Thằng ông nội
Cú Đỉn
Theo FB Cú Đỉn
Ấy là năm 1996. Cô con gái bé nhỏ của mình mới 5 tuổi. Khác với nhiều gia đình người Việt ở Đức, vợ chồng mình không bao giờ mang thứ tiếng Tây rởm , lai căng của mấy đứa ít học là mình để nói với con vì sợ “Tam sao thất bản”. Đơn giản là bé đi nhà trẻ sẽ học bạn, học cô giáo là đủ,thậm chí bọn mình có thể học thứ tiếng của bọn đế quốc này qua nó nữa cơ. Với nó, tiếng Việt thì chữ Thằng, có nghĩa là chỉ đàn ông, trẻ con là đứa bé
Môi truờng bên này đúng như câu khẩu hiệu Việt Nam: Xanh, sạch, đẹp. Mùa đông thì chả nói, chứ mùa hè đến, đúng là đất trời hoan hỉ, âm duơng giao hòa, cứ như trong truyện cổ tích “Bức gấm thêu” mà mình đọc lúc nhỏ. Nghĩa là trăm hoa đua nở, vạn vật đua tiếng. Chim hót líu lo, cây cối bung hết những cái mà chúng gom giữ, dành dụm trong mùa băng giá như cái nõn nà tinh khiết của tuyết, cái bẽn lẽn, e ấp của em biểu hiện qua những cái chồi non biêng biếc be bé hé lộ trên cành, cái “phong nhũ phì đồn” của phụ nữ đến độ chín bằng cả một rừng anh đào tím ngát thúc dục đất trời bừng tỉnh.
Trong vườn cây, giun dế ríu rít, nức nở. Mình hay dắt cô con gái lẫm chẫm đi trong không gian ấy, hát khe khẽ, tưởng tuợng tới tiếng chim sâu lách chách chuyền cành trong bài Một mùa xuân nho nhỏ của cụ Trần Hoàn mỗi dịp xuân về hay được phát trên sóng Radio hồi còn ở Việt Nam, cô con gái ngước mắt lên hỏi :
– Papa hát cái gì thế ?
– Một bài hát Việt nam con gái ạ, bài hát về mùa xuân.
– Việt nam có đẹp không ?
– Đẹp hơn ở đây.
– Con ứ tin, nguời Việt Nam hay nói dối, Papa cũng thế
– Sao con gái nói thế?
– Con thấy , ai cũng khen Việt Nam đẹp, Việt Nam nhiều tiền,sao lại sang Đức ? con gái thấy cô giáo bảo Việt Nam nghèo, không có sữa cho trẻ con, không có ô tô nhiều như ở đây.
Nó nói thế thì mình thua, trả lời răng được. Có lần đi chơi như thế, bố con nhìn thấy con chim sẻ nhỏ bị chết,hai bố con đem vào 1 góc vườn gần đấy,lấy que đào đất chôn.Nó nước mắt rơm rớm :
– Papa ơi sao con chim nó lại chết , con mèo cắn nó à???
– Ồ con gái đừng khóc nữa, con chim, con chuột hay con người, và ngay cả cái ô tô, cái máy bay…rồi cũng sẽ già, sẽ chết mà, Papa, hay con gái già cũng sẽ chết đó là điều tất nhiên .Mình thấy mặt nó thuỗn ra, có lẽ nó đang “nghiên cứu, nhập tâm” đê hiểu ý nghĩa câu tiếng Việt này
Gia đình mình về Hà Nội ăn tết. Nhà mình cách bờ hồ không xa. Dạo ấy Hà Nội chưa được như bây giờ, mọi thứ có lẽ vẫn hoang sơ hơn. Bằng chứng là mình hay dắt con gái ra xem cửa hàng bán động vật, cây cảnh ở ngày đầu chợ gần nhà. Đủ cả sản phẩm “Rừng vàng biển bạc” nước ta. Nước thì có cá cảnh lẫn cá ăn, rùa,ốc sên…., trên cạn thì có chó mèo chuột chim…Ấn tượng nhất đối với bố con là họ bầy bán cả sóc, khỉ. Năm 1996 rồi mà giữa thủ đô văn minh lại bày bán động vật hoang dã thế này, lạ thật. Cô con gái run lên vì sướng, lắp bắp, chỉ con khỉ : Papa papa mua ,mua,mua cho con gái .
Mình không mua vì không thể mang đi được (giá có 300 ngàn), vài ngày để lại VN ai chăm sóc nó, chả nhẽ lại mang ra bán lại, chắc gì người ta chịu , nuôi thì ai nuôi, nhỡ nó ốm mà chết thì tiếc lắm, mình trả lời con quấy quá : Con khỉ này già rồi con gái ạ, chắc sống không được lâu, mang đi nhỡ nó chết thì tội nó, thôi hàng ngày bố con mình cứ ra đây xem, chơi với nó là được rồi. Cô con gái thần mặt, cái đầu óc nó động đậy suy nghĩ về cái sự già của muôn loài như đã được nghe khi bố con mang chim sẻ đi chôn. Nói là làm, hàng ngày bố con vẫn ra đây cho cô con gái thỏa chí thò ngón tay xíu xíu vô mấy lồng cho chim đớp đớp mút mút, và chỗ cuối cùng là nơi bầy bán chú Tôn Ngộ Không. Hồi đó, ông già nhà mình đã về hưu, đi thăm bạn bè chi đó ở Sai gòn, mãi một tuần sau khi mình về cụ mới trở ra Hà Nội. Gặp con, cháu, cụ vui lắm, Cụ bế cô con gái nhỏ của mình trên tay . Con bé hồn nhiên :
-Papa ơi, ai đây ? Mình cố dẫn giải bằng tiếng trẻ con cho dễ hiểu:
– Đây là ông nội, Papa của papa,con gái chào ông đi.
-Ôi thế thì ông nội già rồi à ? có già như con khỉ không?
-Tất nhiên rồi, ông nội già rồi con gái ạ, nào con chào ông nội đi , tôi nhắc lần nữa
Nó lấy sức hét to : _ Cháu chào thằng ông nội, ơ thế thằng ông nội già rồi, sắp chết rồi à?
Bố mình chỉ hơi ngỡ ngàng một chút, song bình tĩnh lại ngay, bởi cụ cũng là nhà sư phạm, ông hiểu ngôn ngữ trẻ con trong sáng, ngay thẳng, hơn nữa đứa trẻ Việt Nam lại được sinh ra ngoài Việt Nam, là con cái đứa ít học nhất nhà là mình. Ông không ngạc nhiên, kiêng kị gì, ông sướng lắm, từ lúc đó, thỉnh thoảng „ Thằng ông nội“ hay bế cô con gái mình ra chợ xem khỉ, ông cháu ríu rít vui lắm. Nhìn dáng lẻo khẻo gày guộc của đấng sinh thành, trong nắng chiều gần tắt, lòng thấy quặn thắt, vì mỗi lần về thăm nhà của chúng tôi phải được tính bằng 3 đến 5 năm một lần. Ông bế cháu đi trong trong dòng người, xe , leng keng , pim pim vô tận, nhung nhúc của Hà nội phố cổ, tiếng rao quà bị xé tan bởi những tiếng còi, trong mùi xăng cháy khét lẹt của hàng trăm hàng ngàn chiếc xe máy vô tư xả ra .
Tính từ ngày bố mình được cô con gái bé bỏng của gắn mác “Thằng ông nội”, ổng vẫn trụ lại 10 năm nữa mới về cõi.
Cứ tháng một giáp tết âm, ngày mất của bố mình, khi cái lạnh tê tái tràn đến châu Âu, mình lại nhớ đến “Thằng ông nội” mà rưng rưng nước mắt nghĩ về sự sinh lão bệnh tử, cái vô thường của kiếp người. Mình sắp về thăm phần mộ cũng như những di vật, vật thể, và phi vật thể của “Thằng ông nội “, gặp bạn bè người thân và các bạn FB. Các bạn ơi hẹn ngày gặp gỡ tại Hà Nội nhé.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
1 nhận xét:
Thằng ông nội,một cái kết cho kẻ ly hương.Buồn cho người Việt!
Đăng nhận xét