Tác giả là một nhà văn Mĩ gốc Việt mới được trao giải thưởng văn chương Pulitzer (1). Tôi đã đọc nhiều bài luận văn (essay) của tác giả trong quá khứ, và thấy rất thích. Lúc đó, tôi nghĩ anh này là một niềm hi vọng Nobel cho văn học Việt Nam. Không còn nghi ngờ gì nữa: VTN đúng là một văn tài.
VTN còn tương đối trẻ (sinh năm 1971, tức là mới 45 tuổi). Sinh ra ở Ban Mê Thuột, theo gia đình sang Mĩ tị nạn năm 1975, cái năm mà VTN viết rất đúng "a year which brought enormous changes to many things, including the Vietnamese language" (cái năm đem lại nhiều đổi thay, kể cả thay đổi tiếng Việt). Ngày nay, VTN vừa là một Associate Professor của USC (University of Southern California), vừa là một nhà văn. Như vậy, anh vừa là một nghệ sĩ vừa là một nhà khoa bảng. Cái nghề "khoa bảng" của anh giúp anh có cách cấu trúc câu chuyện rất "có nghề" (tinh tế, logic, cách tân); cái chất nhà văn làm cho tác phẩm của anh đậm chất nhân văn. Nhưng cái "căn cước tị nạn" theo tôi mới chính là cái làm cho anh ấy đặc thù trong những nhà văn Mĩ gốc Á châu.
Thật vậy, chính cái "căn cước tị nạn" này đã làm tiền đề cho nhiều sáng tác rất có giá trị, và làm cho tác phẩm của anh khác với các tác phẩm dòng chính. Hầu hết những tác phẩm và bài viết của VTN đều bàng bạt cái thân phận của người tị nạn. Chẳng hạn như anh viết "I am a refugee who, like many others, has never ceased being a refugee in some corner of my mind" (tôi là người tị nạn, và cũng giống như nhiều người khác, cái thân phận tị nạn không bao giờ xoá nhoà được, mà nó tồn tại đâu đó trong tâm tưởng của tôi). Anh phân biệt giữa người tị nạn và người di dân rất hay (1), rằng người di dân có một cái điểm kết cục, còn người tị nạn thì như là những bóng ma:
"Immigrants are more reassuring than refugees because there is an endpoint to their story; however they arrive, whether they are documented or not, their desires for a new life can be absorbed into the American dream or into the European narrative of civilization.
By contrast, refugees are the zombies of the world, the undead who rise from dying states to march or swim toward our borders in endless waves."
Là một "boat people", tôi thấy nhiều bài luận văn của VTN như là nói hộ cho tôi. Mai mốt đây, anh ta còn cho ra mắt tác phẩm "The Refugees" mà tôi nhất định phải mua cho được. Một trong những tác phẩm có giá trị của anh là "The Sympathizer" (Cảm Tình Viên) mới được trao giải thưởng danh giá Putlizer.
Cảm Tình Viên kể lại một câu chuyện phức tạp thời hậu chiến Việt Nam về một điệp viên cộng sản nằm vùng trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi cuộc chiến kết thúc, người điệp viên trốn sang định cư ở Mĩ với nhiệm vụ trà trộn vào cộng đồng người người tị nạn để thu thập thông tin về hoạt động của cộng đồng. Do đó, ông ta là người có cái nhìn toàn cục, ông ta có cảm tình với phe cộng sản và cộng hoà. Cuốn sách bắt đầu với câu "I am a spy, a sleeper, a man of two faces. Perhaps not surprisingly, I am also a man of two minds. [..] I am simply able to see any issue from both sides." (Tôi là một gián điệp, một kẻ nằm vùng, một người có hai mặt. Có lẽ không ngạc nhiên rằng tôi cũng là một kẻ có hai cái bộ óc […] Một cách đơn giản, tôi có khả năng nhìn bất cứ vấn đề nào từ hai phía.)
Câu chuyện được kể với nhiều tình tiết hồi hộp, gay cấn. Bằng một văn phong thông minh tuyệt vời, tác giả phân tích sự giằng xé tâm can của nhân vật điệp viên, và sự chông chênh của người tị nạn Việt Nam trên đất Mĩ. Cái hay của tác phẩm là Viet Thanh Nguyen qua ngòi bút tuyệt vời của mình phác hoạ ra một nhân vật hư cấu hết sức phức tạp. Đó là một nhân vật "tôi" sống bằng nội tâm, bị giằng co bởi phía bên này và phe bên kia. Đó là một nhân vật phức tạp, vì là con vô thừa tự của một ông cha, lớn lên trong làng quê, nhưng lại là một người với đầy đủ phẩm hạnh của một trí thức. Cảm Tình Viên không chỉ là một tác phẩm về gián điệp, mà còn là tác phẩm của ý tưởng. Nhiều ý trong đó rất hay. Ví dụ như anh ta nói rằng chiến tranh được diễn ra trên chiến trường và trong kí ức. Người Mĩ có thể thua trên chiến trường, nhưng người Mĩ thắng giòn giã trong kí ức. Tại sao? Tại vì người Mĩ có kĩ nghệ Hollywood!
VTN không chỉ viết văn hay và đẹp, mà trong mỗi bài luận văn và tác phẩm còn hàm chứa nhiều cái mà tiếng Anh gọi là "wisdom". Chính những ý tưởng mang tính wisdom này làm cho tác phẩm có giá trị và có thể lưu truyền qua nhiều thế hệ. Một trong những wisdom của VTN là câu "All wars are fought twice, the first time on the battlefield, the second time in memory" (Tất cả chiến tranh đều được chiến đấu hai lần, lần đầu là ở chiến trường, lần thứ hai là trong kí ức). Câu này có vẻ rất phù hợp với cuộc chiến Việt Nam. Mặc dù cuộc chiến đã kết thúc 41 năm rồi, nhưng xem ra nó vẫn còn tiếp diễn, không chỉ trong kí ức, mà còn trên thế giới mạng và những nơi có đông người Việt định cư ở nước ngoài.
Trong một bài luận văn mới công bố trên NYT (2), anh viết một câu mà tôi muốn hiểu rằng văn chương đẹp không thể tồn tại trên cơ sở những thù hận, sợ hãi, chia rẽ, và bất công; mặt khác, văn chương tồi chỉ nói xấu hay ma quỉ hoá người ta ("Great literature cannot exist if it is based on hate, fear, division, exclusion, scapegoating or the use of injustice. Bad literature and demagogues, on the other hand, exploit these very things, and they do so through telling the kind of demonizing stories good literary writers reject.") Quá đúng, phải không các bạn. Mà, nó càng đúng cho loại "văn học đỏ" của Việt Nam nữa (3), và có lẽ chính vì thế mà VN chưa có một tác phẩm lớn sau cuộc chiến huynh đệ tương tàn.
Tôi phát hiện một điều là văn phong của Viet Thanh Nguyen còn là những bài học tuyệt vời cho việc học viết tiếng Anh. Bài náo của anh ấy cũng có những câu chữ rất đẹp trong đó, những câu chữ đáng được trích dẫn và suy nghiệm. Do đó, đối với các bạn còn học tiếng Anh (có lẽ 99.99% người Việt chúng ta đều như thế) thì nên tìm đọc những tác phẩm và bài luận văn của tác giả để có một nguồn tham khảo có giá trị nhân bản rất cao và rất đẹp.
====
(1) Giải Pulitzer là một giải thưởng danh giá không chỉ cho văn học, mà còn cho báo chí và nghệ thuật nữa. Nhà báo nào mà có giải thưởng này thì chúng ta phải biết đó là hạng elite, distinguished. Khác với giải Nobel, giải Pulitzer chỉ trao cho tác giả là người Mĩ. Giải Nobel trao cho thành tựu trọn đời, còn Pulitzer thì trao cho công trình trong năm qua. Nói đến giải này tôi nhớ ngay đến David Halberstam, Thomas Friedman, Nicholas Kristof. Và bây giờ thì chúng ta có Viet Thanh Nguyen! Thú thật, tôi thích mấy giải về văn học hơn là mấy giải vớ vẩn trong khoa học. Văn học hay hơn khoa học.
(2) http://www.nytimes.com/2016/12/10/opinion/sunday/trump-is-a-great-storyteller-we-need-to-be-better.html?_r=0
(3) Ví dụ như sáng tác kiểu này của một nhà văn có tiếng ở VN: "... Quân ta ào lên, bắt giết, đâm, giẫm đạp. Một mụ nguỵ cái, ngực để trần, miệng há ra ú ớ. Niềm căm thù kẻ hạnh phúc hơn mình bốc lên ngùn ngụt trong ngực mình. Mình găm vào ngực mụ cả loạt khiến ngực mụ vỡ toác mà mặt mụ vẫn chưa tắt hy vọng. Giết người lúc ấy sao thấy sướng thế! Một thằng nguỵ bị mình xọc lê vào bụng, nghe ‘thụt’ một cái. Mình nghiến răng vặn lê rồi trở báng súng phang vào giữa mặt hắn. Hắn lộn một vòng, gồng mình giãy chết như con tôm sống bị ném vào chảo mỡ."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét