Truyện
ngắn của Hồng Giang
Thoạt đầu mở quán lòng lợn tiết canh, cháo lòng. Chọn mua từ thằng bạn cùng học thời phổ thông. Nghĩa là lòng sạch, trắng tinh, nhất là nó ưu tiên cho thêm nhiều món cổ hũ, dạ dày. Phải dậy từ lúc bốn giờ sáng, nhóm lò, băm, thái.. Tiết canh để sẵn tủ lạnh. Hôm nào nhỡ tay, nó vẫn đông. Đây là cái nghề học mót được hồi mình giải nghệ làm “Nhân viên” cho nhà hàng trên thành phố. Tưởng tượng công việc này rồi ra sẽ phát tài, kiếm được ăn. Thôi thì làm gì cũng là làm, bắt mũi bỏ miệng, nào có ai nghĩ thành ông nọ bà kia, vương tướng gì? Lấy lại cái danh cái giá mà một lúc tính nhầm, lỡ bị rơi vãi nơi thị thành..
Buổi đầu tiên năm sáu con bạc đi ăn đêm về vào quán mở hàng. Chúng
vừa kiếm được một mớ, ăn xong trả tiền. Thừa hai chục bạc, thằng cao như sào
chọc ổi cười hơ hơ:
“ Còn đâu bo luôn cho em đấy!”. Tiên sư ông, “bo” thì “bo” hẳn vài
trăm. “Bo” đéo gì hai chục bọ? Nhưng mà chẳng sao, nghề làm ăn chân chính, kiếm
ít một tý, nhưng mà lành. Kiểu người ta bảo “ăn cơm với cáy thì ngáy o o” Chả
phải lo lắng gì!
Ngày thứ hai có cuộc tập huấn tập hiếc gì đó gần nhà. Món choai
choai thằng nào thằng nấy đồng phục, Ak khoác sát đít, dựng một đống súng đạn, chiếm
gần nửa gian quán. Chúng nó phải chờ mới đến lượt. Một số nóng vội, quay ra mua
bánh mì của một lão ất ơ vừa đi vừa bấm kiểu còi chẳng giống ai, rao bán inh
ỏi.
Nghe bảo tình hình dạo này không như mọi khi. Súng ống phải sẵn
sàng, tập tành cho hẳn hoi. Các em chăm chỉ, chị cũng được nhờ. Mạnh dạn nới
tay một tý. Tiền vẫn thế, nhưng đĩa lòng đầy hơn, thêm cho các em mấy dóng hành
tươi cho nó “hoành”. Chị nghèo, “tình quân dân” cũng chỉ cố được đến thế thôi.
Đứa nào phàn nàn chị chịu!
Có con em họ học gì không học, lại học báo chí, nhân văn nhân vẻ
gì đấy ế chổng cờ. Không xin nổi việc, đến cậy nhờ chị. Chị ok liền. Cùng cảnh
chị em với nhau, mày lại có tý học, chắc là biết điều, chị không giúp em còn
giúp ai? Đừng có mà xem thường cái nghề của chị.Chẳng qua là bần cùng, số kiếp
kém. Trời mà để ra chị kém gì Tăng Th. H., Th. k ? Hát chèo, cải lương, nhạc
mới nhạc miếc.. chị chơi được tuốt. Giọng mật ong rừng hẳn hoi chứ chả phải
giọng mía lùi đâu nhé! Chỉ tội chả ma nào giới thiệu, “Phờ rồ”, nên chị cam tâm
làm cái nghề mọn này thôi. Kiên nhẫn, chờ đợi, trồng tre uốn gậy, chả bao giờ
là muộn!
Được cái em gái ngoan. Chả xinh mấy nhưng mà nhanh nhẹn. Có thêm
mày chị cứ như rồng thêm vây. Quán cháo của chị sinh động hẳn lên.
Lão hàng xóm hay rượu, đông con, chả có tiền, sang gạ. Chị ừ luôn.
Không phải ừ cái vớ vẩn kia. Cái đấy chị không thèm. Bây giờ món đó chị khinh,
không muốn nhắc đến nữa.. Chị ừ là ừ cho lão giúp chị cơi nới cái quán thêm
rộng ra một chút. Thêm mấy cây keo đểu người ta mua về làm củi bớt lại cho, mấy
tấm pờ lô, quán rộng hẳn ra. Lão ý còn bảo sơn hay đánh vẹc ni mấy cái cột nữa.
Chị bảo thôi. Mình làm lấn ra hành lang giao thông, mấy bác coi đường chửa biết
bắt dỡ đi lúc nào. Sơn xiếc làm gì cho phí tiền, thêm ngứa mắt, chọc gai vào
các bác ấy?
Tự hôm có quán cháo lòng, quãng đường xa vắng này nhộn nhịp hẳn
lên. Có thêm tiếng nhạc, lời ca từ đôi loa thùng thằng anh rể cho mượn. Chòm
dân bấy lâu như kẻ ngủ đứng, bỗng tỉnh táo hẳn.
Con em họ bảo :
- Hay là bán thêm phục vụ cho khách ăn đêm hở chị?
- Chỉ sợ không có khách, làm thêm thì làm. Chị sợ mày kêu mệt. Cơ
hội đến không chộp lấy có mà ngu à?
Hôm đầu chưa ai biết, thức mờ cả mắt. May mà có cái tủ lạnh mua
lại của tay đồng nát, còn dùng tạm nên chả sợ ôi thiu. Lòng lợn để hôm sau vẫn
bán được.
Nhanh chân nhất về khoản ăn uống vẫn là tụi cờ bạc. Chỗ này lại
khuất, ít người qua lại dòm nom, đêm sau chúng đã có mặt. Món xe chuyên chạy về
đêm cũng mò vào. Cứ mười một mười hai giờ đỗ trước cửa, bạt trùm kín mít. Chẳng
biết trên xe chở gì, gỗ lậu, quặng hay thứ phải gió gì không cần biết.. Miễn là
nhà các anh sòng phẳng. Cũng có thằng bảo ghi sổ? “Quán em nghèo, mới mở, vốn
liếng chả có, anh thông cảm cho”. Ngọt nhạt thế. Nó bảo: “Bọn anh đùa vui thế
thôi. Thiếu tiền tỷ chứ thiếu đếch gì vài đồng rượu!”. “ Em cũng biết thế. Lái
xe các anh tính nghệ sĩ, hay đùa vui thế thôi chứ nỡ lòng nào”. Tụi này đi, con
em cười bảo: “Em chết cười vì chị?” Cười gì? “Cười cái chuyện lái xe nghệ sĩ
nghệ thuật của chị ấy!” Chuyện. Đời thằng nào chả thích nịnh? Chả thích một lần
gọi là “nghệ sĩ”? Mất cái gì nào? Em lại
bảo : “Mới có mấy ngày, em học được ở chị bao nhiêu thứ. Ở Hà Lội bốn năm năm toàn
học chữ, chả học được bao nhiêu cái khôn làm người!” Lại mày! Cũng định nịnh thối
chị nữa phải không? Con em cười hí hí, chạy đi rửa bát..
**
Mọi việc cứ tưởng thế là ổn. Cứ thế mà đi lên.
Một buổi sáng lão thuế vụ đến. Quán cháu làm ăn thuế má gì hả bác?
Lão bảo : Nhà nước quy định rồi, kinh doanh là phải thuế. Chiếu cố mới mở cho
lui lại cái môn bài làm sau là tốt rồi. Kêu ca cái gì nữa? Dưng mà mức cao quá,
thế này chúng cháu làm gì còn có lãi nữa, vào thuế đã gần hết rồi, sống bằng
cách gì? Lão nói: “ Cái đấy tôi không biết, quy định thế nào tôi làm đúng thế
thôi, tôi đâu có đặt ra? Thắc mắc cô cứ lên trên mà hỏi!” Vật nài mãi cũng
chẳng ăn thua. Lão làm nghề này nghe quen những lời kêu rêu, phàn nàn như thế,
đâu có động lòng? Có lẽ phải tính cách khác để đối phó với lão, họa may mới
xong. Bao giờ chả vậy, máy móc nào chả phải bôi trơn? Đành là thế vậy, lo dần
dần.. Trước mắt phải cân đối thu chi cho nó ồn cái đã. Cũng phải từ từ kẻo mất
khách. Chưa làm quan đã học ăn bớt là không hay!
Đám tập huấn cũng đã xong đợt. Sân vận động vắng tanh vắng ngắt. Họa
hoằn quán mới có một vài ông vãng lai. Bọn cờ bạc vừa bị dẹp, giờ nằm im, chả
thấy đứa nào ngo ngoe. Đám lái xe cũng biệt tăm tích. Người ta bảo độ này “ông
trên” quản lý rừng gắt lắm. Gỗ không anh nào dám làm thì chớ, ngay quặng cũng
không dám moi móc đào bới như thời gian trước đây vì đào quặng cũng là xâm phạm
tài nghuyên quốc gia, cũng là phá hoại rừng! Cái tin tốt ấy, xem ra với quán
của Huyền lại bất lợi. Hai chị em ngu ngơ nhìn nhau. Nó là đứa biết ý, bảo: “
Không có “khứa”, thôi để mình chị, em làm việc khác chứ hai chị em ngày ba bữa
ăn xong ngắm nhau thế này thì gay”. Ừ chứ biết bảo sao? Con bé cũng là số vất
vả mới gặp mình. Chưa được mấy ngày đã chia tay đôi ngả. Đã hứa với nó, dù có
thua lỗ, chị cũng trả công đủ, em đừng lo. Nó cầm nắm giấy bạc trong tay mà rân
rấn nước mắt..
**
Nghe bảo đến năm hai ngàn..mấy mấy, “Nông nghiệp chỉ chiếm ba mươi
phần trăm cơ cấu kinh tế”. Mình không nhớ năm ấy là năm nào, nhưng biết rằng
tương lai của ngành dịch vụ là rất sáng sủa, rất vui. Nhất định là mình không
“chuyển ngành”, chỉ chuyển nghề thôi. Không lòng lợn tiết canh nữa mà quay sang
giải khát. Hai việc này vốn là bà con gần với nhau, chỉ hơi có chút khác biệt.
Cần thay đổi, thu nhập có thể không bằng, kéo lại cái rất an toàn. Bao giờ và ở
đâu an toàn chả là “bạn”?
Dẹp bỏ dao thớt, Huyền trưng lên cái biển rõ là “hoành”: BIA LẠNH
– GIẢI KHÁT SINH TỐ. Treo thêm mấy dây “thịt bò khô”, “ngô cay” thế là thành.
Đúng là “cùng thì biến, biến tự khắc thông”. Quán mở buổi sáng, đến chiều thấy
rầm rộ xe, máy kéo về, đỗ chật hai bên đường. Sắp có đợt cơi nới, mở rộng
đường. Con đường cái quan bấy lâu nay chỉ là tỉnh lộ, nay lên đường “quốc gia”.
Ít năm nữa lên “quốc tế” chưa biết chừng. Việc đấy còn hơi xa, chỉ biết đã bắt
đầu một cơ trời mới. Lúc ý, Huyền lại thoáng băn khoăn, chuyển sang làm giải
khát chả biết có trúng không mà bỏ mất cái “Ngành” cháo lòng tiết canh? Sự đoạn
rồi, chả hơi đâu mà lôi thôi xôi chè cho nó mệt. Giải khát là giải khát, chắc
ăn hơn và đỡ mệt người. Cũng đã sang hè rồi, nhầm là nhầm thế ấy nào được? Rõ
là vớ vẩn..
Huyền đang linh tinh nghĩ như thế thì có khách. Anh ta có cái khẩu
trang chẳng giống ai, úp xùm sụp che kín gần hết mặt. Ừ thì vì đường quá bụi,
không khí phải cỡ đến ba mươi phần trăm thành phần là bụi chứ không phải ít. Đeo
khẩu trang đi đường là cần thiết và mặc nhiên, không có gì lạ. Nhưng khẩu trang
như người này thì cực kỳ khó hiểu. Nó giống như cái mặt nạ chứ không phải khẩu
trang khẩu chót gì. Chỉ hở có mỗi hai con mắt, hai cái tai và một tý thịt trên
trán. Có khi bọn khủng bố cũng chỉ che kín mặt đến thế này là cùng. Người khách
vào, không gọi đồ uống. Khẩu trang mặt nạ cũng không chịu cởi. Nếu uống hoặc ăn
thì phải cởi ra chứ? Giữ gìn vệ sinh chăng nữa, vào quán cũng phải tháo cái che
mồm che mặt ra. Đàn bà con gái che mặt giữ da đã đành. Đàn ông con trai cần gì
phải giữ gìn đến thế? Hẳn đây là một “mĩ nam” quá cầu kì! Chả trách ngày nào ti
vi cũng quảng cáo “Dầu gội đầu, mĩ phẩm dành riêng cho nam phái”!
Khách gọi:
- Này cô chủ, quán mới mở có cần lấy hàng bán bọn anh bỏ mối cho?
- Anh ở đâu? Có những hàng
gì?
- Công ty bọn anh ở ngoài thành phố. Em cần gì cũng có. Bia lon,
bia chai, nước trái cây các loại.. Anh đi tiếp thị, quán mình cần em cứ kê ra
đây, ngày mai sẽ có xe mang đến. Mỗi tháng em thanh toán một lần. Lần đầu “cọc”
cho công ty một chút để “bảo tín”.
- Tiền cọc có nhiều lắm
không ạ?
- Có năm triệu thôi, lấy gì mà nhiều? Thời bây giờ làm ăn người ta
“bảo tín” hàng chục, hàng trăm triệu ấy chứ. Có giấy tờ, hợp đồng hẳn hoi, em
lo gì?
- Quán em như cái mắt muỗi, chưa biết có chạy hàng hay không. Việc
này để em sau sẽ tính. Mua bán cò con, hết đến đâu lấy hàng đến đấy thôi. Anh
thông cảm!
- Nói thế là em không tin anh rồi. Em bỏ mất cơ hội kinh doanh rồi
đấy. Không có gan thì khó mà làm nên giàu. Nếu em làm đại lý cho công ty, chắc
chắn có thêm nhiều ưu đãi đặc biệt về giá cả, về thiết bị nhà hàng.. Những
là..Những là..
Người này còn nói một thôi một hồi nữa rồi mới chịu đi. Mình đã
bảo không là không. Chẳng ai tự nhiên tốt với ai thế bao giờ. Cái công ty anh
ta nói, mình đã biết nó ngang dọc, mục đích kinh doanh của nó là gì đâu? Dứt
khoát ngay từ đầu là cái nên làm. Có cả tỷ chuyện “công ty công toi” ngày nay
bất khả tín. Chưa được việc gì đã yêu cầu đóng tiền! Gã nào nghĩ ra cái chiêu
này xem ra cũng xoàng. Dân trí bây giờ lên chót vót rồi. Đâu có dễ gạ gẫm như
xưa?
Người chào hàng thấy không ăn giải rút gì, bỏ đi. Sao mà nom cái
dáng đi của gã quen quen thế nhỉ? Hình như mình đã gặp ở đâu rồi? Cả cái giọng
nói cũng rất khả nghi? Hay là người quen cũ chăng? Anh ta bịt mặt như thế chẳng
lẽ vì vậy sao?
Cuộc gặp tình cờ khiến cô chợt nhớ lại một chuyện. Đã lâu rồi..
Huyền tái mặt. Cô thấy nhoi nhói, tưng tức nơi lồng ngực..
***
Đang ngồi nẫu, buồn chảy nước ra thì con em lại đến. Nhìn cái mặt
hơn hớn của nó, biết ngay nó đến không phải xin làm tiếp khi hay tin mình đổi
nghề. Mắt nó lấp la lấp lánh, hai gò má phơn phơn hồng. Dấu hiệu của kẻ đang
yêu và được yêu chả dấu ai được! Tay năm, tay
mười nó thu vỏ chai, dọn cốc khách để lại trên bàn đem rửa. Xong rồi nó úp úp
mở mở khoe:
-Em sắp phải xa chị rồi? Chị đoán thử xem em sẽ đi đâu?
Cấu cho mày một cái, cấu yêu thôi, Huyền bảo:
- Con nỡm. Có gì nói toạc ra đi. Đố mới đoán mệt bỏ xừ. Chị ghét
nhất là cái trò đoán điếc, “Đấu trường một trăm, Ai là triệu phú?” Mày hiểu
không?
- Thôi em nói luôn kẻo chị sốt ruột: Em sắp về Hà thành rồi!
Nghĩ bụng, chắc có tờ lá cải, hay báo ngành gì đấy nhận nó vào hợp
đồng. Đang lúc vận động học hỏi, tuyên truyền cần nhiều nhân viên thế này, báo
nào cũng kêu thiếu bài, không có đủ người viết. Nhưng đừng có mừng vội, chỉ là
hợp đồng thôi. Từ nay đến đến biên chế chính thức “Còn lâu dài và gian khổ”
lắm. Con gái có thì, liệu em có bề bỉ được không? Hay lại như con bé xóm trên
làm được mấy tháng, lương lĩnh không đủ tiền ăn, thuê nhà trọ lại bỏ về chăn
lợn? Mới chỉ nghĩ thế thôi, Huyền chưa dám nói gì, sợ nó mất hứng. Ai chả vậy?
Đang vui mà nói ngang vào là điều tối kỵ. Thấy Huyền im im, cô chàng lại tiếp:
- Em có ông anh kết nghĩa mới chuyển trong Sài ra. ( Ý nó nói là
Sài Gòn chứ không phải Sài Sơn, Sài Đồng).. Ông ý xin việc cho em được rồi chị
ạ. Không phải làm báo làm biếc đâu. Mình không có năng khiếu, văn vẻ tò te,
viết lách chưa chắc đã tốt. Nghề ấy cần người có tài, hồi mới lớn nông nổi, mới
xin theo học, giờ em nghĩ lại rồi. Việc em xin được bây giờ chả dính dáng gì
đến ngành học trước đây. Miễn là có việc làm, thất nghiệp mãi đâm tự ty, cứ y
như con dở, con mất trí ấy phải không chị?
Chị cũng mừng cho mày. Nghề
báo ngày nay cực kỳ nguy hiểm. Viết dở chả ma nào đọc. Viết hay là dễ đụng chạm
chỗ này chỗ kia. Thôi, “giã từ vũ khí”, đi làm việc khác cho nó lành.
Nó khoe “anh ý tốt lắm, lo cho em từ a đến z chả phải mất đồng nào
chạy chọt. Lại còn hứa mua cho cái xe để lấy cái đi làm. Tất nhiên là anh ấy
cho vay. Đi làm có tiền nhính ra trả dần, cũng tốt phải không chị?”
Huyền đã a, suýt nữa kêu trời. Sao chuyện của mày giống chị trước
đây thế hả em? Tên anh kết nghĩa của mày sao nói cứ như ông anh “Kết nghĩa” của
chị. Giống cái tên có dáng người hệt lão chào hàng bịt mặt vừa khi sáng mò vào
quán này. Chẳng biết người ngày xưa của chị với người ngày nay của em có cùng
một lò chui ra không? Giống thế không biết! Toan nói ra, lại sợ em ý buồn. Việc
đời xưa nay mấy khi cái nào giống cái nào? Tình cảm trong sáng, tốt đẹp mà bị
ngờ oan là điều không bao giờ nên. Huống chi bây giờ nó đang vui, mình nói vậy
có khác nào dội cho nó gáo nước sôi như Tấm gội đầu cho Cám? Chả hay tỵ nào!
Huyền chỉ bảo:
-Ai giúp, cũng phải tự mình. Tự tin và tự tìm hiểu cho chắc chắn
em ạ! Con gái là dễ khôn ba năm dại một giờ.. Đừng có quá tin người vội..
Nó “Vâng” rồi ngoay ngoáy về. Dặn đi dặn lại: “ Bao giờ chị về Hà
lội, chị phải ghé em chơi đấy”! May thật, nó thôi không theo nghề. Suýt nữa
thành nhà báo rồi mà vẫn còn nói ngọng. Nếu đi phỏng vấn phỏng véo, nói ngọng
như nó chắc buồn cười lắm!
Con em đi rồi..Cái chuyện năm xưa đang nghĩ dở lại hiện ra trong
đầu. Muốn quên đi mà không được..
***
Người đưa em vào một ngõ nhỏ thuộc ô Cầu Giấy có cái tên rất kêu.
Đầu ngõ đối diện với một trường đại học. Em có con bạn đang học năm cuối ở đó.
Có một hai lần em đến chơi với nó, nhưng lại chẳng để ý gì đến con ngõ này. Nó
như muôn vàn con ngõ chật chội, lem nhem của thủ đô. Không mấy người biết dù
tên nó rất hay. Như tên một cô gái “Kiều Mơ”!
Em không ngờ cuộc đời em lại bắt đầu bi kịch và chấm dứt đời sinh viên ở
đấy.
Người bảo:
- Huyền ạ, em cứ ở đây, khi nào xin được việc cho em, anh sẽ tìm
một chỗ ở khác, tốt hơn. Tạm thời em cứ nghỉ ngơi, thư giãn chút đi. Mọi việc
để anh lo.
Em nói:
- Nếu phải chờ đợi có khi em về trên nhà, khi nào có quyết định
chính thức, anh báo em sẽ xuống. Ở đây sinh hoạt đắt đỏ mà em chưa có việc làm,
khổ cho anh..
Người lại nói:
- Chuyện ấy em không phải lo. Có một mình em anh không lo được, còn
nói gì nữa? Chỉ cần em làm theo lời anh dặn là được rồi..
- Sao hả anh?
- Thành phố phức tạp, em biết rồi. Đừng quan hệ linh tinh, làm
quen dễ dãi là rất không hay. Thành phố rất nhiều thợ săn nai đấy, con nai bé
bỏng của anh ạ!
- Cái đấy thì em biết, anh không tin em à?
- Anh tin, nhưng việc nhắc em vẫn phải nhắc.
Em nghĩ có thể Người lo xa,
có thể Người ghen. Chừng ấy thời gian Người vẫn chưa tin em ư? Em sẽ chứng minh
cho Người thấy. Em hơi bực Người, sau rồi lại thấy thinh thích. Hóa ra Người
rất sợ tuột mất con bé nhà quê đồng rừng là mình.
Đã ở ngõ rồi lại sâu mãi trong hẻm. Phòng trọ phía trong cùng. Bên
ngoài một hàng nước. Phải đi qua mấy chỗ chứa đồ phế liệu. Sắt gỉ, bìa cạc tông
chất cao từng đống. Em nghĩ giá có nói địa chỉ cho người nhà trên quê xuống
chưa chắc đã tìm được mình! Chính em ở mấy ngày rồi mà vẫn bị lạc. May có số
điện thoại của cô bán hàng nước chè chén ngồi phía ngoài mới biết đường về. Em
như lạc vào một thế giới khác. Thế giới em chưa từng nghĩ đến bao giờ, chưa
từng biết nó có thể có trên thế gian này..
Em muốn người đưa em về nhà. Ít ra cũng phải biết gia cảnh người
thế nào chứ? Người bảo lúc này chưa tiện. Có gì mà không tiện nhỉ? Người nói
“Ông bà già chưa muốn cho anh lấy vợ bây giờ. Phải khó khăn lắm mới chạy được
một công việc như anh may mắn được nhận. Phải phấn đấu một hai năm cho vững
chân đã, rồi mới tính chuyện hôn nhân”. Hỏi việc gì? Người bảo “một công việc
không được phép nói rộng ra bên ngoài. Ngay người thân cũng không tiết lộ”.
Người làm phản gián hay là tình báo, hay ma phia? Chịu, không thể biết được.
Như thế thì đừng có mơ lúc này Người dẫn đến cơ quan, giới thiệu với sếp, với
đồng nghiệp. Công việc Người hứa lo cho, làm hồ sơ chả thiếu gì vẫn dài người
ra mà đợi. Việc quan nóng như nước đá mà. Biết làm sao?
Hai ba ngày một bận Người đến một lần. Trước còn mau, sau thưa
dần, thưa dần. Thức ăn vật dùng người mang đến đủ cho đến kỳ gặp lần sau. Nhưng
tiền thì người không đưa. Có lẽ Người nghĩ có tiền em sẽ ra ngoài mua sắm, có
khi buồn chán muốn về quê. Em cũng không muốn hỏi. Mình có quyền gì mà đòi hỏi
tiền bạc cơ chứ? Với lại em không muốn Người nghĩ xấu về mình. Em đến với Người
là niềm tin tưởng, đâu phải vì tiền?
Nhưng hàng ngày như bị giam lỏng, bức bối vô cùng. Dù có thiện ý
đến đâu em cũng phải có dấu hỏi? Thực ra Người là ai? Vì sao khi nào đến Người
cũng đến rất muộn, lúc đi lại vội vội vàng vàng, thường là lúc chưa tỏ mặt
người, hàng phố còn chưa ai dậy?
Em không phải chờ lâu. Em đã có đáp án câu hỏi của mình. Một đáp
án buồn, bi thương.
Tối hôm đó, cả con hẻm mất điện. Mưa lay phay, tối như bưng lấy
mắt. Em và Người đang ngồi ôm nhau trên giường. Bất chợt cánh cửa hé mở, có ánh
đèn pin chiếu vào. Em giật mình nghĩ là công an hộ khẩu kiểm tra, vội vơ cái áo
mặc vào người. Người cũng cuống quýt chưa biết đổi phó ra sao. Em chỉ thoáng
nhìn thấy hai người mặc bộ đồ đi mưa. Một người trong số họ vung tay về phía em
đang ở bên người.. Rồi Người rú lên hãi hùng.. Em thấy xót, bỏng rát bên vai..
Hai kẻ lạ vùng chạy phóng xe ra ngoài
đường. Khi mọi người xung quanh chạy đến
cũng là lúc đèn bật sáng trở lại. Người đang còn lăn lộn, hai tay bưng lấy mặt.
Em cũng đau, nhức bên vai như có lưỡi bào đang cắt da thịt mình. Người ta đưa
cả hai đi viện..
Đến thăm bệnh nhân đầu tiên là một bà cao lớn, nét mặt đanh ác
nhưng ăn mặc cực sang. Tay bà ta đeo những
vòng ngọc lớn. Em không biết giá trị châu báu, nhưng đoán những chiếc vòng ấy
không thể rẻ. Đi cùng bà ta một gã đầu trọc, u thịt nổi nần nẫn, là vệ sĩ hay
là gia nhân. Đứng nhìn Người một chặp, bà này cười khẩy:
- Tôi chỉ định cảnh cáo con hồ ly kia. Anh thương nó, “lấy thân
mình lấp lỗ châu mai” thì thây xác anh. Đừng có oán con này ác nha!
Xong, không nói thêm câu nào, bà cùng gã đầy tớ đi ra ngoài không
cả cái nhìn lần cuối khuôn mặt đẹp như Châu Khanh, Tuấn Ngọc giờ đã thành dị
dạng!
Em đã hiểu ra chuyện gì. Mình vừa là nạn nhân vừa là chứng nhân
của một pha đánh ghen ngoạn mục. Ngay đêm hôm đó em mò về chỗ trọ, thu vén tư
trang. Dù vết thương chỗ vai còn đau cũng không thể ở lại. Nhục nhã. Ê chề..
Không còn gì hơn để nói! Còn nấn ná ở đây với Người, chuyện gì sẽ xảy ra?
Sau này em được biết, Người cũng là một gã thợ săn. Không phải săn
nai trong thành phố này. Người săn sư tử và đã thành công. Quý phu nhân của Người
là con một ông nhớn đầy quyền uy, một “nhân” quan trọng, giàu sang ngất ngưởng,
nhưng nàng cực kỳ xấu xí. Người tìm đến em như một sự bù đắp lại cho thua thiệt
của mình!
Sao cái gã chào hàng bữa trước nom từ phía sau giống Người trộn
không lẫn được? Liệu có phải con người ấy không?
Mình sẽ phải xử trí ra sao đây nếu lần sau anh ta trở lại, gã thợ
săn “Không săn chim chóc trên rừng”? Chuyện của con em họ, mình có vẻ thấu đáo,
sáng suốt thế, mà sao chuyện của mình lại tối như bưng? Tối như cái đêm mất
điện, mưa lay phay mình cùng bị săn tìm, bị tạ át xít với gã thợ săn thành phố?
Huyền thừ người ra suy nghĩ.. Mười mấy năm trời ăn học, cha mẹ vén
vun, đến giờ này mình vẫn như con thuyền không lái. Không đâu vào đâu. Một công
việc nuôi sống bản thân cũng còn bấp bênh, chật vật. Mình sẽ phải liệu tính sao
đây?
Cái xe lu chậm chạp lăn qua
lăn lại trước mặt Huyền. Tiếng đá vỡ lạo xạo. Mùi nhựa đường khét lẹt. Gió thốc
bụi từng đám chỗ người ta đang đổ đá xay làm lớp chống dính. Tất cả làm Huyền
choáng váng, nôn nao..
============
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét