Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2016

Không hiểu nổi Donald Trump, Trung Quốc viện tới “người bạn cũ” Henry Kissinger


Ông Kissinger và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp ngày 2/12. Ảnh: Getty Images.

Giống như hàng chục năm qua, Henry Kissinger một lần nữa lại đóng vai trò như một “con thoi” giải tỏa căng thẳng và kết nối Mỹ với Trung Quốc. Lần này, vị cựu Ngoại trưởng nay đã 93 tuổi sẽ giúp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiểu hơn về Donald Trump.

Năm 1971, trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Trung đang dần ấm lên sau một thời gian dài căng thẳng, Kissinger khi đó là Ngoại trưởng Mỹ đã có một chuyến đi tiền trạm bí mật sang Bắc Kinh nhằm dọn đường cho chuyển thăm lịch sử của Tổng thống Richard Nixon.
Và hôm thứ 6 vừa qua (2/12), nhà ngoại giao nổi tiếng này đã quay trở lại Bắc Kinh để gặp mặt các nhà lãnh đạo Trung Quốc sau 2 tuần bàn bạc với Tổng thống đắc cử Donald Trump. Với những cam kết của Trump về thái độ đối với Trung Quốc trong suốt chiến dịch tranh cử, chắc hẳn các nhà lãnh đạo của đất nước châu Á đang cố gắng đánh giá sắp tới động thái của Mỹ sẽ là gì.
“Chúng ta đang ở trong thời khắc lịch sử. Chúng tôi, bên phía Trung Quốc, đang theo dõi tình hình rất sát sao”, Bloomberg dẫn lại lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi tiếp đón ông Kissinger tại Đại lễ đường nhân dân Trung Hoa. “Chúng tôi sẽ chăm chú lắng nghe ngài nói về tình hình thế giới hiện nay và về tương lai quan hệ Mỹ – Trung”.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ đã đáp lại bằng lời cảm ơn Trung Quốc vì đã nói rõ những suy nghĩ và mục đích dài hạn của những chính sách mà Trung Quốc theo đuổi.
Những lời đe dọa về một cuộc chiến thương mại
Việc phải dùng đến một “người bạn cũ” nay đã ở tuổi 93 và rời chính trường từ hơn 40 năm nay cho thấy giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang có một khoảng cách rất lớn bất chấp số phận của hai cường quốc này ngày càng bện chặt vào nhau.
Theo Gao Zhikai, thông dịch viên cho cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và là người từng thường xuyên làm việc với ông Kissinger, việc có một người đóng vai trò là “chiếc cầu nối” không chính thức có ý nghĩa cực kỳ quan trọng với Trung Quốc và Mỹ để hai quốc gia này có thể phát triển lợi ích chung và tránh được những tính toán sai lầm đáng tiếc. Kissinger là một người mà chẳng ai có thể thay thế được.
Trong khi Trung Quốc hiểu quá rõ về cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, họ gần như không có bất cứ dữ liệu lịch sử nào để đánh giá Donald Trump. Tất cả những gì họ có là những cam kết khi tranh cử của Trump – những lời dọa nạt chưa chắc đã trở thành hiện thực. Trump từng buộc tội Trung Quốc cướp mất việc làm của người Mỹ, gắn cho nước này cái mác thao túng tiền tệ và dọa sẽ áp mức thuế cao chót vót đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
“Donald Trump không phải chịu bất kỳ nghĩa vụ nào”
Phía Trung Quốc kỳ vọng sau cuộc gặp với Kissinger, thái độ của Mỹ với một vài vấn đề chính sẽ dần sáng tỏ. Trong cuộc điện đàm hôm 14/11, ông Tập cũng đã nói với Trump rằng hợp tác là lựa chọn đúng đắn duy nhất cho mối quan hệ Mỹ Trung.
Theo các nguồn tin thân cận, ngày 18/11, ông Kissinger đã có cuộc gặp mặt với Donald Trump sau một vài cuộc điện thoại trước đó. Sau cuộc gặp, Kissinger nói với phóng viên CNN rằng mọi người “không nên cố đóng đinh ông ấy vào những vị trí mà Trump đã thể hiện trong suốt chiến dịch tranh cử”. “Donald Trump là vị Tổng thống đắc cử độc đáo nhất mà tôi đã từng tiếp xúc: ông ấy không có chút hành lý chính trị nào. Trump không có bất kỳ nghĩa vụ nào trước bất kỳ nhóm người cụ thể nào, bởi ông ấy trở thành Tổng thống dựa trên chiến lược của riêng mình. Đây thực sự là tình huống độc nhất vô nhị”.
Người bạn cũ của nhân dân Trung Hoa
Kissinger, tác giả của cuốn sách “On China” viết về Trung Quốc xuất bản năm 2011, đã tới thăm Trung Quốc tổng cộng hơn 80 lần kể từ chuyến công tác bí mật năm 1971. Mỗi chuyến thăm đều được truyền thông nhà nước Trung Quốc ca ngợi, họ miêu tả ông là một “người bạn cũ của nhân dân Trung Quốc”.
Kissinger cũng là một trong những chuyên gia Mỹ (bao gồm cả cựu Bộ trưởng Tài chính Hank Paulson và Elaine Chao, người vừa được Trump đề cử làm Bộ trưởng Giao thông vận tải) gặp Tập Cận Bình năm 2012, trước khi ông lên làm Chủ tịch. Nhóm này đã cố vấn cho ông Tập rằng thường xuyên liên lạc với các lãnh đạo Mỹ sẽ là điều quan trọng hơn so với những chuyến thăm chính thức.
Tim Summers, chuyên gia đến từ tổ chức tư vấn độc lập Chatham House (Hồng Kông), nhận định trong thời gian tới Trung Quốc và Mỹ sẽ thiết lập được một số kênh ngoại giao nhưng cần phải có thời gian. Không giống như Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Tập Cận Bình “sẽ không ghé thăm tòa tháp Trump” ngay lập tức, bởi vậy sẽ có một khoảng thời gian quan hệ Mỹ – Trung là một ẩn số lớn.
Thu Hương
Theo Trí thức trẻ/Bloomberg

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: