Bốn mươi năm thơ Việt hải ngoại (43):
TIỂU SỬ
Tên thật Đinh Văn Cường (*), sinh ngày 5 tháng 7 năm 1939 tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
1951-1957 Học sinh Trung học Pétrus Ký Sài Gòn.
1963 Tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế.
1964 Tốt nghiệp Sư Phạm Hội Hoạ Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Sài Gòn.
1962 Huy Chương Bạc với bức Thần Thoại, Triển Lãm Hội Hoạ Mùa Xuân Sài Gòn.
1962 Giải Thưởng với bức Nhà Thờ, Đệ Nhất Triển Lãm Mỹ Thuật Quốc Tế Sài Gòn của Toà Đại Sứ Trung Hoa Dân Quốc.
1963 Huy Chương Bạc lần thứ hai với bức Chứng Tích, Triển Lãm Hội Hoạ Mùa Xuân Sài Gòn.
1969-1971 Uỷ viên kiểm soát Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, Sài Gòn.
1963-1967 Giáo Sư Hội Hoạ trường Nữ Trung Học Đồng Khánh Huế.
1967-1975 Giáo Sư trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế.
1989 Cùng vợ và 3 người con sang Mỹ định cư tại tiểu bang Virginia.
Ngày 7 tháng 1 năm 2016 ông qua đời tại đây.
Đinh Cường đã dành trọn cuộc đời mình cho hội họa và thi ca; để lại cho đời hàng ngàn bức tranh và hàng ngàn bài thơ.
Trịnh Công Sơn gọi Đinh Cường là “thi sĩ của hoài niệm”.
TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN:
Cào lá ngoài sân đêm, thơ, Thư Ấn Quán, Hoa Kỳ 2014
Tôi về đứng ngẩn ngơ, thơ, Quán Văn, Sài Gòn 2014
Đi Vào Cõi Tạo Hình I, tiểu luận hội hoạ, Văn Mới, Hoa Kỳ 2015.
(*) Chúng tôi thành thật biết ơn nhà thơ Phạm Cao Hoàng, nhà thơ Đinh Trường Chinh và gia đình đã chuẩn bị tài liệu chu đáo và gởi bài vở cho chúng tôi khi thực hiện số này.
Nếu bạn muốn tìm thấy diễn tiến của đời sống một nghệ sĩ, bạn bè, thăng trầm của số phận dân tộc, thì thơ Đinh Cường là một trong những bằng chứng. Đôi khi, về mặt nghệ thuật, những bằng chứng đẹp nhất.
Đinh Cường, và những người như ông, như Dương Nghiễm Mậu, thuộc thế hệ cuối cùng của một giai đoạn trang nhã. Mặc dù là họa sĩ nổi tiếng, ông ít được biết tới như một nhà thơ. Thật ra, ông làm thơ từ sớm và vẫn viết không ngừng cho đến những ngày cuối đời ở Hoa Kỳ.
Đinh Cường dường như không có ý định làm một nhà thơ. Ông chỉ ghi chép bằng phương cách ấy, vì phương cách khác không thích hợp bằng. Tất nhiên, còn hội họa, nhưng đó là thể hiện khác. Vì vậy đây là trường hợp hiếm có. Người quan sát tinh tế các mối quan hệ thân mật; và bất ngờ giữa những dòng kể dịu dàng, bỗng cực tả bi kịch cá nhân và thời đại mình. Không phải bài thơ nào của ông cũng hay, nhiều bài chưa chắc đã là thơ, nhưng những bài xuất sắc có thể phát sáng trên mỗi khúc quanh. Có lẽ ông đã chọn được vị trí cho mình giữa những người khác, đã chọn đúng điểm đứng như cách một họa sĩ đặt giá vẽ xuống. Quyền lực của sự đồng cảm là lớn nhất trong thơ Đinh Cường. Có một mức độ căng thẳng giữa nhu cầu ghi chép sự vật như chúng vẫn thế, và ngọn dao sắc bén của thơ trữ tình. Nhiều khi ông đã hy sinh cái thứ hai, bỏ qua sự kiểm soát nghiêm ngặt đối với chữ.
Vì thơ Đinh Cường chứa nhiều câu chuyện, nhiều tình tiết, nên thế nào chúng cũng được kết tinh lại một nơi nào đó thành một trong hai hình thức sau đây: hoặc là thơ hay hoặc là các giai thoại. Tức là chúng sẽ được đọc lâu dài. Một số chúng.
Đinh Cường, nhất là thời kỳ sau này, có thể làm người đọc nghĩ tới Frank O’Hara ở New Yok. Cả hai đều mê thơ ca, hội họa, âm nhạc. Cả hai đều viết về nhiều đề tài và cố gắng đưa vào thơ mình càng nhiều càng tốt các chi tiết, một loại thơ nhật ký. Nhưng khác với O’Hara, ông không thuộc một trường phái nào, không có bước rẽ của tính châm biếm. Ông chân phương và Đông phương hơn.
Rất khó xếp vị trí của Đinh Cường bên cạnh các nhà thơ khác. Những bài thơ liên tục kế tiếp của ông như những vòng sóng lan rộng trên mặt nước, nhiều gió nhiều ánh sáng nhiều ảnh.
Văn Việt trân trọng giới thiệu.
VÀ CÓ KHI NÀO SƠN TRỞ LẠI
gởi Dao Ánh, ngày giỗ Sơn 1 tháng 4
Và dòng sông cũng mang tên người
về mộ phần. như câu bạn tự hỏi về
đời mình. có bao giờ còn thời gian trở lại
thư cho Dao Ánh năm mươi năm còn đó
nửa thế kỷ rồi sao. cô bé đẹp như Anne Frank
đẹp thánh thiện. đôi mắt tròn xoe ra mở cổng
trước sân nhà. có cây dạ lý hương lâu năm
từng chùm bông trắng nở. ẩn trong cành lá
một buổi sáng hôm nào rất lạ. mở cửa sổ ra
thấy cành bông ai cắm. người nhạc sĩ cảm động
từ đó ra mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
dài tay em mấy thuở mắt xanh xao …
nhưng cũng từ khi đó mặt trời lại mọc
hoa mặt trời hướng đến mặt trời kia
khi mặt trời tắt trên vùng núi lạ
là Đơn Dương. từng đêm bao lá thư về
bao lá thư đã ố vàng. một thời mộng mị
bạn có về không. ánh nến chập chùng đây …
Virginia, March, 31, 2014
NHỚ VỀ MƯA PHỐ NÚI
Mưa lạnh nhớ về mưa phố núi
chiều mưa qua mấy dốc đồi cao
và mây bay thấp ngang thềm cửa
về với mùi sơn tranh chưa khô
về với gỗ thông giường nệm cũ
nhớ chiếc giường Van Gogh lẻ loi
đàn quạ đen qua đồng lúa ửng
sao ngươi tự kết liểu thiên tài
mưa lạnh chiều mưa rừng tháng chạp
mùa này cây cối đứng buồn thiu
tàu qua hụ tiếng còi nghe rõ
lặng nghe như có tiếng ai về
lặng nghe trên bậc thềm rêu ấy
mưa khuya về với núi non buồn
tháng chạp Dran mưa và gió lộng
mưa lạnh chiều nay mà nhớ người
Virginia, 19.12.2011
TRƯA TRÊN PHỐ CLARENDON
Lỡ trưa tôi đi trời nắng xế
đâu có ai về trên phố Clarendon
đâu có mái tóc mượt mà gió lộng
mà nghe như tiếng thánh kinh buồn
rồi lại mùa thu vàng lá rụngđâu có ai về trên phố Clarendon
đâu có mái tóc mượt mà gió lộng
mà nghe như tiếng thánh kinh buồn
em có buồn nhìn trời thu không
ước chi về đi dưới trời mưa bụi
ôi Huế rêu phong ủ kín trong lòng.
Lỡ mai tôi đi về dưới suối
vàng mơ một giấc ngủ êm đềm
thì cứ như là mây với gió
gió dạt xô về muôn tiếng chimrồi lại em qua đồi cỏ ấy
gỡ cỏ may hồng em nhớ ai
đời nghiêng nghe chút sầu thiên cổtrưa một mình đi phố lạ người
Virginia,tháng 10.1990
ĐOẠN GHI TỪ BIỆT GAGA [1]
Khi Nguyễn Xuân Hoàng từ San José
điện thoại báo tin Phạm Công Thiện đã chết
tôi đang ăn múi cam mà nghẹn
buổi chiều mưa mù trởi, lại tiếng còi tàu ứa nước mắt
loanh quanh tìm lại kỷ niệm
những năm xưa mịt mùng xa tắp
Thiện đi xe hơi con nhà giàu ở Mỹ Tho
(sau này phá sản lên xây nhà ở Finom bên đường đi Đà Lạt)
lên Sài Gòn thường ghé thăm tôi ở Tân Định
đường Tự Do, có căn gác nhỏ lên đó ngồi chơi
rồi qua phòng trà Tự Do cách một ngã tư
có cả Tuấn Huy mà Thiện đã viết
Huy, suốt đời tôi chắc chắn không bao giờ tôi quên được
đôi mắt ướt lệ của một nàng ca sĩ mà chúng mình
đã nhìn thấy vào một đêm mưa tầm tã trong một
phòng trà mờ tối ở Sài Gòn…
Huy nhớ không, Tuấn Huy tác giả Ngày vui qua mau
bây giờ đang ở Costa Mesa, California
người bạn luôn thủ những viên thuốc ngủ và thích ngồi nhìn lung
xuống dòng sông Thiện nhắc trong lá thư
như nhắc đến Trịnh Khắc Hồng, người bạn luật sư trẻ tuổi
đã mất năm nào, lá thư ghi Nha Trang, tháng 6 năm 1963
và tôi đã vẽ bìa cho nhà xuất bản An Tiêm của Thanh Tuệ
một con ngựa xám đang tung vó giữa trời
khi bị con rắn năm sinh của Phạm công Thiện cắn, Thiện khoái chí
Cuốn sách tôi mua lại được nơi hàng sách cũ
trước nhà thương Từ Dũ
trong phần cuối, thư gửi cho Nietzsche
Sau khi đã phá hoại đến cùng cực… Đi vào im lặng
Chào Dionynos Philosophos
Trên tất cả đỉnh cao là lặng im [5]
Thư quán Hương Tích in ở Sài Gòn
Thầy Tuệ Sỹ nhờ tôi đem về mấy quyển
giao cho Thiện, chỉ có một người liên lạc được
với Thiện ở Houston… còn thì lặng im
Bây giờ thì
Đã đi rồi đã đi chưa
Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời
Đã đi mất hẳn đi rồi
Hạ phương tịch mịch trùng khơi phong kiều [6]
Ngọn lửa tịch mịch đã tắt
nhớ xưa trên căn gác nhà Thanh Tuệ ở Lý Thái Tổ
Bùi Giáng gặp Nguyễn Đức Sơn và Phạm Công Thiện
cả ba mặt trời như muốn nổ tung
làm Bửu Ý phải can, tôi thì nhìn xuống con hẻm
chờ kêu mua mấy chén chè trôi nước
các ngài ăn cho ngọt giọng rồi cười
Ôi làm sao nhớ hết thời xa xưa ấy
thời Thiện ở dưới căn phòng nhỏ tầng hầm
đường Yagut, mê mải viết Saroyan
Đà Lạt nay tên đường vẫn vậy tôi ghé qua
muốn chụp tấm ảnh đưa về Thiện xem mà không kịp nữa
Ơi Hoài Khanh đang còn ở Biên Hoà tóc bạc phơ
nhớ đêm giáng sinh nào lên Đà Lạt thăm Thiện
Ơi Hoàng Trúc Ly khuất mặt những câu thơ Thiện ngợi ca
bởi Thiện là thi sĩ là hoạ sĩ lạ lùng kia đã đi qua rồi
Thiện đã về Thiện đã tới.
Virginia, March 10.2011
________________________
[1] Trong bài thơ “Thư Cho Cô Nhỏ Mùng Một Tết”, Việt Báo, Xuân – California 2011, Phạm Công Thiện có viết:
“ông tự đặt tên là GaGa
gọi cô gái nhỏ là BinBin
chiều ba mươi Tết làm thơ lạ
gà tre nhỏ cùng bông mồng gà“
[2] Nhà thơ Ninh Chữ tên thật Tạ Văn Ân, sinh năm 1938 tại Hà Nội, mất sau 1975 tại Sài Gòn. 4 tập thơ đã xuất bản: Tuổi đời (1962), Miền lưu đày(1963), Tầm gửi (1964), Ngôn ngữ (1968).
[4]“… Xin chiều mưa biên giới hỡi Thanh Thuý xin chiều mưa biên giới / Phù hộ tôi đêm nay. Xin chiều mưa biên giới…” (Phạm Công Thiện, Bay đi những cơn mưa phùn, Phạm Hoàng Xuất bản, Sài Gòn, 1970, trang 195).
[5] Phạm Công Thiện, Trên tất cả đỉnh cao là lặng im, nhà xuất bản Văn Hoá Sài Gòn, Thư quán Hương Tích, tái bản, 2009. Cuốn này đã xuất bản lần đầu tiên vào năm 2000, nhà xuất bản Viên Thông, California, 2000.
TẠ ƠN
Thiên thu lời tạ bên lời
(Bùi Giáng)
Nghĩ là ta tạ ơn ai
tạ ơn Trời Đất một mai sớm chiều
kể từ chập chững liêu xiêu
đến khi già yếu phải dìu bước đi
tạ ơn. còn nói năng chi
chắp tay mà vái. thầm thì niệm Kinh
bàn tay Phật chỉ anh minh
tưởng trăng là bóng của mình là sai
bóng ta từ lúc đổ dài
đường chiều qua mấy ngõ đầy lá thu
bóng ta từ sớm suơng mù
tạ ơn Trời Đất đền bù. nắng lên …
Virginia, Thanksgiving 2015
CÀO LÁ NGOÀI SÂN ĐÊM
tặng Bửu Ý
Chiều mù cây nhánh trơ
tôi mù sương mất hút
giữa muôn trùng lạnh tăm
cuối năm rào lá đổ
Suốt ngày nghe tiếng quạ
kêu ngoài hiên xanh rêu
đôi khi vờ ngủ muộn
giấc mộng đầy quạnh hiu
Chiều ra sông bến lạ
bên kia phố lên đèn
mới biết mùa đông gọi
một mặt trời không tên
Như người xưa nhớ bạn
cánh nhạn nhờ đưa tin
tôi một mình đứng lặng
cào lá ngoài sân đêm
Virginia, 11.97
ĐOẠN GHI ĐÊM CENTREVILLE
“Thoáng hiện em về trong đáy cốc
Nói cười như chuyện một đêm mơ “
(Quang Dũng)
Tôi biết vì sao anh vẽ ly thuỷ tinh
vẽ những viên cuội như có linh hồn
sao chiều nay gặp nhau nhà Phạm Cao Hoàng
Centreville mà như ngồi ở Harvard Square
tiếng chim báo mùa xuân đã về
bình hoa tulipe màu vàng chanh
giọng ca Phong một thời Đà Lạt
những cánh hoa phù dung buồn
ru người con gái ngủ yên bên hồ Than Thở
mây trên núi đôi buổi chiều bay thấp xuống
không có bước chân ai về trên đồi thơm
đánh thức những vì sao
đánh thức vầng trăng khuya
trên những mái nhà nguyện cổ Domaine de Marie
hay chuông ban trưa nhà thờ Con Gà
đôi má ửng hồng áo len xanh
nụ hôn đầu dấu duới hàng hoa mimosa.
Tôi biết vì sao anh vẽ ly thuỷ tinh
vẽ những viên cuội như có linh hồn
viên cuội trắng của tôi thời trẻ dại
thuỷ tinh buồn thoáng hiện bóng ai xưa …
Virginia, 28.2.2011
XÁCH NẢI CHUỐI ĐI BỘ VỀ NHỚ LẠI
Thì ra sau năm mươi năm
tôi lại xách nải chuối lững thững đi về
trên con đường mòn
trong cánh rừng Natick, Burke
bóng đổ dài và tiếng còi tàu cứ nhắc mãi.
Chiều từ quận lỵ Đơn Dương về Lạc Lâm
xách nải chuối và chai xăng rửa cọ
bước xuống từ cỗ xe ngựa thồ rất cũ
tiếng lục lạc buồn như núi rừng
bạn đến khi nào ngồi chờ bên thềm cửa.
Sơn ơi những tháng ngày B’lao – Đơn Dương [1]
Sơn ơi chiều nay một mình tôi bóng đổ.
Thì ra sau năm mươi năm
bằng một đời người
tôi lại xách nải chuối mua từ chợ Giant về
trên con đường mòn qua Starbucks
quán cà phê quen không cần gọi
cô gái Phi Châu hàm răng trắng muốt
và tiếng guitar country blues của Gabriel
tiếng guitar trầm như mưa âm u Đơn Dương
thì ra sau năm mươi năm bằng một đời người
tôi lững thững xách nải chuối về vừa nhớ lại
mùa này sóc lên ăn những đọt cây xanh mướt
thả xuống đầy màu lục non trên lối đi …
Virginia, 1 tháng 5.2013
[1] Trịnh Công Sơn từ B’lao hay bất ngờ về thăm
thời gian tôi ở Lạc Lâm năm 1964
THỨC DẬY NỬA KHUYA NGHE GIÓ HÚ
buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường
tôi xin một chỗ quì thầm kín
(Thanh Tâm Tuyền)
Thức dậy nửa khuya nghe gió hú
rừng sậm đen. đĩa nhạc blues jazz
tắt tự bao giờ. gió vẫn hú như ngông
cuồng. vọng về đâu từ trên núi xa
có lần tôi thấy con chim hải âu
chết lạnh trên một tảng đá trắng
mây xám giăng ngang đầy bầu trời
mây xám giăng ngang đầy hồn tôi
cuối năm. lạnh. người có về Dran
khoác thêm chiếc áo dạ bạc màu
ghé quán bên đường em ngái ngủ
không như Quang Dũng thả hồn thơ
vầng trán em cao, sáng ngời linh hồn
ôi đẹp và say đôi mắt… chuông ban trưa [1]
vuờn Chanh. nhớ bức tranh cầu nguyện
của Millet. như tôi ngồi im cầu nguyện
nửa khuya thức dậy nghe rừng gió hú
nửa khuya thức dậy ngồi trong bóng tối…
lần xâu chuỗi hạt nâu Phạm Nhuận tặng
ấp trong lòng bàn tay hạt bồ đề trăm năm ..
Virginia 13.10.2015
[1] Chuông ban trưa - thơ Quang Dũng
THÁNG MƯỜI NHỚ NGÀY GIỖ MẸ
Gió chiều nay như nói với tôi
hay lời mẹ nói
kéo cao thêm cổ áo cả lạnh
mây trời mù mù
có mấy giọt sương rơi
hơn nửa tháng mười rồi
nhớ ngày mẹ ra đi
từ đó đến nay không còn gọi phone
cuối tuần về thăm
hỏi mẹ khỏe không
hỏi bên đó tuyết đã rơi chưa
luôn nhớ những ngày đầu tiên
từ Việt Nam qua Salt Lake City
tuyết ơi là tuyết
nhớ buổi cơm chiều đoàn tụ
mẹ ăn ít cơm chỉ thích rỉa xương cá
mẹ mặc chiếc áo laine tự đan lấy
suốt ngày mẹ nằm đan
thành bao nhiêu tấm chăn đẹp cho con cháu
ngày mẹ mất con giữ chiếc áo cánh
bằng vải trắng có cái túi to
mẹ hay mặc bên trong, lâu đem ra nhìn lại
cùng mấy tấm ảnh năm nào
chụp trước căn nhà nhỏ có hàng rào gỗ trắng
bên cạnh nhà thờ im vắng
nhớ chiếc sofa mẹ hay nằm bên cửa sổ
vườn rau xanh bên hè mẹ tưới
có lần con về thăm đã vẽ mấy bức tranh lớn
tấm bố dựng bên hè đó
với màu tím xanh dãy núi trong tranh
chập chùng như bóng cha
năm nay không về Utah
gió chiều tháng mười như nhắc tôi
đến ngày giỗ mẹ…
Virginia, 19.10.2013
SẦU QUÍ PHÁI
Ôi khúc cầm dương sầu quý phái
(Joseph Huỳnh Văn)
Vẫn tiếng cello Camille Thomas
như nước mắt
Chiều tà của Schubert
vẫn tiếng còi tàu
ngoài con đường ray
chạy về phương Nam
sẽ dừng lại trạm cuối nơi nào.
tiếng còi tàu bao giờ
cũng mờ xa. rồi mất hút
có khi để lại một vệt khói
rồi trở về sự tịch lặng…
tôi không còn gì để nghe.
ngoài tiếng gió sau cánh rừng
chiều tà. chiều tà.
và vẫn những con chữ ám muội
những đốm màu đôi khi có sẵn
vẫn tiếng cello của Camille Thomas
và tiếng dương cầm Beatrice Berrut
tôi vẫn muốn gởi đến người bạn
thi sĩ nơi xa kia. một cành phù dung
có khi nào chúng ta gặp lại nhau
uống ly rượu để nhớ về Vương Phủ
có khi nào chúng ta trở lại con đường cũ
con đường Hoa Hồng với nỗi sầu quý phái…
Virginia, 16.7.2015
THỨ SÁU, KHI Ở PHÒNG CHEMO VỀ
Gởi Ngô Thế Vinh
Chiếc ghế chemo trong căn phòng ấy
những sợi giây nylon đang thả xuống
hai bịch nước trong veo như nước mắt
tôi ngước mắt nhìn lên. từng giọt. đều.
rơi xuống. giọt. làm nhớ Văn Cao:
từ trời xanh
rơi
vài giọt tháp Chàm
Quy Nhơn. ngày anh đến đó . những tháng đầu năm 1985
ba bài thơ Quy Nhơn I, Quy Nhơn II, Quy Nhơn III
anh đã ghi lại như ba tấu khúc cello. đẹp như huyền thoại
biển đưa về vài chùm chim yến
nắng làm khô những lá dừa non
… quanh Quy Nhơn
tôi như đứa nhỏ yêu huyền thọai [1]
giọt. giọt. giọt. tôi lại ngước mắt nhìn lên
xem gần cạn chưa. cho đến giọt cuối cùng.
hai giờ lim dim hai giờ hít thở….chemo. chemo….
thì cứ xem như một điệu nhảy vui của người Phi Châu
thì cứ xem như những lời khuyên của Đỗ Hồng Ngọc
mình phải sống. và sống khác. Phải tự tại thôi
Ai có thể “thở” giùm ai? Ai có thể “thiền” giùm ai?
Virginia, 10 tháng 7.2015
[1] Văn Cao – Tập thơ LÁ Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới 1988
NHÌN NGUYỄN ĐÌNH THUẦN ĐỨNG TRƯỚC TIỆM
GIFT & CIGARETTES Ở CALIFORNIA Ở CALIFORNIA NHỚ PARIS
Nhớ không Thuần cánh cửa sổ
nhìn xuống con phố quận 13 Paris
mưa lầy lội mưa ướt thảm lá vàng mùa thu
đêm khuya đi chuyến métro về Porte d’ Ivry
những chuyến métro chưa quen
tiếng kèn buồn của người đàn ông
như đến từ các xứ Bắc Phi
nghe như ngọn gió thổi buốt trên sa mạc
nhớ không Thuần cánh cửa sổ
khu chung cư ấy đêm về mở ra
bạn đứng phà hơi thuốc nhớ Nhã Hương
kêu điện thoại khó khăn bấm số thẻ dài dòng
có đêm nấu hai tô mì gói ghé mua ở chợ Tàu
thấy ngon, thêm mấy lon bia Heineken
bạn ưng uống bia hơn chát đỏ
nhớ không Thuần cánh cửa sổ ấy
nhìn xuống con đường mưa
Paris gió lạnh, chiều lang thang trên đồi Montmartre
Place du Tertre như thấy lại mình trên đường bay nét cọ
chân dung thiếu nữ qua mấy nét chì than
ghé quán ngồi, Lê Tài Điển nói đã ngồi đó với Ngọc Dũng
chúng ta còn đứng trên cầu Mirabeau
nhìn sông Seine mà nhớ sông Hương
nhớ không Thuần cánh cửa sổ ấy
khu chung cư ấy ở quận 13 chúng ta đã ở
những đêm ngồi cùng bạn bè ở quán Monge về
bây giờ quán Monge đã đóng cửa
Paris và những chuyến métro chưa quen
tình bạn ấm cúng ở đó, làm sao chúng ta không trở lại …
Virginia, 10 tháng 5.2012
CHIỀU VÀ TIẾNG ĐÀN ĐẠI HỒ CẦM
Tiếng đại hồ cầm trong chiều ẩm mục
ngón tay ai gảy điệu blues buồn
làm tôi nhớ bạn tôi. và quán rượu
treo chúc xuống cả hàng ly thủy tinh
và phố Saint Denis đầy tuyết phủngón tay ai gảy điệu blues buồn
làm tôi nhớ bạn tôi. và quán rượu
treo chúc xuống cả hàng ly thủy tinh
nóc nhà thờ cuối con dốc bên kia
bao nhiêu năm qua rồi đấy nhỉ
sao chiều nay như thấy bạn về
sao chiều nay tiếng đàn trầm quá đỗi
trầm như hồn ta lặng duới chân mây
những ngày mùa đông có khi im sững
như nằm trong hang giấu kín mặt mày …
trầm như hồn ta lặng duới chân mây
những ngày mùa đông có khi im sững
như nằm trong hang giấu kín mặt mày …
Virginia, 27.1.2015
BÀI CHO CON DỐC SÂU XUỐNG
THÂN TRỌNG ĐIỀN TRANG
Lẽ nào lửa cháy rồi tan biến
không chút tro tàn trên mặt sân
nỗi khổ đau nào không ứa lệ
trăng là nguyệt tận chớ quên nhau
Hằng ơi có nhớ đêm Đà Lạt
lũng sâu sương muối đọng bên thềm
nở sao không thức xem tình bạn
xem kẻ phá cầu trong lặng im [*]
Lẽ nào xa nhau màu với sắc
và sắc không màu như vô minh
chiều nay lạnh lắm tôi ngồi vẽ
vầng trăng xanh hiện rất chung tình …
Virginia, 30.10.2011
[*] Kẻ phá cầu, tên một vở kịch của Thân Trọng Minh
SINH NHẬT KHÔNG CÒN BẠN
Sinh nhật bạn đã đến
những chiếc mũ bên góc bàn
dãy áo quần treo trong tủ
chiếc giường để không
chiếc ghế da nâu bạn ngồi coi phim bộ
chiếc ghế mây trắng đã cũ
không còn hơi ấm của bạn
cái chén xanh đôi đũa đen
chén nước mắm ớt nhỏ dành riêng cho bạn
mỗi bữa cơm trưa
thường có thêm người
những ly rượu cụng nhau
sóng sánh.
Sinh nhật bạn đã đếnnhững chiếc mũ bên góc bàn
dãy áo quần treo trong tủ
chiếc giường để không
chiếc ghế da nâu bạn ngồi coi phim bộ
chiếc ghế mây trắng đã cũ
không còn hơi ấm của bạn
cái chén xanh đôi đũa đen
chén nước mắm ớt nhỏ dành riêng cho bạn
mỗi bữa cơm trưa
thường có thêm người
những ly rượu cụng nhau
sóng sánh.
sinh nhật không còn bạn
nói cười Sơn ơi.
Tuyết đã ngừng rơi
những hạt tuyết thuỷ tinh
long lanh như nước mắt
cơn gió thổi qua nắng nhẹ như là
trong từng giọng nói có màu tàn phai.
Bạn đâu rồi
ly rượu đã bốc hơi
còn đọng cặn vàng mốc
những cây nhang trước ảnh bạn
đang đứng cùng tôi
chiều xưa lắm
nay lẻ loi từng ngày từng ngày
biển sóng xô nhau
tôi xô tôi vào cõi mịt mùng
Sơn ơi.
Vẫn những lời-ca-Sơn-buồn-thánh
vẫn trên những xa lộ muôn trùng
tôi trở về
với bảng màu đã khô
những cây cọ không rửa
tấm bố trắng còn nguyên.
Những con quạ đen những con sóc
những buổi sáng
tôi ngồi lặng một mình
bên cánh rừng Natick
mà nhớ Gò Dưa
một chiều mưa
chỉ còn đứng bên mồ bạn
tảng đá xanh tôi đã dựa vào
như còn truyền qua hơi ấm
“con khỉ, đi đâu mà lâu về…”
Những bó hoa vẫn mỗi ngày
những cánh hoa sứ vàng vẫn mỗi ngày
có người đến kết thành tên Trịnh Công Sơn
trên thảm cỏ xanh
những người âm thầm thương yêu bạn
không nguôi.
Bạn hãy ngủ yên
chờ mai kia
tôi về…Virginia, 28.02.2002
ĐOẠN GHI TRÊN VỎ CÂY THUỐC MARLBORO
Sáng dậy sớm
ngồi góc bếp ấm
căn mobil home
của Nguyễn Ðình Thuần – Nhã Hương
đường McFadden, Cali
ngọn đèn vàng im
tỏa xuống vuông khăn
trải bàn xanh dương cũ
làm nhớ chiếc bàn gỗ bằng ván thông
ở Lạc Lâm, Ðơn Dương
mây bay qua cửa sổ nhỏ
Sáng dậy sớmngồi góc bếp ấm
căn mobil home
của Nguyễn Ðình Thuần – Nhã Hương
đường McFadden, Cali
ngọn đèn vàng im
tỏa xuống vuông khăn
trải bàn xanh dương cũ
làm nhớ chiếc bàn gỗ bằng ván thông
ở Lạc Lâm, Ðơn Dương
mây bay qua cửa sổ nhỏ
nấu nước sôi pha ly trà xanh
chụm hai bàn tay ấm
tiếng xe sớm rộn, mất hút
ngoài trời chưa sáng tỏ
những ngày Cali trở lạnh
Giờ này trên ngọn đồi thông
bên chân cầu Ðại Lào
người bạn đã trở về
căn gác tối
trong căn nhà gỗ nhỏ
có ống khóa to
luôn khóa chặt
(cất dấu bao nhiêu bài thơ, bao nhiêu hột-thì-le)
bên chân cầu Ðại Lào
người bạn đã trở về
căn gác tối
trong căn nhà gỗ nhỏ
có ống khóa to
luôn khóa chặt
(cất dấu bao nhiêu bài thơ, bao nhiêu hột-thì-le)
Sáng dậy sớm
đẩy cánh cửa
những cây cọ dứng im
mây xám một màu Cali và
những cánh chim
bay trong rét sớm…
đẩy cánh cửa
những cây cọ dứng im
mây xám một màu Cali và
những cánh chim
bay trong rét sớm…
Cali, 15.11.2012
NHỚ TÂN ĐỊNH MƠ HỒ TIẾNG CHUÔNG NGÂN VANG
Mơ hồ như tiếng chuông phía nhà thờ Tân Định
(Đỗ Trung Quân)
Tôi có cái xưởng vẽ nhỏ trong xóm
nhìn ra nhà thờ Tân Định sơn vôi màu hồng nhạt
nghe chuông đổ hồi khi làm lễ
chuông hồi vang Angélus
chuông hồi vang Misa…
Tân Định. Tân Định. với tôi là nơi chốn thân yêu
ai nhắc đến Tân Định là tôi bùi ngùi. cảm động …
nơi ấy cha mẹ tôi xây căn nhà mới.
dọn từ Xóm Lách ra. đã từ lâu lắm
nơi có bao nhiêu bạn bè đến ở
nơi Trịnh Công Sơn thường ghé xưởng vẽ lúc khuya
về sáng. chờ người con gái ra bán hàng sớm…
tôi phải thức cùng Sơn.
Tân Định. Tân Định nơi Thanh Tâm Tuyền hay đạp
cái xe đạp cà tàng. mặc chiếc áo chemise ngắn tay trắng cũ
ghé qua rủ đi cà phê nơi căn nhà cổ nhìn qua nghĩa trang
Mạc Đĩnh Chi ngoài đường Hai Bà Trưng.
Bùi Giáng hay đi cyclo từ Gia Định qua kêu xuống trả tiền…
Tân Định. Tân Định nơi Nguyễn Đức Sơn từ Bảo Lộc
về ở lại. nơi Phạm Công Thiện từ Mỹ Tho lên ghé mỗi chiều thứ bảy
và Trịnh Cung đến để cùng ra Ninh Chữ có tiệm may ở đường Tự Do
đi cùng Trịnh Công Sơn qua phòng trà Tự Do cách đó một ngã tư
nghe Lệ Thu, Bạch Yến… hát. người tài pán luôn dành cho chiếc bàn nhỏ
trên lầu. Sơn nhảy bebop bay bướm.
như vậy mà mấy mươi năm rồi qua đây, để lại con mèo
chột một mắt thương nhất. để lại nhiều sách không đem đi hết.
để lại con hẻm nhỏ hàng xóm thân quen
khi đi vào cái xưởng vẽ nhỏ phía sau nhà
để lại nóc nhà thờ Tân Định nhìn ra mỗi ngày
ôi mơ hồ tiếng chuông…
Virginia 27.9.2015
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét