Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2016

'Sống mòn' trong vòng vây... Núi Pháo


Trí Lâm
MTG - Đó là tình trạng của hàng trăm hộ dân xã Hà Thượng (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) khi sống sát đại công trường khai khoáng đa kim Núi Pháo với sự ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhiều năm qua, người dân bị bệnh tật, ruộng đồng bỏ hoang, chăn nuôi kiệt quệ và có nguy cơ tái nghèo.

Ô nhiễm toàn diện

Tại trụ sở UBND xã Hà Thượng có một tấm biển rất lạ, ghi rõ: “Người dân khiếu kiện về dự án Núi Pháo mời sang phòng…”. Điều lạ này cho thấy sự bức xúc, lượng đơn từ, kiến nghị của người dân đối với dự án Núi Pháo là vấn đề nan giải trong nhiều năm qua.

Nguyên nhân nhanh chóng được xác định khi phóng viên báo điện tử Một Thế Giới tìm về các xóm dân 3, 4, 6 nằm ngay sát nách công trường Núi Pháo. Nổi cộm nhất tại đây là tình trạng ô nhiễm môi trường và bất đồng trong công tác đền bù, di dời một số hộ dân. Cũng vì lý do ấy, nhiều năm nay người dân Hà Thượng miệt mài kêu cứu khắp nơi.

Ông Phan Văn Sơn ở xóm 3 cho biết nước thải nhà máy xả ròng ròng, đen kịt, hóa chất bốc mùi hôi thối khủng khiếp, kết quả kiểm tra cho thấy hàm lượng xyanua và nhiều chất độc khác vượt 20 lần mức cho phép. Nguồn nước vì thế bị ô nhiễm nặng, hàng loạt giếng khơi tại đây đều đã cạn kiệt, người dân cũng không dám sử dụng nước giếng khoan.

Hằng ngày bà con phải mua nước ở chỗ khác với giá 15.000/bình 20 lít để sinh hoạt, rất tốn kém. Mặt khác, khi người dân xóm 3 bị cạn kiệt nước thì dân xóm 6 trên đập bị Công ty Núi Pháo chặn dòng, khiến nước giếng dâng cao gần miệng giếng, bốc mùi hôi.

Bà Nguyễn Thị Tượng, trưởng xóm 4 bổ sung, cứ mỗi lần họ xả thải nồng nặc, người dân lại yêu cầu lập biên bản, đến nay xấp biên bản lên tới hàng trăm tờ. Ngoài mùi hóa chất, không khí tại đây cũng bị ô nhiễm nặng bởi khói bụi. Sát với khu nghiền quặng Núi Pháo là dân cư sinh sống, bụi mù mịt. Xe chở vật liệu, hóa chất hạng nặng chạy liên tục cả ngày, lại không tưới đường khiến bụi thốc vào nhà dân, dù cửa đóng kín mít.

Một số người cao tuổi cho hay đêm đến họ thường phải nhúng ướt khăn, đắp lên mặt cho bớt rát, bớt mùi hóa chất mới có thể ngủ được.

Cuộc trò chuyện của phóng viên với người dân bỗng dưng bị gián đoạn bởi tiếng nổ mìn rất to tại Núi Pháo, khiến nhà cửa rung lên bần bật. Chỉ vào những chỗ tường nứt, bà con cho biết tình trạng này diễn ra thường xuyên nhiều năm nay nhưng vẫn không thể nào quen được, cứ nghe tiếng nổ là giật bắn người.

Hậu quả của sự ô nhiễm là hàng loạt người dân bị bệnh, chủ yếu là các căn bệnh về hô hấp, dạ dày, mắt… Đưa cho phóng viên xem cả chồng hồ sơ bệnh án, bà Nguyễn Thị Dung bảo chỉ một góc xóm 3 đã có hơn 30 người mắc bệnh. Nếu tính cả xóm, cả xã thì con số không biết khủng khiếp thế nào? Tình trạng bệnh chỉ mới tăng đột biến trong khoảng vài năm trở lại đây.

Khảo sát thêm nhiều gia đình, thậm chí cả những gia đình ở xa tới cây số, nhiều ý kiến của bà con phản ánh họ bị mẩn ngứa khắp người, chân tay đầy mụn. Nhiều gia đình có con em học xa, cứ về nhà là bị bệnh khiến không ít cháu đâm sợ về quê thăm nhà.

“Mấy hôm nay họ tích cực dọn dẹp cả đêm, hạn chế xả thải do biết có đoàn thanh tra sắp về. Các đống hóa chất từng đổ trước mặt chúng tôi đây cũng đã được vận chuyển đi, chứ ngày bình thường thì không thể chịu nổi” – bà Dung nói.

Dân đang tái nghèo

Cũng bởi tình trạng ô nhiễm, đời sống kinh tế của người dân đang có sự thụt lùi. Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Anh Điền dân xóm 3 cho biết ruộng đất của dân bị bỏ hoang hóa nhiều năm nay, không canh tác được, rau quả trồng lên mà không thể bán. Người trong xã thì không ai dám mua vì sợ độc.

Chưa hết, bà con cũng không thể chăn nuôi. Trước kia, dân lùa vịt trắng đồng, nuôi cá đầy ao. Giờ đây, vịt nuôi không lớn, chết dần, cá dưới ao cũng vậy. Khói bụi nhà máy khiến cây ăn quả không đậu quả. Việc xây dựng lại tuyến quốc lộ 37 đoạn chạy qua đây khiến nền nhà các hộ chênh cao, cũng không thể buôn bán, làm ăn được gì.

Cũng theo người dân, tình trạng này đã nhiều lần được phản ánh đến cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Còn Công ty Núi Pháo thì không coi dân ra gì, có người còn bị nhân viên bảo vệ công ty dùng dùi cui đánh thẳng vào đầu, nếu không có chiếc mũ cối che đầu thì thương tích chưa biết ra sao.

Trước nguyện vọng được di dời chỗ ở của các hộ dân thuộc các xóm 3, 4 và 6, ông Đoàn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu cơ quan liên quan phối hợp với Công ty Núi Pháo xây dựng kế hoạch triển khai. Hiện tại, Công ty Núi Pháo mới đưa 41 hộ vào diện di dời, còn hơn 200 hộ vẫn nằm ngoài danh sách vì theo họ là không cần thiết. Tuy nhiên, quan điểm của tỉnh Thái Nguyên là phải di dời toàn bộ.

Khu “chuồng chó”

Gọi là khu “chuồng chó” nhưng đây lại là nơi sinh sống của một số hộ dân chưa thỏa thuận được phương án đền bù di dời với Công ty Núi Pháo. Nhà dân tại đây bị rào sắt xung quanh, đặt chốt bảo vệ hai đầu, trước mặt là taluy đá sừng sững, bên trên đầu là cả núi hóa chất độc hại. Điều đáng lưu ý nữa là họ phải chịu sự kiểm soát đặc biệt. 

Nhờ sự giúp đỡ của một số bà con, chúng tôi cũng đã lọt được vào trong "chuồng chó", mục sở thị khu dân cư gần như biệt lập này. Xung quanh toàn rào chắn, đá và hóa chất, khói bụi. Sau nhà 3 hộ dân phía ngoài, đi qua một trạm gác nữa là 2 hộ dân khác. Hai hộ này còn chịu sự kiểm tra gắt gao hơn cả 3 hộ kia.

Theo ông Phan Văn Sơn, vừa nghỉ hưu sau 37 năm phục vụ trong quân ngũ, nếu người ngoài (dù là người địa phương) muốn vào thì buộc phải có sự “bảo lãnh” của người ở bên trong. Người lạ và đặc biệt là nhà báo thì chắc chắn không được nhân viên bảo vệ cho vào. Ngay cả một số người địa phương, và người hay khiếu kiện thì bị cấm vào vĩnh viễn. Điều này khiến cho việc giao lưu, thăm hỏi hàng xóm cũng hết sức khó khăn. Chưa kể, nếu có đám cưới, đám ma, ngày tết thì hết sức bất tiện.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, bà Nguyễn Thị Nghĩa, 61 tuổi, sống một thân một mình tại đây không giấu được sự nghẹn ngào. Với đôi mắt ầng ậc nước, bà Nghĩa tâm sự: “Tôi không biết chữ, già cả, lại bệnh tật. Khi Núi Pháo giải phóng mặt bằng, họ không đền bù thỏa đáng nên tôi không thể rời đi chứ không hề muốn ở lại”.

Theo bà Nghĩa, Núi Pháo đền là 800.000 đồng/m2, sau là 1,3 triệu đồng/m2 trong khi giá thị trường hiện nay khoảng 5-7 triệu/m2. Như vậy, các hộ dân bị giải tỏa không thể mua đất làm nhà nơi khác để tiếp tục sinh sống.

Sau này, do không thể chịu nổi sự ô nhiễm khủng khiếp, một số hộ đã đồng ý với mức đền bù thấp nhưng công ty lại không chấp nhận đền bù nữa. Bà Nghĩa cho biết, khi lên làm việc, ông Vũ Hồng - Phó tổng giám đốc Masan còn thách rằng dân muốn ở lại khiếu kiện thì cho ở lại, công ty càng không phải mất tiền.

“Chúng tôi là dân đen, quá khổ sở, nên nói chuyện là muốn thỏa thuận rời đi chứ không phải muốn ở. Một số người dân không chịu nổi đã bỏ nhà bỏ đất mà đi, còn chúng tôi, không có nơi nào khác để ở nên buộc phải ở đây” – bà Nghĩa cho hay.

Ông Phan Văn Sơn, hàng xóm bà Nghĩa cũng cho biết đã nhiều lần xuống Hà Nội đưa đơn thư trực tiếp cho Ban Tiếp dân Trung ương và cơ quan này đã có văn bản gửi đến UBND tỉnh Thái Nguyên. Văn bản nêu rõ Công ty Núi Pháo sản xuất gây ô nhiễm môi trường nặng nề, yêu cầu Núi Pháo phải có giải pháp giảm thiểu ô nhiễm và khắc phục hậu quả.

“Công ty Núi Pháo cần khẩn cấp di dời dân cư trong vùng ô nhiễm đến nơi an toàn để ổn định cuộc sống, đặc biệt là 5 hộ dân xóm 4 đang nằm trong khu vực nhà máy” – văn bản nêu.

Việc di dời với mức đền bù thỏa đáng cũng là mong muốn lớn nhất của người dân tại đây. Theo họ, nếu cứ sống ở đây thêm mấy năm nữa thì chắc cũng chết vì bệnh mà thôi.

Chúng tôi liên hệ với Công ty Núi Pháo để có thông tin đa chiều hơn, tuy nhiên, đúng như cảnh báo của người dân, lực lượng bảo vệ đã ngăn cản phóng viên không cho vào trong, cũng không liên hệ để người có trách nhiệm tiếp phóng viên, mặc dù chúng tôi đã xuất trình đầy đủ giấy tờ theo quy định của pháp luật.

Chính quyền xã Hà Thượng nói gì?

Báo cáo đánh giá hoạt động khoáng sản, môi trường, tài nguyên 6 tháng đầu năm của UBND xã Hà Thượng xác định rõ, do công tác quản lý còn chồng chéo, công việc nhiều nên không giải quyết được công tác môi trường một cách kịp thời. Đồng thời, công tác bảo vệ môi trường, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chưa được quan tâm thường xuyên.

Bên cạnh đó, xã đã có nhiều văn bản đề nghị và phối hợp với huyện, tỉnh, các cơ quan chức năng để lấy mẫu, quan trắc mùi hóa chất, nguồn nước nhưng đến nay vẫn chưa nhận được văn bản trả lời.

Về dự án Núi Pháo, chính quyền xã Hà Thượng cũng nêu rõ, do phương án cấp nước của Công ty Núi Pháo tính toán không hợp lý, khu dân cư vẫn chịu ảnh hưởng mùi hóa chất từ khu vực tuyển nổi đồng và bismust. Xả thải của Công ty Núi Pháo vẫn còn mùi hôi thối nồng nặc, gây nhiều bức xúc trong nhân dân.

Xã cũng đã yêu cầu Công ty Núi Pháo phải thực hiện bơm nước thường xuyên cho nhân dân gieo cấy và đẩy nhanh tiến độ chi trả tiền hỗ trợ, làm kênh dẫn dòng đập Thủy Tinh cho nhân dân; yêu cầu Núi Pháo phải có giải pháp giảm thiểu mùi hóa chất, nước thải để không ảnh hưởng đến dân.

Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của xã nêu rõ, sẽ yêu cầu các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn phải tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường, phối hợp với địa phương xử lý sự cố. Đồng thời, sẽ có phương án giải quyết triệt để các tồn tại về môi trường của Núi Pháo.

Trước đó, đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ đã có buổi làm việc với huyện Đại Từ. Tại đây đoàn công tác cho rằng môi trường là vấn đề sống còn, khó đánh giá hết tác động tiêu cực của nó, cho nên chính quyền địa phương, Công ty Núi Pháo phải chia sẻ với các hộ dân thuộc xóm 3, 4, 6 của xã Hà Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: