Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016

Minh triết phương Tây


Bertrand Russell
Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng chuyển ngữ
Trường phái Duy Nghiệm ở Anh
Trong làn sóng Cải Cách, một thế cách tư duy mới về triết học và chính trị nẩy nở ở Bắc Âu. Như phản ứng đối nghịch những cuộc chiến tôn giáo và sự quị lụy Rome, thế cách này xuất hiện ở Anh quốc và Hoà Lan. Nước Anh được miễn nhiễm những hậu quả ghê rợn của cuộc ly giáo ở lục địa. Thanh giáo dưới thời Cromwell có bất hòa với Giáo Hội, và Giáo dân Tin Lành và Công giáo có một thời bức hại lẫn nhau, nhưng họ không đến nỗi sắt máu. Vì thế, không có những hành động tàn ác ở mức độ lớn, và trên hết, không có can thiệp quân sự của ngoại bang. Nhưng Hoà Lan thì khác, phải can qua và chịu đựng tác hại của chiến tranh tôn giáo. Sau một cuộc chiến dai dẳng và đầy đắng cay chống lại Công giáo Tây Ban Nha, họ cuối cùng giành được môt chấp nhận tạm thời về sự độc lập năm 1609, và sau được chính thức hóa qua Hiệp ước Westphalia năm 1648.
Thế cách tư duy mới về những vấn đề xã hội và trí thức có tên là Chủ nghĩa Tự do (liberalism). Dưới cách gọi chung chung này, chúng ta có thể chắt lọc một số tính cách đặc thù. Đầu tiên, những người theo chủ nghĩa này phần đông là giáo dân Tin Lành, nhưng họ không bó gọn trong cách thức do Calvin đề ra. Họ tuân thủ khái niệm theo đó mỗi giáo dân đến với Thượng Đế theo cách của riêng mình, không để niềm tin mù quáng nào áp đặt. Chủ nghĩa tự do, nói chung là sản phẩm của giai cấp trung lưu đang khống chế buôn bán và kỹ nghệ, tất nhiên chống lại những truyền thống cho đến bấy giờ vẫn mang đặc quyền ưu tiên đến vua quan của nền quân chủ và tầng lớp quí tộc. Nhưng điểm chính vẫn là hành xử một cách khoan hòa nhân nhượng. Trong thế kỷ 17, khi phần lớn những quốc gia Âu Châu oằn mình với chiến tranh và cuồng tín thì nước Cộng hoà Hoà Lan là nơi nương náu của những nhà tư tưởng tự do và những kẻ bất tòng lề thói. Giáo hội Tin Lành chưa bao giờ có được quyền lực như Giáo hội Công giáo từng có thời Trung Cổ. Vì thế, quyền lực Nhà Nước trong những quốc gia theo Tin Lành ắt mạnh hơn.
Quyền lực của nền quân chủ không được tầng lớp thương gia trung lưu nay đã tích lũy được của cải nhìn một cách thiện cảm. Phong trào dân chủ, đặt cơ sở trên quyền tư hữu, lấn vào quyền lực Hoàng đế. Cùng với sự phủ nhận quyền lực thiêng liêng của vua chúa, ai cũng có cảm tưởng rằng mọi cá nhân đều có thể tiến thủ bằng cố gắng của mình. Vì vậy chú tâm đến giáo dục được nâng tầm.
Nói chung, chính quyền bị nhìn với con mắt nghi ngại như yếu tố ngăn trở sự phát triển của thương mại và của cả xã hội. Nhưng đồng thời, nhu cầu một xã hội có luật lệ được coi như tối cần, và điều này giảm đi phần nào sự đối kháng với chính quyền. Từ đó trở đi, người Anh thừa kế tính thỏa hiệp. Trong những biến chuyển xã hội, họ thiên về cải cách hơn là cách mạng.
Chủ nghĩa Tự do ở thế kỷ 17, như tên gọi, là một phong trào khai phóng xã hội. Nó giải phóng con người khỏi sự chuyên chế bạo ngược, cả chính trị lẫn tôn giáo, cả kinh tế lẫn trí tuệ, mà truyền thống Trung Cổ rơi rớt lại. Nó cũng chống chỏi với cung cách mù quáng cực đoan của một số giáo phái Tin Lành cuồng tín. Chủ nghĩa tự do bác bỏ quyền năng của Giáo Hội trong lãnh vực triết học và khoa học. Cho đến khi đại hội Vienna[1] đẩy Âu Châu vào bãi lầy của chế độ Tân-phong kiến với Liên minh Thần thánh[2](Holy Alliance), chủ nghĩa Tự do đầy lạc quan và tràn trề sinh lực đã tạo ra những bước tiến và những thành quả vô cùng phấn khích.
Ở Anh quốc và Hoà Lan, sự lớn mạnh của chủ nghĩa tự do phù hợp với những điều kiện chung của thời cuộc nên không gây ra náo loạn. Nhưng ở nơi khác, chẳng hạn như Pháp hay Bắc Mỹ, chủ nghĩa này chịu ảnh hưởng cách mạng khá sâu đậm cho nên tạo nhiều biến động đáng kể. Bất cứ chỗ nào, đặc thù của thế cách tự do là sự tôn vinh cá nhân chủ nghĩa.
Thần học Tin Lành nhấn mạnh tính bất toàn của quyền thế để xây dựng cơ sở cá nhân trong vấn đề tín ngưỡng. Cũng vậy, cá nhân chủ nghĩa xâm nhập địa bàn của triết học và kinh tế học. Trong kinh tế, đó là tuyên ngôn hãy cứ làm (“laisser faire”) và sau nó được hợp lý hóa qua thuyết Duy Lợi vào thế kỷ 19. Trong Triết học, cá nhân chủ nghĩa tác động lên lý thuyết tri thức, nay đã đóng một vai trò quan trọng. Công án Descartes “Tôi tư duy, tức tôi hiện tồn” là một biểu trưng cho qui chiếu về vị thế cá nhân, mọi sự được trao trả lại cho chính con người khởi đi từ sự hiện diện của nó như nền tảng tri thức.
Cá nhân chủ nghĩa đúng nghĩa là một lý thuyết Duy lý trong đó lý tính đóng vai trò tối yếu. Hành xử theo đam mê bị cho là thiếu văn minh. Trong thế kỷ 19, phong trào Lãng Mạn đã đẩy chủ nghĩa cá nhân đến phạm trù của đam mê, khiến một số triết luận về quyền lực ca ngợi ý chí của kẻ mạnh. Điều này nghịch với chủ nghĩa tự do, bởi người thành công phải đạp gẫy bực thang mình vừa bước qua khiến cho người theo sau không thể leo lên được với mục đích triệt tiêu mọi khả năng tranh giành quyền lực.
Phong trào Tự Do ảnh hưởng rất mạnh đến không khí trí thức nói chung trong xã hội. Thật không mấy ngạc nhiên khi chúng ta thấy nhiều triết gia có những quan điểm đối nghịch với thế cách phóng khoáng khi luận bàn về lý thuyết chính trị. Chẳng hạn, so với những triết gia của trường phái Duy Nghiệm ở Anh, Spinoza chẳng kém gì về ý thức tự do, như một thí dụ.
Với cơ cấu phát triển của một xã hội kỹ nghệ hóa trong thế kỷ 19, chủ nghĩa tự do là nguồn chính cho mọi cải thiện xã hội của giai cấp công nhân bị bóc lột. Ngọn cờ công bằng này sau do phong trào xã hội tả phái đảm đương, nhưng phải nói chủ nghĩa Tự do không bao giờ là một thứ giáo điều. Thật không may, lực luợng chính trị đấu tranh cho công bằng nay cạn kiệt. Đây là một nhận định đáng buồn cho thời đại chúng ta, và có lẽ như kết cuộc của một thảm họa toàn cầu, là con người không còn can đảm để sống mà không bám víu lấy một tín điều chính trị.
Tác phẩm triết học của Descartes khởi xuất hai dòng triển khai. Thứ nhất là truyền thống Duy Lý mà những kẻ khởi xướng ở thế kỷ 17 là Spinoza và Liebniz. Thứ hai là cái chúng ta đặt tên là Duy Nghiệm ở Anh. Lưu ý chớ quan tâm một cách cứng nhắc đến danh xưng. Một khó khăn lớn để hiểu Triết học, cũng như với những ngành học khác, là cách xếp loại những tư tưởng gia theo danh xưng. Tuy thế, sự hiểu biết thông tục không tùy tiện, vạch ra những tính chất đặc thù của hai truyền thống trên. Điều này đúng, mặc dù về lý thuyết chính trị trường phái Duy Nghiệm có những tách phân rỏ rệt với tư duy Duy Lý.
Những đại diện cho trường phái Duy Nghiệm từ Nội chiến ở Anh cho tới cuộc Cách mạng Pháp là Locke, Hume và Berkeley.John Locke ( 1632-1704), mà cha đẻ chống thế lực Quốc hội trong chiến tranh ở Anh, quảng bá giảng dạy có tính đạo đức. Một điểm cơ bản ông nêu ra là tinh thần khoan nhượng. Điều này khiến ông ly khai cả hai bên đối chọi nhau trong chiến tranh.
clip_image001
John Locke
Năm 1646, Locke theo học trường Westminster, tiếp thu căn bản của văn hóa cổ diển. Sáu năm sau, ông học ở Oxford và 15 năm tiếp theo, ông là sinh viên, rồi giảng viên, về tiếng Hy Lạp và Triết học. Thời đó phái Kinh Viện áp đảo nhưng ông không thích lắm, ông quay sang triết lý Descartes và nghiên cứu khoa học thực nghiệm. Giáo hội hẳn không thấy tương lai gì cho một người dễ khoan nhượng như ông, nên sau ông đi học Y khoa. Thời gian này ông quen Boyle, người có quan hệ với Royal Society[3] đã được thành lập từ 1668. Cũng khi đó, ông tháp tùng một phái đoàn ngoại giao đến địa hạt Brandenburg năm 1665, và năm sau ông gặp Thượng nghị viên Ashley, sau thành Quận công của Shaftesbury. Trở thành bạn vị này, ông làm phụ tá cho đến 1682. Trước tác Triết học nổi tiếng của ông, “Luận cương về sự hiểu biết của con người”, bắt đầu hình thành từ 1671 qua thảo luận với bạn bè chứng tỏ rằng ước định về phạm vi và giới hạn của tri thức con người rất cần.
Khi Shaftesbury mất chức vị năm 1675, Locke xuất dương và sống 3 năm ở Pháp, nơi ông gặp gỡ nhiều học giả đầu ngành. Shaftesbury được phục hồi trong sân khấu chính trị sau đó, trở thành Chủ tịch của Privy Council[4]. Năm sau, Locke lại quay về làm việc với Shaftsbury, người sau đó tìm cách không để cho James II lên ngôi vua, và có dính dáng đến cuộc nổi loạn Monmouth bị thất bại. Vị này trốn và chết ở Amsterdam năm 1683. Locke bị nghi ngờ, cũng phải trốn qua Hoà Lan, sống dưới tên giả để thoát truy lùng và bị trục xuất. Thời gian này, ông hoàn thành tác phẩm “Luận cương...”. Cũng đồng thời, ông viết “Thư về lòng Khoan nhượng” và “Hai luận án về Chính quyền”. Năm 1688, William đoạt vương miện nước Anh, cho phép Locke hồi hương. “Luận cương...” in năm 1690, sau đó Locke bỏ thời gian sửa soạn những lần in mới và đáp trả những phản biện trong dư luận.
Trong “Luận cương...”, lần đầu chúng ta có được một cố gắng xác định giới hạn của trí năng và những thẩm tra cần đặt ra. Trong khi trường phái Duy Lý giả định rằng tri thức toàn hảo có thể đạt tới, cách tiếp cận của Locke không lạc quan đến độ như vậy. Sự lạc quan này của phái Duy Lý có khuynh hướng làm mất tính phê phán. Công việc điều nghiên về nhận thức luận của Locke, mặt khác, là nền tảng của triết lý phê phán. Nó có ý nghĩa thực nghiệm trên hai phương diện. Thứ nhất, nó không có thành kiến về sự vô hạn của trí năng con người, và thứ nhì, nó đặt trọng tâm trên kinh nghiệm-cảm quan (sense-experience). Phương pháp tiếp cận này chẳng những đánh dấu bước đầu của truyền thống thực nghiệm với Berkeley, Hume và J.S. Mill mà còn là khởi điểm của Triết học phê phán của Kant. Như vậy, “Luận cương...” cho phép thoát khỏi thành kiến và quan niệm tiên định chứ chưa cho phép xây dựng một hệ thống mới. Ở đây, Locke khiêm nhường không nhận mình là kẻ, không như Newton, đề được ra một hệ hình (paradigm). Ông viết “thế là đã quá tham vọng làm một kẻ đi cày trên một thửa ruộng chỉ cần phát quang loại bỏ rác rưởi nằm chặn lối đi lên của trí tuệ”.
Bước đầu của chương trình khoa học theo Locke là đặt cơ sợ của tri thức trên nền tảng thực nghiệm, tức có nghĩa phải bỏ ý niệm bẩm sinh theo Descartes và Liebniz. Chúng ta chấp nhận từ sơ sinh con người có khả năng phát triển trí năng và học hỏi, nhưng điều này khác với giả thiết cho rằng một trí tuệ có sẵn những nội dung tiềm ẩn. Và nếu như thế, chúng ta sẽ chẳng bao giờ phân biệt được ý niệm tiềm ẩn đó với loại tri thức đến từ kinh nghiệm. Nhắc lại, mọi tri thức đều tiềm ẩn mà con người chỉ gợi nhớ lại được. Đây chính phát biểu của Socrates trong lý thuyết về hồi tưởng ghi trong đối thoại “Meno”[5]
Ban đầu, trí não (mind) con người như một tờ giấy trắng. Cái mang lại nội dung cho nó là kinh nghiệm. Nội dung này, Locke gọi là ý niệm ở nghĩa rộng nhất, phân ra hai nguồn tùy theo đối tượng. Thứ nhất là những ý niệm đến từ cảm quan gạn lọc qua những quan sát thế giới bên ngoài. Thứ nhì, là những ý niệm đến từ suy tưởng của trí tuệ qua quan sát bản thân nó. Cho đến đây, phải nói chẳng có gì mới mẻ về lý thuyết. Không có chi trong trí tuệ mà không qua cảm quan là phát biểu của trường phái Kinh Viện, phát biểu được bổ xung bằng nhận xét của Liebniz ngoại trừ chính trí tuệ. Điều mới mẻ và tính đặc thù của phái Duy Nghiệm là tri thức chỉ có thể đến từ hai nguồn nói trên. Trong hành trình tư duy và ức đoán, chúng ta không thể nào vượt được giới hạn của những cái thu hoạch qua cảm quan và suy tưởng.
Locke chia ý niệm ra hai loại, đơn giản và phức hợp. Không có một tiêu chuẩn hợp lẽ nào được đưa ra cho cái ông gọi là ý niệm đơn giản; ông chỉ bảo rằng cái đơn giản là không thể cắt ra thành những phần nhỏ. Cách nói này không phải là giải thích, và sau ông cũng không đề cập đến nó một cách nhất quán. Nhưng trong phương cách tìm tòi của ông, rõ ràng là ông tìm cách chứng minh rằng nội dung của trí tuệ được xây dựng bằng tập hợp những ý niệm trong đó ý niệm phức hợp được cấu thành từ cách phối hợp những ý niệm đơn giản. Ý niệm phức hợp được chia thành thực thể (substances), phương thức (modes), và liên hệ (relations). Thực thể là ý niệm phức hợp về sự vật tự nó tồn tại, trong khi phương thức tùy thuộc vào thực thể. Liên hệ, sau Locke cũng nhận ra, không phải là ý niệm phức hợp, mà là cái trí tuệ tạo ra qua thao tác so sánh. Lấy thí dụ về liên hệ nhân-quả chằng hạn. Ý niệm này đến từ quan sát những chuyển đổi. Khái niệm những liên quan này tất yếu, theo Locke, chỉ là một giả thiết và không có cơ sở thực nghiệm. Điểm sau được Locke nhấn mạnh, và điểm đầu, là do Kant đề đạt.
Với Locke, nói rằng ta biết một cái gì đó có nghĩa là ta chắc chắn về nó, và đây chỉ là theo sát truyền thống Duy Lý. Chữ “biết” ở đây là ngôn từ thời Socrates và Plato. Nay ta biết là biết những ý niệm, và chúng là những biểu hiện của thế giới. Thế cách của biểu hiện trong lý thuyết tri thức này đẩy Locke khỏi những nguyên tắc Duy Nghiệm ông hết lòng bênh vực. Nếu chúng ta biết là chỉ biết ý niệm, chúng ta chẳng thể biết chúng có tương hợp với thế giới vật thể bên ngoài hay không. Cách nhìn như vậy khiến Locke nhận định rằng ngôn ngữ biểu hiện ý niệm cũng như ý niệm biểu hiện sự vật. Nhưng tuy nhiên có một khác biệt, ngôn ngữ là qui ước trong khi ý niệm thì không. Bởi vì kinh nghiệm chỉ mang lại những ý niệm riêng lẻ, chính trí tuệ phải sáng tạo ra những ý niệm tổng quát và trừu tượng. Về nguồn gốc ngôn ngữ ghi nhận trong “Luận cương...”, Locke chia sẻ với Vico về vai trò của những ẩn dụ.
Một khó khăn hàng đầu của Lý thuyết Tri thức của Locke là cách nhận định sai lầm (error). Cách thức đặt vấn đề hệt như trong “Theatetus”, chỉ cần thay tờ giấy trắng của Locke bằng cái lồng chim của Plato. Hệ luận là chúng ta không bao giờ có thể sai lầm, nhưng Locke chẳng quan tâm đến điều này. Ông không lý giải một cách có hệ thống, để những luận cứ có khó khăn chồng chất. Bối cảnh thực dụng của trí tuệ khiến ông giải mã những vấn đề triết học cắt thành mảnh vụn mà không đối mặt với thế cách thủ đắc một cái nhìn xuyên suốt. Về điểm này, như ông nói, ông chỉ là kẻ đi cày trên một thửa ruộng cần phát quang.
Về Thần học, Locke chấp nhận lối phân chia truyền thống giữa sự thật của lý tính con người và sự thật thiêng liêng được hiển lộ. Dẫu là giáo hữu Ki-tô thuần thành, ông ghê sợ cách thế quá “nhiệt tình” ở nghĩa cổ Hy Lạp, tức là trạng thái ốp nhập bởi linh cảm thánh thần, rất điển hình trong giới lãnh đạo tôn giáo ở thế kỷ 16 và 17. Sự cuồng tín hủy hoại cả mọi sự thật cả lý tính lẫn thiêng liêng, điều được minh chứng qua sự tàn bạo của những cuộc chiến tôn giáo. Tóm lại, Locke thực sự tin vào lý tính trước tiên, sau đó là những tính cách chung của triết lý thời ông.
Trong lý thuyết chính trị của Locke, ta cũng thấy sự hỗn tạp giữa hai quan điểm Duy Lý và Thực Nghiệm trong “Hai luận án về Chính quyền” viết năm 1689-90. Luận án đầu là phản pháo đề cương của Sir Robert Filmer có tên Phụ Quyền (Patriarch) trong đó ông này bảo vệ một cách cực đoan quyền thiêng liêng của Hoàng Đế. Luận điểm đưa ra dựa trên nguyên tắc di truyền, điều mà Locke phản bác dễ dàng tuy nó không phải là đối nghịch với lý lẽ. Nguyên tắc này được áp dụng rộng rãi trong phạm trù kinh tế qua quyền thừa kế mà xã hội chấp nhận.
Luận án thứ hai trình bày lý thuyết của Locke. Giống như Hobbes, ông tin rằng trước khi có một xã hội dân sự, người ta sống với nhau theo luật tự nhiên. Đây là quan điểm trong truyền thống Kinh Viện. Locke tin như Hobbes rằng chính quyền phát xuất từ quan điểm Duy Lý về một khế ước xã hội cần thiết. Điểm này hẳn tiến bộ hơn quyền thiêng liêng cũa Hoàng Đế, nhưng không bằng lý thuyết của Vico. Động cơ chính yếu của khế ước xã hội theo Locke là để bảo đảm cho quyền tư hữu. Khi tuân thủ khế ước này, con người nhượng bỏ quyền hành xử thuần theo mục tiêu riêng, trao lại nó chính quyền. Bởi lẽ trong một nền quân chủ Vua có thể có những tranh chấp, nguyên tắc không một cá nhân nào có thể phán xử cho chính mình khiến luật pháp phải được cai quản bởi một định chế độc lập. Sự phân quyền giữa hành pháp và tư pháp sau được Montesquieu nới rộng và nghiên cứu kỹ càng, nhưng với Locke, chúng ta thấy ông đã đặt ra vấn đề. Ông cũng quan tâm đến sự kiện quyền hành pháp (của Hoàng Đế) dẵm chân lên chức năng lập pháp của Quốc hội mà ông coi là tối cao bởi nó đại diện cho toàn thể xã hội. Trong trường hợp này, phải làm thế nào? Hiển nhiên, hành pháp phải nhượng bộ. Đây là sự cố xảy ra với Charles I[6] mà sự chuyên chế đã dẫn tới những cuộc nội chiến.
Còn một hỏi cần đặt, là khi nào dùng sức mạnh để giải quyết vấn đề ly khai theo kiểu tự trị phân mảnh (các địa phương - Ng.dịch). Thực tế, thường là tùy mức độ thành công hay thất bại của nó. Dẫu Locke mù mờ chuyện này, nhưng quan điểm của ông vẫn theo cách thế Duy Lý của những tư duy chính trị thời đó. Cách thế đó giả định rằng một con người bình thường biết cái gì là đúng lẽ. Ở đây, thêm một lần, giáo điều về luật tự nhiên lơ lửng ở dưới, bởi chỉ có nó thì mới xác quyết được gì là đúng lẽ. Chính vì vậy mà quyền lực thứ ba, quyền Tư pháp, có một vai trò đặc biệt. Locke không thảo luận về vấn đề quyền này phải phân lập, nhưng khi sự phân định quyền lực được xác quyết, tư pháp cần có một địa vị độc lập, cho phép nó xét xử giữa những quyền lực khác. Trong chiều hướng này, ba quyền lực Lập pháp, Hành pháp, và Tư pháp tạo ra hệ thống “kiểm sát và cân bằng” có tác động loại trừ khả năng toàn quyền độc trị. Đây là nét chính yếu của chủ nghĩa Chính trị Tự do.
Trong Anh quốc ngày nay, cơ cấu xơ cứng những đảng phái và quyền lực trong tay Nội các có làm giảm đi sự phân quyền Hành pháp và Lập pháp. Nhưng ngược lại trong vấn đề này, thí dụ gây sốc là ở Mỹ, Tổng Thống và Hạ Viện điều hành một cách độc lập với nhau. Về nhà nước, quyền hạn nay đã lớn đến mức triệt tiêu khá nhiều quyền hạn cá nhân từ thời Locke.
Mặc dầu không là một tư tưởng gia sáng tạo và thâm sâu, công trình của Locke vẫn tạo ảnh hưởng lâu dài trong cả Triết học lẫn Chính trị học. Về Triết học, ông tiên phong mở màn cho phái Duy Nghiệm, sau được Berkley, Hume, Bentham và J.S. Mill tiếp nối. Cũng như vậy, phong trào Tự Điển Bách Khoa ở Pháp vào thế kỷ 18 bị ảnh hưởng của Locke, ngoại trừ Rousseau và những kẻ kế thừa. Mác-xít cũng thừa hưởng truyền thống khoa học theo kiểu Locke đề xướng.
Trên phương diện chính trị, lý thuyết của Locke chẳng qua là tóm lược những thực hành đã có ở Anh quốc, và không có gì làm đảo lộn chính trường. Nhưng ở Mỹ và Pháp thì Chủ nghĩa Tự do đã tạo ra những cuộc Cách Mạng khá ngoạn mục. Ở Mỹ, chủ nghĩa này thành lý tưởng quốc gia và tác động lên Hiến Pháp, và như nguyên tắc, nó tiếp tục điều hành cho đến nay.
Thật kỳ quặc, thành công rực rỡ của Locke lại liên hệ đến ảnh hưởng khá chung chung của Newton. Dứt khoát, vật lý Newton xa rời với giảng dạy của Aristotle. Tương tự, lý thuyết không lấy gì mới mẻ của Locke chỉ phủ nhận quyền thiêng liêng của Hoàng đế và tìm cách thiết lập lại luật tự nhiên theo phái Kinh Viện, nhưng lại được thay đổi để thích hợp với điều kiện xã hội và trở thành nguyên tắc mới thiết lập nhà nước. Điều này phản ánh bởi những sự kiện sau đó. Khi viết Tuyên Ngôn Độc Lập của Mỹ quốc, Franklin đã dùng từ “tự tính hiển nhiên” (self–evident) thay cho “thiêng liêng và không phủ nhận được” của Jefferson, một diễn ngôn theo cách thế của Locke.
Ở Pháp, tác động của Locke còn mạnh mẽ hơn nhiều. Nền chuyên quyền độc đoán của “chế độ cũ” thật khác với những nguyên tắc tự do bên Anh. Ngoài ra, trong khoa học, quan niệm của Newton đã gạt được cách nhận định thế giới theo Descartes. Về kinh tế, chủ trương ngoại thương tự do, dẫu chưa được thấu hiểu hoàn toàn, nhưng được ngưỡng mộ. Suốt thế kỷ 18, người Pháp đã “chuộng Anh” (anglophilia) cũng là do ảnh hưởng đến từ Locke.

[1] Đại hội Vienna từ tháng 9-1814 đến tháng 6- 1815 có nhiệm vụ giải quyết những vấn đề phát sinh từ sự kiện giải thể Đế chế Roman, những cuộc chiến của Cách Mạng Pháp và chiến tranh Napoleon.
[2] Là liên minh giữa Nga, Áo và Phổ , ký kết năm 1815 ở Đại hội Vienna sau khi đánh bại Napoleon. Ngoài miệng thì rao giảng những giá trị Công giáo về tinh thần khoan dung và hoà bình cho Âu Châu nhưng thật ra Liên minh là pháo đài chống lại tinh thần Cách mạng, nhất là Cách mạng Pháp. Liên minh chống lại thể chế dân chủ, những cuộc cách mạng và chủ nghĩa thế tục, sau nới rộng ra với Anh quốc (năm 1818), rồi với chính quyền Pháp, và cuối cùng giải thể năm 1825 sau cái chết của Alexander, Nga hoàng, kẻ đã đề xướng ra Liên minh.
[3] Là định chế học thuật cổ xưa nhất, nay có nhiệm vụ của một Viện Hàn Lâm Khoa Học ở Anh.
[4] Là Hội đồng những Cố vấn của Anh quốc, gồm chính trị gia thâm niên là, hay từng là, thành viên của Hạ Viện hoặc Viện Công hầu (House of Lords).
[5] Ý niệm bẩm sinh chính là ý thể (idea, form) tiên thiên tiềm ẩn trong Triết học cổ Hy Lạp. Ý niệm (idea) theo Locke khác với ý thể trong văn ngữ cổ điển; vì vậy người dịch dùng từ ý niệm trong chương bàn về phái Duy Nghiệm này.
[6] Charles I (1600-1649) chuyên quyền và phủ định quyền lực của Quốc hội Anh và Tô Cách Lan, gây cuộc nội chiến đầu (1642-45), nhưng thua và nhận hòa giải để tiến tới một nền quân chủ lập hiến. Chần chừ câu giờ, vị Vua này tìm cách liên minh với Tô Cách Lan, sau đó trốn ra đảo Wight, gây cuộc nội chiến thứ hai (1648-49) nhưng cũng lại thua, bị bắt và kết án phản bội. Nền quân chủ bị truất phế, và từ đó thay bằng Khối Thịnh Vượng Anh quốc (Commonwealth of England).
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: