Hình chụp từ YouTube cho thấy buổi huấn luyện chiến đấu với loại tên lửa mà báo chí trong nước gọi là 'sát thủ diệt hạm'. |
Bản tin dài hơn 2 phút ghi lại cảnh diễn tập thực tế, sử dụng tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P Bastion-P do Nga sản xuất, của Lữ đoàn Tên lửa bờ 681 của Hải quân Việt Nam.
Phóng viên thực hiện bản tin nói: “Các cuộc diễn tập như thế này đã nâng cao trình độ, khả năng và sức mạnh chiến đấu thường xuyên của lữ đoàn”.
Trong khi đó, Thượng tá Trần Văn Dung, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 681, được trích lời nói:
“Năm 2016, lữ đoàn tiếp tục huấn luyện sát với nhiệm vụ của đơn vị, sát với đối tượng tác chiến, sát với chiến trường, sát với phương án chiến đấu”.
Một loạt các tờ báo trong nước cũng đã đăng lại bản tin cũng như hình ảnh do Truyền hình Quốc phòng Việt Nam đăng tải hôm 11/8.
Báo điện tử của Quốc hội Việt Nam viết: “Tổ hợp tên lửa bờ K-300P Bastion-P là hệ thống vũ khí bảo vệ bờ biển hiện đại nhất của nước ta hiện nay”.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng việc huấn luyện trên “nằm trong nỗ lực tăng cường phòng thủ của Việt Nam”.
Cựu quan chức ngoại giao này nói thêm:
“Việt Nam rất ít khi phô trương. Khi nào cần thiết thì mới tiến hành một cuộc tập trận như vậy. Nó mang tính tượng trưng. Quan điểm của Việt Nam là đề cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ ổn định an ninh phát triển của Việt Nam, đồng thời đóng góp vào ổn định của khu vực, theo phương châm của phương Đông là 'người nào biết lo cái lo ở xa thì không phải lo cái lo ở gần' đặt trong bối cảnh cuộc xung đột ở biển Đông”.
Bản tin truyền hình ngắn có đoạn “nằm trong đội hình chiến đấu của Quân chủng Hải quân, Lữ đoàn Tên lửa bờ của Vùng 2 Hải quân được trang bị những vũ khí, phương tiện hiện đại, luôn đặt ra các tình huống sát với thực tế, trong đó có các tình huống phức tạp”.
Tin tức về buổi huấn luyện được đăng tải trong bối cảnh tình hình biển Đông “dậy sóng” sau phán quyết của Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc, và ít lâu sau khi hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin giấu tên nói rằng Việt Nam “bí mật” đưa các giàn rocket di động mới ra “năm căn cứ ở Trường Sa trong những tháng gần đây”.
Theo tiến sĩ Trường, các động thái mới của Việt Nam có thể là một chỉ dấu cho thế giới. Ông nói thêm:
“Việt Nam muốn khẳng định rằng Việt Nam sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình. Cái này có thể là một tín hiệu gửi tới thế giới, trong đó có Trung Quốc, chứ không nhất thiết là với Trung Quốc. Nhưng mà rõ ràng vào thời điểm tế nhị này, nếu như người ta không có các đòn bẩy, thì rất dễ bị người khác lấn át, và người ta hiểu nhầm rằng thái độ xoa dịu lại là thái độ nhượng bộ hay là yếu”.
Theo đánh giá của một dự án thuộc Viện nghiên cứu George C. Marshall ở Mỹ, Việt Nam “chú trọng nhiều tới phòng thủ duyên hải do tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ở biển Đông”.
Cơ quan này viết tiếp rằng tên lửa K-300P Bastion-P mua từ Nga cho phép hải quân Việt Nam “có thể phóng tên lửa hành trình chống hạm, được thiết kế để đánh đắm tàu thuyền đối phương. Với tầm bắn lên tới 300 km, loại tên lửa này có thể đánh trúng các mục tiêu của Trung Quốc gần Đảo Hải Nam”.
Viện nghiên cứu này viết rằng “tên lửa trên của Việt Nam có khả năng gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc”.
Việt Nam được coi là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên trang bị tên lửa tấn công các mục tiêu trên bộ cho đội tàu ngầm và chiến hạm.
(VOA)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét