Hai ông nông dân tên là Nam và Tuấn ở thôn Lò To, xã Hàm Cần, Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), vừa được đình chỉ điều tra tội ăn hối lộ! Nó lạ ở chỗ, xưa nay chỉ có các quan to nhỏ mới được phạm tội ăn hối lộ, vậy mà ngày nay nông dân cũng ăn hối lộ là sao?
Khi được “hội đồng giảm nghèo” và chính quyền xã chấp nhận, hai người sẽ phải tận tay mang hồ sơ lên Ngân hàng CSXH huyện Hàm Thuận Nam làm thủ tục vay. Và cũng chính họ phải ký nhận tiền mang về cho các hộ. Sở dĩ ngân hàng phải sinh ra hai ông “cầu nối” này là vì dân nghèo thường ít chữ nghĩa, mù thủ tục, giấy tờ, lại ở vùng sâu, vùng xa. Từ thôn Lò To đến huyện gần 30 km, đường ổ voi lẫn ổ gà. Về nhà, đưa tiền xong họ còn có nhiệm vụ giám sát, đôn đốc các hộ nghèo sử dụng đồng vốn đúng mục đích, nhắc nhở bà con trả nợ, trả lãi và đáp ứng những thủ tục nhiêu khê khác. Mọi sự dân nghèo đều trông và hai ông “Thần Đèn” của thôn để vay được tiền sản xuất.
Thấy cảnh ông Tuấn “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” mãi cũng khó coi, ông Nam trên danh nghĩa trưởng thôn, đã gợi ý với người vay vốn hỗ trợ ông ấy tiền xăng xe, chè thuốc gọi là. Bà con trong thôn đồng ý ngay. Và trong hai năm họ đã góp được hơn 13 triệu đồng bồi dưỡng cho ông Tuấn (tính ra mỗi tháng khoàng 500 ngàn đòng).
Hai ông nông dân ở Bình Thuận đã bị khởi tố vì tội...ăn hối lộ. Ảnh: Phương Nam- Pháp luật TP HCM.
Mọi chuyện đang thuận buồm xuôi gió, bỗng một ngày xấu trời, 20.3.2015, Công an huyện Hàm Thuận Nam đã bất ngờ khởi tố và bắt hai nông dân này giam hai tháng về tội nhận hối lộ! Một người (ông Tuấn) ăn hối lộ. Người kia, ông Nam, đồng lõa hội lộ. Sau đó, tại tòa sơ thẩm dù bà con được mời đến vẫn nói là họ chỉ đưa tiền giúp ông Tuấn vì tình nghĩa và lẽ công bằng chứ không phải hối lộ, rằng đơn tố cáo là do cán bộ điều tra viết sẵn bắt họ ký. Dù tất cả những thứ đó, hai người vẫn cứ bị tuyên án 7 và 8 năm tù! Cái án đã được vẽ ra và được thực thi một cách hoàn hảo!
May phúc cho hai ông nông dân, tòa phúc thẩm đã đúng khi trả lại hồ sơ và sau đó vụ án được đình chỉ chắc là ngoài ý muốn của những người đã “vẽ án”. May mà họ chỉ mới ở tù có hai tháng! Nhưng có lẽ như vậy đã là quá đủ cho thân phận hai người nông dân hiền lành vô tội. Vả lại, nếu tính “một ngày ở tù bằng ngàn năm ở ngoài” thì coi như đời người hai ông nông dân này đã đi đứt!
Án vẽ không chỉ có phải Bình Thuận. Hãy xem lại một chút những bức “án vẽ” gần đây. Nhiều tháng tù giam cho hai cậu thanh niên vì đói mà phải giật mấy cái bánh mì, túi đậu phộng, khởi tố một ông dân lành “mở quán cà phê mà chậm trình giấy phép 5 ngày”, một ông nông dân làm cái chòi vịt ngay trong miếng đất của mình. Và mới đây nhất, vợ chồng một gia đình thất nghiệp bị khám nhà, bị “nhá” khởi tố và bị tịch thu hiện vật chỉ vì chữa mấy cái điện thoại cùi bắp mà không có giấy phép!
Thật khó để trả lời câu hỏi: “Người ta vẽ ra án để làm gì nhỉ?” Khó trả lời như thăm dò cặn kẽ lòng người. Chắc chắn không ai “thừa giấy vẽ voi” mà vì những động cơ tinh vi và vụ lợi khác. Hãy dùng phép nội suy của tâm lý học hay cụ thể hơn, quy luật của một xã hội đang xuống cấp, suy thoái đạo đức. Có thể người ta đã vì nhiều “lý do tế nhị” mà lờ đi, bỏ qua những vụ án tầy đình. Làm lơ cho con hổ bắt heo, họ hành hạ con mèo vô tội để bày tỏ mẫn cán. Và để chứng minh mình không ngủ mê trước tội phạm, họ đã chộp bất cứ cơ hội nào để chứng minh mình luôn nghiêm khắc, tuân thủ pháp luật. Cũng có thể “lỡ tay” cầm tiền để làm nhẹ người này thì đành phải nghĩ mưu che tội bằng cách làm thật nặng người kia. Tất cả giả thiết đều có thể nhưng lại rất khó tìm ra động cơ chính xác vì cái tổ con nhền nhện nó nằm tận trong đáy lương tâm của con người. Chỉ có “con lương tâm” mới có thể cắn rứt, lên án, thậm chí trừng phạt những kẻ bán linh hồn cho tiền để hại đồng loại.
Dân xứ Nghệ vốn hay tự trào, kể rằng, có một ông đồ nghèo kiết xác đã vẽ lên tường một con cá ngon lành và mỗi bữa cơm các con của ông đều được “ăn” con “cá vẽ” khi nhìn lên bức hình. Cũng như cái “bánh vẽ” đã được đưa vào lời ăn tiếng nói hàng ngày và từ điển tiếng Việt. Qua vụ án “nông dân ăn hối lộ” bỗng thấy các vị quan tòa quá đỗi “thông manh” của chúng ta đang góp thêm một từ mới, đó là cái “án vẽ”!
Bánh vẽ, cá gỗ hay “cá nhìn” tuy cũng là mánh của nhà nghèo biến không thành có, nhưng người ta chỉ cạn nước miếng mà không được ăn chứ không gây hại gì. Còn cái “án vẽ” thời nay thì đã có không ít người dân vô tội, kể cả trẻ em vị thành niên hàm oan, nếu không phải đi tù mọt gông thì cũng tán gia bại sản!
Trong câu chuyện hai ông nông dân tốt bụng “bỗng dưng” bị đi tù vì tội “nhận hối lộ” ở Bình Thuận này, án được vẽ ra dễ dàng hơn cả ông đồ nghèo vẽ con “cá nhìn” lên tường hay đẽo con cá gỗ trong chuyện dân gian. May sao trời còn có mắt!
Nguyễn Quang Thân
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét