NHẬT ĐĂNG
TTO - Quan chức Nigeria cảnh báo lô hàng 2,5 tấn nghi “gạo nhựa” tịch thu tại cảng Lagos vừa qua tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe cho người tiêu dùng.
Hải quan Nigeria ngày 19-12 phát hiện và tịch thu 102 bao nghi là “gạo nhựa”, mỗi bao nặng 50kg tại khu vực Ikeja, thủ phủ bang Lagos, Nigeria.
Mùi hóa chất trong gạo
AFP ngày 22-12 dẫn lời một quan chức hải quan cấp cao thuộc bộ phận thương mại Nigeria cho biết cơ quan kiểm định nghi ngờ số gạo trên là hàng buôn lậu từ Trung Quốc qua cảng Lagos.
“Chúng tôi đã thực hiện một phân tích sơ bộ về số gạo giả này. Sau khi nấu nó rất dính và chỉ có Chúa mới biết điều gì sẽ xảy ra nếu mọi người ăn vào” - ông Mohammed Haruna, người đứng đầu đơn vị hải quan khu vực Ikeja, nói.
Phóng viên của BBC ghi nhận số gạo giả trên được sản xuất rất tinh vi. Khi dùng tay nắm lên, nó không khác gì gạo bình thường, nhưng khi ngửi lại có mùi hóa chất nhẹ.
Hiện tại một số mẫu đã được gửi đến các phòng thí nghiệm của Nigeria để xác minh và tìm hiểu cách thức chế tạo của số gạo trên.
Các quan chức hải quan của Nigeria trong khi đó đã cảnh báo người dân không được tiêu thụ những loại thực phẩm, lương thực không rõ nguồn gốc.
Cơ quan chức năng Nigeria đang tiếp tục điều tra nguồn gốc của số gạo bị bắt vừa qua. Tuy vậy, truyền thông Nigeria và quốc tế như BBC, Epoch Times, AFP, Nigeria Today... có xu hướng nghi ngờ xuất phát điểm của gạo giả là Trung Quốc.
Hơn một năm trước, vấn đề gạo giả bắt đầu nổi lên sau khi một phụ nữ Trung Quốc ở tỉnh Quảng Đông nói rằng bà đã ăn phải một loại gạo khó nhai hơn bình thường, theo Shanghaiist.
Trục lợi từ khó khăn
Người dân Nigeria đang gặp họa vì tình hình kinh tế hiện nay. AFP cho biết một bao gạo 50kg được bán ở Nigeria với giá 20.000 naira (tương đương 63 USD, tức hơn 1,4 triệu đồng), mức giá gấp đôi so với thời điểm tháng 12-2015.
Tính đến tháng 11 năm nay, chỉ số lạm phát của Nigeria vẫn ở mốc 18,5%, đánh dấu lạm phát 13 tháng liên tục kéo theo vật giá đắt đỏ. Chính phủ Nigeria hiện nay cũng ban hành lệnh cấm nhập khẩu gạo và khuyến khích sản xuất trong nước.
Khó khăn ấy đã tạo ra một phương pháp kinh doanh của “những doanh nhân vô đạo đức”. Ông Haruna cho rằng số “gạo nhựa” nêu trên đã cập cảng Nigeria với mục đích bán ra trước mùa Giáng sinh và lễ hội năm mới của nước này.
Thực tế từ ngày 4-10 năm nay, bà Wale Adeniyi - người phát ngôn của Cơ quan Hải quan Nigeria (NCS) - đã cảnh báo người dân hãy cẩn trọng, vì thông tin tình báo cho biết đã xác định một số loại gạo giả bắt đầu được chuyển đến châu Phi từ Trung Quốc.
Bà cho rằng đây rõ ràng là một động thái ích kỷ nhằm đạt lợi nhuận bất kể hậu quả từ những mặt hàng nhập khẩu độc hại, theo trang tin Nigeria Today.
Nguy cơ ăn phải gạo giả tại Nigeria bùng phát thời điểm cuối tháng 11 với trường hợp một phụ nữ nước này nói rằng đã nấu chín cơm từ gạo giả, để vài ngày nhưng vẫn không cán ra được dù đã dùng tay. Bà cho biết loại gạo này không có mùi thơm, không nở và vẫn giữ tình trạng khô.
Sau sự kiện trên, truyền thông Nigeria đã xuất hiện thêm những bài viết với nội dung lên án hành động buôn lậu của những doanh nhân vô đạo đức, cũng như các phương pháp giúp phân biệt gạo thật và gạo giả như trên
Nigerian Bulletin.
***
Quy trình
làm “gạo nhựa”
Ngày 22-12, báo Leadership (Nigeria) có bài viết với tựa đề Sự điên rồ mang tên “gạo nhựa”.
Một quan chức thuộc Cơ quan quốc gia về quản lý, kiểm soát thực phẩm và dược phẩm đã giải thích quy trình sản xuất gạo giả bằng cách trộn tinh bột khoai tây với nhựa, chẳng hạn nhựa thông hoặc hóa chất nhựa thông, kèm theo hương lúa.
Bài báo khẳng định việc nhập khẩu phi pháp các mặt hàng này là hành vi cố tình, phi đạo đức.
Đồng thời, Leadership kêu gọi cơ quan chức năng phải truy tìm nguồn gốc của các mặt hàng trên, nhìn nhận nó như một hành động chiến tranh sinh học và xử lý nó theo hướng đó.
***
Gạo giả: luôn gây tranh cãi
Tháng 11 năm nay, hải quan tại cảng Pasir Panjang của Singapore đã phát hiện 5.000 bao gạo giả từ một lô hàng xuất phát ở Ấn Độ.
Channel News Asia dẫn lời hải quan Singapore cho biết chủ nhân lô hàng thừa nhận đó là gạo giả.
Gạo giả hoặc “gạo nhựa” cũng đang là vấn đề nhức nhối, gây tranh cãi tại Jamaica. Trang tin Loop Jamaica dẫn các báo cáo từ những quốc gia châu Á cho thấy hơn một nửa trong 10 triệu tấn gạo sản xuất từ Trung Quốc là gạo giả.
Đã có nhiều báo cáo về tình trạng gạo giả pha lẫn gạo thật nhằm giảm chi phí ở Singapore, Jamaica, Nigeria, Malaysia và Indonesia nhưng thường các tin tức này không được ủng hộ.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét