VIỆT NAM – Đô Đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương của quân đội Hoa Kỳ vừa nhấn mạnh, Hoa Kỳ sẽ hợp tác khi cần hợp tác nhưng cũng sẵn sàng đối đầu khi cần phải đối đầu.
Tại một cuộc thảo luận với các viên chức ngoại giao và chuyên gia của Úc ở Sydney, Đô Đốc Harris nhận định, Trung Quốc vẫn tiếp tục hành xử một cách hung hăng và Hoa Kỳ không ngại đối đầu với sự hung hăng đó.
Tư lệnh Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương của quân đội Hoa Kỳ khẳng định, Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận chuyện Trung Quốc biến Biển Đông thành sân riêng, bất kể Trung Quốc đã bồi đắp bao nhiêu đảo nhân tạo và xây dựng bao nhiêu căn cứ trên đó.
Theo các chuyên gia, trong ba năm gần đây, Trung Quốc đã bồi đắp bảy bãi đá tại Biển Đông thành đảo nhân tạo với tổng diện tích khoảng 1,300 héc ta và đã xây dựng phi đạo, nhà chứa phi cơ, quân cảng, hệ thống kho, lặp đặt thiết bị viễn thông, hệ thống radar giám sát cả biển lẫn trời.
Mới đây, Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế của Hoa Kỳ công bố một loạt không ảnh do vệ tinh chụp, theo đó, Trung Quốc đã bày bố hệ thống cao xạ, hỏa tiễn địa – không ở 6/7 đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa. Trên các đảo nhân tạo đó Trung Quốc còn xây dựng các khối nhà dường như để dùng cho phòng thủ.
Ngay sau đó, Bộ Quốc Phòng Trung Quốc lên tiếng xác nhận việc bày bố và khẳng định, việc Trung Quốc bày bố vũ khí trên các đảo nhân tạo là “hợp pháp và chính đáng.” Trung Quốc có quyền thực hiện các hành động mang tính phòng thủ.
Trong lĩnh vực ngoại giao, đáp lại những nhận định và tuyên bố của Đô Đốc Harris, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, bảo rằng, sở dĩ trước nay Biển Đông vẫn ổn định là nhờ nỗ lực của Trung Quốc và những quốc gia khác trong khu vực.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói thêm là Trung Quốc hy vọng Hoa Kỳ “giữ lời hứa không đứng về bên nào trong số các bên đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, đồng thời tôn trọng nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông của các quốc gia trong khu vực.
Bên cạnh việc kêu gọi Trung Quốc giữ nguyên hiện trạng Biển Đông (không bồi đắp các bãi đá thành đảo nhân tạo, không xây dựng các căn cứ quân sự), Hoa Kỳ đã tổ chức nhiều đợt tuần tra, kể cả điều động các chiến hạm tiến sâu vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo và đảo tự nhiên ở cả quần đảo Trường Sa lẫn quần đảo Hoàng Sa.
Hoa Kỳ cũng đã nhiều lần nhấn mạnh, không chấp nhận yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông, kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng phán quyết mà Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc công bố hồi Tháng Bảy. Ngoài ra Hoa Kỳ liên tục khẳng định sẽ không lui bước trong việc bảo vệ quyền tự do lưu thông ở Biển Đông.
Mới đây, hôm 15 Tháng Mười Hai, USS Mustin – một khu trục hạm mang hỏa tiễn định hướng của Hải quân Hoa Kỳ đã vào quân cảng Cam Ranh như một điểm dừng kỳ thuật theo thông lệ. Điểm dừng kỹ thuật theo thông lệ là nơi các chiến hạm ghé vào để nhận một số dịch vụ liên quan tới bảo trì và tiếp liệu giữa các chuyến hải hành.
USS Mustin có thủy thủ đoàn khoảng 300 người và thường xuyên thực hiện các cuộc tuần tra ở cả Thái Bình Dương lẫn Đại Tây Dương. Nhân dịp ghé vào quân cảng Cam Ranh, thủy thủ đoàn của USS Mustin sẽ giao lưu với dân chúng thành phố Nha Trang và tham dự một số hoạt động văn hóa, thể thao tại tỉnh Khánh Hòa.
Ông Ted Osius, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam bảo rằng, sự kiện vừa kể là một bằng chứng, cho thấy quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, kể cả dân sự lẫn quân sự đang càng ngày càng sâu sắc. Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam giờ là sự hợp tác toàn diện, có lợi cho cả hai bên.
Một trung tá là hạm trưởng của USS Mustin giải thích thêm lợi ích của cả hai bên là hòa bình, ổn định, gắn với trật tự dựa trên luật pháp quốc tế. (G.Đ)
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét