Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016

Khi cuộc đời là những mặt đối lập

Sông Hàn 


Cả hai bà mẹ chung quy cũng là “đánh bạc” một người đánh bạc số phận của mình cho cuộc sống con trai, một người vùi mình trong cơn đỏ đen sát phạt.

Mẹ một danh ca đánh bạc hết 20 tỷ, biến con trai của mình thành con nợ; chủ nợ đến nhà “ông hoàng nhạc Việt” dán giấy đòi nợ, đập phá đồ đạc. Sự việc bi đát đến độ nam ca sĩ này phải làm live stream trần tình và khóc vì mẹ của mình. Mặc thế, lòng con không thể xa được mẹ!

Ở một góc khuất của xã hội, một người mẹ đã rao hiến nội tạng của mình để cứu đứa con trai 7 tuổi – Có người đã hỏi mua thận của chị với giá 300 triệu đồng một quả. Người mẹ này cần bốn quả thận như vậy để cứu con, nhưng người bình thường chỉ có 2 quả thận thôi? Không sao, đã có người hỏi mua trái tim của bà mẹ!

Tôi không có ý định so sánh hai bà mẹ! Nhưng những góc đối lập, những hình ảnh đối lập cứ hiện lên.

Hai hình ảnh đối lập đều gặp nhau ở một điểm – ấy là bà mẹ đơn thân hết lòng, hi sinh đến tận cùng vì con. Lời ru ầu ơ theo suốt những ngày ấu thơ.

Để rồi đi theo hai hướng khác biệt!

Khi ở “bước đường cùng”

Sáng nay, tôi đã đến bệnh viện Châm cứu Trung ương tìm vô phòng bệnh – nơi cháu Trương Hoàng Phúc con chị Trần Thị Hoa đang nằm điều trị.

Cậu bé mắc hai chứng bệnh tan máu bẩm sinh và bại liệt. Người cha biết tin con bị bệnh hiểm nghèo đã chạy nhanh nhất có thể … không còn đoái hoài gì. Bẩy năm ròng rã chị Hoa cùng con chống chịu với bệnh tan máu bẩm sinh và gần 5 năm chống chịu với căn bệnh bại liệt.

Tùy theo chế độ dinh dưỡng, cứ khoảng ba bốn tuần cháu Phúc sẽ được truyền máu một lần. Mẹ con đi khắp nơi từ Bệnh viện Nhi đồng 1, Bạch Mai, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương để chạy chữa căn bệnh này. Tại những nơi cháu Phúc điều trị, chị Hoa vừa chạy chợ vừa chăm cháu.

Khi là bán trà đá, khi là bán trứng (hột) vịt lộn, ngày kiếm vài trăm ngàn, góp thêm tiền chữa bệnh cho con.

Hy vọng đến khi Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đưa ra phương pháp cấy tế bào gốc để điều trị triệt để căn bệnh tan máu bẩm sinh. Chị Trần Thị Hoa cho biết: kinh phí cho ca cấy ghép và điều trị sau cấy ghép ước chừng 1 tỷ. Và đó là lý do mà một quả thận giá 300 triệu là không đủ!

Cũng đã có người “đăng ký nhận tạng” từ chị Hoa, nhưng có người nhẫn tâm “gạ tình” bà mẹ trẻ.

Sao ư? Một tỷ có thể nhiều hơn, có thể có cả sự ra đi của một người mẹ để đổi lấy hy vọng cuộc sống của một trẻ thơ! Ở phía bên kia, hai mươi tỷ cho cờ bạc để “ông hoàng âm nhạc” phải khóc vì lo tán gia bại sản!

Cuộc đời vốn là những mặt đối lập! Ta nhiều khi phải âm thầm chấp nhận?

Khi mẹ là gia tài, là cuộc sống của con thơ!

Trong phòng bệnh số 812, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, có một khuôn mặt trẻ thơ, líu lo khi bác sỹ thăm hỏi, xoa bóp bấm huyệt. Cháu hồn nhiên khi cầm cuốn sổ tay bác sỹ và… chê: Chữ bác xấu phát ghê, ai mà đọc được.

Tôi có gặp bác sỹ Nguyễn Bá Phong, người đang trực tiếp điều trị bệnh bại liệt cho cháu, bác sỹ kể về một cậu bé thông minh, thân thiện. Bên cạnh bện tan máu bẩm sinh thì bại liệt làm hai chi dưới của cháu yếu đi nhiều. Các phương pháp kết hợp điện châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt mà bệnh viện Châm cứu Trung ương tiến hành là nhằm phục hồi chức năng cho đôi chân của cháu.

Hồ sơ bệnh án mà bác sỹ Phong cung cấp cho biết, cháu Phúc nhập viện hôm 25/11 vừa qua – khi đó cháu vừa được truyền máu, tình trạng hồng cầu là 3.42t/l (người bình thường là 3,8 đến 5,8t/l); huyết sắc tố là 91g/l (người bình thường là 120 – 160g/l). Cứ theo lệ thường dăm bữa bẩy hôm nữa cháu Phúc sẽ trở lại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương để được truyền máu.

Còn giờ, trong vòng tay mẹ, cháu vui cười. Chị Hoa bảo: Phúc có khi thẹn, chỉ biết động viên bằng cách ôm lấy mẹ!

“Tôi sẵn lòng hi sinh vì con” và đó là căn nguyên khiến chị Trần Thị Hoa “rao” hiến tạng trên trang cá nhân của mình.

Báo chí có tờ đã đưa tin, có tờ không quên “thòng” theo trích dẫn của luật sư rằng: Rao hiến nội tạng bà mẹ trẻ đã phạm luật!

Nhưng trong câu chuyện này, nhiệm vụ của người làm báo có lẽ không phải là đưa việc phạm pháp ra để “cảnh tỉnh” bà mẹ trẻ trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm cứu con trai của mình. Thế gian ai còn mẹ ấy là hạnh phúc và trái tim bà mẹ trẻ cần được “đập” cho chính đứa con của mình.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: