Việt Nam lấy cái gì để cạnh tranh với thiên hạ?
Túm cái quần lại là chúng ta, người Việt Nam năm 2016, hội nhập với tư cách gì? Tui nghĩ hoài, nghĩ hoài, nghĩ hoài. Tui nói thiệt đó, tui nghĩ nhiều lắm, nhưng mà tui không có câu trả lời khác. Nô lệ ? Tay sai ? Người làm công ?
Việt Nam lấy cái gì để cạnh tranh với thiên hạ 20 năm sau?
Thời điểm này là cuối năm 2016. Khi mà người ta đã sản xuất được những con chip độ dày chỉ có 25 nano mét thì thông tin về café, gạo bao nhiêu tiền một ký xuất khẩu vẫn còn được người dân Việt Nam bàn tán râm ran, và bàn tán ầm ĩ nhất vẫn là đi làm cho công ty nào lương cao hơn, thưởng nhiều hơn và nghỉ dài hơn.
Tui thiệt sự lo ngại cho đất nước mình khi đặt tầm nhìn vào 20 năm sau, chứ không nói tới 40 hay 50 năm sau nữa, vì khi đó chắc có lẽ thiên hạ đã dọn nhà lên sao hỏa ở rồi, còn dân Việt Nam mình mới bắt đầu sửa soạn tinh thần để đi làm cho những nhà máy tinh chế sản phẩm.
Người Việt Nam lấy cái gì để cạnh tranh với thiên hạ 20 năm sau?
Người Việt Nam lấy tư cách nào để hội nhập?
Tui luôn đặt câu hỏi này cho từng người từng người một mà tui tiếp xúc gặp gỡ, giống như in nó lên một miếng decal rồi dán lên một tấm kiếng, đặt trước mỗi người mà tui tiếp xúc, giao tiếp hàng ngày, ở nhiều công ty, nhiều nơi, nhiều lúc.
Người Việt Nam tự cho là hiện đại mà tui tiếp xúc đại khái là như vầy: mặc đồ Gucci, xách túi Hermes, mang giày Salvator Ferragamo, xài Sony Vaio hoặc iPad, điện thoại iPhone hoặc Vertu, lái Mercedes E300 hoặc BMW 525i, lãnh lương ba bốn chục triệu một tháng, đi du lịch ở khách sạn năm sao, tối nào cũng đi chơi coi film coi ca nhạc, mở miệng ra là tỷ, trăm tỷ, ngàn tỷ, tiếng Việt tiếng Anh trộn vào nhau và nói nhanh như gió.
Những người như vậy tui gặp nhiều, nhiều lắm, nhưng mà tui nghĩ họ không thể trở thành những người lãnh đạo được, không trở thành người quyết sách được, đất nước này không thể dựa vào những con người hiện đại đó mà phát triển được.
Vì suy cho cùng, họ cũng chỉ là những người làm thuê cho nước ngoài.
Suy cho cùng, họ cũng giống như cha ông mình hồi trước.
Trước 1975 mà chúng ta gọi những người làm cho Mỹ là tay sai cho giặc, là bán nước, sau khi giải phóng phải cho đi học tập cải tạo để quán triệt đường lối cách mạng.
Trước cả 1945 mà chúng ta gọi những người nói được tiếng Pháp, thân Pháp rồi “đè đầu cỡi cổ nông dân” là sài lang, là tư sản mại bản, mà cuộc cải cách ruộng đất năm 1954 đã làm họ khiếp sợ theo cái kiểu bây giờ mấy bạn trẻ hay nói là “vãi đái ra quần”.
Nông dân Việt Nam 2016 thì quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời với nỗi lo sợ nơm nớp không biết đất đai họ đang cày cấy có bị thu hồi hay không.
Công nhân Việt Nam 2016 thì cắm mặt vào dây chuyền sản xuất, phân xưởng máy móc chỉ mong tăng ca với thưởng Tết với nỗi lo chủ doanh nghiệp quỵt lương, bỏ trốn.
Dịch vụ Việt Nam 2016 thì làm ăn kiểu đối phó, chụp giựt, tới đâu hay tới đó với nỗi lo không biết thằng khác có giảm giá giảm chất lượng để kéo khách tìm giá rẻ hơn mình hay không hay đối tác có trở mặt không.
Cán bộ quản lý Việt Nam 2016 thì chăm bẵm vào thiếu sót của doanh nghiệp để thanh tra xử phạt, kiếm lỗi để bắt đặng tróc nã cho ra tiền bao thư với nỗi lo giảm biên chế, phải chia bao thư với sếp đặng yên cái thân từng năm, từng năm một.
Thứ trưởng, bộ trưởng Việt Nam 2016 thì rơi vô thế trên đe dưới búa, phải có sáng kiến cải tổ đất nước đặng dễ ăn nói với lãnh đạo vì cái tội đã lãnh lương do dân trả mà ăn không ngồi rồi không có cải cách thì không được, ngặt nỗi đưa cái sáng kiến nào ra áp dụng cũng bị cái đám ăn không ngồi rồi phá bĩnh, chửi xéo, chống đối không làm, đã vậy còn bị chửi ngu, cũng khổ.
Các bạn làm chính trị, tuyên giáo, mặt trận tổ quấc thì đến hẹn lại lên năm nào cũng gởi bao thơ cho doanh nghiệp vừa mời mọc vừa đe dọa đóng góp cho các chương trình vào mùa từ thiện, với nỗi lo thù trong giặc ngoài, đám “phản động” nó xách động nhân dân quần chúng nổi dậy là bỏ mẹ.
Đó là không kể các nhà văn thì phải bẻ cong ngòi viết của mình vừa chửi vừa bụm miệng sáng tác ra những cái văn học dở dở ương ương đọc một câu đầu là biết câu cuối của cái cuốn sách 1000 trang đó nó viết cái gì.
Đó là không kể các nhà khoa học của chúng ta mỗi năm phải lập dự án nghiên cứu ôm hàng tỷ đồng mỗi dự án mà cả năm trời không đăng nổi một bài báo nào lên tạp chí khoa học của thế giới hay có cái bằng sáng chế nào được cấp, đáng để được ghi nhận là có đóng góp vào sự sáng tạo của nhân loại.
Đó là không kể tới hàng triệu người đi làm văn phòng, chạy qua chạy lại trong những sàn máy lạnh mỗi ngày bận rộn tới sút quần mà không rõ là họ đang làm cái gì, có lợi cho ai (ngoài thằng chủ doanh nghiệp) và nỗi lo bị mất lòng đồng nghiệp, bị nói xấu, bị thiếu năng lực làm một việc gì đó.
Túm cái quần lại là chúng ta, người Việt Nam năm 2016, hội nhập với tư cách gì?
Tui nghĩ hoài, nghĩ hoài, nghĩ hoài. Tui nói thiệt đó, tui nghĩ nhiều lắm, nhưng mà tui không có câu trả lời khác.
Nô lệ
Tay sai
Người làm công
Nó giống như cái án bỏ túi treo trên đầu của dân tộc Việt này từ lúc vua Hùng khai sinh đất nước vậy đó. Việt Nam, theo ghi nhận của tui chỉ có những bước tiến rõ rệt trong những thời kỳ bị nước khác đô hộ (đửng biểu tui liệt kê ra là cái gì vào thời nào nha).
Nhưng nói gì thì nói, người Việt Nam khi ra khỏi đất nước này thì cũng có công danh nở mày nở mặt với các nước khác. Cũng nhiều. Và báo chí trong nước cứ canh me mỗi khi ở đâu đó có một người Việt Nam làm nên chuyện thì lập tức moi móc ra đăng lên trang bìa rặt mùi thấy sang bắt quàng làm họ, kiểu Mạc Ngôn với Mạc Can có bà con với nhau vậy á.
Vậy hông lẽ phong thủy của cái đất này, cái nước này nó có vấn đề? Chắc vậy, tui nghĩ chắc có vấn đề thiệt. Chứ người Việt Nam đi ra nước ngoài học tập làm việc một thời gian cũng nhiều người tạo dựng được công danh, nghiên cứu khoa học cũng có thành tựu, nghệ thuật gì cũng có tiếng tăm lắm.
Tại sao tui hỏi người Việt Nam hội nhập với tư cách gì chi dzậy?
Tại vì phải biết mình là ai thì mới tính chuyện hội nhập sau. Mình không giữ được bản sắc của mình thì khi hội nhập mình chỉ là bản sao của thiên hạ, những người đã đi trước mình nhiều chục năm. Mà bản sao thì có cái nào đẹp hơn tốt hơn bản chính không?
Cho nên, nếu tình trạng này kéo dài, thì hai chục năm nữa, Việt Nam không còn cái cửa nào để cạnh tranh với thiên hạ.
20 năm sau nữa, tài nguyên bán hết, mỏ dầu mỏ nguyên liệu khai thác hết, đồng lúa hết màu hết phù sa, rừng hết cây biển hết cá, thì chúng ta lấy cái gì nữa để bán cho người khác?
Hai chục năm sau, Việt Nam bán hết tài nguyên rồi, thì chúng ta lấy cái gì để cạnh tranh với thiên hạ?
Khoa học kỹ thuật mũi nhọn như là công nghệ nano hay công nghệ hạt nhân, khoa học vũ trụ chăng? Robot lai chăng? Sinh học biến đổi gen chăng? Công nghiệp nặng? Y tế kỹ thuật cao như cấy ghép gen hay sửa đổi bản đồ ADN? Quân sự? Tàu ngầm? Hàng không mẫu hạm? Dịch vụ? Bán lẻ? Trồng cây gây rừng? Bảo vệ môi trường? Hạn chế biến đổi khí hậu? May mặc? Ăn uống? Cảng biển? Cảng hàng không? Mại dâm? Du lịch?
Thôi mệt, tui càng nghĩ là tui càng thấy tui nghĩ bậy, tui nghĩ không ra cái con đường nào cho Việt Nam mình cạnh tranh với thiên hạ trong 20 năm sau, vì mọi thứ mà tui mới kể ở trên đó bây giờ thiên hạ đã có rồi, có hết rồi, có từ chục năm trước rồi, mà con dân Việt Nam vẫn còn lẹt đà lẹt đẹt “commission này nhiu tiền dzậy?”, “chú có việc gì lặt vặt thảy ra cho con làm cho”, “dự án đó có chiết khấu hông em?”, vậy đó, cứ vậy đó.
Những cái đầu lớn của Việt Nam tui không biết trốn đâu hết trơn rồi, tui thấy ai cũng nói chuyện đầu tư, chuyện mở rộng xuất khẩu, mở rộng lãnh vực kinh doanh rất là hùng hổ, nói chuyện kim ngạch, giá trị thặng dư, cán cân kinh tế, GDP, chỉ số hạnh phúc, bất động sản trăm tỷ ngàn tỷ ghê lắm, nhưng mà không có thấy ai nói cho tui biết được là 20 năm nữa Việt nam làm cái gì để cạnh tranh với thiên hạ!
Tức là có khả năng thằng con tui, thằng cháu tui trong 20 năm nữa nó sẽ giống ông cố nội nó, cái thời mà dân Việt Nam bị kêu là “lầm than”, bị đô hộ, phải nói tiếng tây bồi giỏi hơn tiếng Việt để mưu sinh chăng?
Vậy thì tui nín đẻ mẹ nó cho rồi, chứ tui không thích đẻ con mình ra rồi cho nó làm nô lệ.
Túm cái quần lại, người Việt Nam hội nhập với tư cách gì?
Tui đã hỏi rồi, và tui lại hỏi nữa, và tui sẽ tiếp tục hỏi nữa. Vì tui không thấy một tia sáng nào khả dĩ trả lời được cho tui câu hỏi đó.
Có người sẽ nói như vầy: mệt mày quá. Mày cứ đi làm đi, mày làm được cái gì cho ra hồn đi rồi nói chuyện cạnh tranh với nói chuyện tư cách Việt Nam. Có lý đó, anh chị đó có lý đó, cứ làm đi, đửng ngồi đây than thở này nọ rồi chối bỏ việc không làm gì. Kẹt cái là trong cái quá trình mò mẫm làm việc và hội nhập, tui đã gặp quá nhiều người, và sau cái quá trình dài tiếp xúc với những con người Việt Nam ưu tú đó nó đã làm tui nảy sinh ra câu hỏi này.
Tui bị cái bịnh nói chuyện xà quần, tức là tự mình đẻ ra một mớ dây xong rồi tự mình quấn chằng quấn chịt bản thân mình, không có đơn giản hóa được nữa. Tui vẫn đi làm thôi, vẫn cắm đầu làm những cái công việc nhỏ nhất và đơn giản nhất, vì tính tui thích làm như vậy, nhưng mà mấy bạn biết hông, tình cảnh của tui giống như mấy bạn công nhân hầm mỏ, cắm đầu đào một con đường mà có cảm giác là không bao giờ thấy được ánh sáng cuối đường hầm vậy á. Cái cảm giác đó nó rất là bất an, thậm chí có khi tui còn có cảm giác là con đường mà mình cắm đầu đào nó sẽ chấm dứt vào 20 năm nữa, tới chừng đó thì bụp, trúng ngay cái miếng đá bự tổ chảng trong lòng đất, chết cứng, quay đầu không được, đặt bom cho nổ cũng không được.
Vậy thì Việt Nam dựa vô cái gì để cạnh tranh?
Cái gì khó quá chưa giải quyết được thì để qua một bên, nghiền ngẫm, khi nào có câu trả lời thì quay lại nói tiếp. Bây giờ nói về giải pháp đi.
Việt Nam có cái gì mà nước ngoài không có? Hay là người Việt Nam có cái gì mà người nước khác không có? Tui suy nghĩ về vụ này cũng nhiều, có đi hỏi người này người nọ, rốt cuộc tạm đồng ý với mấy cái như sau:
1. chịu khó chịu khổ. Chịu khó chịu khổ nhưng mà làm biếng. Dân Việt Nam từ thời phong kiến cho tới bây giờ là giống dân chịu mọi áp bức của đô hộ, cai trị, bóc lột, đè nén quanh năm, nhưng mà không có người Việt Nam nào khổ mà chết hết. Bất quá thì chỉ có đói quá mà chết thôi, nhưng đó là chuyện hồi xưa chưa có UN. Khổ cỡ nào người dân mình cũng chịu được. Khó cỡ nào dân mình cũng làm được, tuy là cái làm đó nó không có hoàn hảo,, nhưng mà nói chung thì dân Việt Nam mình giải quyết được khoảng 70% vấn đề khó bằng sự khôn lanh của con người.
2. khôn vặt. Dân Việt Nam làm cái gì chắp vá chỉnh sửa nhỏ nhỏ lặt vặt thì làm rất tốt, dùng từ chuyên môn thì là giỏi tiểu thủ công nghiệp. Thí dụ cái xe Honda 67 Nhật nó làm thì dân mình làm không được, nhưng mà đem về chỉnh sửa, hàn hàn gắn gắn mấy cái chi tiết lặt vặt hay cố cắm đầu sửa lại cái bình xăng con cho nó hoạt động được thì dân Việt mình làm tốt. Không phải cái kiểu modification (độ) như mấy cái garage Mỹ độ lại chiếc xe nhìn khác quắc được, cái đó khó, dân mình làm không được, nhưng mà làm mấy cái lặt vặt thì làm tốt, thí dụ như rút căm, vá ruột, súc bình xăng con vân vân. Đem chuyện Honda 67 ra làm thí dụ thôi, bà con tự suy luận mấy chuyện khác nha.
3. khéo tay. Khéo tay nhưng mà không có sáng tạo, cho nên nhìn người ta làm, rồi về nhà bắt chước làm theo thì giống được tới 80%-90%, nhưng mà chỉ giống cái hình thức thôi, còn nội dung thì là chuyện khác. Lấy chuyện thiết kế thời trang ra làm ví dụ đi. Việt Nam không có cái mẫu thiết kế nào đặc trưng hết, nhưng mà mẫu thiết kế nào cũng có nét hao hao, lai lai, tổng hợp các mẫu thiết kế nổi tiếng khác. Tức là chôm chỗ này một chút, chôm chỗ kia một chút, đem về ráp lại thì được, nhưng mà sáng tạo ra thì không làm được.
4. hiền và dễ tính. Người Việt Nam được cái hiền, hay là xuề xòa, dễ dãi, tư duy nông nghiệp nên đâm ra không có khắt khe với thế giới xung quanh mình. Gì cũng được, sai chút xíu cũng được, trật chút đỉnh cũng được, làm cái gì được khoảng 90% là vui rồi, là cảm thấy có thành tựu rồi. Là chấp nhận được. Nhờ cái tính hiền này mà dân tộc mình mới tồn tại qua được 1000 năm Bắc thuộc, nhẫn nhịn, sao cũng được, sống được là được, nên nhờ đó mà học được chữ Hán, nhờ khôn vặt mà đẻ ra được chữ Nôm (cuối cùng chết yểu), mà tồn tại tới ngày hôm nay.
5. tầm nhìn ngắn. Biểu hiện cụ thể nhất là các nước có chiều dài lịch sử tương tự Việt Nam thì đã có những công ty cả trăm năm, vài trăm năm cũng có, còn Việt Nam thì không có một công ty nào lâu đời hơn 50 năm mà nổi tiếng với thiên hạ. Các thương hiệu như Dạ Lan, Cô Ba, Cây Kèn, Hinos, Chương Dương vân vân đều mất tích trong các thương hiệu sinh sau đẻ muộn.
6. vọng ngoại. Với tâm thế nô lệ 1000 năm, rồi 100 năm, dân Việt Nam ngày hôm nay dường như đã có một suy nghĩ ăn sâu vào tiềm thức của 84 triệu người Việt Nam: hàng ngoại mới tốt. Bất cứ cái gì, bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào với bất cứ ai khắp cõi Việt Nam này, nếu đem hai cái gì đó cùng chức năng, một của nước ngoài làm và một của Việt Nam làm mà đem hỏi đều sẽ nhận được cùng một câu trả lời: đồ ngoại tốt hơn. Và thậm chí bạn mà xài hàng ngoại thì bạn còn nhận được sự ngưỡng mộ và tán thưởng của người xung quanh. Chỉ có một ngoại lệ duy nhất: người được hỏi không có khả năng chi trả cho hàng ngoại nên chọn hàng nội.
Tui dừng lại tại điểm số 6 này, vì kể ra nữa thì sẽ lòi ra toàn tính xấu, không phải là con đường để phát triển cho đất nước. Nếu vậy, thì chúng ta có khả năng phát triển cái gì để cạnh tranh với thiên hạ, dựa trên những yếu tố đó? Theo suy nghĩ hạn hẹp của tui, thì tui đề xuất (và sẽ sửa đổi) các hướng sau đây:
– gia công kỹ thuật cao cho nước ngoài. Ví dụ gia công chip, gia công chi tiết máy công nghệ cao. Tất nhiên mình không đời nào chạy theo nổi FoxxCon hay ASUS được, vậy thì tập trung tìm kiếm các hợp đồng gia công chi tiết tàu vũ trụ, chi tiết linh kiện động cơ vân vân, tất nhiên đem bàn thì nó sẽ ra việc, ở đây tui chỉ định hướng.
– dịch vụ tiêu chuẩn cao. Tức là cạnh tranh với Bali, Pattaya, Phang Nga, Honduras vân vân. Mà phải đặt ra tiêu chuẩn thật khắt khe kìa, đứa nào làm bậy rút giấy phép, không có du di, không có qua loa được vụ này.
– gia công dệt may chất lượng cao. Thí dụ làm hàng thời trang công nghệ cao cho Gucci, D&G, Hermes chẳng hạn. Mà phải làm hơn Trung Quấc, tức là không làm hàng giả, không làm hàng fake, không làm hàng copy-cat, cam kết không có hàng lỗi. Khúc này cũng phải khắt khe, đứa nào cố tình làm sai rút giấy phép, phạt nặng, cấm xuất khẩu, thậm chí bỏ tù cho nó sợ cũng được.
– Call center. Cái này thì mình thua Ấn Độ, Phillipins xa lắc xa lơ, người ta làm outsourcing Call Center cho Mỹ lâu lắm rồi, nhưng mà người Việt giỏi ngoại ngữ, có thể chọn thị trường hẹp để tấn công, thí dụ nói tiếng Hoa, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Ý chẳng hạn.
Tui nói thiệt với bà con là tui làm biếng viết tiếp quá, vì hai lý do, một là ý tưởng nhiều quá tui làm biếng viết ra, hai là tui nói ra trên blog này thì tui cũng chưa chắc đủ khả năng làm hết mấy thứ tui nói, cho nên thôi, tui để đó, khi nào có cơ hội hay có dịp thì tui nói ra, làm được thì làm.
Vậy đi, bà con ai có cao kiến hay chửi bới, đóng góp gì thì nhào vô, xin mời^^
Demifantasy
Được chỉnh sửa bởi Café Ku Búa
Được chỉnh sửa bởi Café Ku Búa
(Café Ku Búa)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét