Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2016

CÂU CHUYỆN BÊN HỒ


Truyện ngắn của HG

Em rủ đi chơi hồ núi Cốc, hồ Ba Bể, hay đi đâu đó. Miễn là nơi có nhiều cây xanh, có mặt nước mênh mang, dào dạt sóng trong mùa hè nóng bức này.
 Hai đứa sẽ chạy xe máy, mệt đâu nghỉ đấy, Chiếc  Honda shi 150 của em là loại xe mốt nhất hiện thời, vừa mua hơn trăm triệu, đường xa yên tâm đi, chả sợ hỏng hóc dọc đường.
Bốn năm mài mòn ghế nhà trường, cũ đi gần chục cái quần đồ thùng mua ở chợ sinh viên, quá oải, Tuân muốn lắm. Nhưng nghĩ đến cái túi tiền lép kẹp của mình anh rất ngại. Còn lâu nữa anh mới có thể có điều kiện để đến nghỉ ngơi, chơi bời ở những nơi như thế!
Bố mẹ đã phải chạy đôn đáo bòn nhặt bao năm trời nuôi anh ăn học mới có được ngày hôm nay. Lại ngửa tay xin tiền nữa, Tuân thực lòng không muốn. Ngay cả khi đang học năm cuối, trừ những khoản nào không đừng được Tuân mới “điện” về xin bố mẹ. Hà Nội những năm đầu thế kỷ hai mươi mốt công ăn ăn việc làm cực kỳ khó khăn. Ngay những người có chuyên môn, chuyên nghiệp nhiều năm xin được một chỗ làm đã khó, nói gì chầng sinh viên trẻ muốn có việc làm thêm, ngoài giờ? Tuân nhận trông coi tiệm nét cũng chỉ được hơn một tháng phải bỏ vì quá căng thẳng thời gian, không còn thời gian để học. Thôi thì tùng tiệm chi tiêu trong điều kiện của mình. Khổ học, như định mệnh cho chàng sinh viên nghèo, Tuân chấp nhận nó, một đương nhiên.
Có được tấm bằng đỏ loại khá đã là may mắn lắm rồi.
Mình còn đỡ hơn những sinh viên khác, không phải “chống trượt” hay mua thêm điểm.
Bố mẹ Tuân rất mừng, có nghèo một tí, khó khăn một tí nhưng tương lai mở ra trước mắt. Bố vẫn thường bảo: “Nước ta nghèo, dân ta và cả nhà mình cũng nghèo, nguồn gốc sâu xa là bởi sự thiếu học”. Điều ấy thì đúng quá đi rồi, không phải bàn cãi. Nhưng rồi cuộc sống thực tế, quan hệ cụ thể hàng ngày, Tuân thấy nó mới chỉ đúng một phần, chứ không phải là tất cả. Người có học nhưng không có tiền vẫn còn rất nhiều điều phải suy nghĩ, phải gắng gỏi mới vượt được qua.
Như lúc này đây, em rủ đi pích ních một chuyến, đã là một thách thức đối với Tuân. Không có nhiều cũng phải có một đôi triệu bỏ túi, không lẽ chỉ có mỗi cái người không?
Xuyên Chi lại không hiểu. Cô ngờ Tuân có ý nghĩ khác. “Hay là anh ngại hai đứa đi chung với nhau sẽ ảnh hưởng đến quan hệ khác?”- Xuyến Chi hỏi Tuân như vậy. Anh không biết giải thích như thế nào? Chả lẽ nói không muốn đi vì trong túi không tiền?
Dù chân thật đến đâu người ta vẫn có điều khó nói, không thể nói thẳng ra được. Tình yêu vốn đẹp một cách mơ hồ. Ở đó lấp lánh ảo huyền hy vọng và miên man cảm xúc, không thể trần trụi, thô thiển. Nói ra sự thực ấy, liệu em sẽ nghĩ gì? Mà không nói cũng không thể được. Để cô ấy hiểu lầm là chuyện không nên. Cuối cùng Tuân nói:
- Thôi để dịp khác. Khi người ta còn trẻ, cuộc đời còn dài, thiếu gì cơ hội để đi du lịch. Hơn nữa anh còn phải ở nhà lo làm hồ sơ để xin việc làm. Đi học chừng ấy năm, bây giờ gia trường phải tự lo, không lẽ cứ ăn nhờ bố mẹ mãi?
Xuyến Chi khúc khích cười. Tuân ngơ ngác, chẳng hiểu vì sao? Mình nói thế có gì đáng buồn cười đâu?
Xuyến Chi nhìn Tuân như thể vừa phát hiện ra ở anh điều hớ hênh, ngớ ngẩn:
- Tưởng là gì, chuyện đó nhỏ như con thỏ!
- Em nói thế là sao?
- Em định dành cho anh một bất ngờ sau chuyến đi này. Đã nói thế, em bật mí luôn. Ông già em đã nhận lời với em lo cho anh việc này. Đúng sở trường, hợp nguyện vọng luôn, miễn bàn cãi. Sở đang thiếu một người làm quản trị mạng máy tính nội bộ. Anh về đấy làm việc, trung tâm thành phố luôn!
- Sao em không nói gì với anh về chuyện này? Có thực không đấy? Nghe người ta nói xin việc trong thành phố bây giờ cỡ ba trăm, anh lấy đâu ra số tiền ấy?
- Anh đừng có mà nghe tin thất thiệt ngoài đường ngoài chợ. Việc làm chứ có phải hàng hóa đâu mà có giá cụ thể như thế. Em chưa từng thấy ai làm việc đó. Chỉ là luận điệu của kẻ xấu thôi. Đành rằng hoàn cảnh chung hiện nay rất khó. Công ăn việc làm không như mấy năm trước. Nhưng đó là cái “khó chung chung”. Bố em vẫn có cách. Chả nhẽ ông chịu bó tay khi lo nổi cho “con dê” tương lại, bạn đời của con gái cưng của mình?
Tin này từ miệng Xuyến Chi, chắc hẳn là thực. Sao Tuân vẫn thấy nó xa vời diệu vợi làm sao. Chả lẽ đến một việc như vậy, Tuân cũng lại ỷ nốt vào bố của người mình yêu? Thời buổi này không thiếu những tay đào mỏ, những kẻ biến hôn nhân làm phương tiện. Tuân dù nghèo, chẳng có thế lực nào để nhờ vả, anh vẫn không muốn như thế. Bài học từ ông chú ruột anh vẫn sờ sờ ra đấy. Nó là nỗi đau, sự nhục nhã mà chú anh không dám vác mặt về làng. Bây giờ ông đang sống lênh đênh đâu vùng hồ Thác Bà. Hôm về thăm quê, Tuân có gặp chú. Ông trở nên con người lặng lẽ, khác hẳn con người hồ hởi, pha chút lãng mạn thời tuổi trẻ.
Hai chú cháu không nói chuyện nhiều với nhau. Nhưng Tuân linh cảm cuộc sống của người em trai bố mình là câu chuyện buồn, có thể là rất buồn. Anh chỉ xin chú số điện thoại, không hỏi nhiều chú về bất cứ câu chuyện gì.
Chú hẹn anh khi nào ra trường, có thời gian lên chơi với chú.
Tuân nảy ra ý nghĩ khi nhớ ra chuyện này. Xuyến chi có vẻ thích thú khi Tuân bảo nên đi thăm quan hồ Thác Bà. Nàng nói:”Hồ đấy rất đẹp, có hơn một ngàn ba trăm hòn đảo lớn nhỏ rải rác khắp mặt hồ, lại có nhiều hang động rất đẹp nữa. Em có nghe nói nhưng chưa đến đó lần nào. Từ đây qua đó, theo đường Hiên, tắt sang cũng gần. Nếu đi sớm vẫn được chơi gần một ngày, buổi chiều vẫn kịp về..”
Tuân như trút được gánh nặng. Hồ đẹp hay không, nói thực, Tuân không chú ý lắm. Nhưng rất được. Đây là “tua” du hí ngắn, hợp với khả năng của anh lúc này.
Lại thêm cơ hội, nếu may ra gặp được ông chú ruột của mình. Buổi chiều hai đứa vẫn kịp về, khỏi lo ăn nghỉ nhà hàng, khách sạn, những nơi thường chi tiêu rất không bình thường, chưa cho phép, hợp với khả năng của anh vào lúc này!

- Chú anh mặt đỏ như Quan Vân Trường, tướng con nhà võ. Ngoại hình ông đẹp như vận động viên chuyên nghiệp. Thêm đôi mắt sáng, giọng nói trầm ấm, ai gặp cũng rất cảm tình – Tuân Kể - Ông lấy vợ ngoài Hà Nội, con một quan chức cấp cao. Ông này có duy nhất một người con gái. Hai vợ chồng chú được bố mẹ vợ mua cho căn hộ khu Thanh Xuân bắc. Đó là khu phố mới rất hiện đại, thường chỉ người có điều kiện mới đủ tiền mua căn hộ như thế. Hôm chú anh đưa bà vợ về làng, họ mạc ai cũng khen. Bà ta đẹp một cách quý phái sang trọng, giọng thỏ thẻ oanh vàng. Người ta bảo có phúc lắm chú anh mới được như thế. Không phải chuột sa chĩnh gạo, mà là con người sa vào nơi hũ bạc hũ vàng.. Ngày ấy anh mới nhập học năm thứ nhất. Thỉnh thoảng chú thím mời đến nhà ăn cơm. Gia đình chú có cái gì đó cách biệt khiến anh rất ngại.Nó đầy đủ quá, sang trọng quá khiến một anh học trò nhà quê như anh lúng túng ngại ngần.
Rồi chả hiểu tại sao, chú anh bị bắt, rồi ra tòa. Người ta kết tội ông đánh người thành thương, hỏng một bên mắt, án phạt hai năm tù. Vậy là chức trưởng phòng của sở công nghiệp bỏ lại, căn hộ không thể mang theo, người vợ diễm kiều sang tay người khác.
Mãi sau này người ta mới biết chuyện ẩu đả là do ghen tuông. Bà vợ ông yêu ông hết mực. Nhưng nếu chỉ dừng ở đấy ông sẽ là người hạnh phúc. Người ta không mong gì hơn vợ đẹp, con khôn, nhà cao cửa rộng lại có chức có quyền. Ông hầu như có gần đủ các thứ đó, chỉ thiếu sự sự thủy chung của người vợ. Bà ấy được nuông chiều từ nhỏ lại mê tiểu thuyết diễm tình. Ngoài chồng mình ra bà còn yêu nhiều người đàn ông khác mà bà cảm thấy thích như người ta thèm nhắm thêm món lạ. Cuồng yêu là một thứ bệnh người ta chưa phát hiện ra nhưng lại có tồn tại rất thực. Tai họa xảy ra từ sở thích, căn bệnh chưa gọi là bệnh này..

Chú gần như trắng tay khi đứa con gái duy nhất của hai người mắc một căn bệnh lạ. Khi đó ông chịu chưa xong án phạt. Không biết cho đến lúc ông được tự do, căn bệnh của nó có được chữa khỏi hay không?
Chú anh ra tù, ông quyết định không trở về làng. Anh em họ mạc đoán ông sẽ vào Sài Gòn, hay đến một khu công nghiệp, một thành phố lớn nào đấy. Với cái bằng kỹ sư cơ khí chế tạo máy của ông, hẳn là xin việc sẽ không đến nỗi khó.. Chẳng ai ngờ ông lại có sự chọn lựa như thế này..
Tuân ngừng lời. Xuyến Chi lặng lẽ thở dài, cả hai nhìn mặt nước mênh mang..Bất chợt cô hỏi ông lái đò:
- Chỗ sâu nhất lòng hồ là bao nhiêu, bác?
- Tôi cũng không rõ lắm..Nghe đâu người ta bảo có chỗ sâu gầm sáu mươi mét..
- Bằng chiều cao của ngôi nhà mười mấy tầng bác nhỉ?
Ông lái gật đầu. Những câu hỏi tương tự nh ư của cô này ông đã nghe phải đến hàng trăm lần rồi, chẳng có gì đáng để tâm. Chỉ đến khi cô hỏi ông là mùa cạn, nước trong có thể nhìn thấy cả chóp tháp chuông nhà thờ chìm dưới lòng hồ, có đúng vậy không? Ông mới cười, bảo:
- Đấy là người ta tưởng tượng ra thế chứ làm sao nhìn thấy được? Nước có trong cũng trong xanh kiểu lòng hồ, chả thấy gì đâu cô ạ!
Tuân định thuê riêng chuyến này đi vòng một lượt quanh vùng hồ trước khi đến nhà chú. Mới đi được hơn cây số mặt nước thì nghe chú gọi điện thoại. Chú anh bảo: “Hãy đến ngay chỗ chú. Chú cháu gặp nhau một lát. Các cháu ở lại chơi với thím, chú có việc phải đi mai mới về”.THì ra chú đã có vợ. Thím ấy là ai mà lần gặp ở quê chả ai nghe ông nói gì về chuyện này?
Tuân hỏi. Ông lái thuyền trả lời:
- Ông ấy ở đây ai mà không biết. Hỏi Kỹ sư hạnh những người vùng hồ này biết cả. Bà ấy lại là bác sĩ, ai ốm đau gì cũng nhờ bà ấy chữa bệnh cho. Hai ông bà này ai cũng quý. Thế cô cậu là thế nào với ông Hạnh?
- Cháu là cháu gọi ông ấy bằng chú.. Nãy bác nói bà thím cháu là bác sĩ, vậy bà làm ở bệnh viện nào?
- Không ở viện nào đâu. Nhưng bà ấy có phòng khám trên thành phố. Lâu lâu mới về thăm ông ấy.
- Sao có hai vợ chồng lại mỗi người một nơi?
- Câu này tôi phải hỏi cậu mới đúng chứ, vì cậu là người nhà – Nhưng mà thôi, cậu đã hỏi tôi cũng không giấu. Ông Hạnh có một tranh trại ngoài lòng hồ. Tôi có đưa khách đến thăm quan vài lần nên tôi biết. Lát nữa cậu đến sẽ biết. Thật chưa có làm trang trại như kiểu ông ấy. Cả hòn đảo ông nuôi toàn khỉ, bọ cạp và trồng củ tam thất.. Cả vùng này chỉ có mỗi ông ấy  nuôi trồng khác người như vậy thôi!
- Bác có biết bà thím cháu người quê đâu không?
Ông đò có vẻ lưỡng lự, không định nói. Nghĩ thế nào ông lại bảo:
- Bà ấy ở nơi khác đến. Nghe đâu hai ông bà gặp nhau trong tù, hẹn khi về ở với nhau.
Lại thế nữa. Sao bà thím bác sĩ của Tuân lại có thể đi tù được? Tù về tham ô, đánh ghen hay tiêm nhầm thuốc? Cuộc đời thật cái gì cũng đều có thể. Dù sao cả hai người cũng qua thời đen tối. Ông đò còn bảo chú anh là một trong số đại gia ít ỏi của tỉnh này. Nghĩ vậy Tuân cảm thấy an tâm.
Xuyến Chi thì ngược lại, Hình như cô dự cảm thấy điều gì đấy, báo trước điều không vui. Trái hẳn với tính tinh nghịch hay cười hay nói, tự dưng hôm nay cô trầm lặng. Có lúc còn có vẻ bồn chồn. Khi Chú của Tuân đưa hai người đi thăm khu rừng ông trồng trên đảo, Xuyến chi có vẻ mệt mỏi, miễn cưỡng đi theo. Suốt nửa buổi cô không hề nói năng gì. Cả cánh rừng xanh ngát, dưới tán rừng trồng tam thất xanh tươi, hoa các loại đỏ rực cũng không gây cho cô hứng thú. Hình như trồng cây, làm vườn với cô chả có chút cảm hứng nào. Đến khi một con khỉ bất ngờ nhảy trên cành cây trước mặt làm cái trò khỉ của nó, cô cau mặt. Xuyến Chi nằng nặc đòi về ngay hôm ấy. Vợ chồng ông chú cũng không giữ. Hình như họ cũng đoán được vẻ không bằng lòng từ cô bạn gái của cháu. Vì sao thì cả hai ông bà chưa hiêu? Nhưng hai ông bà là người từng trải, những việc như vậy sẽ không hỏi làm gì. Vả lại, hai người cũng đang có việc riêng, rất vội của mình..

**
Tuân không ngờ đó là lần cuối cùng hai người có dịp đi chơi với nhau.
Sau hôm ở nhà Xuyến Chi về tâm trạng anh rất vui. Trải bao vất vả, gian nan, cuối cùng cũng tới bến. Ông giám đốc sở, bố của em đã nhận và hứa xếp cho Tuân một chỗ làm. Thực ra lương ba cọc ba đồng khởi điểm chẳng được bao nhiêu, nhưng nó hứa hẹn nhiều về tương lai. Ông nói xa nói gần về chuyện một anh trưởng phòng, thậm chí một chân phó của ông cũng đều bắt đầu sự nghiệp của mình từ những bước đi, vị trí như thế này. Nếu không vì cô con gái duy nhất đem lòng thương anh, dẫu dù anh có bạc trăm ông cũng không dám rút. Nghị định, chỉ thị từ trên đưa xuống, hầu hết các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước đều giảm biên chế cho phù hợp với hoàn cảnh chung của hiện tại. Còn đến bao giờ mở rộng, phát triển cần tuyển thêm biên chế đến ngay cả ông, một giám đốc sở cũng không biết khi nào mới tới. Nhưng giảm gì thì giảm, cơ quan nào, doanh nghiệp nào cũng có đòi hỏi riêng, có “tính đặc thù” riêng của nó!
Không đợi ông bố em nói đều này, Tuân đã thừa biết tình hình xin việc hiện nay khó khăn như thế nào. Nhiều nơi không những không nhận thêm mà đang tìm cách giảm bớt người. Chen vào chỗ chật lúc này gần như là chuyện vô vọng. Mấy tháng trời Tuân tìm bao nhiêu cửa không có một chỗ làm, anh quá biết điều này. Các quảng cáo tìm việc làm lại càng thất vọng. Rõ ràng người ta đăng tin, nộp hồ sơ, phỏng vấn, đóng lệ phí không nhớ mấy lần rồi đều không kết quả. Đến cả trung tâm giới thiệu việc làm cũng không hy vọng gì. Lại nộp hồ sơ, đóng lệ phí và lại chờ, không biết đến bao giờ. Hình như muốn kiếm việc làm phải có cách gì khác chứ không phải như Tuân và một số bạn bè anh vẫn làm.
Khỏi nói khi nghe bố em nói thế, Tuân mừng như thế nào! Nhưng dù sao vẫn phải chờ, cho dù người giới thiệu việc làm cho anh là bố của em. Một con người mà theo Tuân biết có tầm ảnh hưởng to lớn đến quyền sinh quyền sát, vận mệnh của nhiều người. Chỉ có điều thời gian chờ đợi sẽ không lâu, đủ để người ta hợp thức hóa các thủ tục về nhân sự sao cho có lý, có tình!
Mỗi ngày đi qua là mỗi ngày quá dài, Tuân không biết làm gì cho hết thời gian. Cái thị tứ nhỏ bé như cái bàn tay chả có bao nhiêu công việc. Đi phơi gỗ bóc tách cho xưởng gõ dán vất vả mà chả được mấy đồng tiền. Lò mổ ở gần thuê cạo lông lợn năm mươi ngàn một con, anh làm được mấy ngày, bị bỏng lại phải thôi.
Một buổi chiều xâm xẩm tối, Tuân ngồi trông hàng cho mẹ. Quán tạp hóa leo teo vài mặt hàng, mẹ bán thêm cả xăng. Từ ngày có cây xăng cách nhà Tuân một quãng, mặt hàng này bán không chạy và kiếm được như trước. Nhưng bỏ thì lỡ sắm đồ, vẫn phải duy trì, chủ yếu bán cho người cơ nhỡ đường xa không biết cây xăng ở đâu.
Tuân đang lơ mơ nhìn ra đường, đầu óc không chú ý đến điều gì. Ngày nào chả có người xe
rồng rắn diễu qua? Những chiếc xe ô tô quá tải, kềnh càng bụi mù lắc lư trước mắt. Ngồi bán hàng mà phải đeo khẩu trao như thế này là một cực hình. Nó bận bịu vướng víu rất khó chịu. Tuân chỉ muốn đứng lên vào nhà, tìm cuốn sách, hay ngồi xem ti vi. Nhưng bỏ hàng không trông lại không được! Cái nóng như của cả thế giới này dồn tất cả về cái thị trấn nhỏ bé này. Đến cả cây bách chịu hạn giỏi như thế mà lá cũng úa vàng, rũ xuống. Những vạt ngô từ phía núi xa cũng trắng lốp, khô rốp một màu.
Chợt có khách dừng lại hỏi mua xăng. Nom dáng vẻ và màu xe quen lắm, nhưng Tuân chịu, không nhớ là ai bởi anh ta đeo khẩu trao, mang kính đen to choán gần hết mặt. Cũng có thể
người giống người, mình bận tâm làm gì? Khách đòi đổ cho anh ta ba lít. Theo lệ Tuân đổ xong quay vào cất cái bình nhựa dùng làm cữ, ngồi chờ khách trả tiền. Khách nổ thử máy, Tuân không để ý. Cử chỉ này nhiều người vẫn làm theo thói quen như thế.. Bất ngờ gã nhảy lên xe, phóng bạt mạng. Ở cái thị trấn này sự việc ấy chưa xảy ra bao giờ, Tuân khá bất ngờ. Anh vội lấy xe đuổi theo. Tên kia đã đi một quãng khá xa. Đây là con đường độc đạo. Nếu rẽ vào các làng chắc ghắn sẽ gặp chỗ đường cụt. Gã sẽ dại gì rẽ như vậy. Xe của gã lại là xe ga, không thể chạy nhanh khi lên dốc cao, cách phía trước một quãng không còn xa.. Trời đã nhám tối, gã không thể không bật đèn, Tuân tin mình sẽ đuổi kịp.
Mấy lít xăng số tiền không phải là nhiều, nhưng còn sĩ diện, lòng tự ái khi bị kẻ khác lừa trắng trợn. Tuân quyết đuổi bằng được, không để ý gì đến xung quanh, chỉ có mục tiêu trước mắt và chính Tuân cũng quên cả việc phải bật đèn..Bỗng một bóng đen từ trong ngõ vút ra.. Tuân chỉ nhớ được có thế rồi mê man bất tỉnh không biết gì nữa.

Sau này người ta kết luận nguyên nhân xe của Tuân bị một chiếc xe khác tông phải bánh trước khiến xe của anh văng vào mé đường bên kia. Cả tên mua xăng, cả kẻ gây tai nạn đều chạy thoát. Tuân nằm hết viện của tỉnh lại về viện trung ương. Vết thương do tai nạn khiến anh phải chịu khâu mười lăm mũi và hỏng con mắt trái.. Sức khỏe Tuân hồi phục dần. Cũng là lúc anh mỗi lúc thêm bi quan về thân phận mình. Rồi đây cuộc sống của anh sẽ ra sao với thân thể không còn như trước kia nữa? Thậm chí Tuân cũng không dám trách vì sao các lần đến thăm của Xuyến Chi với anh ngày thưa dần, rồi vắng hẳn!
Nói cho cùng tình yêu dù bay bổng, lãng mạn đến đâu cũng không vượt qua được thử thách ngặt nghèo thực tế mang lại. “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở” là câu vấn cho mọi mối tình không đi đến đâu. Tuân ra viện với một tâm trạng rã rời. Vết thương do vụ tai nạn sẽ không là gì so với vết thương lòng vô hình vô dạng Tuân vừa gặp phải. Không biết do tác động của một trong hai vết thương ấy khiến Tuân gần như mất hoàn toàn ý thức. Đôi khi mất cả cảm giác vui, buồn, nóng lạnh.
Những người hàng xóm thấy Tuân như kẻ tâm thần. Không dở hơi, dở người sao một chàng trai như anh lại đi chơi những trò trẻ con với đám lau nhau, lít nhít gần nhà? Có đêm bố Tuân tìm thấy Tuân ngủ ngon lành trên cái phản thịt bỏ không ngoài chợ?
Rồi đột nhiên mất tích. Bố mẹ Tuân nhờ người tìm, nhắn tin trên truyền hình hàng tháng trời không tăm tích. Hai ông bà thay nhau ốm cả năm trời. Ốm mãi rồi khỏi, trừ bố mẹ Tuân, với người trong thị trấn này quên dần sự có mặt của Tuân ở nơi này. Cuộc sống có nhiều điều phải lo, phải nghĩ, phải làm..Ai hơi đâu nghĩ mãi về chuyện này chuyện kia của người khác?
Chỉ những bạn bè của Tuân còn đôi khi nhắc nhở.Ai cũng tiếc cho chàng trai trẻ từng có thời là tấm gương cho lớp trẻ về sự gắng gỏi học tập, đầy hứa hẹn trong tương lai? Người ta lấy làm thắc mắc sao những người tử tế phân miêng hay gặp những điều tai vạ trong khi không ít kẻ lếu láo, ranh mãnh cơ hội lại may mắn lập thân? Thậm chí có kẻ chẳng ra gì lại mon men, len lỏi chỗ danh vọng, lợi quyền? Để rồi người ta đi đến kết luận câu nói cửa miệng:”Giời có mắt” là một sai lầm. Nếu quả thực giời có mắt thì ông ấy nhìn chỗ nào? Ông ấy nhìn đi đâu vậy?
*****
Từ khi có thủy điện Sông Đà, có thêm hồ du lịch trên con sông này, hồ Thác Bà trở nên nhỏ bé. Nó thiếu cảnh núi cao hùng vĩ của miền cực Tây tổ quốc với nguồn nước mênh mang như vô cùng vô tận, thiếu những vạt ngô vàng rực trải miên man chân núi nọ tiếp đỉnh núi kia của vùng sơn cước, thiếu những sản vật hiếm hoi mà chỉ có Mường La, Mai Châu mới có.. Lượng khách tới Thác Bà không còn đông đảo như ngày Xuyến Chi đến cùng với Tuân.
Nhưng cô chọn nơi này, vì ở đó cô có những kỷ niệm không thể quên, dù nó nằm sâu kín tự đáy lòng. Còn một lý do khác khiến Xuyến Chi không thích đến những nơi quá ồn ào, sôi động. Cô vừa trải qua cuộc hôn nhân tan vỡ. Bố vừa nhận quyết định nghỉ hưu. Cô cần nơi thoáng đãng, cần hơi thở nhẹ nhàng, khoáng đạt của thiên nhiên.. Đó là lý do vì sao kỳ nghỉ hè này Xuyến Chi chọn nơi này, nơi năm năm trước cô cùng người trai ấy đến đây.. Xuyến chi biết bố đang buồn. Ai trong tình cảnh ấy không hẫng hụt? Con người có một sai lầm cố ý không thể thay đổi được là ai cũng nghĩ vị trí quyền lực và bổng lộc là cái gì mãi mãi. Chẳng ai nghĩ nó cũng hữu hạn như đời người, có sinh ắt phải có diệt, có bắt đầu tất phải có kết thúc. Có ai trẻ mãi không già, nắm quyền lực mãi mãi được đâu? Ngay những vị hoàng đế, thủ túc ông ta ngày nào cũng tung hô “vạn tuế”, “Oan oan xuê” nhưng có ai sống quá trăm năm? Thậm chí có ông chưa được nửa cuộc, đã băng hà? Bạn của bố ông thì xin vào câu lạc bộ làm thơ, ông gia nhập hội đông y.. Chả biết các vị tìm được thú vui nào đấy bằng sức tàn, lực mọn, đầu óc thủ cựu, hạn chế của mình? Bố thì chưa tìm được hướng nào. Tốt nhất ông cứ nghỉ ngơi thanh thản. Không có hạnh phúc nào bằng sự thanh thản trong tâm hồn. Chẳng phải bận tâm lo toan vì bất cứ chuyện gì. Không cần ganh tị hay bon chen với bất cứ ai. Nhìn lên hay trông xuống cũng không còn là ứng xử hàng ngày. Tại sao bố không chọn?
Chính ông là người lèo lái để cô gặp cuộc hôn nhân tai hại vừa qua. Cô ân hận vì nó Tuân đã chịu một kết cục bi thảm mà cho đến giờ này chính anh không biết. Chồng cũ của cô sau bao phương cách không làm cô thay đổi tình cảm đối với Tuân, y đã tạo ra vụ tai nạn mà suýt nữa cướp đi mạng sống của người cô yêu. Nếu cô biết trước việc này, Xuyến Chi sẽ không bao giờ tha thứ cho hắn chứ đừng nói nhận lời kết hôn làm vợ hắn. Chỉ mãi sao này hắn trắng trợn, nghĩ cô không còn cách nào thay đổi, trong lúc say hắn mới huỵch toẹt nói ra chuyện này. Cô không còn cách nào khác cắn răng chịu đựng, không dám hé lộ điều bỉ ổi của hắn với ai. Kể cả cha mẹ mình. Nhưng hắn càng ngày càng quá. Cậy bố mình là người có thế lực, hắn hầu như chẳng biết sợ, biết e dè điều gì. Hắn mua nhà, sống với nhân tình nhởn nhơ trước mũi cô. Canh bạc triệu đô khiến hắn cháy túi. Hắn quay về muốn bán nhà.. Đến nước này Xuyến Chi không chịu đựng thêm được nữa..
Ông Tâm hồi còn sinh viên cũng đã có lần tham gia lao động ở công trình này. Khi đó nó đang là công trường đang thời kỳ xây dựng. Ông còn giữ nhiều kỷ niệm những ngày ở đây, nên khi con gái gợi ý ông bằng lòng ngay.
Để con gái đánh xe vào chỗ quy định của bến ca nô, ông dắt đứa cháu ngoại con cô ra ngoài chờ. Hai bố con và cháu gái lên chiếc du thuyền khá đẹp.
So với con thuyền Xuyến Chi và Tuân đi ngày nào, con thuyền này đẹp hơn hẳn. Thời nhôm nhoam, luộm thuộm kể như gần chấm dứt.
Du lịch đúng nghĩa của nó phải là đi chơi lịch sự, tao nhã, tiện nghi đủ hấp dẫn.

Chỉ có mặt nước xanh trong là vẫn thế. Thêm những phao xanh, đỏ báo hiệu trên mặt nước để báo hiệu luồng cho thuyền bè qua lại. Còn gió thì vẫn là gió tự do, phóng khoáng, cảm đạt như xưa. Một cảm giác lâng lâng làm Xuyến Chi cảm thấy thư thái. Cô quên dần ý nghĩ ảm đạm chợt đến trong lúc đi đường.
***
Hòn đảo năm nào khác đến nỗi Xuyến Chi không nhận ra. Lối đi không phải con dốc nhỏ  quanh co bằng đất, hai bên cây rậm um tùm. Nó được thay bằng con đường bê tông sạch sẽ có gờ chắn cỏ khá cao. Hai bên đường cây đã lớn. Có cây gần vòng tay ôm. Một không khí tĩnh mịch, yên ắng nếu không có tiếng chim líu ríu trên cành. Nó đã là nơi sinh vật cảnh chiếm chỗ đồi trọc trống trải năm nào.
Từng quãng, những khu vườn vuông vắn trồng cây đỗ trọng, đinh lăng, sâm nam, tam thất. Có nhiều thứ cây khác nữa mà cô không biết nó là cây gì.
Từ xa các dãy chồng quây lưới thép có lợp mái lá cọ, chắc chắn không phải để nuôi gà vì nom khác kiểu.
Không cần hỏi cô cũng biết nó dùng vào việc gì. Chính lý do đó đã làm ông Tâm muốn đến thăm hòn đảo này.
Khác với người đồng liêu khi về nghỉ hưu, ông muốn có một việc làm vừa để đỡ hẫng hụt khi dư thừa thời gian không biết dùng vào việc gì, vừa muốn có thêm thu nhập, dù cuộc sống của ông so với mọi người khá hơn rất nhiều.
Ông chúa ghét những anh nghỉ rồi, ngày ngày vẫn tò tò đến cơ quan, góp ý chỉ đạo cho thuộc cấp cũ điều này điều khác.
Anh em người ta nể, không nói ra, nhưng trong bụng chẳng ai muốn cái bóng của ông cứ trùm lên họ.
Tự do như một thuộc tính của con người - Không ai muốn nó bị ảnh hưởng đến tự do của mình khi có sự hiện diện của người sếp cũ.
Làm thơ, viết hồi ký với ông càng không muốn. Một đời công chức, nói là hy sinh phấn đấu cho sự nghiệp chung, thử hỏi mấy ai đã làm được những gì ích cho dân cho nước? Hay chỉ nói thế vì lợi ích của bản thân mình? Mà nếu có thì đâu có đáng kể? Viết về những cái chung chung, mòn cũ ông không hứng thú. Thiên hạ đã đủ khổ vì tật tự đề cao mình, tự lăng sê bản thân của một số háo danh, vớt vát quyền lực lấy viết lách làm công cụ. Ông chả thích xuất hiện ở cái “sân chơi” kỳ quái ấy.
Nên làm việc gì thiết thực, ít nhất có ý nghĩa cho bản thân.
Có người mách ông trại nuôi chó Ngao trong vùng hồ này.Ông muốn tới tận nơi xem có thể học hỏi điều gì đấy, vận dụng được cho mình. Nhưng ông không nghĩ lại bất ngờ gặp Tuân ở đây?
Anh cố gắng giữ vẻ thản nhiên trên nét mặt, nhưng nhìn kỹ rõ ràng Tuân đang rất xúc động. Vì chuyện đã qua, oán hận, hay ngỡ ngàng về cuộc viếng thăm bất ngờ này? Tuy vậy anh vẫn mời hai bố con Xuyến Chi và đứa vào căn phòng của mình. Đó là căn phòng bài trí đơn giản, nhưng ngăn nắp. Không có trang trí gì ngoài tủ sách kê ở góc phòng, gần chiếc bàn nhỏ, trên đặt chiếc đèn bàn. Cạnh đó chiếc máy vi tính đã cũ, nhìn qua bàn phím, con chuột là biết ngay nó không phải đời mới nhất.
- Em thật sự bất ngờ! Cứ nghĩ anh đi nước ngoài hay đi đâu xa lắm rồi. Có lần em lên nhà, hỏi, bố mẹ nói không biết anh ở đâu? Sao gần ngay đây mà chừng ấy năm anh không về nhà, cũng dấu không tin tức gì?
- Chuyện thì dài lắm. Để khi nào nói sau. Hôm nay Chi và bố đưa cháu sang đây có việc gì?
Cô có vẻ cụt hứng vì câu trả lời của Tuân. Lặng đi một lúc. Ông Tâm phải phá vỡ không khí trầm lặng:
- Được nghỉ mấy ngày. Tôi đưa cháu đi chơi. Nhân tiện muốn ghé thăm học hỏi kinh nghiệm nuôi chó Ngao..
- Cũng không có gì khó lắm. Tài liệu cháu cũng mày mò tìm được một ít. Chủ yếu phải chú ý quan sát. Giống này sống ở xứ xứ lạnh, sang ta phải có cách thuần hóa dần với khí hậu nóng ẩm của nước mình. Được cái nó là giống chó khôn, miễn dịch khá tốt ít nhiễm bệnh. Nhưng cơ bản là nguồn vốn. Nếu không có điều kiện thì đây là chỗ khó nhất..
- Tôi hiểu. Nếu có ít tiền thì nuôi ít, nhân giống dần lên. Cũng phải mấy chục triệu một con..
Xuyến Chi nghe thấy vậy, tròn mắt ngạc nhiên. Chả nhẽ bây giờ Tuân có bạc tỷ trong tay? Nhìn những chuồng chó ngoài kia với giá như vậy, cô biết anh đang nắm trong tay một tài sản lớn. Anh thành tỷ phú từ bao giờ vậy?
Tuân làm như không để ý đến tâm trạng này của cô. Anh vẫn mải mê nói chuyện về công việc nuôi giống chó lạ của mình. Ông Tâm cũng hào hứng chăm chú không kém. Hai người còn dắt nhau ra tận nơi thăm chuồng loài chó quý. Con gái cô cũng hăm hở chạy theo ông ngoại nghe những câu chuyện nó chưa được nghe thấy bao giờ.
Xuyến Chi chưa kịp hỏi ông chú Tuân trước ở đây giờ đã chuyển đi đâu? Cách nào đó ông đã chuyển cơ sở này cho anh cháu của mình? Cô biết đó là điều không nên hỏi. Mỗi người có một số phận, một câu chuyện đời khác nhau. Người ta không thể tùy tiện muốn hỏi lúc nào, như thế nào cũng được. Sớm muộn rồi mình cũng biết, không nên hỏi bây giờ. 
Một mình cô đi ngược chiều với nhóm của Tuân. Cô cứ theo lối sỏi lên trên đỉnh đổi. Từ đây nhìn ra, hồ như giống hơn, tĩnh lặng hơn. Thấp thoáng phía chân hòn đảo có bóng người. Một nhóm ba bốn cô gái còn rất trẻ, ăn mặc không giống người trong vùng. Họ là khách thăm quan, người làm ở đây, hay là ai khác? Trong số đó có ai cảm tình đặc biệt hay có quan hệ tình cảm với Tuân không?

Cuộc đời thật lạ. Chẳng có gì là ngẫu nhiêu cả. Mọi tình tiết, sự kiện như có sự sắp đạt có chủ ý của tạo hóa. Chẳng có gì vô tình!
Không hiểu tại sao, cảm giác của cô thật khó tả. Nó vừa nôn nao, vừa bồn chồn lại vừa hẫng hụt. Với cô lần gặp gỡ này cô không dám hy vọng nhiều.
Dù sao hai người ở đã cách nhau một khoảng khá xa.
Dù cô bây giờ là “người tự do”, nhưng dù sao cũng là gái có chồng, có con, còn anh vẫn một mình.
Có hy vọng cũng không đi tới đâu.
Nhưng biết đâu được? Cuộc sống vốn không có câu trả lời trước bất cứ chuyện gì.

Hồ nước mênh mang, Cô bất giác thở dài. Tiếng thở dài ấy mẹ vẫn bảo “con gái hay thở dài si tình là mệnh, và kết cục thường buồn khổ”.
Trước mặt người khác cô không bao giờ thở dài, để lộ ra như vậy. Nhưng giờ đây cô chỉ có một mình, có lỡ biểu hiện ra cũng chẳng sao. Nghĩ đến đấy, cô như người sực tỉnh, vội quay về.
Ông Tâm và Tuân đã ngồi uống nước được một lúc, còn cô con gái nhỏ của cô đang hí húi chơi đùa gì đó bên một gốc cây.
Thì ra nó bắt được vỏ con vòi voi đã lột xác. Nom bề ngoài hình hài con vòi voi như con vật đang còn sống, bám chắc vào vỏ cây..


========================

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: