Hải Yến - Nguyễn Như |
Nhiều người lao động ở ngoại tỉnh về Hà Nội mưu sinh vẫn ngày ngày sống trong những dãy nhà tồi tàn, nhếch nhác, môi trường ô nhiễm nặng nề.
Lối đi vào khu dân cư ở dưới chân cầu Long Biên (phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội) là nơi sinh sống của những người lao động nghèo ngoại tỉnh. Nhiều người gọi đó là "khu ổ chuột"
Những dãy nhà tồi tàn, nhếch nhác, thiếu ánh sáng mặt trời nằm ngay bên cạnh cống thoát nước lớn, bốc mùi hôi thối quanh năm là nơi ở của hàng trăm người lao động.
Thật khó tưởng tượng, ngay giữa trung tâm Thủ đô lại có một xóm trọ ẩm thấp, lộn xộn và nhếch nhác đã tồn tại mấy chục năm nay. Ở đây có những gia đình đã sống đến 3 thế hệ.
Những căn phòng trọ chỉ chừng 10-15m2 mái lợp bro-xi măng, chất kín đủ loại đồ đạc có tới vài ba người cùng sinh sống. Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề thu gom đồng nát, bốc vác hoặc bán hoa quả tại chợ Long Biên.
Càng đi sâu vào trong “khu ổ chuột” càng ngột ngạt với đủ mùi bốc lên từ hàng hóa, rác thải. Khu dân cư nằm ngay bên cạnh dòng nước thải đục ngầu, bốc mùi khó chịu, ẩn chứa nhiều dịch bệnh.
Theo những người lao động ở đây, những phòng trọ này có giá từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng/phòng/tháng nhưng có đến 3,4 người ở. Ban ngày tất cả mọi người đều ra ngoài làm, chỉ đến tối mới về ngủ.
Những căn phòng trọ tồi tàn chưa đầy 10m2 nhưng lại tập hợp đủ các chức năng từ ăn, ngủ, nấu nướng, đến tắm giặt. Và đây cũng chính là chỗ ở của nhiều hộ gia đình cả chục năm nay.
Người dân từ các tỉnh lân cận như Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định đổ về đây làm đủ mọi nghề mưu sinh. Công việc chính của họ là lao động chân tay như cửu vạn, buôn bán hoa quả, đẩy xe hàng... ở khu vực chợ đầu mối Long Biên. Người yếu sức khỏe hơn thì làm việc ở lò bánh mỳ ngay trong dãy nhà trọ hay đi nhặt ve chai, đồng nát.
Cách đó không xa, ở bãi giữa sông Hồng là những lán trại, nhà phao của gần 30 hộ dân. Khu đất này được ông Nguyễn Đăng Được người Bố Trạch (Quảng Bình) lưu lạc và sinh sống ở Hà Nội đã gần 40 năm thuê lại để chăn nuôi, trồng trọt và sống luôn tại đó. Sau này, thêm nhiều người đến ở mới tạo thành xóm ngụ cư ngay giữa sông Hồng (xóm Phao).
Xóm Phao có tất cả 26 hộ gia đình với hơn 100 người, mỗi nhà có một hoàn cảnh khác nhau, họ “dạt” về đây để kiếm sống. Nhiều người đã sống ở đây đến 3 thế hệ và bị địa phương cắt khẩu từ bao giờ.
Bà Phạm Thị Lan, gần 80 tuổi quê ở Hưng Yên sống tại nhà mình cho biết: “Bao năm nay, tôi sống vạ vật ở nhiều nơi. Ban đêm, tôi đi nhặt rác rồi ngủ luôn ở khu Hàng Quạt, may được cho về đây ở nhờ, có chỗ trú mưa nắng qua ngày”.
Hầu hết người dân trong xóm đều sống trên các nhà phao. Để tiết kiệm không gian sinh hoạt, mọi hoạt động như tắm rửa, giặt giũ được họ tiến hành ngoài trời.
Những cư dân sống ở bãi giữa sông Hồng tụ về từ khắp nơi, làm đủ nghề kiếm sống, từ xe ôm, đạp xích lô, bốc vác thuê... Một số người già không có sức lao động thì sống bằng nghề nhặt rác, thường thì họ đi cả đêm, cả ngày, khi mệt mới về nghỉ ngơi.
Cuộc sống của những đứa trẻ được sinh ra ở đây cũng chỉ loanh quanh ở bãi bồi góc sông này. Nhiều đứa trẻ sinh ra không có giấy khai sinh, đến tuổi không được đến trường đi học...
theo VOV
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét