4 giai đoạn lịch sử dưới ngòi bút của Nhà văn Dương Nghiễm Mậu
Thư Quán Bản Thảo sưu tầmTrước 1975, Dương Nghiễm Mậu là một tên tuổi rất quen thuộc trên văn đàn miền Nam thời chiến. Văn chương của ông gắn liền với vận nước nổi trôi.Sau đây là 4 bài văn xuất hiện ở bốn thời điểm khác nhau. Mỗi thời điểm mang một biến cố lịch sử khó quên: Bài một:Thời kháng chiến chống Pháp. lúc DNM còn trẻ Bài hai viết về biến cố năm Mậu Thân (1968) Bài ba giải thích về lý do ông không chịu di tản… Bài bốn được viết vào năm 1994 MỘT
(thời kháng chiến chống Pháp)
GÀO THÉT(trích)…Vì sự xa cách đã quá lâu của chàng với gia đình, nhưng hình ảnh một người nằm chết cong queo với con mã tấu nơi ngực thì chừng như rất rõ ràng, rất bi thảm, một hình ảnh như nằm kề ngay bên, nhắm mắt lại chàng vẫn thấy hiện ra. Bao nhiêu người đã chết như thế. Chàng không thể biết nhưng chắc chắn rất nhiều, những người cha, những người mẹ và cùng lúc những kẻ chết nằm ngoài bãi không ai nhận, không ai chôn cất … Bao nhiêu trẻ con bà già chết oan trong lằn đạn vô tình tàn ác… Đó là thực tế mà nay hiện rõ trong óc và chung quanh Thạch. Hiền nói: – Ở quê bây giờ như trạch bỏ giỏ cua chẳng biết chạy đi đâu. Chết lúc nào không biết. Vua Bảo Đại đã về rồi nhưng không biết rồi ra sao? Có điều dân quê chỉ biết làm mà ăn, không biết làm gì hơn, ai muốn làm sao thì làm, họ chỉ chịu đựng. Riêng em, em phải lánh đi, ở nhà không thể được. Hiền muốn nói cho em tất cả những lo âu của mình, nhưng Hiền cũng muốn có em ở bên. Không phải chàng muốn em khổ, mà muốn có người để san sẻ những lo âu của mình. Ngay lúc đó Hiền lại muốn Thạch không phải khổ như mình, muốn Thạch sung sướng. Hiền nói: – Chú Hoành cũng đã ra tỉnh, em biết không? – Nghe bác nói, nhưng em chưa gặp. – Mai em phải đi, không thể ở nhà được. Thạch im. Mẹ và chị Hiền đã vào nhà, bóng hai người đi lui cui trong bóng tối. Thạch nói: – Liệu bọn du kích còn trở lại. – Bây giờ một thì bọn nó qua sông, hoặc đã xuống hầm rồi, lo là lo sớm mai Tây nó về lục soát, lại mất ít gà, lợn, hoặc bò, sớm mai anh sẽ đi với em lên huyện. Hiền đứng lên: – Thôi mình vào nhà, sương nhiều thế này dễ ốm lắm. Em thấy đó, đêm người dân cũng không được yên nữa huống chi là ban ngày. Và như thế làm sao để yên tâm làm ăn, ruộng vườn bỏ bê và đói. Nhà mình còn ít ruộng đó mà cày được cho có ăn đâu phải dễ gì, mà bán thì ai có tiền để mua. Trở vào ngang sân, đưa mắt vào trong nhà bỗng Thạch chú ý tới một vật gì đen ở trên nền đất, chàng đi vào và nhặt lên tay một khẩu súng lục nhỏ, Hiền ngạc nhiên: – Súng ở đâu đó, em có súng sao? Thạch giữ khẩu súng trên tay: – Lúc nãy có một cặp trai gái vào đây. Nếu không nhầm, qua lời họ nói, anh đàn ông là một du kích, còn ả đàn bà là vợ một anh chàng đi lính Ba-ti-giăng đóng ở ngoài quận… – Chết cha, thật sao. – Họ kéo nhau vào ân ái ở đây, lúc có hai người vào nhà họ im lặng và ẩn, trong khi vội vàng tên kia đã bỏ quên khẩu súng. – Thế thì hắn sắp trở lại, nếu không mai cũng trở lại. Em nên bỏ vào đó, nếu mai họ mới lại thì sớm mình hãy cất… Anh biết là của ai rồi, không ngờ chuyện đó có thực. – Ai vậy? – Thằng Trạch và vợ thằng Tích ở cùng xóm. Không ngờ con nhỏ đó lại đến thế. Như thế chưa biết nó giết thằng chồng lúc nào. Chồng nó đâu đến nỗi. Hiền và Thạch bước lên hiên nhà. Tiếng chị Hiền nói từ trong nhà ra: – Cháy ở đâu vậy mình? Em sợ cháy dưới phía nhà bác Lĩnh quá. Tiếng của chị Hiền run vẻ xúc động. Cháy dưới nhà bác Lĩnh, trong trí óc chất phác của chị Hiền hiện ra hình ảnh một căn nhà đổ nát. Gia đình bác Lĩnh vắng mặt. Đã chạy đâu? Hay đã chết? Tình nghĩa với một gia đình mà chị đã mang ơn trong thời gian tản cư khiến chị lo ăn không được. Anh Hiền trả lời: – Không rõ lắm, nhưng có lẽ không phải nhà bác Lĩnh, vì nhà bác Lĩnh ở về phía sau cây đa, mà vừa xong anh nhìn thấy đám cháy ở mãi phía đầu chùa tay phải. Tiếng đứa nhỏ khóc, chị Hiền vỗ về và ru. Mẹ Thạch nói run run: – Đó, con thấy chưa, ở quê nào có yên gì, mẹ muốn con ở nhà cũng không được… Có đêm nào được ngủ yên đâu. Sống chết như trứng để đầu ngọn tre… Một hôm nào đại bác rơi vào nhà này chẳng hạn. Nói dại dột nếu vậy… – Sao mẹ lại nghĩ thế? – Thì có bao nhiêu chuyện đâu mình có thể nghĩ mà vẫn đến, nào loạn, nào giặc nào chuyện cha các con. Chừng như bà mẹ lại bắt đầu khóc. Anh Hiền đã ngồi lên bộ ngựa đang xoa hai chân vào nhau cho đất bột rụng xuống. -. Mẹ nghĩ quẩn làm gì, có số cả. Chẳng lẽ trời bắt người ta chết hết sao, mà chết hết thì trời ở với ai. Anh Hiền nằm xuống mệt mỏi. Thạch cũng leo lên và nằm xuống bên: – Em có thấy sợ không. Chỉ có cách nhau vài chục cây số mà đã thế đó, rồi ở đây qua một dòng sông lại khác nữa… – Em có mấy đứa bạn nó rủ ra khu. Em hỏi: ra khu làm gì. Chúng bảo đi tranh đấu. Như vậy là thế nào. Tranh đấu cho ai. Em bảo không biết gì hết. Bọn nó la: đồ nô lệ chỉ muốn ăn cứt Tây. Em nghĩ tức mình quá. Sao đơn giản như vậy. Ra xem để rồi trở về làm du kích như họ đó sao. Mà nào phải mình theo Tây gì. – Nếu em ở đây, em rõ dân chẳng phải không đánh Tây, không đuổi giặc, nhưng họ cần sống, họ lại thấy Việt Minh cũng chẳng thương dân gì. Những gì xưa kia có, họ cũng lặp lại như thế, chỉ khác người. Bây giờ đêm du kích về cũng bắt gà, bắt lợn, lấy tiền, thu thóc cũng đánh đập, bắt bớ phần nhiều vì tư thù, xem ra còn ác hơn cả Tây cả Nhật. Và Tây cũng diễn trò ấy. Thằng dân è cổ ra chịu mọi nhục hình, cắn răng nuốt hận, hé miệng ra có khi toi mạng. Cũng tại dân chẳng theo ai. Nhiều lúc anh nghĩ, hay dân ta quen nô lệ rồi. Chẳng lẽ… có điều, nắm được địa vị, quyền lực ai cũng thành bần, thành ác… Thôi ngủ đi, mai em nên đi sớm… Ở nhà cũng chẳng ích gì. Anh Hiền trở mình nằm ngoảnh mặt vào phía trong. Thạch cũng xoay nghiêng ra phía ngoài. Đêm tối bít bùng lặng lẽ. Một không khí bít bùng che giấu những cơn sóng ngầm vận chuyển trong cuộc sống. Trong cả vùng Đoài giờ này chắc mọi người vẫn chưa nhắm mắt, hoặc có chăng cũng chỉ thiếp đi vì mệt nhọc. Nằm đây nghe ngóng, bóng tối vây lấy, như cuộc sống, chàng mới thấu hiểu những đe dọa mà người dân phải chịu đựng, nhất nữa chừng như những đe dọa đến ngay với chính đời sống bản thân và người ruột thịt của chàng. Trong mỗi gia đình đều đã có những người chết, những người chết ở mọi nơi, trong nhiều năm. Mỗi giờ phút đang, hay sắp tới bất cứ ai, một lúc nào đó nhắm mắt chết đi, hoặc mỏi mắt giẫy giụa với cái chết… những gì được học, được nghe nơi nhà trường đã hoàn toàn trái với những gì chàng phải chứng kiến, phải sống trong thực tế. Luật pháp, nhân phẩm, tự do… tất cả những gì chàng đã suy nghĩ đó đều vô lý trước chiến tranh, không cần luật pháp sinh mạng người ta được xét xử một cách mau chóng tàn nhẫn, có chăng nhân phẩm của những người có sức mạnh, đơn giản hơn, của người có một mẩu khí giới cầm tay, con dao nhọn, hay khẩu súng. Chính nghĩa thắng, bao giờ chính nghĩa cũng thắng, những bậc thầy khả kính của Thạch đã nhắc đến nó từ bao lâu nay, nhắc đi nhắc lại… nhưng sao người Việt, với chính nghĩa là đời sống, là dân tộc mình, mà vẫn phải thua dưới sức tấn công xâm lăng của Pháp, của Tàu, những người không có chính nghĩa… cũng như chiến tranh hiện đại, dân chúng có muốn đâu vẫn bị xô đẩy vào các cuộc tàn sát bi đát thảm khốc không sao thoát ra được. Căn nhà này, xóm làng này, từ bao nhiêu năm trước chàng vẫn hình dung ra một nơi êm đẹp, bình yên cho chàng có thể nương náu, nhờ cậy… như những kỷ niệm trong những mùa hạ đã trải qua, bây giờ… thiên đường đó đã bị tàn phá, tan hoang, và như thế tất cả những gì đã có trong quá khứ sẽ chẳng bao giờ còn trở lại nữa, như những căn nhà chung quanh đã cháy, đã đổ nát, như cha chàng đã chết. Chiến tranh vẫn chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt… Rất lâu trong đêm Thạch mới ngủ được. Đoài là một làng nằm trong vùng ngay bên hữu ngạn sông Đáy, ngay bên đường quốc lộ chính Sơn Tây, Hà Nội, và cùng với con đường dọc theo xuống mãi Thanh Quang, Ngã ba Thá… * Làng Đoài nằm sát ngay bên bờ đê, con đê được coi như vòng đai phân ranh giữa hai vùng chiếm đóng của Việt Minh và Pháp. Đồn chính của vùng đóng ngay nơi chợ Đại Phùng, và dọc theo bờ đê nhiều đồn bót nhỏ tại Quế Lương, Yên Sở… Có thể thấy ở vùng đất đai đặc biệt đó một đời sống điển hình, những điển hình đau khổ, tranh chấp bi đát của cuộc sống dân quê. Trong khi đó chiến tranh vây phủ trên khắp đất nước với sự có mặt của quân đội Pháp bên một chính quyền bù nhìn của Bảo Đại. Đứng về phía Pháp để chiến đấu tự nhận là có chánh nghĩa được sao? Đứng về Việt Minh, nhưng Việt Minh là Cộng Sản… chắc chắn sẽ lựa chọn đứng về phía Việt Minh dù không phải là Cộng Sản… Nhưng tại sao không có một lựa chọn cho một con đường thứ ba…? Điều này Thạch không thể tìm kiếm vì Thạch là thanh niên còn ở tuổi hành động, ở tuổi những cảm tính còn mạnh. Đó là thực tế chua xót nhất. Qua một đêm ngủ chập chờn những đe dọa không yên, Thạch thức dậy, không khí im lặng và êm mát, không khí mà đã bao lâu nay chàng không được biết đến, được sống và thở với nó. Tại sao lại có chiến tranh, Thạch vẫn tự hỏi một cách vô lý như thế, hỏi để không trả lời. Mà dù có trả lời cũng không thể dứt khoát được. Còn biết làm sao? (trích Gào Thét của Dương Nghiễm Mậu, Văn Uyển xb 1968, từ trang 52-58) (*) bản chụp không rõ mấy chữ cuối của câu này.
HAI
|
Ba
(tháng 4-1975, khi miền Nam bị hấp hối)
Bài thứ ba được sưu tập từ tạp chí THỜI TẬP số 23 THÁNG 4-1975, giai thích về lý do ông không chịu di tản…
DƯƠNG NGHIỄM MẬU
MỘT LỜI
1- Ngày lên đường ra đi, nơi phi trường, trước khi lên máy bay, người bạn tiễn chân nét mặt ưu tư cho tôi biết: giặc đã vào Ban Mê Thuột, trận đánh còn ở đó … lòng dạ không yên, những tin tức trên màn ảnh nhỏ, trên mặt báo nơi nước ngoài càng làm cho tôi lo âu hơn. Kontum, Pleiku … những nơi tôi đã từng sống.
Lòng cồn cào nghĩ về quê hương, nơi những người thân yêu đang sống. Đoàn người lên đường với khoảng tới trên 200 cây số … tôi lo âu nghĩ, rồi mình có dịp trở về để chết nữa không? Chín ngày đi, đáng lẽ là một chuyến đi đáng ghi nhớ, thì cuối cùng với tôi là những ngày buồn. Ngày trở về, tôi không ngồi yên được, chỉ mong sao đặt chân trở về quê nhà. Lúc phi cơ đáp xuống Tân Sơn Nhất, đặt chân xuống mặt đất tôi chảy nước mắt với bao nôn nao. Ôm lấy con thơ vào lòng, giữ lấy tay vợ, tôi tưởng như mình vừa trải qua một biến động. Tôi thấu hiểu rằng, chẳng bao giờ tôi muốn rời xa quê hương mình, gia đình mình. Nơi đây tôi đã chọn lựa và tôi sẽ chẳng thể đi đâu.
Những bản tin, những trang báo mỗi ngày, mỗi giờ cho tôi thấy những bi thảm và những hào hùng. Hàng trăm ngàn người với đôi bàn tay trắng đã lên đường trong một ý thức chọn lựa. Ở đây, dù xấu xa bẩn thỉu, nhưng nó vẫn còn hơn phải sống dưới chế dộ Cộng Sản. Những bước chân đi tới phía đông, băng rừng, vượt núi, cái chết khít khao đã nói lên khẳng định đó. Nhưng vì đâu mà phải sống trong cơ sự này? lỗi vì ai? ai phải chịu trách nhiệm?
Không phải chỉ có Phước Long, Ban Mê Thuột, Pleiku, Kontum mà bây giờ còn cả Quảng Ngãi, Quảng Tín, Trị Thiên, Bình Long… Người anh từ Huế vào, người còn ngẩn ngơ. Người chị bàng hoàng nói tới đoạn đường vượt Hải Vân vào Đà Nẵng… Những chiếc xe như súc vật, những xác nguời nằm như lá khô, pháo kích không ngừng, những bà mẹ, đứa bé bò trên mặt đường và chiếc bình sữa… Trong cồn cào của thời sự, những sự việc làm tôi chóng mặt. Tôi tự hỏi: có phải đã tới lúc mà mình phải cầm lấy mũi nhọn, phải, chỉ có thế trong chọn lựa một khi cơn lốc đến. Tôi không thể có một chọn lựa đầu hàng để sống như trâu chó. Tôi chỉ thương hai tấm con thơ… Có thể một cơ sự như thế sẽ đến không?
2- Phải làm gì bây giờ? một người hỏi tôi thế, rồi hai người hỏi tôi thế. Bây giờ không phải là để hỏi như thế. Câu hỏi là: từ trước tới nay anh đã làm những gì? Anh có trách nhiệm gì với hiện tại này không?
Với riêng tôi, nhìn lại quá khứ từ 15 năm trở lại đây tôi có thể hài lòng để nghĩ rằng mình đã làm hết, đóng góp hết những gì có thể làm, có thể đóng góp. Lập trường dứt khoát của tôi đã hơn một lần được xác định trên những giòng chữ viết. Ở đó bao hàm một phấn đấu không cùng.
Nhập ngũ, rồi lên đường tới những vùng trận địa, nay nơi này, mai nơi khác kéo dài trong nhiều năm, nhận trách nhiệm.
Tôi đã lên tiếng về những gì tôi thấy, tôi nghe, tôi nghĩ, ở đó là cuộc chiến đấu của những chiến sĩ, là tiếng kêu thất thanh của người dân trong lửa đỏ, là cảnh điêu tàn của quê hương. Hơn ai hết, tôi mong ước một hòa bình trở lại. Bao nhiêu người khác cũng đã làm thế, hoặc hơn thế. Với thực tại này, khi truy nguyên tìm câu trả lời về trách nhiệm, nó không thuộc về tôi nữa. Và hiển nhiên, con đường lựa chọn, tôi tiếp tục. Phải làm gì bây giờ, câu hỏi ấy không còn ý nghĩa với tôi. Và tôi trả câu hỏi lại cho người khác, cho những người khác.
3- Văn chương có thể làm được gì trong tình thế này? Hãy gạt câu hỏi sang một bên. Hãy tưởng tượng tới một cảnh, người cầm bút ra nơi tuyến đầu, bên kia là giặc với những họng súng, rồi ở đó, người cầm bút lên tiếng: hỡi quân giặc, hãy đầu hàng và bỏ súng xuống … Với tiếng hô thật lớn, liệu giặc kia có đầu hàng, bỏ súng xuống hay cút đi không? Hay nói chưa hết câu, người cầm bút đã bị bắn gục? hoặc bằng một cách khác, những thơ truyện được đưa tới mặt trận… Đặt người cầm bút và văn chương vào một cảnh huống như thế là một sai lầm quá lớn. Đặt vấn đề như thế tức là phủ nhận văn chương và sức mạnh của nó. Bắn gục giặc cướp, bắt giặc đầu hàng, đuổi giặc đi xa, đó việc của những chiến sĩ nơi tuyến đầu. Nó không phải việc của người cầm bút, của văn chương. Mà văn chương thiết lập sức mạnh, cho những chiến sĩ, không phải trong một lúc, trong một giờ. Và như thế câu hỏi được đặt ngược trở lại: trong quá khứ, người cầm bút cũng như văn chương của ta đã làm được gì?
4- Cha tôi nói: hồi này thầy không ngủ được. Tôi không biết nói sao. Nhìn lại, trên 60 tuổi, bao nhiêu thăng trầm, những bôn trải từ 1945, để rồi năm 1954 ra đi với bao nhiêu ngậm ngùi. Lên đường, cha tôi vẫn nghĩ tới ngày trở lại, một hai năm nữa. Nhưng rồi không phải là một hai năm, hôm nay đã qua hai mươi năm, đứa em ngày lên đường mới 20 ngày hôm nay đã đến tuổi nhập ngũ… Rồi giặc nó vào tận đây sao? Tôi hiểu những gì cha tôi đang nghĩ, cũng như bao nhiêu người khác đã từng lựa chọn và tin tưởng. Ba mươi năm một cuộc chiến chưa ngừng lại và những tan nát còn không ngừng đổ tới… Năm 1954 gần một triệu người đã ra đi, bây giờ lại thêm một triệu người khác lên tiếng bằng chọn lựa. Có những người trong hai mươi năm đã phải phấn đấu để lập lại đời sống của mình không biết bao nhiêu lần. Tôi chưa thấy có một dân tộc nào lại phải sống trong kinh hoàng như thế. Dù phải chịu đựng, nhưng tất cả một đời sống lúc nào cũng là một phấn đấu. Có dân tộc nào bền bỉ và dũng mãnh như thế. Vậy thì tại sao cả khối dân tộc ta phải sống trong nhục nhằn, đau khổ chừng ấy. Bằng một cách nói tiêu cực: vận nước ta như thế sao? Hay nói với bằng chứng của lịch sử: chúng ta phải trả cái nợ máu của cha ông ta?
Có người đến hỏi tôi: có đi ra ngoại quốc không? Tôi đã trả lời dứt khoát: Tôi sống và chết tại nơi này. Người ấy hỏi: anh chấp nhận sống chung với người Cộng Sản? Tôi nói: tôi không phải là một con chó để nay sống với chủ này, mai sống với chủ khác chỉ vì miếng xương chúng liệng ra. Tôi tin tưởng con đường tôi đi. Có một nơi là lẽ phải và ánh sáng. Có một nơi là lẽ trái và bóng tối. Có trắng và đen không thể nhập nhằng được. Nếu tôi có chết chăng nữa, điều ấy tôi không ân hận. Lịch sử đã chứng minh rằng: nhiều khi cái chết là một điều tốt hơn là sống. Chết đi cho người khác sống, cho lẽ phải và sự thực sống chết như thế cần thiết. Tôi bình tĩnh với quyết tâm đó.
Này những tên bất lương, hãy vơ vét, hãy chạy đi cho mau tiếp tục sống làm đầy tớ cho những tên chủ, và hãy đừng bao giờ ngửng mặt lên, hãy quên đi, đừng bao giờ nhắc đến hai tiếng Việt Nam.
5- Người phi công nói: chuyến bay đã không còn chỗ, nhưng người mẹ đã cố gắng đẩy đứa con lên, rồi người mẹ đứng lại, một tay đưa lên vẫy. Chiếc trực thăng bay lên và tôi nhìn thấy người mẹ quì xuống như cầu nguyện. Đẩy đứa con lên, tôi không quên được hình ảnh ấy. Có một nơi được gọi là hy vọng và cõi sống. Và một nơi là cõi chết. Có phải người mẹ kia đã muốn gửi đi đứa con trong hy vọng không? Khi trở lại, chúng tôi không còn thấy người mẹ đâu nữa. Dù sao tôi cũng còn hy vọng và cầu nguyện cho đứa trẻ kia gặp lại người mẹ thân yêu…
Sống tự do hay là chết. Điều đó được viết bằng xương và máu. Tôi mong ước mọi người cùng tôi góp lời cầu nguyện: cho chúng ta được sống làm người và thoát qua cơn thử thách này. Tương lai tùy nơi chúng ta với niềm tin đã có.#
(Tạp Chí THỜI TẬP 23 THÁNG 4-1975)
Bốn (Sau 1975)
Bài thứ bốn là 2 đoạn ngắn trong một truyện vừa gồm 22 đọan nhan đề “Về Nhà” được viết sau 1975 giữa lúc chúng ta nghĩ là sẽ vĩnh viễn không bao giờ được đọc văn ông nữa.
Bài này được trích từ tập truyện ” Lênh đênh qua Cửa Thần Phù” do Văn Mới xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2009.
Liên lạc nhà xuất bản: P.O Box 287 Gardena, CA 90248
DƯƠNG NGHIỄM MẬU
VỀ NHÀ
17.Con đường đưa lên cổng trại đã hiện ra trước mắt. Người trẻ nhìn người tóc bạc. Người tóc bạc mỉm cười vẻ cam chịu. Một toán người đang từ con đường nhỏ đi lên. Một bà già, một cô gái, hai thanh niên thấp nhỏ, rớt lại phía sau một bé trai gầy ốm, bụng ỏng, da vàng, khuôn mặt già khô, kẻ mang người vác, hẳn đây là những cư dân trong vùng. Người đàn ông tóc bạc lên tiếng hỏi:
– Cụ ơi, chỉ giúp cho cháu đường ra bến sông…
Bà cụ đứng lại lặng im một lúc rồi mới trả lời như cố gắng để hiểu những âm thanh nghe được :
– Đi theo tôi…
Toán người đi trước, hai người đàn ông lặng lẽ theo
sau. Không một lời trao đổi. Tới chỗ ngã ba, bà cụ già ngừng lại chỉ tay về phía trước:
– Đi thẳng đây tới bến sông.
– Cám ơn cụ.
Chưa kịp nghe hết lời cám ơn bà cụ và toán người đã rẽ vào con đường nhỏ phía tay trái, đằng xa, thấp thoáng sau những ngọn cây mấy mái nhà nhỏ. Người trẻ tuổi thốt thành lời: – Về nhà.
Người tóc bạc nhìn sang người bạn đồng hành:
– Về nhà?
– Tôi nói về toán người chúng ta vừa gặp. Họ trở về nhà với con đường quen thuộc. Tôi với anh cùng tìm đường trở về nhưng sự trở về của anh khác với chuyến trở về của tôi: những gì đang đợi?
Tiếng thở dài nghe lạnh buốt. Hai người cất bước mà trước mặt là một con đường thẳng. Người tóc bạc quay lại nhìn quãng đường phía sau:
– Từ đây đi ngược lên là trở lại trại 7. Nếu biết trước mình đi ngay từ đầu có khi đã tới bến sông. Cái cổng trại xa hút thế kia…
Người trẻ như nghe thấy tiếng ai nói trong đầu: đã ra khỏi cổng thì đừng nhìn lại nếu không muốn trở lại đó. Đi và không nhìn lại. Người thanh niên với những bước đi dài hơn, nhanh hơn…
18.
Từ đâu? Câu chuyện bắt đầu từ đâu? Tại sao lại như thế? Tại sao hàng triệu người nối nhau bước chân vào những nơi giam hãm? Tội gì? Mình có tội ư? Tiếng kẻng khua. Những củ sắn. Những đêm tối. Những ngày nắng lửa. Những đêm lạnh cóng run rẩy. Phảng phất những mảng nhỏ sáng tối nhòe nhoẹt. Những vạt màu chàm. Màu trắng nhoa nhuếch. Tiếng giọt nước rơi chậm đều trên tấm tôn han rỉ. Những chuyển đổi không ngừng. Đây là đâu? Vẫn là đất quê hương mình đó chứ? Không lẽ? Không nhìn để khỏi trở lại nơi ấy. Những người nơi khác cũng giống như thế? Những nơi khác. Những tên gọi khác. Trở về. Chuyến đi ngày nào còn ghi khắc…
Tiếng bước chân, tiếng mở khóa, tiếng cửa sắt kêu nghiến, tiếng xích sắt va đập vào nhau. Không khí khô đặc lặng câm. Từng bóng người rời khỏi những khuôn cửa sắt. Từng bước chân thoát nhanh khỏi những hành lang mờ tối. Nền xi măng cứng nham nhở. Những nét mặt như tượng đá. Hình như không có một cử động nào. Hình như hơi thở cũng được giữ lại…
Khoảng sân rộng, ánh sáng ngọn đèn vàng nhòe nhoẹt làm cho những khuôn mặt như giống nhau với chiều ánh sáng, chẳng thể phân biệt ai già, ai trẻ, ai trắng ai đen. Tất cả chỉ có một màu và những độ đậm nhạt khác nhau của ánh sáng…
Một giọng nói khô lạnh cất lên:
– Nguyễn Văn K … Nguyễn Văn X… ra ngoài, mang theo đồ…
Câu nói như ngắn lại. Đám đông lặng câm như bắt đầu cựa quậy. Vài bóng người di chuyển, ít tiếng nói không rõ, rì rào những âm thanh côn trùng. Không nghe thấy một lời trao đổi. Mấy bóng người di chuyển chậm chạp với bị cói trên tay…Tiếng cửa sắt rú buốt, tiếng xích sắt va đập, tiếng khóa…Những bước chân xa dần rồi mất hút. Những con mắt nào nhìn ra cửa theo những gót chân khuất ngoài hành lang. Ở xa, nơi cuối dãy nhà là khoảng sân xi măng. Bao nhiêu mắt đã nhìn và cố gắng ghi nhớ: mấy bóng người đã đi qua, ngoài những K. những X. là những ai đó đã từng gặp chưa hay chưa bao giờ gặp? Một giọng nói rõ, tỉnh táo: Chuyển trại, sắp thêm đợt mới.
Những tiếng động vang lên trên những hành lang trong khoảng thời gian ngắn rồi lặng im trở lại. Nghe như có tìếng một cành khô rơi gãy trên một mái tôn nào. Tất cả như khóa chặt, như vùi sâu, như hàn kín…
Trong khoảng sân xi măng từng người một lặng lẽ tập trung người trước người sau lần lượt xếp thành hàng. Đêm và những ngọn đèn vàng từ trên cao chiếu xuống. Trên mái nhà, trên những ban công những bóng đen với súng chĩa xuổng. Tiếng ho vang lên từ một người tượng nào?
– Nguyễn Văn K.
– Có mặt.
– Tên cha tên mẹ?
– Nguyễn Văn Q. Trần Thị L.
– Lê Văn Đ.
– Có mặt. Cha vô danh. Mẹ Nguyễn Thị B.
– Đặng Đình H.
– Có mặt. Cha vô danh, mẹ vô danh…
Tiếng gọi tên khô lạnh. Những giọng nói khác nhau. Có nhiều Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Văn Tư… Thêm tên cha mẹ như một xác minh. Người ta phát hiện ra trong đám có cả trường hợp hai anh em ruột cùng đang ở đây. Có những người cha vô danh và những bà mẹ vô danh…
Khoảng sân đặc kín người. Có mấy tiếng ho. Có tiếng động như một cái lon sắt rơi xuống mặt sân cứng. Những người mặc đồng phục vây quanh không nghe một tiếng người.
Người đứng trên cao gọi tên với cuốn sổ cầm tay sau cùng đi xuống chỉ tay đếm từng hàng người, rồi những chiếc còng được mang tới, hai người chung một còng. Tiếng sắt, tiếng khóa liên tiếp vang lên. Người cầm cuốn sổ trở lại chỗ cũ, trong yên lặng tiếng nói vang lên rõ từng tiếng:
– Có ai hỏi gì không?
– Thưa cán bộ…
Một giọng nói yếu và hiền vang lên từ phía góc sân. Có một vài cái đầu động đậy như muốn nhìn về phía tiếng nói:
– Cái gì?
Im lặng một lúc, một cơn ho từ đâu đó.
– Tôi chưa có còng.
Người cầm cuốn sổ đi xuống, mấy người mặc đồng phục chụm đầu vào nhau. Trong đám người nghe như có tiếng cười ở chỗ nào đó.
– Yên lặng. Trật tự.
Tôi chưa có còng. Tôi không có còng. Tôi mất còng. Mọi người đều có còng sao mình lại không có còng. Lẻ loi quá, không có tình bầy đàn. Tôi không có còng, tôi không ở trong đám đông này, tôi bị gạt ra, loại ra khỏi đám đông này. Tôi phải có còng. Tôi ở trong đám đông này. Tiềm thức hoang dã bầy đàn? Tôi chưa có còng? Sao thế. Bao nhiêu nhà máy sản xuất súng đạn, bom mìn, xích còng đã được xây dựng? Phải xây thêm bao nhiêu nữa, sản xuất thêm bao nhiêu nữa cho ai cũng có còng? Chưa hay là không nhận ra một cái còng hay nhiều còng đã được đeo lên người, từ chân tới tay, từ đầu tới cổ. Bao nhiêu cái ách đã khoác lên vai như những con trâu con bò đang phải bước đi trên đường bùn lầy lội với cái cày nặng kéo theo. Tôi chưa có còng. Và khi nào: Chúng tôi chưa có còng? Cho tới lúc ai cũng có một cái còng, khi đó còng để làm gì? Một vật trang sức?
Lần lượt từng hai người chung nhau một cái còng kẻ tay trái, người tay phải bước lên xe. Thế là hai con người bổng trở thành cai tù của nhau. Một thằng muốn bỏ chạy ư . Làm sao chạy, cả hai cùng lòng chạy, nhưng kẻ cao người thấp, kẻ chân ngắn, người chân dài? Đâu phải chỉ những cái còng không bao giờ bị rỉ sét? Còn bao nhiêu sợi dây thừng, bao nhiêu sợi dây điện không hư được dùng để trói kẻ này với kẻ khác, thành một dây, thành một chùm.
Từng hai người một chung một còng bước lên rồi cùng ngồi xuống, sát bên nhau. Tất cả lặng lẽ, trật tự. Những cánh cửa sắt trên xe đóng lại. Sát cửa, hai người đồng phục súng cầm tay ngồi ngoài cùng với đôi mắt như không động đậy và da mặt khô cứng. Tấm bạt nhựa kéo lên phủ kín. Kẻ không có còng lặng lẽ và chậm một mình bước lên xe sau chót. Tiếng còi ré lên, đoàn xe nổ máy rời khu trại lao vào đêm tối…
(Gia Định năm 1994)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét