Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2016

Sống cái đã


Truyện ngắn HG

Bạn tôi, tên đầy đủ: Nông Sinh Quỳnh, người cùng xã với tôi. Hồi chưa ra trường, nó học đại học kinh tế, còn tôi học Báo chí và tuyên truyền. Chỗ đám đông tôi vẫn gọi theo tên giấy khai sinh là “Quỳnh” của nó. Lúc chỉ hai đứa với nhau, tôi lại gọi theo tên cúng mụ hồi còn ở nhà là cái Khình, theo cách gọi thân mật trong bản của người Tày.
Tuy là cùng xã, nhưng nhà nó với nhà tôi cách nhau những hai chục cây số. Xã miền núi, đất rộng, người thưa, diện tích có khi bằng cả một huyện vùng đồng bằng.
Lúc đang học, cả tôi lẫn nó đều hăm hở, đều tự vẽ cho mình bao nhiêu mộng mị về ngày ra trường. Đứa nào cũng có một giấc mơ bay bổng. Nó ước sẽ được nhận vào sở kế hoạch đầu tư hay ở phòng của một huyện nào đó vì có kiến thức về quản trị kinh doanh. Còn tôi trong số ba bốn tờ báo nhỏ của tỉnh nhà, biết đâu chẳng có một chân biên tập hay phóng viên chẳng hạn?
Cả hai sẽ thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn. Không thua chị kém em..Sẽ có phen mở rộng tầm mắt, vượt qua khỏi tầm che chắn, hạn hẹp rừng núi quê nhà.
Nhưng thật không may, khi ra trường trúng vào thời kinh tế suy trầm, mỗi lúc mỗi tệ, chả thể vui và hy vọng được.. Các cơ quan nhà nước đang hồi tinh giản biên chế, xin đâu cũng không được việc. Người ta bảo muốn xin việc phải có thật nhiều tiền, nhưng nhà chúng tôi nghèo lấy đâu ra?
Bốn năm năm trời tốn kém, cha mẹ ở nhà đã quá vất vả, làm sao dám đòi hỏi thêm, mà lại là rất nhiều tiền bạc vào lúc này?
Nhưng rồi lời đồn đại ấy cũng vu vơ, không đúng, chả biết lần mò manh mối từ đâu. Kể cả nếu như có tiền, biết đưa ai để tìm việc giúp mình? Thời người khôn của khó, khối đứa nhà có tiền trăm, bạc tỷ còn phải đi làm công ty ngoài, chạy việc đâu có dễ? Chỉ là đồn đoán hàm hồ, thế thôi!
Bố tôi thương, lên huyện, ra tỉnh mấy lần cũng chịu, chả biết “đường dây xin việc” ấy thực ra nó ở đâu? Ai nắm đầu mối?
Không lẽ theo hết đại học, giờ lại về làm ruộng, để rồi năm sau lấy chồng, sinh con?
Cứ nghĩ đến cảnh sống nheo nhóc của mấy đứa bạn bỏ học sớm mà rùng mình, mồ hôi ươn ướt nơi tóc mai.
Cái Khình bảo:
- Tao định ở lại Hà Nội xin việc gì đó làm tạm, bao giờ có cơ hội xin việc nhà nước sẽ hay. Chứ bây giờ về bỏ công việc đồng áng lâu ngày, lại thấy ngại..
Nó nói vậy, tôi đồng ý ngay. Nhưng làm gì bây giờ? Làm gia sư dạy thêm cho học sinh con nhà khá giả bây giờ người ta không thuê, ít người có nhu cầu. Hơn nữa phải có người mai mối. Không phải cứ muốn mà được.
Xin việc công ty ngoài phải ký kết dài hạn. Nếu có thời cơ xin việc nhà nước sẽ rắc rối lúc xin thôi. Chỉ còn mỗi cách làm thuê cho các quán ăn, quán giải khát. Công việc khá nặng nhọc mà tiền công chẳng được bao nhiêu.
Tính nát nước, tôi đã định về thì một hôm cái Khình bảo:
- Có cách rồi!
Tôi hỏi cách gì? Nó không trả lời, kéo tôi đi theo nó.
Chúng tôi qua ngã tư Cầu Giấy, lên mãi gần Cao Đẳng In, nơi người làng tôi có người đang theo học ở đó. Một phần, trong làng gần đấy nó bảo nó có người nhà.
Hai đứa đi vào ngõ nhỏ làng Kiều Mai. Đây là con ngõ hẹp, dài, chạy sâu tút hút vào mãi bên trong.
Chỗ này có lần tôi đã đến gửi đồ cho đứa bạn đang học Cao đẳng in. Ngồi quán nghe người ta kể: “Ngày xưa nơi này là nhà máy bút máy Trường Sơn, thuộc tổng công ty Văn phòng phẩm. Xung quanh đây hồi chiến tranh phá hoại, dân xã Mỹ Đình vẫn trồng lúa, trồng rau muống vì tiện nước ngay ở con mương chạy dọc cánh đồng. Có cả vườn ươm của công ty công viên.”.
Nghe vậy thì biết vậy. Hình dạng Hà Nội xưa, nơi này còn thưa thớt chúng tôi có phải người Hà Nội đâu mà biết? Mà có ở Hà Nội đi chăng nữa thì tuổi tôi, tuổi cái Khình vẫn chưa sinh ra đời lúc đó để biết phong cảnh lúc bấy giờ tròn méo như thế nào.
Đời người ta thì “bãi biển nương dâu” thiếu gì biến cố, đổi thay?
Con ngõ nó dẫn tôi vào nằm giữa trung tâm mấy trường đại học, sinh viên thuê trọ ở đây rất đông, giá cả cũng rẻ. Không như chỗ chúng tôi thuê, tuy rộng rãi một chút, nhưng giá lại gần gấp đôi!
Tôi vẫn ngờ ngợ, chưa hiểu ý tứ của nó rủ tôi đến đây làm gì? Học hành coi như xong, công việc chưa đâu vào đâu, tìm chỗ trọ mới làm gì?
Điều thắc mắc này tôi được gỡ bỏ ngay khi nó bảo dừng, trước một quầy hàng nho nhỏ.
Chủ quầy là một bà lão cỡ bà nội tôi. Khuôn mặt bà đầy đặn, phúc hậu dễ gần ngay từ phút gặp đầu tiên. Mái tóc bà để dài, bạc trắng. Từng sợi tóc mềm và trong như những sợi cước, không khô cứng, màu nhuôm nhuôm như bà tôi ở nhà.
Thấy chúng tôi đến bà rót nước nhân trần ra mời hai đứa. Bà bảo thứ lá nhân trần này gửi từ trên quê xuống, bà chỉ để dùng chứ không có bán.
Trời nóng. Thứ nước màu gần như cà phê đen của bà vừa thơm vừa mát, làm sự oi bức giảm hẳn đi. Bà bảo:
- Không biết cháu có đến không. Có mấy người biết tin bà sắp về quê, thôi không bán nữa, đến hỏi thuê lại chỗ này. Nhưng bà đã hẹn với cháu rồi không dám nhận lời người ta. Chỉ sợ chúng mày con gái con lứa, bán thứ hàng lặt vặt rau dưa hoa quả, lặt vặt này không hợp lại chê thôi?
Khình giới thiệu tôi với bà. Bà lão nhìn tôi ánh mắt ái ngại. Hẳn là bà nghĩ đến thu nhập của cái quầy hàng nho nhỏ này. Nó liệu được bao nhiêu cho cả hai đang lúc thất nghiệp này? Hơn nữa hai cô cử nhân với công việc này liệu có phù hợp không?
Một công việc mà không cần kiến thức gì nhiều, thậm chí không cần biết chữ, chỉ cần biết tính nhẩm bằng miệng và nhận được mặt của từng loại tiền như bà lão đây đã có thể làm được.
Qua câu chuyện, tôi biết cái Khình với bà có họ hàng gần.
Hồi năm bảy chín chạy giặc biên giới bà cũng về chỗ quê chúng tôi ở bây giờ. Chồng con bà thất lạc hay đã chết trong đám loạn cư bà không biết nữa.
Nhiều năm nay bà sống một mình, mãi tới đầu năm nay mới biết được tin của người thân. Bà có nghề buôn bán hoa quả từ hồi còn trên thị xã Cao bằng. Về Tuyên Hóa một thời gian bà xuôi Hà Nội, thuê chỗ này. Con trai bà hiện đang giữ trọng trách nơi quê cũ.
Năm lần bảy lượt bác ấy đánh xe xuống đón mời cụ về lại Cao bằng. “Thôi thì trẻ cậy cha, già cậy con” bà bảo vậy.
Sang tháng bà sẽ thu xếp, thôi không bán hàng nữa, để về trên quê. Số vốn từ hàng tồn của bà không nhiều, nhưng với hai đứa là cả gia tài. Bà nói để lại cho cháu gái, cũng không nói cho hẳn hay là cho vay.
Cái Khình bảo tôi cứ tạm ngơ đi chuyện này bởi cả hai chả có tiền mặt, hỏi kỹ càng, ngộ nhỡ bà bảo thanh toán ngay lấy đâu tiền để trả? Sau này làm ăn được sẽ tìm cách trả lại bà cũng không muộn mà!
Nó nói vậy rồi hi hí cười..
Chúng tôi tiễn bà ra xe mà chả hiểu vì sao, ứa nước mắt.
Tôi không tin lời của ông thầy bói khi mẹ tôi đi xem về kể lại. Mẹ tôi rằng: “Cuộc sống của tôi thời thanh niên chật vật, nhưng luôn có quý nhân phò trợ”. Nhưng tôi biết; Cuộc sống dù khó khăn đến đâu, ở hoàn cảnh nào cũng luôn có thể gặp được người tốt. Họ không nhiều, nhưng luôn xuất hiện kịp thời. Gọi là sự may rủi hay đức hiếu sinh của trời đất dành cho mỗi người đều đúng, không sai.

**
Cái Khình là đứa tháo vát. Nó kiếm đâu về mấy tấm ván, hình như mua lại mảnh cốp pha ở công trường xây dựng gần đấy về kì cạch làm cái xích đông treo lên tường. Buổi tối chúng tôi làm chỗ ngủ rộng gần bằng cái chiếu đại. Ban ngày thì móc lên tường cho rộng rãi. Căn phòng hơn chục mét vuông cho cả hai đứa vừa ở vừa làm chỗ bán hàng. Ở đất kinh kì này, một chỗ như thế có thể là mơ ước của nhiều người có hoàn cảnh như hai đứa tôi. Sách vở, đồ lề một thời sinh viên chúng tôi bó gọn lại để vào một góc. Có giở ra cũng chưa thật cần vào lúc này.
Gì gì thì gì, sống cái đã!
Sáng ra Khình dậy thật sớm, đạp xe ra chợ đầu mối mua hàng. Cũng phải vừa làm vừa nghe, bấc đến đâu dầu đến đấy, thứ gì bán được lựa tính mới “đong” hàng về.
Tuần sau nữa có người rủ nó lên Hòa Bình mua rau sạch, rau đặc sản rừng về bán. Quầy hàng chúng tôi đông khách hơn hẳn thời bà cụ chủ quầy cũ. Rau sắng, bắp bi, rau bao, rau rớn chả cứ đám sinh viên nghèo rất thích mua, ngay người Hà Nội gốc cũng rất chuộng.
Được vài chuyến, Khình quen, không cần phải đi xa, có người mang hàng đến bỏ mối, chỉ phải ra chợ mua thêm một vài thứ rau quả khác nữa thêm vào là đã “hoành tá tràng” rồi!.
Đang thời người ta lo lắng về thực phẩm, rau quả sạch hay bẩn, có tẩm hóa chất hay không. Trong cái rủi có cái may. Chính vì thế các loại rau rừng bán rất chạy. Tiền hai đứa kiếm được có khi còn hơn cả lương tháng nếu như làm công chức nơi tỉnh lẻ.
Dù sao đấy cũng là may mắn, an ủi bọn tôi lúc này.
Nhưng không hiểu sao cái Khình cứ rầu rầu không vui. Nó là đứa có chí lớn, làm ăn kiểu “cò con”, “nhỏ lẻ” thế này chắc nàng chưa bằng lòng với bản thân.
Là tôi đoán chừng như vậy. Có hỏi nó cũng không nói. Nhưng tôi biết, nó đang ấp ủ điều gì đó chưa làm được nên không vui. Hoàn toàn không phải do nhớ nhà hay “thất tình” gì đấy mà có vẻ mặt như vậy!

***
Một hôm sau bữa cơm tối, Cái khình nói:
- Hai đứa con gái hơ hớ thế này mà chỉ lo mỗi cái quầy rau quả be bé thế này thì phí phạm quá.
Tôi chưa hiểu ý nó nó muốn gì, hỏi:
- Hay là trên nhà bố mẹ xin được việc, mày muốn bỏ chỗ này?
- Chưa có chuyện ý đâu. Chỗ nào người ta cũng đang tinh giản biên chế. Xin việc lúc này đâu có dễ.. Nhưng tao đang dự tính một việc, không hiểu ý mày thế nào?
- Thì có nói tao mới biết được chứ?
Nó không nói gì, lặng lẽ thả tấm xích đông xuống. Hai đứa nằm gác chân lên nhau như mọi bận.
Im lặng một lúc lâu nó mới bảo:
- Trên mình đất rộng như da giời, lại toàn đất tốt, nước cũng tiện. Lúc này rau sạch cả nước chỗ nào cũng cần, có bao nhiêu cũng không đủ. Hôm qua tao thấy mấy nhà bên cạnh trồng rau vào các hộp sốp( chưa chắc đã đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh ) để lấy rau ăn. Cầu kỳ lắm mà kết quả chẳng đáng là bao.. Tao nghĩ ngay đến khu Khe Nước ở trên nhà. Chỗ ấy hồi ở nhà mày đi hộ bẻ ngô mày biết rồi còn gì?
Chỗ ấy thì tôi biết. Khu đất tương đối bằng nằm lọt thỏm giữa ba bề vách đá. Có đát nước nhỏ đổ xuống từ trên cao. Tôi với cái Khình từng ra đấy tắm mát. Chỉ phải cái vắng vẻ, chứ cảnh vật thì đẹp không mấy chỗ bằng. Nhưng chỗ đất ấy liên quan gì đến chuyện của tôi với cái Khình bây giờ?
Tôi không phải đợi lâu, nó nói:
- Tao muốn về tạo dựng cơ sở rau quả sạch ở chỗ đám đất ấy. Bước đầu đầu tư không nhiều vì địa điểm khá thuận lợi. Chỗ đấy chủ yếu sẽ trồng các giống rau rừng như rau bao, rau rớn. Xung quanh chân vách đá trồng hai hàng rau sắng. Thứ này hơi lâu, nhưng lại được thu lâu dài. Mày cứ ở lại đây “vận hành” cái quầy này. Đấy là đầu ra an toàn lâu dài. Sau này làm ăn được mở rộng ra, lập công tyn hẳn hoi..
Tôi ngắt lời nó:
- Trồng cấy theo mày nói, tao cho là được đi. Dưng mờ mang về đây bàng cách nào? Từ trên ấy về đến đây chả héo rũ ra rồi à, bán tây nó mua!
- Cái đấy mày khỏi lo. Trên mình giờ có ba chuyến xe chở khách, chở hàng đi về trong ngày. Đóng gói cẩn thận, thêm mấy cục đá là rau tươi luôn. Đấy là lúc đầu. Lên công ty rồi, mình sắm xe đông lạnh chở hàng chứ lo gì?
Tôi ngồi vùng dậy nhìn nó. Nó vẫn cười cười chả để ý đến sự sửng sốt của tôi, mải theo đuổi ý tưởng riêng của mình.
Con này tâm ngẩm mà ghê. Nó suy nghĩ như người từng trải đã từng nhiều năm lăn lộn kinh doanh. Mà toàn những thứ, những việc bày ra trước mắt lại rất ít người để ý. Đúng là tay không bắt giặc. Vốn liếng nào có là bao mà mở công ty?

Tôi học Tuyên truyền báo chí, lẽ ra phải phát hiện, nghĩ ra điều này trước nó mới phải. Làm văn làm báo nếu không phát hiện dâng hiến cho cuộc đời những ý tưởng hay ho, mang lại ích lợi cho người dân thì làm văn làm báo làm gì? Nếu tôi còn ấp ủ tình yêu sự nghiệp, còn muốn thực hiện giấc mơ tuổi trẻ, tôi biết mình không thể quên điều này.
Caí khó của chúng tôi là vốn liếng và kinh nghiệm. Nhưng nếu không có khát khao, không có chí hướng thì dẫu có những thứ đó cũng chẳng để làm gì?
Không lẽ bằng lòng với cuộc sống, với cung cách hiện tại tôi với cái Khình có khác gì các ông bà già về hưu, chọn cách an nhàn?
Tôi vùng dậy, lôi cái láp tốp từ lâu không ngó đến. Tôi tìm kiếm trên mạng về các loại rau quả thích hợp với vùng đất quê tôi.
Và thật thấy mình tội nghiệp và đáng trách. Sao mình cứ day dứt mãi về chưa có ai giúp mình lập nghiệp. Mình luôn quen thói ỷ lại, chờ người cầm tay chỉ việc, phụ thuộc người khác. Sao không tự đứng lên, tự lo, tự tạo cho bản thân như cái Quỳnh nó biết nghĩ? Tất nhiên là có muôn vàn khó khăn. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, chả cứ chúng tôi, ai chả khó khăn cơ chứ?

Ngày hôm sau cái Khình ra bến xe. Nó để lại toàn bộ vốn liếng cho tôi tạm thời ở lại quán xuyến quầy hàng một mình. Nó chỉ mang đủ tiền xe từ đây về trên nhà.
Lúc nó lên xe rôi, tôi mới sực nhớ không có tiền nó về trên nhà thực hiện dự định bằng cách nào?
Gì thì gì, “có tiền mua tiên cũng được, không có tiền mua được thành không”.
Hay là về trên nhà nó đã có báo trước với bố mẹ có sự chuẩn bị rồi? Hay cái anh chàng lùn tìn tịt, nhưng lưng và bụng có tướng đại gia, theo đuổi nó nhiều năm nay chịu giúp nó?
Tôi suy nghĩ lung mung mãi mà chưa ra.
Có lẽ tôi phải thu xếp, nghỉ bán vài ngày, về trên ấy một lần mới được!

========================








Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: