Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2016

Điệp viên hoàn hảo


tuan's blog
Đó là tựa đề cuốn sách "Perfect Spy" của tác giả Larry Berman. Hôm ra phi trường về Sydney, đi ngang qua một quầy bán đồ lưu niệm tôi chú ý đến cuốn sách này, nhưng còn ngần ngại mua, vì chưa biết nó có bị kiểm duyệt không. Tôi hỏi cô bán sách là cuốn này có phải là nguyên bản, chưa bị kiểm duyệt, thì cô ấy hơi ngớ ra, chẳng hiểu tôi nói gì. Tôi cũng hiểu ra là mình hỏi lầm người, nên tự "kiểm tra" bằng cách đọc vài trang. Sau khi tạm hài lòng là sách bản gốc, nên mua lên máy bay đọc để giết thì giờ. Bây giờ thì tôi đã đọc hết, nên có thể chia sẻ cùng các bạn vài cảm nhận.

Trong sách, Larry Berman phác hoạ cuộc đời và sự nghiệp của Phạm Xuân Ẩn, người mang hàm thiếu tướng tình báo trong Quân đội Nhân dân, nhưng cũng là một kí giả kì cựu của tạp chí lừng danh Time. Cuốn sách ghi lại từ những ngày ông theo học ở Trường Cao đẳng Cần Thơ đến ngày ông được Mai Chí Thọ và Mười Hương tuyển chọn làm điệp viên, và chọn để gửi sang Mĩ du học. Kế hoạch gửi Phạm Xuân Ẩn sang Mĩ học phải được Bộ Chính trị phê chuẩn và tốn nhiều năm mới thực hiện được. Năm 1957, ông Ẩn nhập học báo chí tại Trường Cao đẳng Orange Coast. Ông Ẩn có nói (rất đúng) rằng ông là người Việt đầu tiên sống ở Quận Cam, nơi mà hiện nay có khoảng 150 ngàn người Việt định cư. Trớ trêu thay, cơ quan tài trợ cho ông Ẩn theo học là Asia Foundation, một nhánh của ... CIA! Nhưng đến năm 1959, ông được triệu hồi về Việt Nam. Đến khi về Sài Gòn, ông sợ bị bắt, nên nhờ đến sự giúp đỡ của Trần Kim Tuyến (lúc đó là trùm tình báo của VNCH). Ông Tuyến tìm cho ông Ẩn một công việc ổ Việt Tấn Xã. Sau đó, ông Tuyến bị thất sủng, và ông Ẩn thì chuyển sang làm việc cho hãng thông tấn Reuters, rồi cho tờ Time. Trong vai trò kí giả, ông Ẩn viết bài thường xuyên cho Time, nhưng cũng đồng thời gửi thông tin cho cấp trên của ông ở trong rừng. Cuốn sách còn có nhiều tư liệu và hình ảnh quí báu do chính ông Ẩn cung cấp cho tác giả, nên có thể xem đây là một biography chính thức của ông.

Tác giả bắt đầu cuốn sách bằng một chương kể chuyện về buổi gặp Phạm Xuân Ẩn ở Nhà hàng Song Ngư (đường Sương Nguyệt Anh) vào năm 2001. Đó là lần gặp đầu tiên, mở màn cho nhiều lần gặp gỡ sau để tác giả có đủ chất liệu và tài liệu để viết thành một cuốn sách hay. Kết thúc chương sách, tác giả kể một câu chuyện đầy ý nghĩa. Chuyện kể rằng sau buổi ăn tối, ông Ẩn cùng Larry Berman rời nhà hàng, và có một ông đại tá quân đội nhận ra ông Ẩn và đến hỏi lễ phép: "Xin hỏi ông có phải là tướng Phạm Xuân Ẩn"; ông trả lời: "Ừ, tôi đây"; ông đại tá kia nói: "Rất hân hạnh được gặp ông," rồi hỏi một cách đùa giỡn, "Vậy ông là tướng của bên nào?" Không hề ngần ngại trong suy nghĩ, ông Ẩn nói ngay: "Cả hai bên". Khi ông đại tá tỏ ra không thoải mái, ông Ẩn nói: "Chỉ nói giỡn thôi". Sau đó, nhìn sang ông khách người Mĩ, ông Ẩn nói bằng tiếng Anh: "Ông thấy không, đây chính là lí do họ không cho tôi thoát ra ngoài; họ vẫn không chắc chắn tôi là ai."

Thật vậy, xuyên suốt cuốn sách, tác giả cho chúng ta cái bất định đó. Ông Ẩn là ai, làm việc cho phe Việt Nam Cộng Hoà, cho phe cộng sản, hay cho Mĩ? Có lẽ cả ba, vì trong thực tế ông đã phục vụ cho cả ba chế độ trong ba vai trò khác nhau. Nhưng điều tuyệt vời là ông Ẩn không phản bội ai. Đối với các đồng nghiệp trong chế độ VNCH, Ẩn là người thuỷ chung đến giây phút cuối cùng. Chính ông đã giúp trùm mật vụ Trần Kim Tuyến rời Việt Nam vào những ngày miền Nam hấp hối. Bác sĩ Trần Kim Tuyến còn nổi tiếng là một người chống cộng cuồng nhiệt (theo cái nhìn của nhiều người). Trong sách, tác giả Larry Berman còn thuật lại câu chuyện Phạm Xuân Ẩn đã vận động phe Mặt trận Giải Phóng (miền Nam) thả Rober Anson (lúc đó là kí giả của tạp chí Time) bị Mặt trận Giải Phóng và Khmer đỏ bắt ở Kampuchea.

Trong nhiệm vụ kí giả, Phạm Xuân Ẩn cũng hoàn thành xuất sắc. Trong suốt 20 năm liền, ông làm kí giả chính thức cho tạp chí lừng danh Time. Cần nói thêm rằng cho đến nay ông là người Việt duy nhất làm phóng viên (chứ không phải nhiều người khác chỉ làm phụ tá hay cộng tác viên) cho tờ Time. Ông được các hãng thông tấn quốc tế và cả tờ Christian Science Monitor mời làm cộng tác viên. Trong vai trò là một điệp viên cho phía cộng sản, ông cũng hoàn thành xuất sắc, vì những thông tin ông cung cấp giúp cho các tư lệnh quân sự miền Bắc [nói như ông Võ Nguyên Giáp] như đang ngồi trong phòng chỉ huy của quân đội Mĩ. Ông được phong hàm thiếu tướng trong Quân đội Nhân dân và vinh danh như là một "anh hùng".

Có lần phóng viên hỏi ông nghề gián điệp và phóng viên có gì khác nhau, thì ông trả lời vui rằng hai nghề rất giống nhau ở chỗ thu thập thông tin. Nhưng có một khác biệt quan trọng, nghề báo thu thập thông tin rồi công bố; còn nghề gián điệp thì thu thập thông tin và giữ lại. Nghề làm báo do đó phải là một nghề lí tưởng để chuyển hướng sang làm gián điệp. Thật vậy, những người cấp trên của ông đã chọn được một nhân vật rất tuyệt vời trong một vai trò rất lí tưởng để làm cái việc đầy gian nan và khó khăn.

Trong cuộc đời làm gián điệp, ông Ẩn không hề ăn cắp tài liệu của ai; ngược lại, người ta đem tài liệu đến ông để xin ý kiến phân tích. Thời đó, ông Ẩn nổi tiếng là một chuyên gia phân tích vỉa hè, được giới báo chí quốc tế tặng cho danh hiệu "Khoa trưởng báo chí", "Tiếng nói đài radio Catinat" (Catinat là tên đường Tự Do, tức Đồng Khởi ngày nay) vì ông tiếp cận được những thông tin độc đáo và có tư duy phân tích sắc sảo làm giới kí giả thán phục. Nhưng riêng ông, ông thích những danh xưng hài hước như "Tiến sĩ tình dục", "Giáo sư đảo chính", "Tư lệnh huấn luyện chó", "Tiến sĩ cách mạng", hoặc đơn giản hơn là "Tướng Givral" (vì ông tiêu ra nhiều thì giờ ở quán cà phê Givral để thu thập thông tin) (1).

Sau 1975, ông Ẩn có vẻ rất thất vọng với tình hình đất nước. Một điều khó ngờ là ông bị đi ... học tập cải tạo 10 tháng ngoài Hà Nội. Ông nói đùa rằng đó là những ngày tháng đi tẩy não. Ngay cả sau khi về Sài Gòn, ông cho kí giả David DeVoss biết rằng ông vẫn bị theo dõi, chứ không được tự do như người ta tưởng. Ông từng than thở trước sự lệ thuộc của Việt Nam vào Nga và Tàu, và tự mình chất vấn việc làm của mình trong quá khứ.

Với một cuộc đời và sự nghiệp có một không hai như thế nhưng tại sao ông Ẩn không viết hồi kí. Khi được hỏi, ông trả lời rằng ở Việt Nam người ta không có tự do để viết, "và đó là lí do tôi không viết về cuộc đời của tôi. Tôi sẽ bị rắc rối nếu tôi nói về cuộc đời tôi hay những gì tôi biết." Ông Ẩn cũng có những quan điểm về chủ nghĩa cộng sản. Ông nói rằng "Chủ nghĩa cộng sản là một lí thuyết rất đẹp, một lí thuyết nhân bản nhất. Chủ nghĩa cộng sản cũng giống như lời khải huyền của Thượng đế, của Đấng Sáng Tạo. Chủ nghĩa cộng sản dạy bạn thương yêu nhau, không giết nhau. Một cách duy nhất khác để biến những lí tưởng đó thành hiện thực là mỗi chúng ta trở thành anh em với nhau, nhưng điều đó có thể cần đến hàng triệu năm. Đó là một sự không tưởng, nhưng nó đẹp."

Nói chung, cuốn sách Perfect Spy hay, không chỉ nội dung phong phú và những tư liệu quí báu của ông Phạm Xuân Ẩn, mà còn hay ở phong cách văn chương. Một cuốn sách viết về một nhân vật Việt Nam phải có những thông tin về văn hoá và lịch sử Việt Nam, và không phải sách tiếng Anh nào cũng làm tốt việc chuyển tải những khái niệm văn hoá Việt sang tiếng Anh, nhưng cuốn sách của Larry Berman làm được cái việc đó. Dù sao thì tác giả là một giáo sư (Đại học Calfornia tại Davis), một học giả, nên cách hành văn sáng sủa và dễ hiểu. Phải ghi thêm là đối với các bạn đang học tiếng Anh thì đây là một cuốn sách rất đáng được tham khảo và đáng học.

Có lẽ tên của ông cũng là định mệnh. Tên của ông là Phạm Xuân Ẩn, và cuộc đời của ông cũng là một ẩn số. Đọc xong cuốn sách, tôi vẫn không biết hết ông là ai và theo lí tưởng nào. Có một điều chắc chắn là ông là người yêu nước Việt Nam, nhưng cũng là người yêu nước Mĩ, yêu tự do. Ông Ẩn cho tác giả Berman biết ông cảm thấy yêu nước Mĩ, yêu người Mĩ, và cách sống Mĩ. Tôi đọc một bài viết của Thomas Bass (một tác giả khác cũng viết về Phạm Xuân Ẩn) mà trong đó có đoạn thuật lại rằng tủ sách của ông Ẩn phần lớn là sách tiếng Anh và tiếng Pháp. Trong tủ sách đó, có một cuốn của nhà giáo Gérard Tongas (2) tặng cho ông mang tựa đề "Tôi đã từng sống với địa ngục cộng sản ở Bắc Việt Nam, và tôi đã chọn Tự do." Ông Ẩn rất thích cuốn sách này, và ông nói với Bass rằng "Anh phải đọc cuốn sách này trước khi viết bất cứ cái gì."

Ông Ẩn qua đời năm 2006, thọ 80 tuổi. Thuở sinh tiền, ông nói nửa đùa nửa thật với một nhà báo Mĩ (DeVoss) rằng khi ông chết, "xin đừng chôn tôi gần người cộng sản." Chẳng ai biết tại sao ông nói ra câu đó, nhất là nó xuất phát từ một người bỏ ra cả đời phục vụ lí tưởng cách mạng, nhưng ước nguyện này của ông đã thành sự thật.

===

(1) Những ngày sau 1975 ông Ẩn sống ẩn dật và làm bạn với 3 con vật: chó, chim, và cá. Ông giải thích cho tác giả Berman rằng chó là tượng trưng cho tính trung thành, con chim tượng trưng cho sự tự do, và con cá [không nói] nhắc nhở rằng phải giữ im lặng. Ba đặc điểm đó cũng chính là cách sống của ông.

(2) Gérard Tongas là nhà giáo dục người Pháp, người từng đến miền Bắc VN giúp chính quyền thành lập trường trung học sau năm 1954.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: