Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 11 tháng 8, 2016

Nhà giáo Phùng Hoài Ngọc: Vì sao sinh viên khối xã hội chán ngán trong học tập?


Kiều Phong (VNTB) - Những năm trở lại đây, có thể nhận thấy một sự xuống dốc rõ rệt của khối ngành Văn- Sử- Triết đại học (thực ra cần kể luôn cả chuyên ngành “Lý luận chính trị”, trước gọi là môn Mác- Lê Nin) ở Việt Nam. Các giảng đường không còn thiêng liêng như trước nữa, cả người thầy lẫn sinh viên đều hoạt động dưới công suất.
Chuyên mục phỏng vấn liên quan đến nền đào tạo gặp lại nhà giáo Phùng Hoài Ngọc- một cựu giảng viên văn khoa  đại học, cao đẳng tại miền Nam.
Nhà giáo Phùng Hoài Ngọc
·        Kiều PhongMến chào nhà giáo Phùng Hoài Ngọc trở lại với chuyên mục trao đổi về đào tạo đại học tại Việt Nam của Việt Nam Thời Báo. Là một giảng viên đại học lâu năm và từng tham gia quản lý khoa, bộ môn, xin thầy cho biết, những năm trở lại đây, sinh viên  khoa học xã hội, mà tiêu biểu là khối ngành văn –sử- triết có còn nhiệt huyết trong học tập như xưa hay không? 
·        Nhà giáo Phùng Hoài Ngọc: Ba bộ môn Văn Sử Triết bị ràng buộc chặt chẽ với học thuyết Mác- Lê và đường lối Đảng cộng sản, do đó bị quản lý chặt từ khâu giáo trình. Về mặt phương pháp dạy- học, giảng viên và sinh viên đều dạy và học theo đúng đường ray đã định sẵn. Do đó nếu thầy và trò có “nhiệt huyết” cũng chẳng thể chệch ra ngoài. Tư duy phản biện bị triệt tiêu luôn từ đầu. Có nhiệt huyết cũng bằng thừa. Thứ hai: sinh viên tốt nghiệp ra trường khó tìm được nơi sử dụng hơn các ngành Khoa học tự nhiên-Kỹ thuật. Nhìn vào tỷ lệ hồ sơ tuyển sinh đại học thì rõ ngay sự chênh lệch giữa hai khối thí sinh. Do đó, ngoại trừ một bộ phận các em sinh viên thực sự ưa thích ba môn đó, phần nhiều thí sinh cảm thấy yếu kém về các môn Khoa học tự nhiên-Kỹ thuật thì chọn ba môn xã hội kể trên,  họ cho rằng “dễ ăn” hơn, khả năng đỗ cao hơn. Nhìn vào bảng thống kê chấm điểm tuyển sinh thì bao giờ bảng điểm bên tự nhiên cũng cao hơn bên xã hội.
Sinh viên ngủ gục tại đại học KHXH-NV trong giờ học Văn học cổ điển năm 2016
·        Kiều Phong : Trước 1975, ở miền Nam, chẳng hạn ở đại học Văn khoa Sài Gòn, mỗi phòng học thường không quá 30 sinh viên. Ngày nay, giảng đường thời xã hội chủ nghĩa” lại xảy ra sự quá tải, mỗi môn chuyên ngành thường mỗi lớp có đến 70 sinh viên, cá biệt có những môn đại cương 250 sinh viên một lớp.  Sự quá tải đó phải chăng dẫn đến tình trạng lười học của sinh viên?
Nhà giáo Hoài Ngọc: “Sự quá tải” chủ yếu do nhà trường tham thu học phí và rút nhiều kinh phí ngân sách nhà nước tính trên đầu SV. Nếu nhà nước rót kinh phí theo đầu lớp thì tự nhiên nhà trường phải hạn chế thí sinh trên đầu lớp. Còn về các môn đại cương lớp quá đông là do nhà trường bố trí để giảm chi tiền thù lao thêm giờ cho GV. Tất nhiên lớp học quá đông thì chất lượng kém, ở cấp học phổ thông cũng vậy.
·        Kiều Phong : Cũng có người nói là sinh viên văn – sử - triết không được khuyến khích nghiên cứu: Không có tự do học thuật thì không có giáo sư giỏi, không có giáo sư giỏi thì không có sinh viên giỏi”. Thầy nhận xét thế nào về ý kiến này, đúng hay sai?
Nhà giáo Phùng  Hoài Ngọc: Chương trình đào tạo mỗi môn học do giảng viên phụ trách bộ môn soạn ra, thông qua Hội đồng khoa học, đều ghi rõ mục tiêu là “đào tạo Giảng Viên vững vàng lập trường tư tưởng Mác Lê Nin, thấm nhuần Đường lối Đảng Cộng Sản…”. Do đó nhà trường không khuyến khích tự nghiên cứu. Có chăng là “bài tập nghiên cứu” nhằm tỏ thái độ đồng thuận và minh họa thêm cho “chân lý có sẵn” thì thà không “nghiên cứu” còn hơn.
·        Kiều Phong : Một lý do nữa khiến sinh viên không ham mê học tập được cho là vấn đề việc làm. Những em tốt nghiệp làm cho nhà nước thì lương thấp, mà lại không được viết theo những điều mình tin là đúng. Còn lại các em không có việc làm, hoặc nếu có thì thường làm trái nghề. Làm thế nào để giải quyết được vấn nạn này ?
Nhà giáo Hoài Ngọc: Vấn đề việc làm đúng là khiến sinh viên lo lắng. Khi ra trường chủ yếu họ nhờ quan hệ thân quen bố trí sắp đặt, một bộ phận lo quà cáp cho những “đường dây”. Thậm chí làm việc trái chuyên môn cũng được, miễn là vào được biên chế nhà nước. Rồi dần dà tính sau. Khi tìm dược chỗ “êm” hơn thì lại “nhảy”. Vấn nạn này nhà nước cũng bó tay, chưa ai đưa ra được giải pháp.

Sinh viên ngủ gục tại đại học KHXH-NV trong giờ học Văn học cổ điển năm 2016
·        Kiều Phong : Giảng đường quá tải và thất nghiệp được cho là do tuyển sinh đầu vào một cách tràn lan. Theo thầy, nhà nước Việt Nam có nên siết chặt đầu vào tuyển sinh khối ngành văn – sử -triết, nghĩa là chỉ tuyển dụng tinh hoa xã hội vào học hay không? Chính quyền Sài Gòn cũ đã làm rất tốt.
Nhà giáo Hoài Ngọc: Trước hết chính phủ cần giảm bớt số trường đại học mở tràn lan trong khoảng gần chục năm nay. Về phía Bộ Giáo Dục và Trường đại học, cần giảm chỉ tiêu tuyển sinh khối xã hội, đồng thời nâng cao chất lượng tuyển sinh khối xã hội qua tuyển chọn. Năm nay bắt đầu bỏ thi tuyển sinh rầm rộ, chỉ còn tuyển chọn dựa trên kết quả bậc trung học (bảng điểm). Vậy chúng ta nên đặt hệ số cho các môn chuyên ngành. Chẳng hạn tuyển vào ngành Văn thì chọn thí sinh có điểm Văn trung học cao hơn, bằng cách nâng hệ số 2. Tương tự với Sử, Triết cũng làm như vậy (trung học không có môn Triết thì lấy môn Văn làm điểm tựa).
Nhìn chung, ngày nay sinh viên ngoài giảng đường và giáo trình, các em còn có cơ hội tiếp thu kiến thức và thông tin tự tìm tòi qua mạng internet. Hai khối kiến thức đó nhiều khi đối lập, mâu thuẫn với nhau. Các em sẽ băn khoăn, thắc mắc khi lựa chọn, đó là bi kịch và cũng là khó khăn của sinh viên giai đoạn này.
Kiều Phong: Cám ơn nhà giáo đã dành thời gian cho cuộc trao đổi ngắn này.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: