Trong Điều 8 “Tuyên bố về Nguyên tắc Đạo đức Nghề báo” của Liên đoàn Báo chí Quốc tế (IFJ) có nêu rõ: “Nhà báo phải coi những điều sau là xúc phạm nghề nghiệp nghiêm trọng:
– Xuyên tạc, bóp méo tin tức một cách cố ý hiểm ác
– Vu khống, phỉ báng, bôi nhọ, buộc tội vô căn cứ
…”
Trong một bài báo được đăng trên Quân Đội Nhân Dân Online, một phóng viên đã đặt câu hỏi cho ông Mai Đức Lộc – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: “Thời gian qua, có tình trạng một số nhà báo xa rời thực tiễn, ngồi một chỗ bình luận quy chụp, võ đoán. Với tư cách là Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, ông suy nghĩ gì về vấn đề này?”. Trước câu hỏi này, ông Mai Đức Lộc cho biết: “Phải nói rằng đây là một thực tế đáng buồn. Tiếc rằng, hiện tượng này không những không giảm mà có xu hướng gia tăng. Nói một cách nghiêm túc, một số mặt tiêu cực của xã hội có một phần trách nhiệm của nhà báo. Một sự thật có nhiều cách tiếp cận nhưng bản chất sự thật chỉ có một. Người làm báo phải tiếp cận sự thật một cách khách quan và phản ánh chân thực. Bảo vệ đất nước, nhất là chủ quyền biển, đảo trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, đòi hỏi các nhà báo phải nghiên cứu cẩn thận và thể hiện không những sắc sảo, thuyết phục mà còn phải chính xác, nhất là các khái niệm chuyên môn. Người đọc, trong môi trường thông tin đa chiều và cực kỳ phong phú hiện nay, không cho phép tình trạng võ đoán, hời hợt hay suy diễn chủ quan”.
Qua đó cho thấy ở Việt Nam hiện tượng các nhà báo xa rời thực tiễn, ngồi một chỗ bình luận quy chụp, võ đoán” hay “xuyên tạc, bóp méo tin tức một cách cố ý hiểm ác, vu khống, phỉ báng, bôi nhọ, buộc tội vô căn cứ” là một thực trạng hết sức nhức nhối.
Vào ngày 06/09/2016, báo Giáo dục Việt Nam (giaoduc.net.vn) đưa tin trường THCS Lê Quý Đôn (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã mời một đoàn nhạc khoảng 60 người đến trình diễn trong buổi lễ khai giảng ngày 05/09/2016. Bài viết này sau đó đã được gỡ xuống và thay thế bằng bài viết thứ hai cũng trên trang Giáo dục Việt Nam vào ngay hôm sau 07/09/2016. Trong bài viết thứ hai có tiêu đề “Hiệu trưởng trường Lê Quý Đôn chính trị yếu kém hay có động cơ gì?, phóng viên với bút danh Diệu Linh đã tường thuật một cách giật gân rằng đây là một “sự việc động trời” và đưa ra nghi vấn thể hiện mối lo ngại về một “động cơ chính trị” nguy hiểm, hướng toàn bộ mũi giáo dư luận vào cô Hiệu trưởng Đàm Thu Hương của trường THCS Lê Quý Đôn.

Đoàn nhạc Thiên Quốc biểu diễn tại Hội vật Cổ truyền Như Nguyệt. Trên băng rôn có cả 3 thứ tiếng Trung, Anh, Việt (Ảnh Facebook)

Mời ai, diễn gì là quyền của nhà trường và phụ huynh

Có một điều rất đơn giản và tất yếu khi tổ chức một buổi lễ hay bất kỳ sự kiện nào đó thì người tổ chức là người toàn quyền quyết định và nắm rõ nội dung nào nên được đưa vào sự kiện của mình. Như vậy, trong sự kiện khai giảng, cô Hiệu trưởng mời ca sỹ hay nhóm nhạc nào trình diễn hoàn toàn là quyền quyết định của Nhà trường, và có thể tham vấn thêm ý kiến của Ban phụ huynh. Đồng thời, về cơ bản, một ban nhạc sẽ chơi bất kỳ bản nhạc nào theo yêu cầu miễn là nội dung trình diễn không bị pháp luật cấm.
Vấn đề còn lại chỉ nằm ở việc lựa chọn tiết mục cho ngày tựu trường và nếu có xảy ra trục trặc gì thì có thể là do Nhà trường và Ban phụ huynh chưa thống nhất trước buổi trình diễn. Hơn nữa ngay cả khi tiết mục đã được thống nhất, thì nếu có ý kiến khen chê khác nhau trong thành phần khán giả cũng là bình thường bởi vì “chín người, mười ý”, không thể tồn tại việc ai ai cũng nghĩ và cảm nhận giống như nhau. Điều đó có đáng để viết hẳn thành một bài báo và thổi phồng lên thành một “sự việc động trời” đầy khó hiểu như phóng viên đã đưa tin?
Hơn nữa, bài viết cho biết “rất nhiều phụ huynh tỏ rõ thái độ không hài lòng” về tiết mục, nhưng không đề cập đến việc phóng viên có trực tiếp phỏng vấn và thực hiện thống kê xem phụ huynh nào chê, phụ huynh nào khen, lý do là gì… hay không. Bởi lẽ những căn cứ này sẽ thể hiện tính chân thực, khách quan của bài báo, giúp dư luận rộng đường hơn so với những thông tin chung chung mơ hồ nói trên.
Rõ ràng với màu sắc tươi sáng và trang phục thanh nhã của ban nhạc cùng âm hưởng hùng tráng từ các loại nhạc cụ, màn biểu diễn đã góp thêm phần náo nức trong không khí mùa khai trường của các thầy cô và các em… Tuy nhiên thông qua lối tường thuật bằng các thán từ như “động trời”, “lạ đời”, “dị hợm”… tác giả đã khiến người đọc thấy hoang mang và khó hiểu: không rõ vì lẽ gì các phụ huynh lại phải “hốt hoảng”, “choáng váng” khi xem một đoàn nhạc biểu diễn nhạc không lời?

Một đoàn nhạc như thế nào thì có thể đến biểu diễn vào buổi khai giảng?

Trong bài viết của phóng viên Diệu Linh có một chi tiết rất đáng chú ý: đó là mối nghi vấn về “nhận thức chính trị” của hiệu trưởng trường THCS Lê Quý Đôn – bà Đàm Thu Hương. Theo tác giả Diệu Linh, mối nghi vấn xuất phát từ việc cô Hiệu trưởng đã tổ chức một “màn biểu diễn gây lo lắng cho nhiều cơ quan hữu quan” mà cụ thể theo bài viết, là do nhóm nhạc Nhà trường mời về đã sử dụng nhạc cụ của nước ngoài, chơi nhạc nước ngoài, mặc áo có in chữ nước ngoài và có một băng rôn có chữ “Pháp Luân Đại Pháp” bao gồm tiếng Anh là “Falun Dafa” và một số ký tự mà người phóng viên này mô tả một cách bí hiểm là “tiếng nước ngoài kiểu chữ tượng hình”. (Chữ viết trên băng rôn đã bị tác giả xoá trắng nhem nhuốc).
Tuy nhiên những yếu tố nói trên thì liên quan gì đến “chính trị” và vì sao lại được cho là gây lo lắng cho cơ quan hữu quan như phóng viên này đã đưa tin?
Với “những tiếng nước ngoài kiểu chữ tượng hình”, có thể khẳng định không cần lấp lửng rằng đây chính là Hán tự của Trung Quốc.
Ở Việt Nam, Hán tự xuất hiện khắp nơi trong các di sản văn hoá và sự hiện diện của Hán tự đã trở thành một phần của lịch sử dân tộc. Dễ thấy nhất là các Hán tự trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám hay trong quần thể đi tích Cố Đô Huế – những di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam. Căn cứ theo những cảnh báo của tác giả, liệu chúng ta có cần nâng cao nhận thức về “động cơ chính trị” ở những khu vực có Hán tự này không?
Những Hán tự mà phóng viên úp mở là “chữ tượng hình” dịch ra là “Pháp Luân Đại Pháp” đã đồng thời được ghi rõ trên băng rôn của đoàn nhạc. Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) vốn là tên một môn khí công cổ xưa có xuất xứ từ Trung Quốc. Một minh hoạ tương đồng với ban nhạc biểu diễn ở trường Lê Quý Đôn đó là các đoàn nghệ thuật múa lân chuyên biểu diễn cho lễ khai trương của các doanh nghiệp hay trong các dịp lễ hội, họ cũng sử dụng những Hán tự Trung Quốc như “Nhơn Nghĩa Đường”; “Phúc, Lộc, Thọ” hay “Song hỉ” in trên lân sư sử dụng trong đoàn múa, dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp” không mang bất kỳ một yếu tố chính trị nào để cơ quan hữu quan phải lo ngại hay mau chóng tham gia điều tra như phóng viên đã ra sức xuyên tạc.
Ngoài ra, theo tìm hiểu, nhóm nhạc đã chơi trong buổi khai giảng của trường Lê Quý Đôn có tên gọi là “Thiên Quốc Nhạc Đoàn”. Phong cách trình diễn của Thiên Quốc Nhạc Đoàn ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới là họ luôn sử dụng băng rôn có dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp” tiếng Anh, tiếng Trung trong quá trình biểu diễn như một phần nội dung của tiết mục. Tuy vậy, Thiên Quốc Nhạc Đoàn biểu diễn những nội dung không nhất thiết liên quan đến Pháp Luân Đại Pháp mà đa phần chỉ trình diễn các bản nhạc thông thường, đó có thể là bất kỳ bản nhạc nào từ dân ca đến nhạc hiện đại, từ nhạc thời xưa đến nhạc thời nay.
Có thể nói, việc sử dụng băng rôn “Pháp Luân Đại Pháp” khi trình diễn là phong cách đặc trưng của Thiên Quốc Nhạc Đoàn. Nó cũng giống như một ca sỹ thích mặc áo “I LOVE VIETNAM” (TÔI YÊU VIỆT NAM) biểu diễn trước công chúng hay cũng giống như diễn viên múa lân với những chữ Hán in trên con lân tiêu biểu cho hình thức biểu diễn nghệ thuật này. Điều này chẳng có gì đặc biệt mà tác giả lại cố gắng đào sâu mổ xẻ như thể đây là những dòng chữ “gây sốc” kinh khủng lắm.
Đối với việc trình diễn trong sự kiện ngày lễ khai giảng: Theo nguyên tắc, ban nhạc được mời sẽ chơi bất kỳ bản nhạc nào theo yêu cầu, miễn là bản nhạc hay nội dung trình diễn không bị cấm căn cứ theo luật pháp Việt Nam. Bộ Giáo dục –Đào tạo cũng chưa từng ban hành bất kỳ quy định nào không cho biểu diễn nhạc nước ngoài trong lễ khai giảng đầu năm học. Tóm lại, sự việc chơi nhạc nước ngoài chẳng có gì “động trời” như tác giả đồn thổi.
Thiết nghĩ nếu chỉ dựa vào những lập luận mơ hồ như đã phân tích ở trên mà quy chụp cô Hiệu trưởng có “nhận thức chính trị yếu kém” hay nghi ngờ cô có động cơ gì khác thì e rằng người viết bài với bút danh Diệu Linh này hơi bị hoang tưởng. Trong trường hợp bản thân cây bút này có những lý do khác để cố ý gán ghép những sự việc nói trên có yếu tố hay động cơ “chính trị”, thì tôi cho rằng câu chuyện không còn là chủ đề năng lực truyền thông mà sẽ là một nghi vấn khác về một động cơ chính trị đang thực sự tồn tại.

Động cơ chính trị thực sự nằm ở đâu?

Từ đầu đến cuối bài viết của bút danh Diệu Linh, có thể thấy phóng viên này có ý viện dẫn một số căn cứ mơ hồ như các yếu tố “nước ngoài” trong trang phục, nhạc cụ và ngôn ngữ của ban nhạc để cố gắng mô tả họ theo hướng kỳ lạ, nguy hiểm nhất. Sau đó, bằng việc tỏ ra đạo đức rao giảng về nghề giáo cao quý, anh ta sử dụng một số “ý kiến” không rõ nguồn gốc để hạ thấp danh dự cô Hiệu trưởng thông qua việc phê phán “nhận thức chính trị” của cô, trong khi ngẫm cho kỹ cô Hiệu trưởng chẳng làm gì liên quan đến “chính trị” khi mời một đoàn nhạc vô hại đến chơi trong ngày khai giảng của trường. Không rõ có phải tác giả này đang cố gắng thông qua cái “sự việc động trời” mà anh ta cố ý gây dựng này để triệt hạ cô Hiệu trưởng Thu Hương, trù dập trường THCS Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy, Hà Nội và lợi dụng ngòi bút của mình cho việc xử lý mâu thuẫn nội bộ nào đó không?
Bên cạnh đó, có một dụng ý khác mà độc giả dễ nhận biết khi nghe tác giả này úp mở về yếu tố “nước ngoài” trong các ký tự “tượng hình” tiếng Trung Quốc: anh ta đang cố gắng tận dụng tối đa sự quan tâm và ủng hộ của độc giả đối với xu thế “bài Trung” cực kỳ nổi cộm ở Việt Nam để lăng-xê bài viết của mình. Tuy nhiên, bài viết này có thật sự đang “bài Trung” theo đúng nghĩa không, hay là đang thông qua “bài” môn khí công cổ truyền Pháp Luân Đại Pháp cùng những người tập luyện bộ môn này và bôi nhọ cô Hiệu trưởng Đàm Thu Hương để kích động nguy cơ phân biệt đối xử, kỳ thị, chia rẽ giữa những người dân Việt Nam thuộc các thành phần khác nhau?
Xét ở góc độ luật pháp, nội dung bài viết kích động người đọc nảy sinh tâm lý kỳ thị, phân biệt đối xử giữa những người dân có những niềm tin khác nhau mà trong trường hợp này nạn nhân bị kỳ thị chính là những người thực hành theo Pháp Luân Đại Pháp, có thể nói là bài viết hoàn toàn đi ngược lại tinh thần của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam.
Tiếp đó, việc gán ghép khái niệm “nhận thức chính trị” vô căn cứ để từ đó hạ thấp danh dự của cô Hiệu trưởng Đàm Thu Hương chỉ vì cô mời một đoàn nhạc về trường biểu diễn chẳng khác nào đang lợi dụng các quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận đưa tin xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự của người khác. Hành động này đã vi phạm trực tiếp Điều 258, Bộ Luật Hình Sự 1999 (Nay là điều 331, Bộ Luật Hình Sự 2015).
Đáng quan ngại hơn cả là nội dung bài viết trên bề mặt thì tưởng như đang nâng cao ý thức dân tộc và đạo lễ truyền thống nhưng thực tế là đang đội lốt chính những mục đích đó để tuyên truyền gây chia rẽ, phân hoá giữa những tầng lớp người dân Việt Nam mà cụ thể là giữa Nhà trường và phụ huynh, học sinh, giữa những người dân có những niềm tin khác nhau, giữa bản thân Nhà trường một đơn vị sự nghiệp với các cơ quan ngành giáo dục và cơ quan Công an… Nếu như câu chuyện này thật sự bị đẩy đi xa hơn, e rằng các cơ quan chức năng của Việt Nam không chỉ phí hoài công sức, tài lực để đi điều tra những sự việc vốn dĩ rất đỗi bình thường mà còn có nguy cơ rơi vào âm mưu kích động, chia rẽ, gây rối trật tự của thế lực xấu. Trong khi đó, người phóng viên đang tuyên truyền kích động thù hận, phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, công khai vi phạmĐiều 87, Bộ Luật Hình Sự  1999 (nay là Điều 116, Bộ Luật Hình Sự 2015) mới thật sự là đối tượng cần lưu tâm và điều tra.

Thay lời kết

Truyền thông không phải là công cụ để loan truyền những điều giả dối, xấu xa trong vỏ bọc đạo đức, nếu tiếp tục sử dụng truyền thông để “dắt mũi” công chúng phục vụ cho các động cơ chính trị xấu xa, thì sẽ có ngày ngọn giáo dư luận quay ngược đả thương chính mình.
Quan điểm thể hiện trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Epoch Times.