Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2016

Về hưu cũng phải bị lôi cổ ra chịu trách nhiệm về vụ Formosa!


Ngày 10/6/2015, ông Nguyễn Thái Lai, được Thủ tướng lúc đó Nguyễn Tấn Dũng gia hạn chức vụ Thứ Trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường đến 31/12/2015, và trước khi về hưu 20 ngày, ông đã ký cấp phép xả nước thải cho Fomosa ngày 11/12/2015.
Ông Lai là dân quê Hà Tĩnh, từng làm Cục trưởng Cục Tài nguyên nước trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ TN và MT. Như vậy ông hiểu rõ (và thậm chí tham gia chấp bút) Luật Tài nguyên nước 2012 và biết về ngư dân tỉnh quê nhà. Nhưng có vẻ ông đã phớt lờ luật này và nghị định 201/2012/ NĐ-CP hướng dẫn luật này, không lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan trước khi cấp phép cho Formosa xả nước thải 45000 m3/ 1 ngày vào biển, cụ thể ngư dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Điều 20 Nghị định này quy định: “Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tài nguyên nước phải đáp ứng các điều kiện sau đây: 1. Đã thực hiện việc thông báo, lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Nghị định này; 2. Có đề án, báo cáo phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước đã được phê duyệt hoặc phù hợp với khả năng nguồn nước, khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước nếu chưa có quy hoạch tài nguyên nước. Đề án, báo cáo phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường lập; thông tin, số liệu sử dụng để lập đề án, báo cáo phải bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, chính xác và trung thực…
Điều 2 Nghị định 201/2013 NĐ-CP và Điều 6 Luật Tài nguyên nước có quy định rất rõ: Công trình xả nước thải vào nguồn nước có lưu lượng từ 10.000m3/ngày đêm trở lên buộc phải lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước có ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của nhân dân trên địa bàn”.
Rất mong báo chí, cộng đồng mạng xã hội cùng lôi cổ ông Lai này vào vòng trách nhiệm trong việc cấp phép xả nước thải cho Formosa, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thảm hoạ cá chết ở 4 tỉnh miền Trung, khiến hàng chục vạn ngư dân 4 tỉnh khốn đốn.
_____

Giấy phép cho Formosa xả nước thải vào nguồn nước: Có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Nhóm PV
3-8-2016
Nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Thái Lai. Ảnh: báo LĐ
Như báo Lao Động đã thông tin trong số báo trước, dư luận đang đặt nhiều dấu hỏi về trách nhiệm của nguyên Bộ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Minh Quang và nguyên Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai – người được ông Quang ủy quyền ký giấy phép cho phép Formosa xả nước thải ra biển. Kỳ quặc hơn, chính giấy phép quan trọng này được ông Thái Lai ký chỉ chưa đầy 3 tuần trước khi nghỉ hưu lại có dấu hiệu vi phạm Luật Tài nguyên nước và Nghị định 201/2013 NĐ-CP.
Ký xong, nghỉ hưu và…không ai giám sát
Ông Nguyễn Thái Lai sinh năm 1955 có quê là Mai Đình, Hiệp Hòa, Hà Tĩnh. Trước khi được Thủ tướng Chính phủ lúc đó là Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) thì ông Lai là Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước – Bộ TNMT.
Ngày 17.7.2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Quyết định số 1026/QĐ-TTg bổ nhiệm ông Thái Lai làm Thứ trưởng Bộ TNMT. Ngày 10.6.2015, tại văn bản số 818/TTg-TCCV, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý kéo dài thời gian giữ chức Thứ trưởng Bộ TNMT đối với ông Nguyễn Thái Lai đến hết ngày 31.12.2015 sẽ nghỉ hưu.
Trước khi nghỉ hưu khoảng 20 ngày, ông Nguyễn Thái Lai ký thay Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang văn bản cho phép Formosa xả thải ra biển.
Theo giấy phép này, Formosa được xả nước thải sau xử lý từ hệ thống xử lý nước thải công suất 45.000m3/ngày đêm của Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh. Nước thải sau xử lý được bơm và dẫn theo đường ống thép không gỉ ra đến đập quan trắc nước thải, sau đó chảy ra biển ven bờ vịnh Sơn Dương theo phương thức tự chảy, xả giữa dòng. Chế độ nước xả thải liên tục 24 giờ/ngày đêm.
Có 2 vị trí quan trắc nguồn nước tiếp nhận tại vịnh Sơn Dương: Vị trí cách vị trí xả nước thải sau xử lý 250m về phía bờ và vị trí cách vị trí xả nước thải sau xử lý 250m ở ngoài khơi. Tần suất quan trắc 3 tháng/1 lần.
Ngoài ra, Formosa cũng phải chịu kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý tài nguyên nước và môi trường ở Trung ương và địa phương; chuẩn bị nhân lực, trang bị các phương tiện, thiết bị cần thiết để sẵn sàng ứng phó, khắc phục sự cố gây ô nhiễm nguồn nước. Giấy phép này chính là căn cứ để sau này cả Bộ TNMT và Formosa Hà Tĩnh khẳng định là: “Đường ống xả thải ra biển của Formosa được cấp phép chứ không phải lắp đặt lén lút” (trả lời báo chí của Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân bên lề cuộc họp của lãnh đạo 4 tỉnh miền Trung với liên Bộ NNPTNT, TNMT).
Cũng trong cuộc họp trên, ông Nhân thừa nhận: “Chưa rõ số liệu quan trắc đã được đấu nối với Sở TNMT của tỉnh hay chưa”, còn Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Tĩnh Đặng Bá Lục thì chắc chắn: “Trạm quan trắc tự động của Công ty Formosa lại chưa kết nối và truyền số liệu về Sở TNMT Hà Tĩnh. Ngoài trạm quan trắc tự động của Formosa, ở thời điểm hiện tại không có trạm quan trắc nào của Bộ TNMT ở Khu công nghiệp Vũng Áng”.
Như vậy có thể hiểu ngay một vấn đề: Sau khi cấp giấy phép cho Formosa xả thải, người ký là Thứ trưởng Lai đã nghỉ hưu thì Bộ TNMT đã buông lỏng, không có ai giám sát xem việc quan trắc được thực hiện thế nào, cũng không ai kiểm tra cho đến khi cá chết nổi trắng biển miền Trung vì chính đường ống được Bộ TNMT cấp phép.
H1Giấy phép cho phép Formosa xả thải vào nguồn nước. Ảnh: T.L 
Có dấu hiệu vi phạm Luật Tài nguyên nước
Xung quanh giấy phép cho phép Formosa xả thải do Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai ký ngày 11.12.2015 thì giấy phép này đã vi phạm Điều 20 Nghị định 201/2013 NĐ-CP do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 27.11.2013 là đã “không lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan”.
Cụ thể, Điều 20: Điều kiện cấp phép ghi rõ: “Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tài nguyên nước phải đáp ứng các điều kiện sau đây: 1. Đã thực hiện việc thông báo, lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của Nghị định này; 2. Có đề án, báo cáo phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước đã được phê duyệt hoặc phù hợp với khả năng nguồn nước, khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước nếu chưa có quy hoạch tài nguyên nước. Đề án, báo cáo phải do tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường lập; thông tin, số liệu sử dụng để lập đề án, báo cáo phải bảo đảm đầy đủ, rõ ràng, chính xác và trung thực…
Điều 2 Nghị định 201/2013 NĐ-CP và Điều 6 Luật Tài nguyên nước có quy định rất rõ: Công trình xả nước thải vào nguồn nước có lưu lượng từ 10.000m3/ngày đêm trở lên buộc phải lấy ý kiến đại diện cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước có ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của nhân dân trên địa bàn.
Khi cấp phép cho Formosa, cả UBND tỉnh Hà Tĩnh lẫn Bộ TNMT đã “quên mất người dân” và không người dân hay đại diện dân cư nào được hỏi ý kiến xung quanh câu chuyện xả thải ra môi trường của dự án Formosa ngay cả khi cuộc sống của họ đã bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng như hiện nay.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: