Tưởng nhớ Dr. Rupert Neudeck, người đã cứu 11.300 người Việt Nam trên Biển Đông hồi thập niên 1980
“Dr. Rupert Neudeck ra đi với nhiều ước mơ chưa trọn vẹn. Ông ước mơ một thế giới an bình không chết chóc chiến tranh. Ông ước mơ tiếp tục cứu giúp người tỵ nạn trên thế giới. Ông ước mơ ngày nào đó sẽ chạy Marathon trên suốt giải Gaza tại Palestine. Ông ước mơ đi trên chuyến xe lửa xuyên hết đất nước Sudan. Ông ước mơ học tiếng Việt và tiếng Ả Rập và ông ước mơ mình sẽ sống tại Phi Châu trong những tháng năm cuối đời… Cho dù bây giờ ông có thể sống tại Phi Châu hay Palestine, hay trên bất cứ đất nước nào như trong mơ ước của ông, nhưng có một điều chắc chắn rằng, ông vẫn còn sống mãi trong lòng những người tỵ nạn VN chúng tôi và tất cả mọi người trên thế giới”.
Đó là những lời được viết ra bằng nước mắt của Nguyễn Hữu Huấn, một người vượt biển trong số 11.300 người vượt biển giữa đại dương được ông cứu sống.
Gã không hề là người vượt biển. Gã vốn sợ sóng. Một lần đi tàu thủy cứu trợ bà con Côn Đảo bị bão cùng một nhà sư, sóng đánh dữ dội đến nỗi gã có lúc đã có ý nghĩ thà nhẩy xuống Biển cho sóng cuốn đi còn hơn. Nhưng rồi cái hình ảnh ung dung tự tại của nhà sư bình thản ngồi thiền trước bão tố làm gã bỏ qua cái ý nghĩ chạy trốn cơn lộn ruột sôi gan vì sóng ấy.
Gã hiểu sự liều mình và quả cảm của đồng bào của gã khi dứt áo ra khơi.
Một chân trời mới.
Gã tôn trọng sự chọn lựa ấy.
Gã chua xót , đớn đau cùng tủi hổ vì gã là thành viên của một đất nước mà gã vô cùng thương yêu đã đẩy những đồng bào ruột thịt của mình phải đứng trước sự chọn lựa sinh tử.
Thưa ông Dr. Neudeck ! Xin ông cho gã một người có biết làm thơ ngợi ca cái đẹp của đất nước này được khóc trước sự ra đi mãi mãi của ông.
Gã xin ghi lại một vài lời kể của ông Nguyễn Hữu Huấn, người bạn thân thiết của ông để bạn đọc của gã cũng được nhỏ những giọt nước mắt tiếc thương ông.
***
Thuở ban đầu, ít ai biết chuyện có nhiều phần tử cực đoan quá khích người Đức đã ném từng gói phân vào nhà ông như một hành động chống đối việc ông đang kêu gọi cứu vớt thuyền nhân VN. Ông chỉ trích thẳng thừng chế độ quan liêu cứng ngắc của chính quyền Đức và sự thờ ơ của các chính trị gia Đức thời đó. Ông phê bình cả Giáo Hội Công Giáo Đức là quá hoang phí tiền của để sửa sang nhà thờ, trưng bày hoa nến một cách xa hoa, hay chỉ biết ngày đêm cầu nguyện trong phòng kin mà không thực sự bằng hành động cứu giúp tha nhân đang khốn cùng chết chóc, nghèo đói vì chiến tranh hay thiên tai.
Hai lần con tàu Cap Anamur của ông bắt buộc phải chấm dứt trở về cảng Hamburg là hai lần đã cứu vớt đủ số lượng thuyền nhân tỵ nạn VN đã được chính quyền Đức phê chuẩn chấp nhận vào định cư tại Đức. Ông đã liều mạng bất chấp luật lệ và hậu quả, ra lệnh cho chúng tôi mỗi lần trước khi trở về phải kéo dài thêm thời gian tìm cứu người vượt biển và cố gắng vớt thêm được càng nhiều càng tốt. Chính vì thế mà lần thứ nhất, tháng 5 năm 1982, chuyến cuối cùng của tàu Cap Anamur I đã mang theo 178 thuyền nhân tỵ nạn cập cảng Hamburg, trong khi con số được chấp thuận chỉ còn vỏn vẹn vài chục.
Rồi đến tàu Cap Anamur II sau hơn 3 tháng hoạt động đã phải trở về Hamburg vào tháng 6 năm 1986 với 357 thuyền nhân, trong khi chỉ có hơn 100 được chấp thuận trước đó. Ông đã mạo hiểm cố tình đẩy chính quyền Đức lúc bấy giờ vào thế tiến thoái lưỡng nan, bắt buộc phải nhận thêm số người thặng dư này vì cả hai con tàu đều mang quốc tịch Đức và cảng mẹ cũng tại Đức (theo luật tỵ nạn LHQ lúc bấy giờ).
Năm 1987, nước Đức cương quyết không nhận thêm thuyền nhân VN nữa, ông hợp tác ngay với hội Y Sĩ Thế Giới của Pháp (Médecins du Monde) cho ra con tàu Cap Anamur III, mang quốc tịch Pháp, nước Pháp nhận hết thuyền nhân (905 người) và ủy ban Cap Anamur chịu tất cả mọi phí tổn. Khi các trại tỵ nạn đóng cửa không tiếp nhận thuyền nhân cùng với chương trình thanh lọc và cưỡng bức hồi hương, thì năm 1989 ông lại âm thầm cho ra khơi liên tiếp 2 con tàu (tháng 6 Cap Anamur IV và tháng 10 Cap Anamur V) với hai mục đích là đánh đuổi bọn hải tặc Thái Lan và giúp đỡ hướng dẫn thuyền nhân VN cập đảo. Đây là một hành động đi ngược lại luật lệ, ngược lại chính sách của Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ và các chính quyền đang có trại tỵ nạn tại Đông Nam Á thời bấy giờ. Mỗi khi phát hiện được ghe vượt biển, chúng tôi đưa họ lên tàu, câu luôn cả chiếc ghe. Các thủy thủ có nhiệm vụ kiểm soát an toàn cho chiếc ghe hoặc sửa chữa máy nếu bị hư hại. Các nhân viên y tế khám sức khỏe, phát thuốc và chúng tôi phân phát lương thực cho mọi người. Tất cả đều được đựng trong những túi nylon hoặc chai bằng nhựa, không nhãn hiệu, không xuất xứ để tránh có thể bị phát hiện sau này. Thuyền trưởng có nhiệm vụ chọn ngày giờ tối đen nhất, không trăng sao, tắt tất cả đèn tàu trên boong, lái tàu tiến vào chỗ gần bờ nhất, rồi câu ghe xuống. Chúng tôi dùng đèn pin đưa từng người xuống ghe, giao tận tay anh tài công 1 búa tạ lớn và 1 súng bắn hỏa pháo, dặn dò khi vào đến bờ phải đập tan nát ghe và máy ghe, rồi bắn hỏa pháo để chúng tôi biết được họ đã an toàn cập bờ. Vừa nhìn thấy hỏa pháo, thuyền trưởng tức khắc cho tàu chạy ra xa, chờ khi trời vừa sáng lại tiến vào chạy ngay bờ quan sát. Không cần ống nhòm chúng tôi cũng thấy được chiếc ghe đen đậm màu vỡ nát trên bờ cát trắng với tiếng reo hò của những thuyền nhân trong trại thức sớm. Cứ thế, hơn một chục chiếc ghe cập bờ với hàng trăm thuyền nhân được bình an do quyết định âm thầm đầy táo bạo và liều lĩnh của Dr.Rupert Neudeck!
Năm 1986, gia đình ông nhận một chú bé thuyền nhân VN không cha mẹ thân nhân làm con nuôi. Ba năm sau thì được tin người cha ruột của chú bé này vừa được định cư tại Hoa Kỳ và có ý muốn nhận lại con. Ông muốn chính mình đưa chú bé giao tận tay cho gia đình (cha nuôi gặp cha ruột – như ông nói). Tôi liên lạc và thu xếp để ông đi. Người Việt tỵ nạn bên Hoa Kỳ muốn tiếp đón ông như một đại ân nhân thật trang trọng. Cả một phái đoàn người Việt áo quần chỉnh tề với bó hoa thật đẹp. Máy bay đáp xuống, hành khách lần lượt bước ra gần hết nhưng vẫn không ai thấy ông đâu và ai cũng lo sợ nhầm chuyến bay hoặc khả dĩ liệu ông đổi ý vào giờ chót chăng. Bỗng có người thấy một ông già với bộ râu xồm xoàm, gầy đét, quần jean áo bỏ ngoài đang ngồi trong một góc vắng cười đùa nói chuyện với một chú bé VN. Có người đến hỏi ông, ông mỉm cười tự giới thiệu. Lúc đó cả phái đoàn giật mình, đồng loạt cởi bỏ áo vét và cravattes, ngượng ngùng trao ông bó hoa. Ông từ chối mọi phỏng vấn, từ chối mọi tiếp đón để trao tận tay cậu bé cho người cha ruột. Ông từ chối đến khách sạn đòi nghỉ đêm tại nhà cha ruột của cậu bé và trở về lại Đức ngay sáng hôm sau.
Năm 1987 sau khi con tàu Cap Anamur III về Pháp, nhiều đoàn thể tổ chức người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ (sau này là Úc và Canada), đã nhiều lần mời Dr. Rupert Neudeck và một số vị ân nhân khác của thuyền nhân tỵ nạn VN sang Hoa Kỳ để vinh danh, đồng thời quyên góp cho những công tác cứu người vượt biển của ủy ban Cap Anamur và tổ chức Medicins du Monde của Pháp do ông Bernard Kouchner và Alain Deloche lãnh đạo. Dr. Rupert Neudeck luôn luôn từ chối không tham dự mặc dù tôi cố gắng đốc thúc. Ông suy nghĩ khác, vì theo ông, vinh danh là thừa thãi vô ích, ông không thích được vinh danh và ông muốn tôi nói với người Việt bên Hoa Kỳ rằng, nước Mỹ phải có trách nhiệm với thuyền nhân VN và người Mỹ gốc Việt có dư thừa điều kiện và khả năng sao không vận động cho ra một con tàu như ông để tự cứu chính dân tộc mình !!!
Cách đây vài năm ông bị mổ tim lần thứ nhất. Khi tỉnh dậy ông mới biết vị bác sĩ mổ tim cứu sống ông lại là một thuyền nhân VN được tàu Cap Anamur cứu sống gia đình anh, khi anh mới được 3 tuổi. Ông nắm tay vị bác sĩ này và nói: “Năm xưa tôi cứu sống anh và người VN, năm nay anh cứu sống tôi, như thế người Việt tỵ nạn và tôi huề với nhau, chúng ta không ai còn nợ nần ai nữa!”. Ông nhiều lần kể cho tôi những chuyện thật hy hữu với khuôn mặt rạng rỡ thích thú rằng, một lần sau khi dự hội nghị về người tỵ nạn thế giới của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc (UNHCR) tại Hoa Thịnh Đốn, ông gọi một chiếc taxi. Anh tài xế vừa lái vừa ngoảnh cổ nhìn ông hỏi: “Ông có biết ông Neudeck ở bên Đức không?” Ông cười và trả lời “Ông ta là ai? Tôi không biết”. Anh taxi hơi ngượng nói lại: “Tôi nhìn ông sao giống ông Neudeck quá, ông ấy cứu vớt tôi từ ngoài biển đấy!”. Cả hai cùng cười… để rồi anh taxi nhất định không nhận tiền ông. Ông nói với tôi: “Thì ra cuốc xe này đáng giá cả một mạng người”.
Một lần khác trên phố Manhattan/New York khi ông đang lững thững đi bộ qua toà nhà World Trade Center (cũ), chợt có một chị từ trong tòa nhà bước ra ôm chầm lấy ông la lớn: “Ông là ông Neudeck-Cap Anamur phải không? Tôi là Cap Anamur 6 đây, ông nhớ không?”. Lại một anh khác chạy đến nắm tay ông nói: “Kính chào ông Neudeck, tôi Cap Anamur 12 đây”… Ông chẳng hiểu Cap Anamur 6 hay Cap Anamur 12 là gì nhưng vẫn tươi cười trả lời: “Tôi nhớ chứ! Tôi nhớ chứ!”… Ông kể cho tôi rồi hỏi: “Không nhẽ tôi nổi tiếng đến thế sao?”.Tháng giêng năm 2014, một phụ nữ VN được chọn tham dự chương trình “Wer wird Millionär ?” của Günther Jauch và thắng được 125.000 Euro. Cô tên là Đinh Quỳnh Anh Rohm, cô và gia đình được tàu Cap Anamur cứu sống năm 1982 khi cô mới 5 tuổi. Dr. Rupert Neudeck vui và hãnh diện lắm. Ông đến thăm vợ chồng cô và đích thân mời gia đình cô đến tham dự lễ kỷ niệm 35 năm con tàu Cap Anamur ngày 09 tháng 8 năm 2014 tại cảng Hamburg. Ông bảo đó chính là nguồn an ủi nhất của ông và gia đình khi ông đã khổ công tranh đấu đem những người tỵ nạn VN này vào nước Đức và ngày nay, họ là những “nhà vô địch thế giới về sự hội nhập”, thành công trên tất cả mọi lãnh vực trong xã hội Đức này.
Ngày 30 tháng 1 năm 2016, ông tham dự ngày hội Tết Nguyên Đán Bính Thân của người Việt tỵ nạn tại Bielefeld. Ông cảm thấy mỏi mệt, tức ngực và khó thở nên đi ra khỏi phòng và yêu cầu tôi chở ông về, từ 14 đến 16 tháng 5 năm 2016, ông phải nhập viện mổ tim lần thứ 3. Lần này ông nằm hôn mê trên giường bệnh cho đến khi lìa đời lúc 8 giờ sáng ngày 31 tháng 5 năm 2016, hưởng thọ 77 tuổi (1939-2016). Có những lúc ngón tay ông đã cử động, cũng có những lúc ông đã mở mắt nhìn vợ và con cháu mình và gật đầu khi được hỏi ông có muốn nghe nhạc Mozart không. Những niềm hy vọng chợt lóe lên trong sự mong đợi khát khao của gia đình, nhưng ai ngờ đâu đó chỉ như ngọn nến chợt bừng sáng trước khi thật sự lịm tắt. Ông đã thật sự vĩnh viễn ra đi.
Một tuần sau, ngày 14 tháng 6 năm 2016, Toà Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Koeln và tang quyến tổ chức Thánh Lễ tưởng niệm ông tại Vương Cung Thánh Đường St.Aposteln do Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki chủ tế cùng với 12 Linh Mục Việt Nam (đa số đều được tàu Cap Anamur cứu sống trước đây). Gần 2.000 người tham dự, hầu hết là thuyền nhân Việt Nam đến từ các nơi trong nước Đức và các quốc gia lân cận.Hầu hết các Chùa Việt Nam và các cộng đoàn Công Giáo Việt Nam trên toàn nước Đức đồng loạt tổ chức lễ tưởng niệm và cầu hồn cho ông như một nghĩa cử cám ơn và thương tiếc vị ân nhân đã cứu sống họ và gia đình.
Trên một chuyến xe lửa trong thành phố Koeln ngay trong ngày lễ tưởng niệm ông (14.6.2016) có người đã viết trên 1 toa xe dòng chữ “R.I.P. Rupert Neudeck” (Rest In Peace – Rupert Neudeck – Yên Nghỉ Trong An Bình). Một tấm hình khác xuất hiện trên Internet cho thấy hình con tàu nhân đạo Cap Anamur được xăm trên đùi một thanh niên Việt Nam như một ghi nhớ con tàu này đã cứu sống anh.
***
Từ đất nước quê hương của những thuyền nhân mặc dù trễ gần hai tháng, một nén nhang dâng ông.
Và Biển Đông ơi, nơi nao trong lòng đại dương bao thân phận chả được may mắn gặp ông?
Gã cũng xin một nén nhang cho những thân phận ấy nữa...
Gã hy vọng rằng một ngày không xa trên bờ Biển Đông của Tổ quốc gã sẽ có một tượng đài của dân tộc tưởng nhớ đến những người dân vô tội đã không bao giờ được đặt chân tới bờ.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét