-QĐ/TW Về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật. Quyết định chỉ rõ:
“Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật là đơn vị sự nghiệp trung ương của Đảng, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Bí thư, có chức năng là cơ quan xuất bản chính trị của Đảng và Nhà nước”. Nhiệm vụ của Nhà xuất bản là:
- Tổ chức biên tập, xuất bản các sách chính trị, lý luận và pháp luật, góp phần làm cho thế giới quan Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội; phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nâng cao kiến thức của nhân dân về chính trị, lý luận và pháp luật, phục vụ sự nghiệp đổi mới và hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Tổ chức nghiên cứu khoa học xuất bản nhằm phục vụ trực tiếp cho công tác biên tập, xuất bản và đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư các vấn đề về lĩnh vực xuất bản sách lý luận, chính trị; tham gia nghiên cứu các chương trình quốc gia, đề tài khoa học xã hội cấp nhà nước, cấp ban, bộ; góp phần làm sáng tỏ hơn những vấn đề về chính trị, lý luận, pháp luật, về chủ nghĩa xã hội, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội”.
(http://www.nxbctqg.org.vn/index.php… )
Như vậy trong “chức năng nhiệm vụ” của NXB chính trị quốc gia-Sự thật được quy định trong Quyết định số 68-QĐ/TW ký ngày 3-4-2003 của Bộ Chính trị không quy định việc nhà xuất bản này được hoạt động liên doanh xuất bản với một pháp nhân nước ngoài ?
Thế mà “Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc” nhân chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tại Việt Nam lại có sự ký kết, hợp tác xuất bản ngoài các chủ trương của Bộ Chính trị đã ký và Luật Xuất bản 2012 đã được ban hành ?
P.V.Đ.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: