Tàu nghiên cứu hải dương USNS Bowditch của Mỹ. |
(Belga 16/12/2016) Trung Quốc đã tịch thu một tàu lặn thăm dò tự hành của Hải quân Mỹ tại Biển Đông. Lầu Năm Góc hôm thứ Sáu 16/12 khẳng định như trên. Sự kiện này có nguy cơ làm căng thẳng thêm tình hình tại vùng biển tranh chấp.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, thuyền trưởng Jeff Davis cho biết : « Chiếc tàu lặn tự hành đã bị Trung Quốc tịch thu » ở cách 50 hải lý ngoài khơi Philippines. Tàu thăm dò này được sử dụng để đo đạc độ mặn và nhiệt độ nước biển, vốn là những thông tin thiết yếu, đặc biệt đối với đội tàu ngầm của Mỹ.
Sự cố hiếm hoi trên xảy ra vào lúc ê-kíp dân sự của tàu nghiên cứu hải dương USNS Bowditch đang thu hồi hai chiếc tàu lặn từ dưới biển. Một tàu Trung Quốc loại Dalang III (Đại Lãng) chuyên về hỗ trợ và cứu hộ tàu ngầm, đang ở cách đó khoảng 500 mét, đã lấy đi một chiếc tàu lặn. Thủy thủ đoàn chiếc USNS Bowditch thu về được chiếc thứ hai. Các thủy thủ Mỹ yêu cầu phía Trung Quốc trả lại chiếc tàu lặn tự hành, nhưng họ lạnh lùng đáp lại : « Quay lại hoạt động bình thường ».
Đại diện Lầu Năm Góc khẳng định : « Chiếc tàu lặn là của chúng tôi, trên tàu có ghi rõ ràng. Chúng tôi yêu cầu họ phải trả lại và mong rằng chuyện này sẽ không tái diễn ». Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook lại càng cứng rắn hơn, lên án Bắc Kinh đã hành động bất hợp pháp. « Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc trả lại chiếc tàu lặn tự hành ngay lập tức, và thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ mà luật pháp quốc tế đòi hỏi ».
Thuyền trưởng Davis cho biết chiếc tàu lặn trị giá 150.000 đô la, và các bộ phận của tàu có thể mua được trên thị trường. Ngược lại những dữ liệu thu thập được về độ mặn và nhiệt độ nước biển rất quý giá, đó là các yếu tố quyết định cho việc truyền âm thanh trong môi trường biển. Những hiểu biết cụ thể ấy rất cần thiết để sử dụng các thiết bị thăm dò, hoặc đối với các tàu ngầm nhằm che lấp tiếng động lúc di chuyển.
Sự cố mới này sẽ làm căng thẳng thêm tình hình tại Biển Đông, mà các nước Trung Quốc, Philippines, Việt Nam…đang tranh chấp. Trung Quốc đã đào đắp một loạt đảo nhân tạo để tăng sức mạnh quân sự cho các yêu sách chủ quyền, và Hoa Kỳ thường xuyên tuần tra xung quanh các đảo này, nhằm bảo vệ tự do hàng hải tại vùng biển chiến lược.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét